Những cách trang điểm đơn giản để nổi bật của Geisha Nhật Bản

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Cuộc sống của một Geisha có bao điều bí ẩn Geisha là ai, kỹ nữ hay người làm nghề cao quý?

Geisha, theo tiếng Nhật, có nghĩa là nghệ giả, gei là thuộc về nghệ thuật và sha là người, từ ghép geisha có nghĩa là người của nghệ thuật. Thực tế, Geisha là người phụ nữ có nghiệp vụ trong việc tiếp đãi, tiêu khiển khách hàng với nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn khác nhau tại các nhà chè gọi là Ochaya.

Họ được đào tạo nhiều kĩ năng truyền thống như múa cổ điển (nihon buyoh), hát, sử dụng các nhạc cụ Shamisen, cắm hoa (ikebana), thêu kimono, trà đạo (sadoh), thư pháp (shodoh), thơ ca, giao tiếp, phong cách hầu rượu và nhiều kĩ năng khác. Các kĩ năng này sẽ được tiếp tục học hỏi và hoàn thiện trong suốt cuộc đời của Geisha. Và một Geisha được đánh giá thành công trong nghề nghiệp phải thể hiện được vẻ đẹp, sự duyên dáng, tài năng nghệ sĩ, sức quyến rũ, nghi thức xã giao hoàn hảo, và sự tao nhã.

Nói tới những người phụ nữ có khuôn mặt đánh phấn dày trắng như tuyết, mắt và lông mày với hai sắc đỏ và đen, đôi môi chúm chím như cánh ong tô màu đỏ thẫm, người ta hình dung ngay ra gương mặt và cách trang điểm của maiko và geisha Nhật Bản.

Nguồn gốc của cách trang điểm mặt trắng trong văn hoá Nhật Bản vẫn còn gây tranh cãi. Nó được cho rằng vào thời phong kiến, nguồn gốc trang điểm mặt trắng xuất phát từ việc một du khách Nhật Bản trở về châu Âu với nhiều câu chuyện về những người đẹp 'mặt tái'. Người thì cho rằng, nó xuất phát từ Trung Quốc và được những người phụ nữ sinh sống trong cung cấp tiếp nhận. Nghiên cứu việc sử dụng nghệ thuật trang điểm mặt trắng trong lịch sử Nhật Bản có thể trở lại Thời đại Heian (794-1185), khi Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn từ văn hoá Trung Quốc.

Phụ nữ Kỷ nguyên Heian thường sử dụng bột gạo lẫn bột mỳ trộn vào nước thành một hỗn hợp hồ mỏng và bôi lên mặt như một lớp nền. Sau đó, họ tỉa lông mày bằng nhíp rồi sau đó kẻ một đường lông mày giả đậm, thẳng và dày cao trên trán.

Nước ép Hồng hoa còn gọi là sallflower (hay beni) được dùng để trang điểm cho đôi môi đỏ. Để tạo ấn tượng cho khuôn mặt, với sự tương phản giữa khuôn mặt trắng như tuyết, geisha sau đó còn nhuộm đen răng. Họ nhuộm răng bằng hỗn hợp sắt oxy hoà vào dung dịch acid. Hỗn hợp này cần sử dụng hai ngày mỗi lần nếu không răng sẽ trở lại màu trắng.

Tục nhuộm răng thẫm màu kết thúc vào Kỷ nguyên Meiji và giờ đây chỉ được sử dụng cho các diễn viên kịch kabuki và các maiko-san vào thời điểm một tuần trước khi họ trở thành geisha. Trang điểm Kỷ nguyên Heian thường được đánh giá là khá tao nhã và đẹp mắt, được các kỹ nữ hạng sang tiếp nhận với nỗ lực lưu giữ vẻ thanh tao và lãng mạn tuổi thanh xuân.

Khi một geisha bắt đầu trở nên nổi bật trong cộng đồng, họ phải giữ phong cách trang điểm 'thấp hơn' so với kỹ nữ hạng sang (gọi là oiran). Oiran là đẳng cấp cao nhất cao nhất trong hàng ngũ gái điếm, tạm gọi là gái điếm hạng sang. Geisha thường làm việc song song với oiran, nhưng luật của chính quyền không cho phép cạnh tranh lẫn nhau.

Nhầm lẫn giữa geisha và oiran xuất phát từ lính Mỹ đóng ở Nhật sau Thế chiến II. Khi trở về nước, lính Mỹ thêu dệt nhiều chuyện hoang đường về 'Gee-sha Girls', trong đó phần lớn không phải là chuyện thật về geisha mà chỉ là chuyện của các gái điếm mạo danh là 'geisha' để lừa gạt. Rất hiếm lính Mỹ có đủ tiền và dám chi để được gặp geisha thật.

Căn cứ trên lý thuyết mà nói thì hình dáng và trang phục giữa Maiko (người tập việc làm geisha), Geisha và Oiran rất khác nhau, không thể lầm lẫn được. Ví dụ: Oiran có kiểu tóc lạ lùng, sáng tạo và rực rỡ, rất khác với các kiểu tóc đơn giản của geisha như: Shimada-mage, Wareshinobu hay Ofuku. Về trang phục thì oiran thường mặc kimono được thêu đan cầu kỳ và có tới 3-5 lớp vải! Ngoài ra, họ còn trang điểm thêm các hộp nữ trang với các dây thắt diêm dúa.

Nói một cách đơn giản, khác với các kỹ nữ hạng sang, geisha trang điểm và phục sức nhẹ nhàng hơn.

Tuy nhiên, vượt qua sự hạn chế mà chính quyền áp đặt cho geisha, xu thế trang điểm của những 'nghệ giả' khiến họ trở thành những người thanh lịch hơn. Kiểu trang điểm nặng và dày của kỹ nữ hạng sang dần dần trở thành lỗi thời.

Theo thời gian, với những thay đổi trong xu thế thời trang, geisha dường như lại chấp nhận cách trang điểm trông giống như những kỹ nữ từng có thời theo đuổi. Ngày nay, một trong những đặc điểm dễ nhận thấy nhất ở họ, chính là trang phục kimono và kiểu tóc.

Nghệ thuật trang điểm của Geisha

Nghệ thuật trang điểm của geisha bản thân nó đã tạo ra sự hấp dẫn và trí tò mò muốn tìm hiểu, nó cũng tạp ra rất nhiều kiểu trang điểm của những người bắt chước một cách mù quáng trong văn hoá thời trang phương tây hiện nay. Không lâu sau khi tiểu thuyết 'Hồi ức một geisha' trở thành cuốn sách bán chạy nhất, dường như phương Tây đã trở nên 'sốt nóng' khi người người đều muốn vận dụng cách trang điểm với những màu nổi bật trắng, đỏ, đen như geisha sử dụng.

Người ta không thể quên hình ảnh siêu sao ca nhạc Madonna trình diễn trong trang phục 'geisha' với kiểu kimono cách điệu và trang điểm đậm. Thậm chí ngay cả những công ty trang điểm hay mỹ phẩm cũng vội vã chạy theo xu thế này. Tại Australia, có một thương hiệu trang điểm gọi là 'Poppy' – người tạo ra dòng trang điểm gọi là 'geisha'.

Dòng trang điểm này gồm chì kẻ môi, phấn côn (thứ phấn đen đánh mi mắt của người Ảrập) và bột làm trắng mặt dành cho những ai muốn mình giống như một geisha 'hiện đại' (dĩ nhiên là geisha kiêể này dễ dàng hơn nhiều so với những quy chuẩn thực tế). Tuy nhiên, cho dù kiểu bắt chước phong cách geisha thời hiện đại, cách trang điểm cũng tương đối bắt mắt, nhưng thành thực mà nói nó thực sự chỉ là cách mô phỏng một nghệ thuật xưa cũ mà thiếu đi sự hoàn hảo của một geisha đích thực.

Lúc bắt đầu sự nghiệp của mình, Maiko có lối trang điểm truyền thống bao gồm một lớp phấn nền dày, màu trắng với thỏi son màu đỏ và phần sắc đỏ và đen quanh mắt và lông mày. Trong giai đoạn khởi đầu, maiko sẽ được một 'người chị' gọi là okasan giúp đỡ phần trang điểm hoặc 'mẹ' (okami) của ngôi nhà mà geisha đang ở và tập sự. Dần dần, maiko sẽ tự trang điểm lấy cho bản thân.

Khi đã trở thành một geisha, cô gái sẽ tiếp tục theo lối trang điểm đậm tới khi chính thức làm nghề geisha trong ba năm. Hoàn tất giai đoạn này, cô sẽ được mang những bộ kimono đơn giản hơn, trang điểm nhẹ nhàng hơn và tóc bới thành búi nhỏ gọn ghẽ phía sau. Lý do của sự thay đổi này là vì, 'vẻ đẹp' giờ đây của cô gái đã trở nên thuần thục và 'gei' (nghệ thuật) đã chín muồi hơn hẳn bề ngoài. Với những thời điểm xuất hiện trang trọng và cần thể hiện các bài múa truyền thống, cô gái sẽ mang katsura (tóc giả) và trang điểm đậm hơn. Đối với các geisha trên ba mươi tuổi, việc trang điểm dày chỉ được thực hiện khi biểu diễn múa đặc biệt vì tính chất buổi diễn đòi hỏi như vậy.

Học tập cách trang điểm và nghệ thuật trang điểm của geisha là một tiến trình khổ luyện và tốn nhiều thời gian, nó thường dễ dàng khiến một maiko mới nản lòng khi cố gắng nhanh chóng đạt tới sự hoàn hảo.

Công việc trang điểm thường diễn ra trước khi mặc trang phục để tránh dây bẩn vào bộ kimono. Đầu tiên, một ít sáp ong hoặc dầu, được gọi là bintsuke-abura, được bôi lên da. Sáp hoặc dầu (tan chảy trong tay của geisha trước khi sử dụng) cũng sẽ được bôi nhẹ lên mặt, ngực, cổ và gay để giúp cho lớp phấn nền trắng được mịn màng, đều đặn.

Tiếp theo, phấn trắng được trộn với một ít nước để tạo thành một hỗn hợp sền sệt và được bôi lên mặt với một cây cọ được làm từ tre. Lớp phấn trắng này sẽ bao phủ khắp mặt, cổ, ngực và đôi bàn tay, và để lại hai hoặc ba vùng tối (vùng có dạng hình chữ 'W' hoặc 'V') bên trái gáy, để làm nhấn mạnh vùng gợi dục truyền thống, có chừa lại một đường viền không đánh xung quanh chân tóc, đường này tạo nên cảm giác 'mặt nạ' của khuôn mặt sau khi trang điểm.

Trước đây, việc sử dụng chì trắng cho khuôn mặt là khá phổ biến, nhưng ngày nay, người ta đã phát hiện ra rằng, nó chứa độc tố cao và có thể làm cho một số người phụ nữ ốm đau hay chết yểu nếu sử dụng.

Sau khi đã phủ xong lớp phấn nền, một miếng bọt biển sẽ được sử dụng để dặm cho phấn đều khắp mặt, cổ, ngực và gáy để làm mất độ ẩm dư thừa và lớp phấn được mịn.

Tiếp theo, phần mắt và lông mày được vẽ lại. Bút chì than truyền thống được sử dụng để vẽ mắt, nhưng ngày nay, người ta sử dụng các dụng cụ trang điểm hiện đại. Lông mày và các viền mắt được tô màu đen; một maiko thường tô một màu đỏ quanh mắt. Khi trang điểm cho mắt, geisha thường rất cẩn thận và vững tay. Một sai lầm nhỏ có thể khiến họ phải bắt đầu quá trình lại từ đầu.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là đôi môi. Người ta sử dụng một cây cọ nhỏ để tô đôi môi. Màu đỏ để tô lấy từ một ống nhỏ, màu có thể tan trong nước. Đường kết tinh sau đó được cho thêm vào để đôi môi được bóng hơn.

Những năm đầu tiên, Maiko thường dùng chút màu tô ở phần giữa môi dưới. Nguyên nhân bắt nguồn từ căn nguyên lịch sử, khi người Nhật Bản xa xưa thường coi đôi môi nhỏ mọng mới quyến rũ và hấp dẫn.

Sau giai đoạn đầu khởi nghiệp, Maiko bắt đầu tô màu đỏ ở môi trên, nhưng không bao giờ tô màu toàn bộ đôi môi. Khi trở thành geisha, họ tiếp tục tô cho môi nhỏ hơn. Cuối cùng, theo thời gian, cách trang điểm của geisha trở nên rõ ràng và sắc nét hơn, cô bắt đầu tô đỏ toàn bộ đôi môi.

Những năm trở lại đây, sự quan tâm ngày càng cao đối với geisha và ngoại hình đặc biệt của họ đã khơi lên nhiều hiện tượng văn hóa đại chúng ở cả Nhật Bản và phương Tây. Phong cách trang điểm 'kiểu geisha' đã được khởi xướng và theo đuổi sau thành công và sự nổi tiếng của tiểu thuyết 'Hồi ức của một geisha'.

(Theo 2sao)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Những cách trang điểm đơn giản để nổi bật của Geisha Nhật Bản (https://www.meo.vn/nhung-cach-trang-diem-don-gian-de-noi-bat-cua-geisha-nhat-ban.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *