Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.
Hơn 40 bệnh nhân mắc liên cầu lợn nhập viện tại BV Bệnh nhiệt đới TW từ đầu năm đến nay nhưng xem ra những cảnh báo về việc ăn tiết canh vẫn chưa trở thành nỗi sợ đối với một số người. Chỉ đến khi nhập viện với tình trạng suy đa phủ tạng, xuất huyết hoại tử, sốc nhiễm khuẩn... như trường hợp một bệnh nhân ở Hà Nội đang được điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TW gần 1 tháng nay, nhiều người mới giật mình...
Sướng miệng, khổ cái thân!
Đó là trường hợp của bệnh nhân Vũ Văn N., 47 tuổi, quê ở Phú Xuyên, hiện đang tạm trú và làm việc tại phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Anh này có một sở thích rất dân dã là món tiết canh, lòng lợn, đến mức gần như "nghiện". Hầu như tháng nào anh cũng phải làm vài bữa rượu với tiết canh. Thậm chí cả khi nghe báo đài nói có người ăn tiết canh bị mắc liên cầu lợn, anh vẫn chưa "ngấm" lắm bởi nghĩ rằng "mình ăn nhiều thế mà từ trước đến nay đã bao giờ bị cái bệnh như người ta nói đâu". Nhưng 'đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma!'. Khi các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực, BV Bệnh nhiệt đới TW tiếp nhận bệnh nhân Vũ Văn N. vào viện thì bệnh nhân đã sang ngày thứ hai của bệnh, trong tình trạng sốt liên tục, huyết áp tụt, đau đầu, buồn nôn, trên vùng da ở chân, tay đã xuất hiện các ban xuất huyết hoại tử, sốc nhiễm khuẩn... Ngay lập tức, các bác sĩ đã nghĩ ngay đến liên cầu khuẩn. Bệnh nhân được điều trị sốc nhiễm khuẩn, cấy máu để tìm vi khuẩn và hai ngày sau thì có kết luận chính xác là anh N. đã bị nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn. Lúc này, bệnh của anh N. vẫn có chiều hướng xấu đi, bệnh nhân bị rối loạn đông máu, suy đa tạng (suy gan, thận) nên phải lọc máu liên tục kết hợp với sử dụng kháng sinh và các loại thuốc đặc hiệu khác. BS. Nguyễn Liên Hà, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân N. cho biết, sau gần 1 tháng nằm viện, hiện giờ, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân này đã dần ổn định, chức năng gan đã hồi phục nhưng bệnh nhân vẫn phải tiếp tục lọc máu ngắt quãng để ổn định chức năng của thận.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn tại BV Bệnh nhiệt đới TW. Ảnh: Trần Minh
Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Điều trị tích cực, BV Bệnh nhiệt đới TW, hiện tại, ngoài bệnh nhân N. đang điều trị tại khoa, còn một số bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn khác cũng đang điều trị tại khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp nhưng bệnh cảnh nhẹ hơn so với bệnh nhân N. Tính chung từ đầu năm đến nay, BV đã ghi nhận rải rác hơn 40 ca nhiễm liên cầu lợn nhập viện.
Cũng theo BS. Cấp, trong số các bệnh nhân nhập viện do nhiễm liên cầu lợn trong năm 2007, có đến 60 - 70% bệnh nhân nhiễm bệnh có tiếp xúc với lợn ốm chết hoặc ăn thịt lợn chưa chế biến kỹ (bao gồm cả tiết canh, nem chua, nem chạo), trong đó có khoảng trên 30% bệnh nhân hay ăn tiết canh. Cũng theo BS. Cấp, rất khó khai thác việc lây nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn sang người ở từng bệnh nhân cụ thể là ở hoàn cảnh nào (do tiếp xúc, làm thịt lợn ốm chết hay do ăn thịt lợn chưa chế biến kỹ) bởi đa số bệnh nhân đều hiểu rằng ăn thịt lợn sống như tiết canh, nem chua thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh nhưng vẫn... cố tình ăn.
Người từng bị bệnh liên cầu khuẩn vẫn có thể tái nhiễm
Mặc dù ngành y tế đã cảnh báo rất nhiều về nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn khi tiếp xúc, giết mổ, chế biến và sử dụng thịt lợn bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng xem ra người dân vẫn cứ "điếc không sợ súng". Các bác sĩ cảnh báo, bình thường vi khuẩn này vẫn cư trú ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Khi mổ thịt, chế biến hoặc tiêu hủy lợn bệnh không đúng cách, không có bảo hộ lao động trong tình trạng tay chân có vết trầy xước, rồi thậm chí ăn các sản phẩm tươi sống từ lợn như tiết canh, lòng lợn, nem chạo... khi đó cơ thể người sẽ hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn.
Thức ăn đường phố không bảo đảm ATVSTP rất dễ gây bệnh đường tiêu hóa. Ảnh: Đức Anh
Bệnh do nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm. Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường có ba thể: thể viêm màng não giống như các viêm màng não mủ khác, thể nhiễm trùng huyết và thể thứ 3 là kết hợp cả hai. Bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhiễm trùng huyết thường rất nguy hiểm, dễ diễn tiến nhanh thành nhiễm độc toàn thân gây suy đa phủ tạng khiến cho việc điều trị khó khăn và kéo dài. Đặc biệt, người bị nhiễm liên cầu khuẩn đã được điều trị khỏi vẫn có thể bị tái nhiễm bởi việc điều trị bệnh không có nghĩa là để lại miên dịch lâu dài cho cơ thể.
Tại TP. HCM, ThS. Võ Minh Quang, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, BV đã tiếp nhận 38 ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn vào điều trị trong tình trạng viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Riêng trong tháng 8, số ca bệnh tăng đột biến lên 11 ca. Các ca bệnh nhập viện đa phần là do tiếp xúc với lợn mang bệnh và ăn tiết canh, thịt lợn chưa được loại bỏ hết mầm bệnh. Bệnh nhân chủ yếu được chuyển viện từ các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tiền Giang, Long An hay khu vực Đăk Lăk, Bình Thuận, Quảng Ngãi… nhưng tháng nào cũng có 1 bệnh nhân tại TP.HCM. Thời điểm hiện tại, các ca bệnh đều được xuất viện nhưng liên tiếp trong ba tháng 8 - 9 và tháng 10 đều có những ca biến chứng nặng thêm, không thể tiếp tục điều trị do nhập viện quá muộn, tình trạng biến chứng nặng nề do nhiễm trùng huyết và viêm màng não mủ.
Tuân Nguyễn
Mai Phương
(suckhoe&doisong)
- Mang theo một lọ tinh dầu thiên nhiên để phòng các bệnh dịch.
- Hãy để ý gài chốt an toàn và mở hé với chặn cửa móng ngựa cho thoáng.
- Nên đeo trên người món trang sức đá phong thuỷ để gặp may mắn.
- Tăng năng suất công việc gấp 3 tại Trello Việt Nam.
- Tìm hiểu và mua thiết bị y tế để kiểm tra sức khoẻ, test nhanh, đo huyết áp
- Tìm hiểu và mua thiết bị điện tại Hecico để có giá tốt nhất thị trường
Bài viết: Nhiều bệnh nhân nhập viện do nhiễm liên cầu lợn: ‘Vạ’ từ miệng (https://www.meo.vn/nhieu-benh-nhan-nhap-vien-do-nhiem-lien-cau-lon-va-tu-mieng.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.