Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.
(Webtretho) Trong số những “mốc phát triển” của con, có những điều thần diệu giúp cho cuộc đời làm cha mẹ của bạn dễ dàng hơn nhiều, nhưng cùng với đó cũng có những thử thách làm bạn đau hết cả đầu. Nhưng dù gì đi nữa, công việc của bạn vẫn là giúp chúng trôi qua một cách có ích nhất, vui vẻ nhất cho cả con và bạn.
Khi nghe đến “mốc phát triển”, hẳn bạn sẽ nhớ ngay đến những điều như tiếng khóc đầu tiên của con, nụ cười đầu tiên của con, bước đi đầu tiên của con, từ đầu tiên con nói được… Sau đó thì có lẽ ít khi bạn nghĩ đến, nhưng thật ra con vẫn đang còn nhiều thành tựu, nhiều “mốc” quan trọng lắm.
Hãy cùng Webtretho chuẩn bị sẵn sàng nhé!
5-6
Thay răng
Nhiều đứa trẻ bắt đầu thay răng khi mới lên 5; tuy nhiên không nhất thiết như vậy, mỗi nhà mỗi khác, mỗi người mỗi khác, có những đứa trẻ phải đến 7-8 tuổi mới thay răng sữa. Thứ tự răng thay cũng khác nhau, nhưng thông thường những chiếc răng cửa hàm trên sẽ rụng trước, sau đó đến răng cửa hàm dưới. Trong tầm tuổi này thể nào con cũng có những bức ảnh răng sún đáng yêu.
Con bạn có thể sẽ hí hửng khi rụng chiếc răng đầu tiên, đặc biệt nếu bạn của bé đã bắt đầu thay răng trước. Nhưng bên cạnh đó cũng có những đứa trẻ sẽ có chút khó chịu khi thấy một phần thân thiết của mình “lên đường” như thế. Một số khác còn có thể bối rối và lo lắng, bạn có thể sẽ thường phải nghe bé hỏi những câu như “Vì sao mãi mà răng mới không mọc lên hả mẹ?”
Khi này, bạn hãy trấn an con rằng răng mới sẽ mọc lên thôi, và đừng ngạc nhiên nếu con nói ngọng một chút: Việc mất răng này có thể tạm thời tác động đến vị trí lưỡi và cách phát âm của bé. Nếu răng mới mọc lên có dấu hiệu rõ ràng bị xiên xẹo không ngay hàng thẳng lối, hãy đưa bé đến nha sĩ để có cách khắc phục kịp thời. Thêm nữa, một vài cái răng sữa sẽ không tự rụng ra mà bạn cũng sẽ phải đưa con đến nha sĩ để nhổ. (Hãy trấn an con đừng lo lắng nhé.)
Chơi trò chơi/ các môn thể thao tập thể
Con của bạn không chỉ đã khỏe hơn, mạnh hơn, khả năng phối hợp tốt hơn, mà bé cũng đã trở nên khéo léo hơn khi tương tác nhóm. Theo bác sĩ nhi khoa Michael Wasserman tại New Orleans, “Bây giờ hầu như con bạn đã có thể giao tiếp tốt và làm theo hướng dẫn.” Thêm vào đó, bé đã luyện được một chút kiên nhẫn và có thể chơi thay phiên (thường là thế).
Nói cách khác, bé đã sẵn sàng cho các môn chơi tập thể! Miễn là chính bản thân bố mẹ khi ngồi bên ngoài cổ vũ không hành xử “như học sinh lớp 1″ và gây áp lực để con phải thắng, thì các trò chơi tập thể là một cách rất tốt để bé học được tinh thần thể thao, hợp tác và kiên nhẫn. Ban đầu bạn đừng trông đợi quá nhiều, vì thường thì trẻ nhỏ chưa thật sự hiểu được chúng phải hợp tác với nhau để được việc hơn; tuy vậy, thấy con mình tham gia trò chơi với bạn bè ở một mức độ mới, có tổ chức hơn cũng là điều thật tuyệt, đúng không nào?
7-8
Đi xe đạp
Đầu tiên, phạm vi di chuyển của con chỉ có thể từ tay mẹ sang tay bố, rồi con chập chững biết đi, rồi ngay cả khi có chiếc xe ba bánh thì… con có thể đi đến tận đâu với chiếc xe bé xíu ấy? Nhưng tất cả thay đổi một khi bé đã sẵn sàng chuyển sang giai đoạn xe đạp 2 bánh. Hầu hết trẻ nhỏ có thể xử lý được loại xe này (ban đầu có thể cần cả bánh phụ) sau khi vào cấp 1, khi đó các con đã có đủ sức mạnh, khả năng giữ thăng bằng và kiểm soát cơ bắp cần thiết.
Ban đầu con có thể rất hứng thú với một tốc độ mới. Trong khi đó, bạn, lại có được những kinh nghiệm độc đáo – vừa phấn khích vừa “kinh hãi”. Hãy đối mặt với nó: Thật đáng lo khi thấy con phóng vụt đi nhanh hơn tốc độ bạn có thể chạy đuổi theo, nhưng đừng tỏ ra quá sợ hãi mà ngay lập tức ngăn cấm con. Hãy thể hiện mình là một người mẹ tự hào, khen con (những điều có thể khen) rồi sau đó phân tích cho con hiểu việc gì nên làm, việc gì không. Và hãy cố chấp nhận một điều rằng ngay cả khi có tuân theo hết các quy tắc an toàn thì con bạn vẫn có thể ngã kềnh ra như thường. Hãy bước tới thật bình tĩnh thay vì chạy xô tới, hay kích động và quá lo lắng vì như thế sẽ làm bé sợ. Hãy cho bé thấy rằng bạn nhận biết được tai nạn đã xảy ra, bạn có mặt để quan tâm đến bé, giúp đỡ bé nhưng cũng để khích lệ bé giải quyết tình huống trong khả năng của mình.
Giúp việc vặt trong nhà
Chắc chắn cho đến giờ bé con đã là phụ tá đắc lực cho bạn rồi đúng không? Bé đã lăng xăng “dọn” giường, “quét” nhà, “nấu” cơm…?
Nhưng giờ đây, chỉ có một lý do để khoảng 7-8 tuổi lại tuyệt đến vậy: cuối cùng, con cũng có thể thực sự làm một số việc vặt. Không chỉ con đã đủ lớn để với lên kệ hay ngăn kéo, mà chúng cũng đã có khả năng để phân loại vì đã có khả năng phân biệt tốt. Bé đã có thể tự phân loại, sắp xếp đám đồ chơi hay đồ dùng học tập của mình, bé cũng đã có thể dọn giường, quét nhà, cho chó mèo ăn chẳng hạn.
Nếu con không tỏ vẻ tự giác thực hiện, bạn có thể “huých” bé một cái, nhưng trước đó hãy chuẩn bị cho bé cái nền để bé có thể thực hiện thành công; chẳng hạn như cho con chuẩn bị bữa sáng cho chính mình, nhưng trước đó thì chuẩn bị trước các nguyên liệu đơn giản trong tủ lạnh hay ở kệ nơi con dễ lấy. Dần dần thêm những việc vặt mới vào danh sách của con để con có thời gian để làm quen và làm tốt. Bằng sự kiên nhẫn của mình, bạn sẽ bớt được vai osin trong nhà và khỏe hơn nhiều đấy.
(Còn tiếp)
- Mang theo một lọ tinh dầu thiên nhiên để phòng các bệnh dịch.
- Hãy để ý gài chốt an toàn và mở hé với chặn cửa móng ngựa cho thoáng.
- Nên đeo trên người món trang sức đá phong thuỷ để gặp may mắn.
- Tăng năng suất công việc gấp 3 tại Trello Việt Nam.
- Tìm hiểu và mua thiết bị y tế để kiểm tra sức khoẻ, test nhanh, đo huyết áp
- Tìm hiểu và mua thiết bị điện tại Hecico để có giá tốt nhất thị trường
Bài viết: Những “bước ngoặt” của trẻ 5-8 tuổi (https://www.meo.vn/nhung-buoc-ngoat-cua-tre-5-8-tuoi.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.