Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.
Thung lũng Đồng Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) nằm trên độ cao hơn 700m, quanh năm bị che phủ bởi sương mù và gió lào thổi mỗi khi hè tới. Khí hậu khắc nghiệt là vậy nhưng những con người nơi đây vẫn sống và trường tồn cùng những dãy núi. Nếu tính các cụ có tuổi đời trên 100 tuổi, Đồng Sơn hiện có 7 cụ, các cụ có tuổi từ 85 tuổi đổ lên hiện có 30 cụ, còn các cụ trong độ tuổi 70 thì có hàng trăm…
Nhiều cụ không tính được tuổi
Đồng Sơn là một xã nghèo nhất của huyện Tân Sơn. Hiện xã có hơn 4.300 ha diện tích đất tự nhiên, nhưng hơn nửa số đó là đất thuộc khoanh vùng của rừng Quốc gia Xuân Sơn và Công ty Tam Sơn. Xã chỉ còn một phần diện tích đất trồng rừng và trồng cây lương thực, nhưng do đất đai cằn cỗi chỉ canh tác mỗi năm 2 vụ, năng suất không cao. Ông Hà Trường Ngọt, chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã vẫn còn hơn 70% số hộ nghèo.
Điều kiện thời tiết nơi đây cũng rất khắc nghiệt. Mùa hè thì các đợt gió Lào phả sang mang theo hơi nóng, đến nỗi các cây cối bị táp nắng chết khô cả một vùng. Có năm nhiệt độ xuống tới 0 độ C, sáng dậy nhìn trên các mái nhà tranh tuyết trắng xóa, nước để ở chậu từ tối hôm trước đã đông cứng thành những tảng đá. Nhiều người ở xuôi lên thấy thế là lạ nhưng trên này là chuyện bình thường, từ các cháu nhỏ đến người già chỉ mặc phong phanh mảnh áo và làm việc như mọi ngày.
Nhưng điều mà ông Ngọt và người dân Đồng Sơn tự hào nhất là địa phương mình đang là nơi có số người thọ trên 100 tuổi nhiều nhất nước, được Trung ương Hội Người cao tuổi tặng cho nhiều lụa, nhiều kỷ niệm chương nhất trên cả nước. Cụ Hà Văn Nấng, phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đồng Sơn nói đùa với chúng tôi rằng: "Ôi chao, nếu tính người già ở đây chắc cả ngày không hết, nhiều cụ đến giờ không tính được tuổi nữa vì sống 2 thế kỷ, nhiều cụ bách niên giai lão sổ sách bị thất lạc, nếu còn lại cũng đã nhàu nát cả nên khó mà biết chính xác tuổi tác...".
Phóng viên nói chuyện với cụ Hà Thị Noi |
"Nghiện" cơm canh rau
Xóm Xuân Một, Xuân Hai, Mít Hai... đều là nơi có các cụ sống thọ nhất trong xã. Để lại đồ đạc tại xã chúng tôi xắn quần, đội mưa đi theo ông Nấng vào bản. Nhà cụ Hà Thị Noi chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 2km nhưng chúng tôi phải vượt qua đoạn đường lầy lội đất đỏ của dãy núi Cẩn và mất 2 giờ đồng hồ sau, chúng tôi mới đến được nhà cụ. Từ ngõ nhìn vào thấy một cụ bà tay cầm cuốc, đang miệt mài bên đám vườn.
Thấy có khách lạ vào nhà cụ ngừng tay chào mọi người rồi nói: "Các chú vào nhà xơi nước, chờ tôi một chút, còn vài cuốc nữa là xong thôi. Hôm nay bọn trẻ đi làm nương rẫy, tôi tranh thủ cuốc ít đất để trồng rau". Cụ Noi sinh được hai người con, người con trai mất từ nhỏ, cụ sống với con gái (năm nay hơn 60 tuổi). Khi hỏi tuổi cụ Noi các con cháu cụ đều không nhớ rõ, chỉ khi chúng tôi hỏi mọi người mới lật lại giấy tờ sổ sách đã mục nát, dòng chữ phai mờ. Cụ Noi sinh năm 1910, tức là năm nay cụ đã hơn 100 tuổi. Ông Nấng ồ lên: "Thế thì cụ Noi giờ là bậc "đắc đạo" nhất ở xã này rồi".
Cụ Noi vẫn còn minh mẫn lắm. Cụ kể cho chúng tôi nghe về thời thanh niên từng tham gia dân công, đi gánh gạo để tiếp tế cho bộ đội đánh thực dân Pháp. Mọi người dân bản đều thán phục bởi cụ có sức khoẻ phi thường, cụ từng vác hai bên vai mỗi bên 50kg gỗ từ trên đồi về nhà. Hiện cụ Noi ở với cháu ngoại nhưng theo phong tục người Mường thì gọi là cháu nội, vì cụ "đi bắt" con rể về cho con gái và ở luôn nhà mình.
Cụ thường không ăn sáng mà chỉ ăn vào 2 bữa chính, mỗi bữa ăn 2 bát cơm. Đặc biệt cụ chỉ "nghiện" cơm canh rau thôi, rất ít khi cụ ăn thịt. Vì theo cụ, ăn rau sẽ làm người mình trẻ lâu, chống chịu được các loại bệnh tật hơn. Thế nên con cháu hiếm khi nhìn thấy cụ bị ốm đau, cụ bảo từ nhỏ đến giờ chưa phải uống đến viên thuốc Tây nào. Hằng ngày, cụ Noi vẫn có thể làm được các công việc nặng nhọc như cuốc đất, chẻ củi và nấu cơm.
Nói về bí quyết sống lâu, khoẻ mạnh cụ Noi nhoẻn miệng cười: "Chả có bí quyết gì đâu, cái giống nhà tôi thọ lắm, bố mẹ tôi đều thọ trên 100 tuổi cả". Các con cháu cụ vẫn nghe kể ngày trước cụ Noi sống với 5 chị em dâu bên chồng mà mọi người vẫn chan hòa, không có lời ra tiếng vào. Từ nhỏ đến giờ mọi người ít thấy cụ bực tức với ai, từ công lớn việc nhỏ cụ cứ âm thầm làm. Cụ rất yêu văn nghệ, chả thế mà giờ khi cháu chắt bật nhạc karaoke lên hát cụ cũng ngồi ngâm nga.
Cuộc sống tinh thần thoải mái
Ấn tượng ban đầu chúng tôi gặp cụ Hà Thị Yên là sự trẻ trung đến kỳ lạ của người đàn bà đã sống xấp xỉ một thế kỷ. Mới nhìn cụ Yên chắc khó ai đoán nổi tuổi của cụ, bởi cụ có nước da trắng hồng, bước đi nhanh nhẹn như một phụ nữ trạc tuổi tứ tuần. Cụ Yên có một người con trai duy nhất tham gia kháng chiến chống Mỹ, hy sinh trong trận đánh Mậu Thân năm 1968.
Mãi năm 1996, khi cụ Yên nhận được hài cốt của con trai mình, cụ mới được Nhà nước công nhận là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Giờ cụ sống với người cháu nuôi của mình là chị Hà Thị Đới (năm nay 50 tuổi), mẹ chị Đới trước đây là con nuôi của cụ. Cụ Yên bảo, giờ cuộc sống đã thay đổi nhiều, trước cơm không có đủ mà ăn phải trộn thêm củ sắn củ mài lấy trên rừng về để ăn cho qua bữa.
Mới nhìn cụ Yên, chắc khó ai đoán nổi tuổi của cụ, bởi cụ có nước da trắng hồng, bước đi nhanh nhẹn như một phụ nữ trạc tuổi tứ tuần. |
Nói về bí quyết để sống lâu cụ Yên bật mí: Lứa tuổi chúng tôi ngày trẻ hay uống rượu ngâm thuốc Nam (người dân nơi đây gọi là thuốc khoẻ). Loại rượu này "pha chế" rất công phu, phải dùng lúa nếp vỏ đỏ, men phải làm từ rễ cây rừng như cây cỏ rích, mối rừng, nối côi... về luộc lên cùng với lá trầu không, riềng, ớt, rồi giã nhỏ làm men. Rượu này uống như bia, vừa ngọt vừa đậm, nhưng đã uống vào say cả ngày chưa chắc đã tỉnh.
Da dẻ tôi hồng hào thế này cũng nhờ lấy nước suối Bến Thân về nấu rượu uống, cũng là nước gia đình tôi sinh hoạt. Chị Đới bảo mỗi bữa cơm cụ Yên nhâm nhi 2 chén rượu, ăn hai bát cơm. Cụ Yên sống tình cảm lắm, ai đến nhà cụ cũng quý và bắt ở lại để cụ nấu cơm cho ăn bằng được. Cụ Yên vẫn dạy con cháu rằng phải sống chan hòa với mọi người, không gây thù oán với ai, đặc biệt có cuộc sống tinh thần thoải mái. Đó là "bí quyết" giúp cụ "bách niên giai lão".
- Mang theo một lọ tinh dầu thiên nhiên để phòng các bệnh dịch.
- Hãy để ý gài chốt an toàn và mở hé với chặn cửa móng ngựa cho thoáng.
- Nên đeo trên người món trang sức đá phong thuỷ để gặp may mắn.
- Tăng năng suất công việc gấp 3 tại Trello Việt Nam.
- Tìm hiểu và mua thiết bị y tế để kiểm tra sức khoẻ, test nhanh, đo huyết áp
- Tìm hiểu và mua thiết bị điện tại Hecico để có giá tốt nhất thị trường
Bài viết: Nơi nhiều người thọ trên 100 tuổi nhất Việt Nam (https://www.meo.vn/noi-nhieu-nguoi-tho-tren-100-tuoi-nhat-viet-nam.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.