Những thắc mắc thường gặp khi mang bầu

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Những thắc mắc thường gặp khi mang bầu

Ảnh: bp.blogspot.

Bạn chảy máu cam khi có thai? Đau lưng dữ dội? Bạn không biết nên ngủ tư thế nào hay có nên mổ đẻ không?... Các chuyên gia sẽ giải đáp cho bạn.

1. Tôi chưa bao giờ bị chảy máu cam trước khi có bầu. Nhưng giờ đây tôi rất hay bị. Tại sao vậy?

Mặc dù việc chảy máu ở bất cứ phần nào trên cơ thể bạn có thể là điều hết sức đáng ngại khi mang thai, nhưng riêng chảy máu mũi lại là chuyện bình thường với nhiều thai phụ. Cả thể tích máu và hàm lượng hoóc môn trong cơ thể bạn đều tăng lên, dẫn tới những thay đổi khắp cơ thể - thậm chí trong mũi! Màng nhầy trong mũi có thể trở nên phồng lên, khô đi và thậm chí chảy máu. Và bạn có thể bị sưng huyết hoặc chảy máu mũi.

Để giảm các triệu chứng khó chịu, bạn làm theo cách sau:

- Sử dụng thiết bị giữ ẩm

- Uống nhiều nước hơn mỗi ngày

- Bôi một chút vaselin quanh rìa hốc mũi

- Dùng nước muối dạng phun hoặc nhỏ

2. Tôi từng sinh mổ con đầu. Giờ mang thai lần hai, tôi muốn sinh thường. Điều đó có an toàn cho mẹ con tôi không?

Trước kia, những phụ nữ từng sinh mổ được khuyến cáo rằng họ sẽ tiếp tục phải sinh mổ trong tất cả các lần sinh tiếp theo. Nhưng giờ đây, việc sinh thường sau lần sinh mổ đầu tiên được xem là lựa chọn an toàn cho nhiều người. Thực tế, sinh thường sẽ ít có nguy cơ bị nhiễm trùng và bạn có thể về nhà sớm hơn, phục hồi nhanh hơn.

Lý do cho lần sinh mổ đầu tiên của bạn và kiểu rạch trên dạ con của bạn sẽ quyết định bạn có sinh thường lần tới hay không.

- Vết rạch nằm ngang và ở phần dưới, chỗ mỏng của tử cung. Nó được áp dụng trong hầu hết các ca sinh mổ, và nhờ thế sẽ thuận lợi hơn cho lần sau bạn muốn sinh thường.

- Nếu lần đầu vết rạch của bạn là thẳng đứng, thì lần sau đó sinh thường sẽ rất nguy hiểm, có thể gây bục tử cung. Kiểu mổ này thường chỉ dùng trong những ca khẩn cấp, vì nó cho phép tiếp cận em bé nhanh chóng.

Ngoài ra, nếu bạn từng mổ đẻ hơn một lần, thì không nên chọn giải pháp sinh thường nữa.

3. Tôi rất thích tắm nước nóng và ngâm mình trong bồn tắm. Giờ tôi có thai, điều đó có an toàn không?

- Nếu nhiệt độ cơ thể bạn lên quá 38,9 độ C sẽ làm tăng nguy cơ khuyết tật ống thần kinh của bé trong 3 tháng đầu tiên và mất nước về sau trong thai kỳ. Vì thế, cố gắng hạn chế những hoạt động có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, như: tắm hơi hoặc tắm bồn, tắm vòi sen bằng nước rất nóng, ra ngoài trong thời tiết rất nóng hoặc khi tập thể dục. Tốt nhất tắm trong bồn nước mát, hoặc hơi ấm. Đừng tập luyện quá mức để cơ thể bị quá nóng.

4. Tôi mang thai tháng thứ 7. Tôi nên ngủ tư thế nào ban đêm?

Nắm nghiêng, gối co lên có thể là tư thế ngủ tốt nhất. Nhiều bác sĩ đặc biệt khuyến cáo tư thế này để tăng lưu thông máu trong cơ thể. Nằm nghiêng bên trái sẽ giúp tử cung không chèn lên gan và tĩnh mạch lớn mang máu từ tim tới chân. Nếu bạn khó khăn khi nằm nghiêng, hãy xin ý kiến bác sĩ. Họ có thể cho bạn sử dụng một cái gối để hỗ trợ bạn nằm tư thế này.

5. Tôi mang thai tuần thứ 9. Sáng nào cũng nôn và thi thoảng còn vào tối nữa. Có cách nào chấm dứt tình trạng này không?

- Chán nản, nôn và buồn nôn là triệu chứng phổ biến của thời kỳ thai nghén, đặc biệt trong quý đầu tiên. Nếu các triệu chứng này vừa phải, bạn không có lý do để lo lắng. Nó sẽ hết hoặc giảm dần khi sang quý thứ hai (mặc dù có thể kéo dài hơn).

- Trong khi đó, bạn thử áp dụng một số cách sau để ngăn nôn mửa:

+ Loại bỏ những mùi có thể gây buồn nôn

+ Ăn vài chiếc bánh quy giòn hoặc lát bánh mỳ nướng khô trước khi ngồi dậy buổi sáng.

+ Ăn thường xuyên các bữa nhỏ để giúp dạ dày không bị rỗng

+ Tránh ăn các đồ béo, hoặc đồ chua nếu nó khiến bạn khó chịu

+ Ăn bất cứ thứ gì khiến bạn dễ chịu trong khi dạ dày đang nổi loạn

Nếu việc uống các loại vitamin trong thai kỳ khiến bạn buồn nôn, hãy nuốt nó với thức ăn thay vì khi dạ dày trống rỗng. Nếu cách này không có ích, hãy nói với bác sĩ để họ chuyển sang loại vitamin khác.

Nói với bác sĩ nếu tình trạng buồn nôn, nôn của bạn là nghiêm trọng, hoặc nếu bạn giảm cân vì nôn.

6. Tôi mang thai tháng thứ 7 và lưng tôi đau quá, làm thế nào để bớt đau?

Nhiều phụ nữ mang thai bị đau lưng khi bụng của họ to ra và các bó cơ cũng như cột sống phải kéo căng để mang thêm sức nặng. Thông thường, cơ thể tiết ra hoóc môn relaxin để chuẩn bị cho quá trình sinh em bé. Một trong những ảnh hưởng của relaxin là làm lỏng các dây chằng khắp cơ thể, khiến bà bầu kém ổn định hơn, và có xu hướng dễ bị thương, đặc biệt ở lưng.

Dưới đây là vài cách bạn có thể làm để giảm đau lưng:

- Đừng bê vật gì nặng hơn vài cân. Nếu phải nhấc vật nặng (hoặc em bé), hãy nhấc đúng cách. Đừng cong lưng, mà hãy khụy gối xuống.

- Đừng đi giày cao gót.

- Đừng đứng hoặc ngồi quá lâu.

- Chườm ấm lên chỗ đau.

- Đặt một cái gối nhỏ ở lưng bạn, và cố gắng ngồi thẳng.

Theo vnExpress

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Những thắc mắc thường gặp khi mang bầu (https://www.meo.vn/nhung-thac-mac-thuong-gap-khi-mang-bau.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *