Nổi mề đay mãn tính

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Từ vài tháng nay, cứ đến chiều tối là cháu gái của tôi (15 tuổi) lại bị nổi những cục to cỡ ngón tay và ngứa (dạng như mề đay) ở tay, chân và bụng, lưng (không nổi ở mặt).

Sáng ra thì các cục đó đều lặn hết, không để lại dấu hiệu gì. Nhưng đến chiều tối lại bị nổi ngứa như cũ. Tôi có nhiều lần mua thuốc dị ứng cho cháu uống, nhưng tình hình vẫn vậy. Về điều kiện khí hậu thì cháu ở Nha Trang, gần biển. Có lẽ là không phải do khí hậu, vì khi vào Sài Gòn chơi hè cháu vẫn bị.

Về ăn uống thì cháu chỉ ăn đồ ở nhà nấu, mua ở siêu thị rất sạch sẽ. Và những hôm không ăn tôm, cua, cá, mực, gà, vịt... vẫn bị nổi ngứa. Xin hỏi cháu tôi bị bệnh gì? Phải chữa trị như thế nào?(H.H)

Trả lời của Phòng mạch online:

- Theo như chị mô tả thì cháu bị bệnh mề đay. Đây là một bệnh dị ứng với biểu hiện là các mảng da đỏ phù nề, có hình dạng và kích thước thay đổi, có thể nổi ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể.

Mỗi tổn thương ở da tồn tại kéo dài từ 8-12g.

Có 2 dạng:

1. Mề đay cấp tính: Đợt bệnh kéo dài ít hơn sáu tuần. Nguyên nhân thường là do dị ứng với thuốc hoặc thức ăn (tôm cua, đậu, trứng, dâu, cà chua, chocolate, cá, trái cây họ chanh), nhiễm trùng (ký sinh trùng đường ruột, nhiễm nấm, viêm xoang, sâu răng).

2. Mề đay mãn tính: Đợt bệnh kéo dài nhiều hơn sáu tuần. Nguyên nhân chưa rõ nhưng có liên quan đến nhiều yếu tố thúc đẩy bệnh như thuốc, thực phẩm, phụ gia, phấn hoa, mạt bụi nhà, lông vật nuôi, nhiễm ký sinh trùng (ghẻ, giun). Thời gian trung bình của một đợt mề đay mãn tính là sáu tháng. Trong đó 50% trường hợp sẽ hết bệnh sau 1 năm, 20% trường hợp hết bệnh sau nhiều năm.

'Từ vài tháng nay bé bị nổi' tức là bé bị bệnh mề đay mãn tính. Việc chữa trị bệnh bao gồm hai yếu tố: phòng bệnh và điều trị các tổn thương da. Chúng ta cần lưu ý thực hiện tốt những việc sau đây:

· Tránh dùng một số thuốc như aspirin, thuốc kháng viêm; tránh ăn các thức ăn có chứa phụ gia, phẩm màu, đậu, đồ lên men (tương, mắm...), đồ biển, trứng.

· Vệ sinh môi trường sống, không nuôi vật nuôi hoặc trồng hoa, cây trong nhà.

· Dùng nước ấm, không dùng nước lạnh hoặc nóng.

· Chọn các sản phẩm tắm êm dịu da tức không chứa chất xà bông hay chất tẩy rửa.

· Tránh để hơi quạt hoặc máy lạnh thổi trực tiếp vào người.

· Sổ giun định kỳ.

· Khi cháu bị nổi tổn thương da thì có thể dùng thuốc kháng histamin uống như nhóm thuốc kháng histamin gây buồn ngủ nhưng có hiệu quả cao (chlorpheniramin, hydroxyzine, cyproheptadine…) hoặc nhóm thuốc kháng histamin không gây buồn ngủ (cetirizine, fexofenadine, loratadine…).

· Nếu bệnh không hết sau một tháng thì chị nên đưa cháu đến khám tại chuyên khoa Da liễu để có thể được điều trị bằng các thuốc tích cực hơn và được thực hiện một số xét nghiệm tầm soát để tìm các yếu tố thúc đẩy bệnh.

ThS BS. LÊ THÁI VÂN THANH

Giảng viên bộ môn Da liễu - BV Đại học Y Dược TP. HCM /Vietbao

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Nổi mề đay mãn tính (https://www.meo.vn/noi-me-day-man-tinh.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *