Những điều cần biết về sỏi đường tiết niệu

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Bệnh sỏi đường niệu được điều trị khá dễ dàng nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân khi đến bệnh viện đã ở trong tình trạng rất nặng, có người mắc bệnh đã 10-20 năm hoặc đã bị các biến chứng nặng nề như thận mủ, thận câm. Những trường hợp này khó chữa dứt điểm và rất tốn kém.

Sỏi đường tiết niệu là bệnh thường gặp nhất của hệ tiết niệu, trong đó, sỏi thận chiếm 40%. Thận là nơi bị nhiều sỏi nhất, cũng là nơi khởi phát của sỏi niệu quản, sỏi bàng quang. Thống kê tại Bệnh viện Bình Dân TP HCM và Bệnh viện Việt Đức Hà Nội cho thấy, số người mắc sỏi tiết niệu chiếm đến 22-38% tổng số bệnh nhân nằm tại khoa thận – tiết niệu.

Tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu thường cao ở xứ nóng. Khí hậu nắng nóng khiến mồ hôi ra nhiều, nếu không uống bù đủ nước, nước tiểu sẽ quá đậm đặc và kết sỏi. Ánh nắng gay gắt cũng khiến cho canxi được hấp thụ nhiều hơn qua máu và dẫn đến sỏi. Ngoài ra, sỏi đường niệu còn xuất hiện do các nguyên nhân sau:

- Từng mắc các bệnh lý về đường tiểu nhưng không điều trị từ đầu hoặc điều trị không dứt điểm.

- Nhiễm trùng đường tiểu do đặt ống thông trong bàng quang lâu ngày.

- Hay xúc động, lo sợ, băn khoăn.

- Phải nằm bất động lâu ngày (do bệnh tật) hoặc lười vận động.

Về bệnh học, có thể phân ra các loại sỏi như:

- Sỏi canxi:

Thường hình thành do tình trạng bão hòa canxi trong nước tiểu (do dùng nhiều vitamin D hoặc corticoid, nằm bất động lâu ngày, di căn của ung thư sang xương gây phá hủy xương). Canxi có thể kết hợp với axit oxalic hay axit phosphoric tạo thành sỏi oxalat canxi (loại sỏi chiếm tỷ lệ cao ở nước ta, thường gặp ở nam giới ngoài 30 tuổi).

- Sỏi axit uric:

Chủ yếu gặp ở nam giới, được tạo thành do hàm lượng purine tăng (do dùng nhiều lòng heo, lòng bò, thịt cá khô, mắm, do mắc bệnh gút hoặc ảnh hưởng của thuốc trị ung thư).

- Sỏi struvite:

Chủ yếu gặp ở giới nữ, được tạo thành do quá trình viêm nhiễm đường tiểu.

Nhiều trường hợp sỏi tiết niệu không có biểu hiện lâm sàng, chỉ được phát hiện một cách tình cờ khi khám bệnh khác. Những người khác có biểu hiện đau lưng hoặc đi tiểu ra máu (do sỏi kích thích và cọ xát lên niêm mạc, khiến niêm mạc chảy máu). Các cơn đau thận xuất hiện khi sỏi làm tắc nghẽn bể thận. Nếu sỏi làm cho thận bị chướng nước hoặc nhiễm trùng thì chức năng thận dần dần sẽ suy giảm. Nếu một quả thận bị sỏi thì thận bên kia có thể bị viêm ngược chiều.

Để phát hiện sớm sỏi thận, mỗi người đều có thể tự thực hiện nghiệm pháp cặn niệu động với các bước sau:

- 7 giờ sáng đi tiểu và lấy một ít nước tiểu (gọi mẫu này là NT1) đựng vào lọ sạch rồi đem đến cơ sở y tế gần nhất (có kính hiển vi) đề nghị xét nghiệm.

- Tập xen kẽ các động tác thể dục gồm: chạy tại chỗ 5 phút, đứng lên ngồi xuống 3 phút, gập người về trước rồi ưỡn người ra sau 3 phút.

- Sau khi tập, uống chừng 200 ml nước sôi để nguội hoặc trà loãng. Đến 9 giờ đi tiểu, bỏ. Uống tiếp 200 ml nước và giữ cho đến 11 giờ đi tiểu lại, lấy mẫu nước tiểu này (gọi là NT2) đưa tiếp tới cơ sở y tế. Chi phí chỉ mất 5.000 – 10.000 đồng.

Nếu kết quả xét nghiệm có cặn niệu động thì đã gần như chắc chắn bị sỏi niệu. Việc làm tiếp theo sau đó là thực hiện siêu âm hoặc X-quang để biết chính xác sỏi ở bộ phận nào của đường niệu và lớn bao nhiêu. Cần lưu ý:

- Có một số mẫu cho kết quả xét nghiệm âm tính và dương tính giả nhưng tỷ lệ rất thấp.

- Cần tập đúng động tác, tập dứt khoát và đủ mạnh, đủ thời gian.

- Có thể không cần bắt đầu đúng 7 giờ sáng nhưng phải đảm bảo thời gian giữa hai mẫu NT1 và NT2 cách nhau 4 giờ.

Tùy giai đoạn của bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp can thiệp.

Bác sĩ Đỗ Phú Đông thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, hiện chúng ta đã ứng dụng rất hiệu quả phương pháp phá sỏi ngoài cơ thể bằng nguyên lý phát sóng điện thủy lực. Phương pháp này an toàn, chi phí rẻ và bệnh nhân ít bị đau đớn. Không được áp dụng cho trẻ dưới 13 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người bị các bất thường về khung xương, người béo phì.

Việt Nam đã thực hiện được tất cả các phương pháp can thiệp ngoại khoa mà thế giới đang áp dụng, kể cả tán sỏi qua ngả nội soi. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên áp dụng khi điều trị nội khoa thất bại hoặc sỏi đã lớn, gây biến chứng. Theo bác sĩ Đông, đối tượng thực tế cần phải mổ chỉ chiếm khoảng 5% số người bệnh.

Ăn uống có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng ngừa và chữa trị sỏi đường tiết niệu.

Theo bác sĩ Nguyễn Phương Thượng Vũ (Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM), không nên lạm dụng các thức ăn, đồ uống có nhiều canxi (như một số loại sữa, tôm, cua, thịt… ). Một người khỏe mạnh nếu dùng nhiều thức ăn giàu canxi liên tục trong thời gian dài thì cơ thể sẽ mất cân bằng, thận không kịp đào thải lượng canxi thừa, gây ra sỏi. Nguy cơ này cao hơn nhiều ở những người sống trong vùng nắng nóng hoặc bị suy thận.

Bác sĩ Vũ cũng cho biết, có người cho rằng uống nhiều bia thì sỏi sẽ ra ngoài theo đường tiểu nhưng trên thực tế, điều này chỉ xảy ra khi sỏi nhỏ. Mà sỏi nhỏ thì chỉ cần uống tăng lượng nước trong ngày là đã tống ra được chứ không phải nhờ vào bia.

Người Lao Đông

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Những điều cần biết về sỏi đường tiết niệu (https://www.meo.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-soi-duong-tiet-nieu.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *