Rối loạn đa nhân cách – Là bệnh hay sự tưởng tượng?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Rối loạn đa nhân cách, đây có phải là sự tưởng tượng hay là căn bệnh tâm thần phân liệt?

Tiểu thuyết “Hãy kể về giấc mơ của em”- tác giả Sidney Sheldon dựa trên những sự kiện của vụ án có thật kỳ lạ nhất thế giới. Ba con người khác nhau sống trong một cô gái Ashey Patterson ở những thời điểm khác nhau. Tuổi thơ của nàng thật bi thảm. Nàng bị cha đẻ xâm phạm thân thể từ năm lên sáu tuổi, bị mẹ ghét bỏ, luôn phải chứng kiến bố mẹ cãi vã bởi những lý do mà suốt đời nàng không hiểu. Vậy mà lớn lên nàng vẫn thông minh, xinh đẹp, hấp dẫn và đặc biệt là tấm lòng vị tha, tính nết dịu dàng…

Thế rồi một ngày, nàng phải ra đứng trước vành móng ngựa và bị kết tội hạ sát tới năm người đàn ông. Song, cuối cùng nàng vẫn được Toà tuyên trắng án vì bác sĩ tâm lý đã dùng thuật thôi miên chứng minh được nàng bị bệnh đa nhân cách (Multi Personality Disorder- MPD). Không phải nàng giết họ mà là những nhân cách khác của nàng đã làm việc đó, nàng không hề biết gì.

Ảnh minh họa

Thuyết đa nhân cách

Các nhà khoa học cho rằng, con người ngay từ khi sinh ra đã mang trong mình nhiều “mầm nhân cách” khác nhau, giống như mang nhiều hạt giống. Hạt giống nào phù hợp với cơ thể, điều kiện sống và giáo dục thì sẽ phát triển trở thành nhân cách của con người. Khi ấy, họ “bỏ quên” các nhân cách khác kém hoặc không phát triển. Tuy có quá trình “chọn lọc tự nhiên” tính cách như vậy nhưng những mầm nhân cách kia không bị mất đi hoàn toàn mà nấp ở đâu đó trong tiềm thức. Gặp được hoàn cảnh thích hợp, các nhân cách còn lại kia trỗi dậy, kiểm soát và đưa người ta vào chứng MPD.

Hiện tại có rất ít nghiên cứu về nguyên nhân của bệnh này. Một số giả thuyết được đưa ra là bệnh nhân từ thời thơ ấu bị ngược đãi, thiếu cha hoặc mẹ, sao lãng trong việc chăm sóc và bị tổn thương. Các yếu tố về thần kinh và gene như chấn thương não hay thiếu chất serotonin cũng được cho là một phần nguyên nhân. Bệnh này được nhận thấy ở những tù nhân- người có hành vi chống đối xã hội hay những người né tránh giao tiếp xã hội, ít bạn, hoặc những người ảo tưởng về danh vọng, sự nổi tiếng…

Theo cách phân loại bệnh tật quốc tế thì rối loạn nhân cách (RLNC) được chia thành 3 nhóm:

– Kỳ quái, lập dị: RLNC hoang tưởng; RLNC phân liệt; RLNC dạng phân liệt.

– Kịch tính, nhiều cảm xúc, bất định: RLNC chống đối xã hội; RLNC cảm xúc không ổn định, RLNC kịch tính, RLNC ái kỷ.

– Lo âu: RLNC tránh né; RLNC phụ thuộc, RLNC ám ảnh cưỡng chế.

Khoa học còn tranh cãi

Người bị bệnh có thể trải qua tình trạng đột ngột bị mất trí nhớ hoặc tự nhiên thay đổi hẳn về mặt bản chất. Con người thường “tự phân ly bản thân mình” khi đứng trước một hoàn cảnh gây stress quá sức chịu đựng. Khi đó ý thức sẽ được cách ly với những gì đau thương nhất, cả trong ký ức, suy nghĩ và cảm xúc. Người bệnh trở thành một người hoàn toàn mới lạ, không nhớ gì về bản thân mình.

Mặc dù những người được chẩn đoán là đa nhân cách thường không có hành vi bạo lực, nhưng cũng có những trường hợp nhân cách thứ hai với tính chất “xấu” sẽ tự do tung hoành mà trước đó đã bị ý thức ngăn cấm. Lúc này nhân cách “xấu” có thể giết người, tự tử, trộm cắp…. Theo các nhà y khoa, bệnh nhân MPD phải chịu những diễn biến tâm lý hết sức phức tạp. Họ bị hai hay nhiều nhân cách thay nhau kiểm soát và chi phối, thậm chí có người có cùng lúc tới 37 nhân cách khác nhau. Cá biệt có những người bị giằng xé cùng một lúc bởi hai nhân cách hoàn toàn trái ngược.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, căn bệnh đa nhân cách trên thực tế không tồn tại; bệnh là sản phẩm tưởng tượng của cả bệnh nhân và bác sĩ điều trị. Giáo sư P.Spanos nhận xét: “Người bị thôi miên sâu không hẳn là mất khả năng kiểm soát hành vi ứng xử nên vẫn có thể nói dối, nói thái quá hoặc bịa ra một câu chuyện để hình ảnh con người họ phù hợp với gợi ý của bác sĩ. Trường hợp này cũng giống như việc đa số chúng ta làm theo yêu cầu của nhân vật có quyền lực trong xã hội”.

Thực tế, có những vụ án, hung thủ lợi dụng căn bệnh này tự nhận mình bị đa nhân cách để thoát tội, nhưng qua những bài kiểm tra về tâm lý, họ bị lật tẩy là kẻ “siêu cuội. Điểm khác biệt đáng lưu ý là, trong một nghiên cứu của một số bác sĩ nhãn khoa, người ta nhận thấy rằng sự tinh tế về thị lực và sự cân bằng hoạt động của các cơ vận của mắt có thể bị thay đổi khi người bệnh bị chuyển đổi nhân cách. Những thay đổi này không xảy ra trong số những người đang cố giả vờ có tình trạng đa nhân cách.

Nhiều nơi trên thế giới vẫn lạ lùng với căn bệnh này, thậm chí ở Anh nó được coi là một “thói dở hơi theo kiểu Mỹ”. Theo một thống kê của Hội tâm thần Mỹ, có tới 1% dân số Mỹ có biểu hiện MPD và khoảng 20% bệnh nhân đang điều trị. Các nhà khoa học khuyên rằng, nếu bạn có một lối sống lành mạnh, nhân cách mạnh mẽ, biết tiếp nhận và xử lý thông tin một cách thông minh thì không bị những stress xã hội đẩy vào căn bệnh tâm thần đặc biệt này.

Theo Thùy Dương/Suckhoegiadinh.com.vn

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Rối loạn đa nhân cách – Là bệnh hay sự tưởng tượng? (https://www.meo.vn/roi-loan-da-nhan-cach-la-benh-hay-su-tuong-tuong.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *