Rậm lông ở phụ nữ, khi nào bất thường?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Mỗi người sinh ra đều có sự phát triển lông tóc theo kiểu gen di truyền. Nếu lông phát triển nhiều và sậm màu được gọi là rậm lông, đó là tình trạng lông quá mức ở một số phần cơ thể.

 

Ảnh minh họa.

 

Đây là triệu chứng gây khổ sở không những về thể hình mà còn về mặt tâm lý đối với phụ nữ. Cần phân biệt hai tình trạng khác nhau: chứng “rậm lông” tức lông xuất hiện ở những vùng khác thường trên cơ thể (giống như ở đàn ông) và tình trạng “lông nhiều” tức lông xuất hiện rậm ở vùng bình thường vốn có ở phụ nữ. Bình thường, phụ nữ có lông mọc ở tay chân là những lông thể hình không phụ thuộc hormone. Trong thực tế, việc phân biệt hai tình trạng trên đôi khi không dễ và các nhà chuyên môn phải dùng thang điểm Ferriman để đánh giá.

Dấu hiệu nhận ra chứng rậm lông ở phụ nữ là bất thường

Ở phụ nữ, khi xuất hiện lông ở một số vị trị khác thường (giống ở đàn ông) thì phải nghĩ đến chứng rậm lông và phải đến các chuyên gia xem xét. Chẳng hạn lông mọc nhiều ở mặt (cằm, mép trên môi trên, trên gò má), ngực, bụng (giữa rốn và xương mu), tầng sinh môn, mặt trong đùi. Bên cạnh những dấu hiệu rậm lông ở những vùng như nam giới còn có triệu chứng tăng hormone sinh dục nam là androgen: giọng nói trầm, cơ bắp phát triển (vai to), âm vật to ra, nổi mụn, trán hói, vú nhỏ, kinh nguyệt không đều, mất đi hình dáng của phái nữ. Đối với chứng rậm lông trong hội chứng Cushing sẽ gặp các triệu chứng: béo phì (đặc biệt là béo phì bụng), tăng huyết áp, đái tháo đường, da mỏng…

Phần lớn các trường hợp rậm lông ở nữ giới đều có khuynh hướng tăng hormone sinh dục nam là androgen (từ buồng trứng và tuyến thượng thận). Đa số không có nguyên nhân nghiêm trọng nào, nhiều trường hợp không thể xác đinh được lý do gây ra rậm lông (cũng không có tăng hormone). Ước tính có đến 8% phụ nữ Mỹ bị mắc chứng rậm lông, riêng ở Việt Nam chưa có thống kê chứng thức nhưng không phải là ít.

Người ta ghi nhân được một số nguyên nhân gây ra chứng rậm lông ở phụ nữ:

Hội chứng buồng trứng đa nang: đây là tình trạng gây ra bởi sự mất cân bằng hormone giới tính, bệnh nhân bị rối loạn kinh nguyệt, béo phì, vô sinh, có nhiều nang ở buồng trứng. Đây là nguyên nhân hay được xác định trên phụ nữ bị chứng rậm lông.

Khối u tuyến thương thận hoặc buồng trứng: là những khối u tăng tiết androgen.

Tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh: đây là tình trạng di truyền đặc trưng bởi sự sản xuất bất thường hormone steroid của tuyến thượng thận bao gồm cả cortisol lẫn androgen.

Hội chứng Cushing

Xảy ra khi bệnh nhân dùng thuốc cortisol liều cao và kéo dài làm ức chế tuyến thượng thận tiết ra cortisol (hormone giúp cơ thể chống lại stress). Sự tăng mức cortisol sẽ gây mất cân bằng hormone giới tính và gây ra rậm lông.

Kháng insulin nặng.

Thuốc làm tăng phát triển lông tóc: phenytoin, minoxidil, diazoid, cyclosporine, hexacklorobenzen, thuốc điều trị lạc nội mạc tử cung Danazol.

Ảnh minh họa.

 

Điều trị rậm lông theo nguyên nhân và chữa triệu chứng

Bất kỳ khi người phụ nữ nghi ngờ bị mắc chứng rậm lông đều phải đến khám chuyên khoa để xác định có bị không và loại trừ các nguyên nhân nếu trên. Các chuyên gia sẽ xem xét đánh giá theo thang điểm Ferriman (dưới hoặc bằng 10 điểm thì coi như bình thường), được làm các xét nghiệm định lượng hormone liên quan, siêu âm bụng, chụp cắt lớp điện toán (CT Scanner).

Nếu xác định khối u sản xuất androgen là lý do gây rậm lông thì phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u, nếu có liên quan đến việc dùng các thuốc gây rậm lông thì phải ngưng thuốc và thay thuốc khác.

Liệu pháp điều trị tại chỗ: dùng phương pháp điện phân để phá hủy các nang lông, tuy nhiên tác dụng phụ là làm trắng da vùng đó và có thể gây đau. Người ta cũng có thể dùng liệu pháp laser để phá hủy nang lông ( cũng có thể gây đỏ và sưng bỏng vùng da liên quan).

Liệu pháp điều trị nội khoa: dùng thuốc ngừa thai chứa hormone sinh dục nữ (estrogen và progestin) ức chế buồng trứng sản xuất androgen, dùng thuốc kháng androgen (spironolacton), dùng kem thoa mặt chứa eflornithin đối với lông mọc nhiều ở mặt để làm chậm mọc lông (tuy nhiên, ngưng thuốc thì lông sẽ mọc trở lại).

Liệu pháp chữa triệu chứng:

Nhổ lông: dùng nhíp nhổ lông nhưng chỉ thực hiện được khi có vài sợi nhưng đối với vùng rộng thì khó, hơn nữa một thời gian thì lông sẽ mọc lại.

Cạo lông: nhanh và không tốn kém nhưng phải làm liên tục và nếu làm nhiều lần thì lông sẽ càng lúc càng cứng.

Ảnh minh họa.

 

Wax lông: dùng sáp nóng đắp lên vùng da có nhiều lông, khi sáp cứng sẽ rút lông ra khỏi làn da. Đây là biện pháp rất hữu hiệu đối với phụ nữ nhưng đôi khi gây kích ứng da và mẩn đỏ da.

Hóa chất làm rụng lông: các hóa chất này bôi lên vùng da nhiều lông làm phá hủy các protein của lông. Tuy nhiên một số người bị dị ứng với các hóa chất trong thuốc rụng lông.

Tẩy trắng: thay vì loại bỏ lông người ta sử dụng kỹ thuật tẩy trắng tức làm cho lông gần giống với màu da để ít thấy lông hơn.

Dinh dưỡng hạn chế tình trạng rậm lông: thức ăn chứa kháng oxy hóa (hoa quả), tránh thực phẩm chế biến như bánh mì trắng, ăn ít thịt đỏ, ăn nhiều cá, không được uống rượu bia và hút thuốc lá, uống 6-8 ly nước lọc mỗi ngày, tập thể dục mỗi ngày 30 phút (5 ngày mỗi tuần), có thể dùng một số loại trà thảo dược để ức chế phát triển lông tóc ( chưa được chứng minh rõ ràng).

Meo.vn (Theo Thuốc & Sức khỏe)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Rậm lông ở phụ nữ, khi nào bất thường? (https://www.meo.vn/ram-long-o-phu-nu-khi-nao-bat-thuong.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *