‘Nóng’ hàng tiêu dùng nhiễm độc

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Năm 2010 đánh dấu nhiều vụ "bê bối" thực phẩm và hàng tiêu dùng chứa độc tố trên khắp thế giới, từ trứng gà Đức, cốc coca-cola Mỹ cho đến thủy tinh và đồ trang sức Trung Quốc.

Vừa qua, dư luận thế giới đã không ngừng xôn xao về một khối lượng thực phẩm khổng lồ bắt nguồn từ Đức có chứa độc tố dioxin đang được bày bán tràn lan tại các nước châu Âu và một số nước châu Á. Dioxin là sản phẩm từ các hoạt động công nghiệp và việc đốt rác thải, nó có thể gây ra sảy thai ở phụ nữ và nhiều vấn đề sức khỏe khác cho con người như ung thư hay gây hại cho hệ thống miễn dịch khi tiêu thụ ở mức cao trong thời gian dài.

Thực phẩm ‘bẩn’ lan từ Đông sang Tây

Công ty Harles und Jentzsch nằm ở miền Bắc Schleswig-Holstein, Đức, bị cáo buộc cung cấp hơn 3.000 tấn acid béo nhiễm độc vốn chỉ dùng trong công nghiệp cho khoảng 25 nhà sản xuất thức ăn động vật, gây quan ngại rằng lượng carcinogen này đã thâm nhập vào hệ thống phân phối thức ăn cho người tiêu dùng. 2.500 tấn trong số đó đã được chuyển đến Lower Saxony vào tháng 11 và 12 để sản xuất và sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi. Bộ Nông nghiệp Đức cho biết tính đến ngày 7/1, 18 trong tổng số 30 mẫu thức ăn gửi từ Harles und Jentzsch được thử nghiệm đã cho kết quả mức độ dioxin vượt quá mức tối đa cho phép 77 lần.

Ban đầu nhiều người cho rằng sự việc chỉ gói gọn trong vòng nước Đức, tuy nhiên trên thực tế các cuộc thử nghiệm từ tận tháng 3 năm ngoái đã cho thấy có hàm lượng cao dioxin trong thức ăn chăn nuôi, nhưng thông tin này không hề được tiết lộ cho đến cuối tháng 12/2010. Chính vì vậy, các sản phẩm từ thịt, trứng của Đức vẫn được xuất khẩu với số lượng lớn sang các nước khác, đặc biệt là các nước châu Âu như Hà Lan, Anh.

Các nhà khoa học đang tiến hành kiểm tra nồng độ dioxin trong trứng gà Đức.

Theo hãng tin BBC, hôm 10/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Đức Ilse Aigner cho biết, thiệt hại từ vụ này là “vô cùng, không chỉ về tài chính mà còn cả lòng tin của người tiêu dùng nữa”. Ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc, hiện Nga cũng đã tăng cường kiểm tra thịt nhập từ Đức, trong khi Slovakia đã ngưng bán trứng và thịt gà Đức.

Trước đó, tháng 3/2010, châu Mỹ được một phen “hú hồn” khi Cục Thanh tra Thực phẩm Canada (CFIA) thông báo có khoảng 50 công ty chế biến thực phẩm của nước này phải thu hồi các sản phẩm của mình vì đã sử dụng một chất bị nghi nhiễm khuẩn salmonella. Protein rau quả thủy phân (HVP) được sử dụng để tăng thêm mùi vị cho các loại thực phẩm chế biến sẵn đã bị phát hiện nhiễm khuẩn salmonella và dẫn tới việc thu hồi hơn 100 sản phẩm tại Mỹ và 9 sản phẩm tại Canada. Tất cả các chất HVP và những sản phẩm sử dụng HVP được sản xuất từ tháng 9/2009 đã bị thu hồi. Từ thời điểm đó đến nay, có hàng nghìn tấn HVP được nhập khẩu từ Mỹ vào Canada.

Ngay đến cả một nước có các quy định khắt khe về Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) như Mỹ cũng không tránh khỏi những “bê bối” về đồ ăn và nước uống nhiễm khuẩn. Hơn một thập kỷ qua, nước uống tại hàng ngàn trường học trên khắp nước Mỹ đã bị phát hiện chứa chì, thuốc bảo vệ thực vật và hàng chục độc tố khác với hàm lượng không an toàn. Đó là kết quả một cuộc khảo sát do hãng thông tấn AP thực hiện. Cuộc khảo sát cũng cho thấy, các chất nhiễm độc đã được tìm thấy tại các trường công và tư ở tất cả 50 bang, kể cả tại các thị trấn nhỏ và các thành phố lớn.

Nước nhiễm độc được phát hiện rõ nhất tại các trường có giếng nước riêng, chiếm 8% - 11% các trường học trên toàn quốc. Tại vành đai nông nghiệp của bang California, các giếng nước tại một số trường bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật nghiêm trọng tới nỗi học sinh phải tự mang theo nước uống vì lo sợ.

Học sinh tại California, Mỹ, phải uống nước nhiễm bẩn trong một thời gian dài.

Nhiều độc tố như chì, thuốc bảo vệ thực vật... cũng có thể được tìm thấy trong nước uống tại các hộ gia đình, văn phòng hay công ty. Tuy nhiên, các độc tố này đặc biệt nguy hiểm với trẻ em vì đối tượng này uống nhiều nước hơn so với người lớn và dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của nhiều độc tố nguy hiểm. Trong những năm gần đây, các học sinh tại một trường tiểu học ở bang Minnesota đã bị ốm sau khi uống phải nước nhiễm độc. Một nữ sinh tại thành phố Seattle cũng bị ốm vì lý do tương tự.

Hàng tiêu dùng liên tục "dính phốt"

Tháng 6/2010, tập đoàn McDonald phải thu hồi 12 triệu cốc thuỷ tinh in hình các nhân vật trong bộ phim hoạt hình nổi tiếng "Shrek", được bày bán tại chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của hãng trên toàn nước Mỹ, sau khi phát hiện chất độc cadmium trong những món đồ này. McDonald đã tự nguyện thu hồi các cốc thuỷ tinh nhiễm độc và tuyên bố cho đăng các hướng dẫn liên quan đến việc hoàn tiền cho khách hàng trên website của mình.

Uỷ ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ khuyến cáo, người tiêu dùng nên ngừng sử dụng các cốc "Shrek" chứa chất độc ngay lập tức vì "việc tiếp xúc thời gian dài với cadmium có thể gây những ảnh hưởng bất lợi tới sức khoẻ". Theo các nghiên cứu, cadmium là một chất gây ung thư và có thể làm mềm xương cũng như hại thận.

Gần đây nhất là vụ việc hãng nước giải khát Coca Cola công bố thu hồi 88.000 cốc do có chứa lượng chì lớn gấp 1.000 lần giới hạn cho phép của giới chức Mỹ đối với các sản phẩm dành cho trẻ em tháng 11/2010. Tuyên bố thu hồi được đưa ra sau khi kết quả xét nghiệm của hãng thông tấn AP cho thấy, lớp men tráng trang trí trên bộ cốc in hình siêu nhân và thầy phù thủy Oz, được sản xuất ở Trung Quốc và được mua ở một cửa hàng Warner Brothers Studios tại Burbank, chứa tới 16% và 30,2% chì. Trong khi đó, giới hạn cho phép đối với các sản phẩm trẻ em chỉ là 0,03%. Chì là chất kim loại độc có thể gây ra bệnh ung thư và làm tổn hại nghiêm trọng cho thận, phổi, ruột và xương.

Coca-cola tự nguyên thu hồi các cốc in hình hoạt hình có nhiễm chì vượt mức cho phép.

Ngay tại Việt Nam cũng đã phát hiện hàng loạt sản phẩm ly nhựa, ly thủy tinh, bình nhựa nhập khẩu từ Trung Quốc có chứa hàm lượng chì cao gấp hàng ngàn lần so với tiêu chuẩn. Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, có 10 mẫu cốc, ly nhựa, bình nhựa nhập khẩu từ Trung Quốc, mẫu lấy tại An Giang chứa hàm lượng chì cao hơn 1,2-2.192 lần tiêu chuẩn Việt Nam, chưa kể các chất độc hại khác. Điều nguy hiểm là sản phẩm có in hình các nhân vật hoạt hình hấp dẫn trẻ em, nhưng lại có khả năng làm giảm chỉ số thông minh của trẻ do lượng chất độc hại tồn dư rất cao trong sản phẩm.

Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ trang sức trẻ em xuất xứ Trung Quốc chứa độc được bày bán tràn lan trên thị trường Mỹ. Do trẻ em thường xuyên ngậm hoặc nhai đồ trang sức với hàm lượng cadmium cao, mà độc chất sẽ ngấm dần vào cơ thể trẻ. Để đo mức độ độc chất trong trang sức của trẻ em, AP đã tổ chức kiểm tra trong phòng thí nghiệm với 103 mẫu phẩm mua ở New York, Ohio, Texas và California. Kết quả là 12% mẫu phẩm trang sức chứa ít nhất 10% cadmium. Hàm lượng cadmium cao được phát hiện trong mặt dây chuyền thiết kế theo chủ đề phim "Công chúa và Chàng ếch".

Các loại trang sức Trung Quốc sử dụng nhiều chất cadmium khi sản xuất.


Kiểm soát chặt chẽ mặt hàng nhập khẩu

Trước hàng loạt vụ việc liên quan đến hàng hóa và thực phẩm nhập khẩu nhiễm “bẩn”, các nước đã có những biện pháp để “tự cứu mình”. Nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời bảo vệ ngành sản xuất và chế biến trong nước, Nhật Bản áp dụng Luật VSATTP, Luật Chống gây nhiễm và kiểm soát các loại dịch bệnh, Luật Ngoại thương và Ngoại hối, Luật Thương mại với những quy định chặt chẽ, chỉ cho phép nhập vào Nhật Bản những loại thực phẩm đảm bảo VSATTP. Những loại thực phẩm không được phép nhập vào Nhật Bản bao gồm: thực phẩm chứa các thành phần độc tố hoặc có hại, hoặc bị nghi vấn có chứa độc tố; thực phẩm bị thối rữa hoặc hư hỏng; thực phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn và đặc điểm kỹ thuật trong quá trình chế biến, công thức hoặc nguyên liệu chế biến; thực phẩm sử dụng chất phụ gia quá mức cho phép; thực phẩm không kèm theo các chứng từ chứng minh.

Một số mặt hàng thực phẩm còn phải đáp ứng đầy đủ các quy định kiểm tra nghiêm ngặt khác mới được nhập vào Nhật Bản như: không chứa các côn trùng gây bệnh hoặc có hại tới sức khỏe con người có trong thịt và cá tươi, các sản phẩm thịt chế biến như hamberger, xúc xích..., trái cây, rau quả hoặc ngũ cốc. Nước này còn quy định giấy phép nhập khẩu đối với một số loài cá đánh bắt tại các vùng duyên hải và rong biển ăn được. Ngoài ra, còn có một số ít các mặt hàng nằm trong diện quản lý nhập khẩu theo quy định của Luật Ngoại thương và Ngoại hối yêu cầu quota nhập khẩu, phải được đồng ý trước của Bộ trưởng phụ trách chuyên ngành. Các mặt hàng này bao gồm: cá đánh bắt ở vùng duyên hải Nhật Bản; con điệp (động vật có vỏ như trai, sò), mực ống; rong biển ăn được.

Cũng giống như Nhật Bản, Mỹ kiểm soát rất chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập khẩu. Để có thể đưa thực phẩm vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin trên nhãn mác về thành phần dinh dưỡng, nhà sản xuất phải ghi thêm hàm lượng axit béo chuyển hoá (TFA) ngay sau dòng về hàm lượng axít béo no (saturated) và chesterol. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về nhập khẩu thực phẩm, với những quy định chặt chẽ. Ngoài quy định của FDA, còn có các quy định riêng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Nghề cá Mỹ (NMFS) đối với một số mặt hàng nông, thủy sản. Cuối năm 2007, Tổng thống Mỹ còn ký một đạo luật quy định từ ngày 1/7/2012, tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Mỹ từ bất kỳ quốc gia nào đều phải được chiếu X-quang tại cảng trước khi hàng hoá xuống tàu nhằm đảm bảo VSATTP.

Nước láng giềng với Việt Nam là Thái Lan cũng có nhiều biện pháp tích cực nhằm hạn chế tối đa những vụ việc đáng tiếc do hàng tiêu dùng nhiễm độc mang lại. Theo ông Somchai, Phó văn phòng quốc gia về Tiêu chuẩn nông sản và thực phẩm, trước năm 2001, nông sản Thái Lan gặp phải những vấn đề như xu hướng bệnh do ngộ độc thực phẩm gia tăng; tranh chấp về an toàn thực phẩm và yêu cầu chất lượng trong thương mại thực phẩm; các luật và quy định kiểm soát thực phẩm không đồng bộ... Để đối phó với vấn đề này, Thái Lan đã đề ra chiến lược “Từ đồng ruộng tới bàn ăn”, thực hiện theo dõi các quy trình: nhập khẩu (kiểm tra đầu vào vật liệu thô, thực phẩm chế biến); sản xuất ngoài đồng ruộng (đăng ký, chứng nhận tiêu chuẩn, kiểm tra tại ruộng); thiết bị (kiểm tra, tư vấn, chứng nhận vật liệu thô và cây trồng); đầu ra (kiểm tra, chứng nhận hàng hoá); cuối cùng là thị trường (đàm phán nước ngoài, thận trọng trong nước).

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, Việt Nam không nhập khẩu thịt lợn từ Đức. “Với trứng gia cầm, Việt Nam không cho nhập khẩu mà chỉ cho nhập bột trứng để chế biến thực phẩm. Còn thịt, Việt Nam không nhập từ Đức, mà chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ, Australia, Brazil…”, một cán bộ Cục chăn nuôi, nói.

Ngoài ra, Việt Nam cũng chỉ nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ Đức mà không nhập thức ăn chăn nuôi thành phẩm. Trong khi đó, dioxin chỉ được phát hiện trong thức ăn chăn nuôi thành phẩm, có thể trong quá trình chế biến, nhà sản xuất đã thêm vào. Bởi vậy, có thể loại trừ khả năng thức ăn chăn nuôi trong nước nhiễm dioxin.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: ‘Nóng’ hàng tiêu dùng nhiễm độc (https://www.meo.vn/nong-hang-tieu-dung-nhiem-doc.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *