Những hải sản có thể gây chết người

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Thường sau khi ăn cá nóc độc từ 20 phút đến 3 giờ, nạn nhân bị tê môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay. Đôi lúc, có kèm đau đầu, đau bụng, đau cánh tay, đi đứng loạng choạng, nôn mửa dữ dội, rồi khó thở, hôn mê, hô hấp ngưng trệ… Nạn nhân có thể chết sau 1,5-8 giờ.

Gần đây, tại một số tỉnh duyên hải miền Trung đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc chết người do ăn cá nóc. Trong số nạn nhân có cả ngư dân, những người được xem là có 'thâm niên' ăn cua, cá biển. Những thông tin do chị Đỗ Tuyết Nga, cán bộ Viện Hải dương học (Nha Trang) cung cấp dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số sinh vật biển có khả năng gây ngộ độc cho người.

Cá nóc

- Rất dễ phân biệt cá này với các loại cá khác vì chúng có hình dáng đặc biệt: mình thể phình to như quả bóng, có gai, da dày và dễ lột.

- Tên cá nóc thường được đặt theo hình dáng bên ngoài như cá nóc hình cầu, cá nóc nhím, cá nóc gai, cá bống…

- Có ít nhất 40 loài cá nóc chứa độc tố. Độc tố này có thể do các loài vi khuẩn sống cộng sinh trong gan cá nóc tạo ra.

- Vào mùa cá nóc mang trứng, thịt cá ngon nhất nhưng hàm lượng độc tố cũng rất cao, có thể gây ngộ độc cho người.

- Trứng và gan cá nóc có chứa nhiều độc tố nhất.

- Độc tố cá nóc mạnh gấp 10.000 lần so với chất độc cyanide.

- Khoảng 2 g mô cá nóc độc cũng có thể giết chết người.

Hiện chưa có thuốc giải độc cho người ngộ độc cá nóc. Biện pháp cấp cứu ban đầu là hô hấp nhân tạo, sau đó chuyển ngay nạn nhân đến bệnh viện. Cũng có thể rửa dạ dày nạn nhân bằng than hoạt tính để loại bỏ thành phần độc tố còn sót và truyền dịch vào tĩnh mạch. An toàn nhất vẫn là không ăn cá nóc (tươi và khô) khi không biết rõ nguồn gốc và cách chế biến.

Cua biển

- Cua gây độc thường sống ở rạn san hô, đa số thuộc họ Xanthidae.

- Màu sắc bên ngoài của chúng rất đa dạng: xanh lá cây, trắng, nâu, vàng.

- Độc nhất là loài cua mặt quỷ.

Cua mặt quỷ.

- Độc tố của cua phân bố ở chân, càng, mai, thân và tập trung ở tuyến tiêu hoá. Độc tố có nguồn gốc từ bên ngoài và được tích luỹ trong suốt thời kỳ 'nở hoa' của tảo độc.

- Triệu chứng ngộ độc cua biển: Nạn nhân bị tê cứng môi và chân tay, dáng điệu lắc lư, nôn, đê mê, mất ngôn ngữ, khó thở, mất ý thức, suy hô hấp và có thể chết trong vòng 4-6 giờ sau khi ăn.

- Lời khuyên: Không nên ăn tất cả các loại cua thuộc họ Xanthidae. Cảnh báo du khách không nên ăn các loại cua bắt được ở rạn.

Các loài hai mảnh vỏ

Đa số các loài hai mảnh vỏ (vẹm xanh, điệp, sò, hàu, hến…) chỉ trở nên độc khi chúng tích luỹ trong cơ thể độc tố của loài tảo độc, nhất là vào thời kỳ tảo 'nở hoa'. Khi môi trường bị ô nhiễm vì sự 'nở hoa' này, các loài hai mảnh vỏ, với tập tính ăn lọc, sẽ tiêu thụ rất nhiều tảo độc. Chúng không bị chết mà trái lại sẽ tích luỹ độc tố của tảo trong cơ thể và gây ngộ độc cho người sử dụng.

Có nhiều dạng độc tố do các loài hai mảnh vỏ trung chuyển:

- Độc tố gây tê liệt: Sau khi ăn, trong vòng 30 phút, nạn nhân thấy ngứa, tê môi, cảm giác nghẹt thở… và có thể chết vì liệt cơ hô hấp trong vòng 2-24 giờ sau khi ăn.

- Độc tố gây tiêu chảy: Sau khi ăn, trong vòng 30 phút đến 12 giờ, nạn nhân bị tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa, đau vùng bụng…

- Độc tố gây mất trí nhớ: Sau 3-5 giờ kể từ khi ăn, nạn nhân buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy hoặc choáng váng, ảo giác lẫn lộn, mất trí nhớ tạm thời.

- Lời khuyên: Khi môi trường bị ô nhiễm do hiện tượng 'nở hoa' của tảo độc, không nên ăn những loài hai mảnh vỏ chưa được kiểm định độc tố.

Lời khuyên chung

Khi xảy ra ngộ độc những thức ăn trên, cần hô hấp nhân tạo cho nạn nhân và đưa ngay đến bệnh viện. Cần khai rõ với bác sĩ thức ăn gây ngộ độc, triệu chứng và tốt nhất nên giữ lại mẫu thức ăn.

Thanh Niên

Những tin tức liên quan

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Những hải sản có thể gây chết người (https://www.meo.vn/nhung-hai-san-co-the-gay-chet-nguoi.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *