Những việc không nên làm khi cảm lạnh

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Để giải cảm, nhiều người quan niệm phải chà xát thật mạnh cho tới khi vùng cần đánh gió bầm tím lên thì mới tốt. Quan niệm này là sai lầm và vô tình gây nên xuất huyết dưới da

Cảm lạnh (hay còn gọi là nhiễm lạnh) là biến cố lạnh một phần hoặc toàn bộ cơ thể do tác dụng kéo dài của nhiệt độ dưới ngưỡng bình thường (-10°C đến 10°C). Ở trong môi trường lạnh thời gian dài sẽ làm cơ thể không điều chỉnh nhiệt được dẫn đến giảm nhiệt độ cơ thể.

Các nguyên nhân khác bao gồm quần áo ướt, không trùm đầu, mặc quần áo không đủ ấm trong mùa lạnh, rơi vào nước lạnh... làm thân nhiệt giảm xuống dưới 35°C.

Các triệu chứng khi cơ thể rơi vào tình trạng bị cảm lạnh: Rùng mình, nói líu nhíu, thở chậm một cách bất thường, da lạnh tái, mất phối hợp vận động, mệt ngủ lịm, lãnh đạm. Người lao động ngoài trời, người già, trẻ em, người gầy, trẻ sơ sinh là nhóm có nguy cơ bị nhiễm lạnh cao khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh.

Cố gắng làm ấm tay chân: Rất nguy hiểm

Khi thấy có người bị cảm lạnh, những việc cần nên làm ngay là gọi cấp cứu và  theo dõi nhịp thở, nếu có ngưng thở thì thực hiện hô hấp nhân tạo ngay; di chuyển bệnh nhân ra khỏi chỗ lạnh; nếu không thể mang vào nhà thì bảo vệ bệnh nhân tránh gió, phủ kín đầu; cởi bỏ quần áo ướt (nếu có).

- Không dùng nước nóng, miếng sinh nhiệt hoặc đèn tỏa nhiệt để làm ấm bệnh nhân, thay vào đó bằng áp gạc ấm vào cổ, thành ngực, háng.

Đánh gió giúp điều trị cảm lạnh nhưng nếu chà xát thật mạnh cho bầm tím lại là sai lầm. Ảnh: N.HỮU

- Đừng cố gắng làm ấm tay chân vì nhiệt sẽ đẩy máu lạnh về tim, phổi và não làm giảm nhiệt cơ thể tiếp tục nên có thể dẫn đến tử vong.

- Đừng cho bệnh nhân uống rượu.

- Đừng massage hoặc chà xát cho nạn nhân mà chỉ sơ cứu nhẹ nhàng vì bệnh nhân có nguy cơ ngưng tim.

3 biện pháp đề phòng hữu hiệu

1. Không ở lâu trong môi trường lạnh từ 15°C trở xuống. Khi nhiệt độ môi trường từ 10°C trở xuống không nên ra ngoài trời nếu không thật cần thiết.

2. Phải mặc ấm, đội mũ, đi găng, vớ đủ chống rét. Tuyệt đối không mặc quần áo ướt.

3. Ăn uống no và đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường các loại vitamin và khoáng chất để tăng cường chuyển hóa. Ăn uống các đồ ăn, thức uống có tính cay, nóng như thịt bò, thịt chó, thịt dê, gừng, ớt, hạt tiêu... để giữ ấm cơ thể

Đông y điều trị cảm lạnh

- Đánh gió: Mục đích là đem khí nóng vào cơ thể ngay trên kinh thái dương để cho thấm qua da. Vật liệu gồm 1 đồng xu tròn (hoặc 1 muỗng bằng kim loại cạnh tròn, không bén), 1 chai dầu (cù là, dầu nóng...). Có thể dùng 1 củ gừng tươi thay thế cho dầu.

Bắt đầu bôi dầu và dùng tay chà xát dọc hai bên cột sống, cổ, vai rồi dùng cạnh của đồng xu hoặc muỗng chà vào vùng đó theo chiều hướng lên hoặc xuống. Chà nhiều lần cho mặt da nóng lên. Thường chà cho đến khi cơ thể mất cảm giác ớn lạnh và đau nhức cổ gáy thì dừng.

Nhiều người quan niệm phải chà xát thật mạnh cho tới khi vùng đánh gió bầm tím lên thì mới tốt. Quan niệm này là sai lầm và vô tình đã gây nên xuất huyết dưới da do chà xát quá mạnh.

Nếu dùng củ gừng tươi thay thế dầu thì nên chọn củ to, rửa sạch, cho vào cối giã nhuyễn (cả vỏ), vắt nước cốt lên vùng cần đánh gió rồi dùng bã chà xát cho đến khi người nóng lên.

Dùng khăn khô lau sạch bã gừng. Vùng cơ thể được chà xát sẽ nóng ấm lên rất dễ chịu mà sau đó vùng da tại chỗ sẽ không bị lạnh như một vài loại dầu nóng khác.

- Cháo giải cảm: Nấu một chén cháo trắng loãng và thật nhuyễn, chuẩn bị sẵn lá tía tô, hành tăm, gừng để rửa sạch, thái nhỏ cho sẵn vào chén cùng chút muối ăn hoặc gia vị đủ dùng (nếu cần cho thêm 1 lòng đỏ trứng gà càng tốt).

Đun cháo sôi kỹ đổ vào rồi khuấy đều và ăn nóng. Khi ăn cúi đầu xuống để mũi hít hơi nóng và mùi tinh dầu của tía tô, hành, gừng sẽ có tác dụng chống xung huyết vùng mũi. Ăn xong trùm mền kín 10 đến 15 phút cho ra mồ hôi.

(Theo NLĐ)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Những việc không nên làm khi cảm lạnh (https://www.meo.vn/nhung-viec-khong-nen-lam-khi-cam-lanh.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *