Những lỗi thường gặp khi tẩy tế bào chết cho da

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Tẩy tế bào chết là công đoạn cần thiết trong qui trình chăm sóc. Tuy nhiên, nếu không thực hiện đúng cách, việc tẩy tế bào chết thay vì mang đến nhiều lợi ích cho da lại trở thành nguyên nhân khiến da xấu xí dần đi. Hãy cùng nhận diện những lỗi thường gặp nhất khi tẩy tế bào chết cho da.

 1.    Tẩy tế bào chết quá nhiều

Đây là sai lầm thường gặp nhất khi tẩy tế bào chết cho da. Nếu sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào chết mỗi khi tắm, bạn đang lạm dụng chúng quá mức cần thiết. Điều này sẽ gây tổn hại cho da theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như tẩy tế bào chết cho da khô thường xuyên sẽ làm da càng khô hơn. Trường hợp tương tự cũng sẽ xảy ra đối với da dầu. Sai lầm này khiến “sức khỏe” của da ngày càng xấu đi. Nếu tẩy tế bào chết mỗi ngày, bạn đã tước đi cơ hội để da giữ được sự cân bằng.

Do đó, hãy hạn chế việc tẩy tế bào chết chỉ từ 1 đến 2 lần mỗi tuần. Cần chú ý quan sát xem tình trạng của da có được cải thiện hay không để có cách xử trí thích hợp.

2.    Không dưỡng dẩm sau khi tẩy tế bào chết

Chăm sóc da sau khi tẩy tế bào chết là bước không thể thiếu. Biện pháp lý tưởng nhất đó là dưỡng ẩm cho da ngay khi tẩy tế bào chết xong. Nếu không được dưỡng ẩm, da sẽ dễ bị kích ứng, “kém sắc” hẳn đi so với trước khi được tẩy tế bào chết. Bạn nên chọn loại kem dưỡng ẩm phù hợp với loại da của mình và thoa chúng lên da ngay khi tắm xong. Đây là cách giúp giữ lại lượng chất ẩm còn bám trên da khi lỗ chân lông vẫn còn nở to đồng thời còn góp phần làm dịu tình trạng da bị kích thích do quá trình chà xát khi tẩy tế bào chết.

3.    Tẩy tế bào chết khi da còn khô

Đừng bao giờ tẩy tế bào chết khi da vẫn còn khô. Ngoài những vật dụng cần thiết như bàn chải, bọt biển và sản phẩm tẩy tế bào chết, bạn còn cần có nước để làm mềm da. Việc chà xát khô chỉ có tác dụng khi bạn dùng đúng dụng cụ và chỉ thực hiện ở những vùng nhất định trên cơ thể. Không thực hiện việc tẩy khô trên da mặt. Chỉ cần làm ẩm da bằng nước trước khi tẩy tế bào chết, bạn sẽ hạn chế được nguy cơ da bị tổn thương, ngứa rát và phát ban.

4.    Chà xát quá mạnh tay

Bạn không cần phải dùng hết sức để chà xát thật mạnh nhằm “đánh bay mọi vết bẩn” trên da. Việc chà xát quá mức sẽ làm da bị tổn thương về lâu dài. Các sản phẩm tẩy tế bào chết chỉ phát huy được công dụng khi bạn thoa chúng lên da nhẹ nhàng. Đừng chà mạnh tay trên da mặt – nơi khá nhạy cảm với các tác động từ bên ngoài và những vùng da đang bị tổn thương. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là đẩy nhẹ các ngón tay theo những chuyển động tròn trên da.

5.    Sử dụng các thành phần quá gay gắt đối với da

Cần chú ý đến những thành phần có trong sản phẩm tẩy tế bào chết, đặc biệt là khi bạn đang sở hữu một làn da nhạy cảm, da dễ nổi mụn, da khô hay da dầu. Ngay cả đối với da bình thường, bạn cũng nên thận trọng khi chọn mua các sản phẩm tẩy tế bào chết phù hợp. Không cần phải sử dụng những thứ có chứa quá nhiều các hóa chất mạnh vì chúng sẽ gây tổn hại cho da theo thời gian. Nên hướng đến những sản phẩm có các thành phần được chiết xuất từ thiên nhiên, dịu nhẹ cho da.

6.    Chỉ tẩy tế bào chết trên mặt

Mặt không phải là khu vực duy nhất có các tế bào da chết, bụi bẩn… cần được làm sạch. Bạn phải tẩy tế bào chết toàn thân, đặc biệt là các vùng cổ, ngực, khuỷu tay, đầu gối và mắt cá chân. Tất cả những vùng da này sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ việc tẩy tế bào chết và chúng cũng không khác biệt gì so với vùng mặt, luôn cần được “cưng chiều” từ 1 đến 2 lần mỗi tuần.

Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là bạn phải sử dụng các dụng cụ và sản phẩm tẩy tế bào chết phù hợp cho từng vùng da trên cơ thể. Thí dụ, bạn không thể dùng đá bọt để làm sạch da chết trên mặt cũng như không thể thoa kem tẩy tế bào chết dành cho da mặt lên khuỷu tay được.

7.    Chọn thời điểm thích hợp

Sẽ có những thời điểm mà da không cần được tẩy sạch các tế bào chết và cũng có một số điều nên tránh sau khi đã tẩy tế bào chết trên da. Chẳng hạn như không tẩy tế bào chết khi da đang nổi quá nhiều mụn hoặc đang bị kích ứng, phát ban… bởi vì việc tẩy tế bào chết có thể khiến cho các rắc rối trên da trở nên trầm trọng hơn và làm bạn bị đau.

Bên cạnh đó, da chỉ cần được dưỡng ẩm bằng loại kem dưỡng phù hợp sau khi đã tẩy tế bào chết. Do đó, nếu muốn đắp mặt nạ, tẩy lông… bạn cần đợi cho da phục hồi hoàn toàn trước khi quyết định áp dụng các biện pháp chăm sóc khác cho da.

Cách chọn sản phẩm tẩy tế bào chết phù hợp với loại da

Khi chọn lựa sản phẩm tẩy tế bào chết, cần đảm bảo chúng phải phù hợp với loại da của mình. Đối với da dễ nhạy cảm hoặc bị dị ứng, phải chọn lựa kỹ hơn. Có rất nhiều loại sản phẩm tẩy tế bào chết nhưng chỉ phân làm ba nhóm: kem tẩy dạng hạt, dạng hóa chất và dạng enzyme.

•    Đối với da dầu: kem tẩy có chứa các hạt nhỏ sẽ lấy sạch tế bào chết khi bạn thoa chúng lên da. Đây là loại thích hợp cho da dầu vì chúng còn giúp tẩy sạch dầu thừa, bụi bẩn… một cách dễ dàng so với các loại sản phẩm tẩy tế bào chết khác.

•    Đối với da khô: hãy chọn kem tẩy dạng hóa chất có chứa chiết xuất từ trái cây như alpha hydroxy a-xít (AHAs). Chất này sẽ tẩy sạch các tế bào chết bằng cách xâm nhập sâu vào bên trong da và phân hủy chúng. Loại kem tẩy này là lựa chọn lý tưởng cho da khô vì chúng giúp da săn chắc và làm se khít lỗ chân lông.

•    Đối với da nhạy cảm: sản phẩm tẩy tế bào chết dạng enzyme được đánh giá là thích hợp cho da nhạy cảm vì chúng có chứa các chất từ tự nhiên dịu nhẹ cho da, giúp phân hủy tế bào chết từ bên trong cơ thể. Những sản phẩm có chứa chiết xuất từ đu đủ hoặc dứa khá an toàn và tốt cho da nhạy cảm.

Theo Phunuonline.com.vn

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Những lỗi thường gặp khi tẩy tế bào chết cho da (https://www.meo.vn/nhung-loi-thuong-gap-khi-tay-te-bao-chet-cho-da.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *