Những điều nên và không nên khi bà bầu ăn Tết

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Phụ nữ mang bầu hiện nay thường có số tuổi lớn hơn trước đây khá nhiều, nên việc ăn uống, nhất là vào dịp Tết, cần thận trọng để tránh những điều không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.

Nên tránh

BS Nguyễn Ngọc Thông – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM cho biết: “Tâm lý vui ba ngày Tết cùng những lời mời mọc nài ép, thử món này, ăn thêm món nọ khiến đa số thai phụ ăn quá nhu cầu. Điều đáng ngại là món ăn ngày Tết liên quan nhiều đến các bệnh trong thai kỳ như tiểu đường, huyết áp… Vì thế, phụ nữ mang thai thừa cân cần lưu ý tiết chế”. Các món nên tránh gồm:

Mứt Tết là món hấp dẫn vì có nhiều vị từ chua ngọt như mứt me, mãng cầu đến cay, nồng, the, thơm như mứt gừng, mứt tắc… Với quan niệm mứt được làm từ trái cây nên các bà bầu thường ưu tiên dùng, nhất là lúc nhạt miệng, vui chuyện. Thế nhưng, điều cần biết là, tuy được làm từ trái cây nhưng mứt được tẩm ướp một lượng đường khá lớn (trung bình để làm 1kg trái cây mứt, cần từ 500g đến 800g đường). Ăn quá ngọt sẽ cung cấp nhiều calorie rỗng, không tốt cho sự phát triển của thai nhi, tình hình càng “căng” hơn khi thai phụ bị thừa cân. Chưa kể, hiện nay, để làm mứt, nhà sản xuất còn cho thêm một số hóa chất, màu, chất bảo quản… và trong quá trình xên mứt, việc vắt bỏ bớt nước cốt khiến cho mứt trái cây chỉ còn “xác phàm”, không còn các loại sinh tố khoáng chất mà cơ thể mẹ và thai nhi cần. Vì vậy, khi dùng mứt, chỉ nên nhâm nhi một ít.

Các món “lai rai” ngày xuân còn có: nem chua, tré, thịt nguội, giò mỡ, giò thủ, lạp xưởng, tôm khô, các loại dưa chua, củ kiệu… Các món này thường chứa nhiều muối, chất béo no, các chất tẩy trắng, hóa chất bảo quản… không tốt cho thai phụ. Vì thế, bà bầu không nên đụng đũa hoặc chỉ nên dùng một-hai lát lấy vị.

Các món “đến hẹn lại lên” ngày Tết còn có măng hầm chân giò, thịt kho… Đây là các món nhiều năng lượng nên chỉ phù hợp với thai phụ cần bồi dưỡng. Tuy nhiên, cần hạn chế dùng măng để phòng ngộ độc (nôn, đau bụng, đau đầu…). Khi nấu xong, nên cấp đông từng phần để dùng dần, tránh hâm tới hâm lui.

Nên ăn

Ngày Tết cũng có nhiều món ngon, bổ dưỡng mà bà bầu cần tận dụng.

- Các loại trái cây: Nên ăn đến đâu mua đến đó cho trái cây luôn tươi.

- Các loại hạt: Hạt dưa, hạt dẻ, hạt điều, hạt mè, đậu phộng, hạt sen, hạt bí… chứa nhiều vitamin B các loại, vitamin A, PP, và các khoáng chất can xi, sắt, kẽm, phốt pho, selen và axit amin, giúp cho tế bào não phát triển, tăng cường phát triển tư duy. Nên ăn các loại hạt này lúc trò chuyện cùng bạn bè thay cho các loại snack, bánh kẹo. Chỉ nên ăn các loại hạt luộc, hấp, rang, không ăn các loại tẩm bột chiên giòn hay rang mỡ, muối, vừa khó tiêu vừa nhiều chất béo và muối, là những thành phần không tốt cho thai phụ lớn tuổi.

- Món ăn Tết trong bữa chính nên ưu tiên chọn: gà luộc, canh khổ qua nhồi thịt, cá thu rim…

Trong trường hợp không có sự lựa chọn, phải ăn thịt kho trứng thì nên cuốn với bánh tráng rau sống, dưa leo, thơm…, chấm nước mắm chua ngọt để tăng cường sinh tố, chất xơ.

Theo Phunuonline.com.vn

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Những điều nên và không nên khi bà bầu ăn Tết (https://www.meo.vn/nhung-dieu-nen-va-khong-nen-khi-ba-bau-an-tet.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *