Phòng chống và đối phó với ngộ độc thức ăn

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Trước một người có biểu hiện ngộ độc, còn tỉnh táo cần làm cho chất độc lẫn trong thức ăn đào thải ra ngoài càng nhanh càng tốt.

Xử trí thế nào?

Có thể bằng cách dùng hai ngón tay ngoáy họng hay dùng một thìa nhỏ đưa vào gốc lưỡi (cẩn thận tránh làm xây xát miệng) để gây nôn. Khi bệnh nhân nôn, để đầu cúi thấp hơn ngực nhằm tránh bị sặc vào phổi.

Trong trường hợp nếu biết chất độc là dầu hỏa, xăng, hóa chất trừ sâu, thuốc chuột... thì không nên gây nôn vì gây nôn sẽ có thể làm bệnh nhân hít chất độc vào phổi hoặc lên cơn co giật khi đang nôn.

Sau khi gây nôn nhanh chóng cho nạn nhân uống than hoạt tính: 20-30g nếu là người lớn, 5-10g đối với trẻ em. Than hoạt tính có tác dụng gắn giữ các chất độc không cho thấm vào máu.

Tiếp đó cho uống sulfate magnesium, sorbitol để tống chất độc và than hoạt qua đường phân. Phải cho bệnh nhân uống nhiều nước để than hoạt tính dễ dàng đi ra ngoài.

Lúc này bệnh nhân bị mất nước nghiêm trọng nên cần bù nước và điện giải cho bệnh nhân bằng cách cho uống dung dịch oresol hoặc nước cháo, nước cam, nước dừa, nhất là sau mỗi lần nôn hay đi ngoài.

Tiếp tục cho bệnh nhân ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu, nếu là trẻ nhỏ thì vẫn cho trẻ bú như bình thường. Nếu thấy bệnh nhân mất nước nặng, li bì, sốt cao, hay phân có máu thì phải đưa đến bệnh viện để được truyền dịch và điều trị kịp thời.

Phòng ngộ độc thức ăn

Để phòng ngộ độc, mọi người cần có ý thức giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, trong chế biến và kinh doanh thực phẩm. Hãy thực hiện tốt 8 điều sau:

1. Nên tìm hiểu kỹ những cây rau, các loại nấm, cá để phân biệt được loại không độc và loại độc. Tuyệt đối không ăn những thức ăn lạ.

2. Thực phẩm dùng để làm thức ăn phải được chọn lựa cẩn thận, phải tươi, không dập nát. Không ăn cá ươn, không hái nấm ở dọc đường hay trong rừng về ăn.

3. Chuẩn bị thức ăn kỹ: nấu chín, đun sôi, bỏ những phần nghi là gây độc (bỏ vỏ sắn và ngâm nước trước khi luộc, bỏ da, đầu, ruột, mật cá trước khi nấu...).

4. Giữ sạch bát, đĩa, xoong, nồi đựng thức ăn. Thức ăn nấu chín nên ăn ngay. Thức ăn không ăn hết cần đun lại rồi mới cất giữ trong tủ lạnh. Khi ăn lại vẫn phải đem đun sôi rồi mới ăn.

5. Diệt ruồi, gián, chuột..., tuyệt đối không để chúng tiếp xúc với thức ăn.

6. Quả, rau sống phải rửa sạch ngâm kỹ và gọt vỏ rồi mới ăn.

7. Không uống mật cá trắm, trôi, chép với mục đích chữa bệnh. Tuyệt đối không ăn cá nóc. Không uống bia, rượu nấu lậu.

8. Rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn, hay khi chuẩn bị chế biến thức ăn.

Theo Sức khỏe và Đời sống

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Phòng chống và đối phó với ngộ độc thức ăn (https://www.meo.vn/phong-chong-va-doi-pho-voi-ngo-doc-thuc-an.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *