Những rắc rối phổ biến ở chân

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Chân là bộ phận gánh vác những nhiệm vụ khá nặng nề: giúp cơ thể di chuyển và đứng vững trên mặt đất, gánh đỡ trọng lượng của toàn bộ cơ thể. Nhưng, thay vì được đối xử xứng đáng với giá trị sử dụng, chúng ta lại ít quan tâm đến sức khỏe của đôi chân mà ngược lại, còn bắt chúng phải mang thêm những đôi giày cao chót vót nhằm phục vụ cho nhu cầu làm đẹp.

Điều này cũng là nguyên nhân gây ra những tổn thương cho đôi bàn chân bé nhỏ, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cơ thể. Sau đây là một vài lời khuyên bổ ích cho những rắc rối thường gặp nhất ở bàn chân:

1. Nấm móng

Nếu móng chân bị ngả sang màu vàng, xuất hiện những vệt trắng hay có những mảnh vỡ ở bên dưới thì có khả năng chân bạn đã bị nhiễm nấm. Đây là một bệnh viêm nhiễm rất dễ lây lan, đặc biệt là khi bạn thường xuyên đi làm móng ở các tiệm nail hoặc tiệm uốc tóc - những nơi sử dụng dụng cụ làm móng chung cho nhiều người. Thông thường, bệnh nấm chân không gây đau. Việc mang giày hoặc chèn ép mạnh lên vùng bị nhiễm nấm có thể làm vùng da chân bị ngứa, rát. Nấm sẽ trú ngụ ở những nơi tối, ẩm và ấm. Để phòng bệnh, bạn nên chọn những đôi giày làm từ các chất liệu hút ẩm tốt và thoáng khí như da hoặc vải bạt; thay vớ thường xuyên, phơi giày và vớ ngoài trời ở chỗ thoáng để chúng khô hoàn toàn, đặc biệt là sau những lúc chơi thể thao hoặc hoạt động nặng.

Cách điều trị: Muốn giải quyết nấm móng, hãy cắt và giũa phần móng bị nấm, ngâm chân trong nước có pha vài giọt tinh dầu trà (đây là chất có công dụng chống nấm tự nhiên), sử dụng các loại thuốc thoa chống nấm nếu thấy cần thiết và vệ sinh kỹ phòng tắm để tẩy sạch nấm mốc còn bám lại trên các vật dụng vệ sinh cá nhân.

2. Đau gót chân

Thủ phạm lớn nhất gây ra các cơn đau gót chân chính là việc mang giày không phù hợp với hoạt động của cơ thể. Thí dụ: bạn mang đôi giày múa ba lê để tham gia vào chuyến đi dạo tham quan một cảnh đẹp suốt cả ngày thì gót chân sẽ không đủ khả năng để chống đỡ cơ thể trong khoảng thời gian quá dài, đau là điều đương nhiên.

Cách điều trị: Mang giày không phù hợp quá lâu sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đối với đôi chân. Do đó, cần thông minh trong việc chọn lựa giày. Để gót chân bớt đau, bạn có thể áp dụng biện pháp kéo dãn các cơ ở gót và chườm đá. Cách kéo dãn như sau: ngồi thẳng người, cố gắng đưa chân lên cao về phía mặt, càng đưa cao, các cơ càng được kéo dãn. Dùng chai nước đã được để đông chườm xung quanh phần gót cũng góp phần làm dịu cơn đau.

3. Phồng chân

Siết chặt chân trong đôi giày cao gót chật hẹp sẽ tạo sức ép lên cạnh chân và các ngón chân, làm cho các dây thần kinh giữa các ngón chân bị chèn ép, gây ra các vết phồng giộp, làm ngón chân bị ngứa rát và tê cứng.

Cách điều trị: Lựa chọn một đôi giày vừa vặn với chân sẽ giúp các ngón chân có không gian để “ngọ ngậy”. Độ cao lý tưởng cho một đôi giày cao gót là không quá 5cm. Một đôi giày cao vừa phải sẽ giúp đôi chân đứng vững vàng hơn trên mặt đất và không tạo ra quá nhiều sức ép lên bề mặt và các ngón chân.

4. Sưng phồng ở ngón chân

Nếu thường xuyên mang những đôi giày có mũi quá nhỏ hoặc quá chật, ngón chân cái của bạn sẽ bị sưng to và phồng lên (tương tự như bị viêm khớp), gây ảnh hưởng đến xương và các dây chằng.

Cách điều trị: Để ngăn ngừa sự sưng phồng cho ngón chân, bạn không nên mang giày có mũi quá hẹp, cần chọn những đôi có mũi rộng để các ngón chân có không gian co duỗi. Nếu đã bị sưng phồng ở ngón chân cái, có thể sử dụng miếng lót bằng chất dẻo để hạn chế sự tiếp xúc giữa ngón chân với giày. Trong trường hợp chỗ sưng bị đau và viêm nhiễm, hãy chườm nước đá vài lần trong ngày để vết sưng bớt phồng lên. Biện pháp duy nhất để giải quyết triệt để vết sưng phồng ở ngón chân chính là phẫu thuật. Do đó, khi cơn đau ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động hàng ngày, bạn cần đến bác sĩ để được khám và chọn lựa biện pháp điều trị phù hợp.

5. Chuột rút

Không giống như các bộ phận khác của cơ thể, các ngón chân không có độ mềm dẻo. Chính vì vậy, khi giữ nguyên tư thế trong thời gian dài, các cơ ở ngón sẽ căng ra và bị chuột rút. Bất kỳ lý do nào: một đôi giày mới, tập thể thao hay mất nước… đều có thể là nguyên nhân gây ra chứng chuột rút ở ngón chân.

Cách điều trị: Để giải quyết chứng bệnh khó chịu này, bạn cần duỗi thẳng đôi giày mới để chúng co giãn tốt hơn trước khi mang, khởi động các ngón chân trước khi bắt đầu tập luyện và nhớ uống thật nhiều nước. Khi có dấu hiện bị chuột rút, cần ngừng ngay mọi hoạt động, cởi giày và kéo dãn các cơ của ngón chân. Nếu vẫn tiếp tục hoạt động trong khi đang bị chuột rút, các cơ có thể bị xé rách.

6. Những vết chai ở chân

Khi da chân liên tục cọ sát với nhau hoặc tiếp xúc với da giày, các vết chai trên sẽ dần dần hình thành. Đây là lớp da chết rất dày và cứng. Vết chai thường xuất hiện phía trên hoặc ở giữa các ngón, lòng bàn chân và cạnh bên của chân.

Cách điều trị: Một cục đá bọt sẽ giúp bạn bào mòn lớp da chết này. Ngoài ra, bạn có thể dùng kem tẩy tế bào chết để lột dần các vết chai. Để phòng ngừa vết chai xuất hiện, bạn cần mang những đôi giày vừa vặn. Kích thước của bàn chân có thể thay đổi và to hơn trong quá trình mang thai hoặc do mắc một số căn bệnh, do đó, bạn nên chọn lựa giày vừa vặn với đôi chân ở từng thời điểm. Thời gian tốt nhất để đo kích cỡ của chân là buổi chiều tối. Luôn chọn mua đôi giày lớn hơn kích cỡ chân. Loại giày kín mũi sẽ giúp ngón chân dịch chuyển tốt hơn so với các đôi sandal hở mũi. Để hạn chế sự va chạm do giày không vừa với bàn chân, bạn có thể lót một miếng vải hoặc sử dụng miếng lót giày đặt vào chỗ bị ảnh hưởng. Nếu các vết chai khiến chân bị đau, bạn phải đến bác sĩ để phẫu thuật cắt bỏ phần da bị viêm nhiễm.

7. Đau phần gân nối bắp chân với gót chân

Nguyên nhân gây ra các cơn đau ở phần gân này có thể là do việc mang giày quá cao hoặc quá phẳng (các loại giày đế bằng). Khi chân tiếp xúc với mặt đất và gót chân không được nâng đỡ đúng cách, phần gân nối giữa bắp chân và ngón chân sẽ bị kéo căng để dồn trọng lực về phần gót chân. Dép xỏ ngón, giày búp bê hay các loại giày dép đế bằng có thể làm khu vực trung tâm này bị cong, gập hay xoắn lại nếu bạn thường xuyên mang các loại giày dép này trong một thời gian dài.

Cách điều trị: Để xoa dịu cơn đau và phòng chống viêm nhiễm, bạn cần phải nghỉ ngơi và chườm đá xung quanh phần gân đang bị đau.

8. Đau nhức vùng xương bàn chân

Mang một đôi dày có chất liệu quá cứng sẽ đẩy phần gân ở gót chân cọ xát mạnh vào giày, gây ra các vết sưng phồng trên chân. Về cơ bản, đây là sự vôi hóa xuất hiện khi phần gân gắn chặt vào vùng xương ở gót. Điều này có thể xuất phát từ việc tập thể thao, mang giày mới hoặc do tăng cân…, những nguyên nhân khiến cho khu vực này chịu nhiều sức ép hơn bình thường.

Cách điều trị: Khi cơn đau tấn công, bạn hãy kéo dãn phần phía sau của chân để làm dịu các gân và cơ. Một số loại thuốc kháng viêm như ibuprofen có thể giúp hạn chế sự viêm nhiễm và sưng tấy.

9. Tình trạng móng mọc ngược

Trái với quan niệm thông thường, tình trạng móng mọc ngược không phải là do móng mọc đâm vào da mà chính xác là da đã phát triển và che phủ cả móng. Hiện tượng này xảy ra khi bạn cắt móng quá ngắn, giũa móng quá tròn hay khi chân chịu quá nhiều sức ép từ giày. Khi chơi thể thao, bạn di chuyển thường xuyên, hay chạy và dừng đột ngột. Đây cũng là nguyên nhân khiến móng bị mọc ngược.

Cách điều trị: Ngâm châm trong chậu nước có pha muối để giúp các tế bào được thư giãn, làm giảm bớt tình trạng viêm nhiễm và giúp móng tách khỏi phần da chân một ít. Nếu khóe móng sưng to do bị nhiễm trùng, cần phải đến bác sĩ để lấy đi lớp da bên ngoài đã bao phủ móng. Cắt móng theo đường thẳng và không cắt quá sát vào phần rìa của móng là cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng móng mọc ngược.

10. Ngón chân khoằm xuống

Đây là tình trạng các khớp ở ngón chân bị cong (thường xảy ra ở ngón chân cái) và phần đầu ngón hướng về phía dưới đất. Hiện tượng này được giải thích là do các cơ điều khiển ngón chân bị mất cân bằng và đẩy ngón chân cong theo một tư thế kỳ quặc tại một hoặc nhiều khớp ngón chân. Nguyên nhân phổ biến nhất khiến ngón chân khoằm xuống là do giày quá chật. Ngoài ra, cũng có thể do di truyền.

Cách điều trị: Việc chữa ngón chân bị khoằm (bằng biện pháp phẫu thuật) là điều không cần thiết trừ khi chúng gây ra các cơn đau hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Để hạn chế tình trạng này, bạn cần tránh tạo sức ép lên các ngón, mang giày có mũi rộng để ngón chân được co duỗi thoải mái và dùng thuốc bôi giảm đau (như Salonpas gel) để làm dịu chỗ bị đau.

Ảnh minh họa: Thinkstock, Shutterstock, Getty Images

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Những rắc rối phổ biến ở chân (https://www.meo.vn/nhung-rac-roi-pho-bien-o-chan.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *