Núm vú giả – lưu ý khi dùng và cách giúp con từ bỏ

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

 

Ảnh: Corbis.

(Webtretho) Quyết định có cho con ngậm núm vú (ti) giả hay không là hoàn toàn do bạn. Vì vậy bạn cần biết rõ vật dụng kinh điển này lợi hại thế nào đối với bé và cách nào để nói lời tạm biệt với nó khi không còn là “bạn tốt” của bé nữa.

Ưu & khuyết điểm của núm vú giả

Hầu hết các em bé đều có phản xạ bú mút rất mạnh mẽ. Một số bé thậm chí còn mút tay mút chân mình trước cả khi bé ra đời. Bên cạnh nhu cầu dinh dưỡng, động tác mút thường có tác dụng xoa dịu và trấn an bé. Đó chính là lý do mà nhiều phụ huynh đưa núm vú giả vào danh sách những đồ dùng buộc phải có cho bé, ngay sau tã bỉm và quần áo. Vậy thì núm vú giả thực sự có cần thiết đến vậy hay không? Câu trả lời kinh điển là cái gì cũng có mặt tốt và hạn chế, núm vú giả cũng không phải là ngoại lệ.

Mặt tốt

Đối với một số trẻ sơ sinh, núm vú giả đảm bảo sự hài lòng của bé giữa các cữ bú. Chúng ta có thể xem xét các ưu điểm của nó:

  • Xoa dịu khi bé quấy khóc. Một số bé tỏ ra hạnh phúc nhất khi đang mút một cái gì đó.
  • Tạm thời làm bé mất tập trung. Điều này rất hữu ích trong những tình huống ở bệnh viện, khi bé phải tiêm, trích máu hay đặt ống truyền.
  • Giúp làm bé buồn ngủ. Nếu em bé hơi khó ngủ, núm vú giả có thể là một cách để dỗ bé.
  • Giảm khó chịu cho bé khi đi máy bay. Núm vú giả có thể giúp giảm đau do thay đổi áp suất khi đi máy bay.
  • Giảm nguy cơ đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh.
  • Dễ dàng vứt đi khi cần chấm dứt thói quen ngậm ti. Nếu so với việc mút tay, cai ngậm ti giả là dễ dàng hơn vì bé không còn “công cụ” để mút nữa.

    Núm vú giả được cho là giảm nguy cơ đột tử trong lúc ngủ ở trẻ sơ sinh (SIDs). Ảnh: Corbis.

Bất lợi

Tất nhiên, cho bé ngậm núm vú giả cũng có những mặt trái của nó, dưới đây là các hạn chế:

  • Cho bé ngậm ti giả sớm có thể ảnh hưởng đến việc bú mẹ. Bú mẹ khác với bú bình hay ngậm núm vú giả và một số bé sơ sinh rất nhạy với các khác biệt này. Nghiên cứu cho thấy việc cho bé ngậm ti giả sớm có liên đới trong việc giảm thời gian cho bé bú mẹ hoàn toàn.
  • Bé có thể bị phụ thuộc vào ti giả. Nếu bé phải cần đến ti giả để ngủ, bạn có thể đối mặt với tình trạng nửa đêm quấy khóc do ti giả rơi ra trong lúc bé ngủ.
  • Núm vú giả có thể làm tăng nguy cơ viêm tai giữa. Dù vậy, tỉ lệ viêm tai giữa thường thấp nhất ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, trong khi đây là thời gian nguy cơ đột tử trong lúc ngủ là cao nhất và bé có thể hứng thú với núm vú giả nhất.
  • Thói quen ngậm ti giả quá lâu dẫn đến các vấn đề về răng. Dùng núm vú giả bình thường trong 1-2 năm đầu đời không làm ảnh hưởng đến răng bé về lâu dài. Tuy nhiên, việc ngậm ti giả quá lâu có thể khiến răng cửa hàm trên của bé bị nhô ra hoặc không ngay hàng thẳng lối.

Nên và không nên khi cho bé dùng núm vú giả

Nếu bạn quyết định cho con dùng núm vú giả, hãy lưu ý những điều sau:

  • Đợi đến khi bé đã bú mẹ ổn định. Hãy kiên nhẫn. Bạn có thể chỉ mất vài tuần để thiết lập thói quen bú mẹ cho bé. Nếu bạn cho bé bú mẹ hoàn toàn, các bác sĩ nhi khoa khuyên bạn nên cho bé dùng núm vú giả ít nhất là sau 4-6 tháng tuổi.
  • Không xem ti giả là giải pháp đầu tiên khi bé quấy khóc. Đôi khi, khẽ đu đưa hay đổi tư thế cũng có thể làm dịu bé. Chỉ cho bé ngậm ti giả sau hoặc giữa các cữ bú. Không được cho phép bé ngậm ti giả suốt cả ngày.
  • Nên chọn mua loại núm vú giả bằng silicon liền một khối để tránh nguy cơ hóc nếu bị đứt vỡ. Bạn nên dự phòng 1-2 chiếc cho bé để thay.
  • Đừng ép con ngậm ti. Nếu bé không thích núm vú giả khi bạn cho bé ngậm thử lần đầu, bạn có thể thử lại 1-2 lần hoặc từ bỏ luôn việc này. Và nếu núm vú giả rơi ra khi bé đang ngủ, đừng đút nó lại cho bé.
  • Giữ vệ sinh. Trước khi cho bé ngậm ti giả, hãy vệ sinh nó thật sạch sẽ. Em bé dưới 6 tháng tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, bạn cần luộc núm vú giả trước khi đưa nó cho bé. Với bé hơn 6 tháng tuổi. có thể rửa sạch núm vú với nước và xà phòng trước khi cho bé dùng. Tuyệt đối không làm sạch ti giả bằng cách cho vào miệng mình, cách này chỉ làm lây vi khuẩn từ miệng mẹ sang con mà thôi.
  • Không để bé ngậm núm vú giả đã áo đường.
  • Đảm bảo an toàn khi cho bé dùng ti giả. Hãy thay núm vú thường xuyên và chọn núm vú phù hợp với tuổi của bé. Nhớ kiểm tra núm vú thường xuyên để phát hiện hư hỏng. Đặc biệt, không bao giờ được xâu dây để đeo núm vú giả quanh cổ bé.

    Bạn không bao giờ được treo núm vú giả quanh cổ bé như thế này! Ảnh: Corbis.

Khi nào cần cai ti giả cho bé

Để giảm nguy cơ đột tử trong lúc ngủ, Viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo sử dụng núm vú giả vào giờ ngủ ban ngày hoặc giờ ngủ đêm cho đến khi bé được 1 tuổi. Dù vậy, những nguy cơ của núm vú giả bắt đầu lấn lướt lợi ích của nó khi bạn cho bé tiếp tục dùng ở độ tuổi lớn hơn. Hầu hết trẻ con sẽ bỏ núm vú giả vào khoảng 2-4 tuổi, nhưng một số bé sẽ cần được bố mẹ giúp mới có thể bỏ được thói quen này.

Tùy theo độ tuổi, một số hoạt động sau có thể giúp bé bỏ núm vú giả

Trẻ sơ sinh & dưới 1 tuổi: Quấn bọc, đu đưa, hát, nhạc êm dịu và mát-xa có thể là lựa chọn thay thế hiệu quả cho núm vú giả.

Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: Các hoạt động, đồ chơi và những món đồ thân thiết, như tấm chăn ghiền của bé, có thể đánh lạc hướng bé khỏi đòi hỏi núm vú giả.

Trẻ mẫu giáo trở lên: Bạn có thể xem xét ý tưởng tổ chức một nghi lễ tiễn biệt “người bạn” ti giả cho bé, hoặc chơi trò bán hàng để bé lấy núm vú giả của mình đổi lấy sách hoặc đồ chơi. Ngoài ra, bạn có thể nhờ nha sĩ giải thích cho bé hiểu vì sao con không được ngậm ti giả nữa.

>> Mời xem tiếp: Các “chiến thuật” giúp con cai ti giả.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Núm vú giả – lưu ý khi dùng và cách giúp con từ bỏ (https://www.meo.vn/num-vu-gia-luu-y-khi-dung-va-cach-giup-con-tu-bo.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *