Ngồi nhiều, chân có bị sưng không?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Tôi làm nhân viên thâu ngân, thường ngồi làm việc liên tục nhiều giờ và cũng không có thời gian tập thể dục. Gần đây, tôi thấy chân mình bị sưng phù và đau. Tôi có bị bệnh gì không? Có phải do ngồi nhiều mà chân bị sưng?

Thu Nhi (Q.Thủ Đức, TP.HCM)

Ảnh minh họa: internet

ThS-BS Nguyễn Văn Việt Thành, Bộ môn Ngoại tổng quát, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tư vấn

: Theo miêu tả, nhiều khả năng bạn đã bị mắc bệnh lý huyết khối tĩnh mạch sâu (HKTMS). Bạn cần nhanh chóng đi khám ở các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.

Có thể hiểu nôm na bệnh lý HKTMS là tình trạng hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch ở cẳng chân, khoeo, đùi, chậu, tĩnh mạch chủ dưới. Ban đầu, cục máu này sẽ bám vào thành tĩnh mạch. Khi nó bong ra và lăn theo lòng tĩnh mạch có thể làm tắc nghẽn dòng máu một phần hoặc hoàn toàn. Bệnh có thể gây nên những biến chứng vô cùng nguy hiểm như thuyên tắc phổi hoặc suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính. HKTMS có nhiều nguy cơ gây suy tĩnh mạch và ngược lại, khi bị suy tĩnh mạch cũng dễ dẫn đến bệnh HKTMS.

Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh HKTMS cao gấp khoảng ba lần so với nam giới và tăng dần theo độ tuổi. Những đối tượng có nhiều nguy cơ mắc bệnh tỷ lệ từ cao xuống thấp lần lượt là: người bị ung thư, thai phụ, sau mổ, sau chấn thương, suy tĩnh mạch, tiểu đường, bệnh tim mạch, đi máy bay đường dài, tiền sử gia đình có người đã bị; ngoài ra còn có trên 13% không rõ nguyên nhân.

Ngay khi xuất hiện cục máu đông trong lòng tĩnh mạch (giai đoạn HKTM), người bệnh sẽ có triệu chứng phù chân, sưng ở một bên chân từ đầu gối hoặc từ đùi trở xuống; cũng có thể bị ở cả hai chân; khi ấn vào thấy lõm và vết lõm không đàn hồi trở lại ngay. Vùng sưng phù còn viêm đỏ, gây cảm giác nóng và đau nhức; một số người có cảm giác bị tê. Đây là giai đoạn cấp tính, có thể kéo dài từ 24-48 giờ. Nếu người bệnh khám và điều trị ngay trong giai đoạn này sẽ ít có nguy cơ xảy ra các biến chứng. Người bệnh cần lưu ý, khi thấy có dấu hiệu phù chân thì tuyệt đối không nên vận động mạnh, leo cầu thang. Nếu vận động mạnh, nhiều khả năng cục máu đông bong ra khỏi thành tĩnh mạch, gây tắc nghẽn mạch máu.

Theo Phunuonline.com.vn

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Ngồi nhiều, chân có bị sưng không? (https://www.meo.vn/ngoi-nhieu-chan-co-bi-sung-khong.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *