Nghịch lý người nghèo đi khám bệnh

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Đại bộ phận người dân ở nông thôn đang phải chịu nghịch lý: nhu cầu khám chữa bệnh lớn nhưng lại khó tiếp cận các dịch vụ y tế so với các nhóm đối tượng khác.

Hiện nay, các hộ nghèo ở địa phương chỉ có thể được miễn giảm một phần viện phí khi đi khám chữa bệnh trong địa bàn tỉnh, thành phố. Còn khi phải điều trị ở tuyến trung ương, ngoại tỉnh thì các dạng ưu tiên, miễn giảm không còn giá trị thanh toán.

40% người bệnh không được điều trị

Do đó, có một thực tế đáng buồn là tình trạng không chữa bệnh ở người nghèo khi mắc bệnh phổ biến hơn so với các nhóm đối tượng khác. Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế, ở miền Bắc, tỷ lệ người nghèo bị ốm không điều trị chiếm khoảng 40%. Trong đó, nguyên nhân khó khăn về tài chính chiếm khoảng 53% . Ngoài ra, còn có một số lý do khác như tự thấy bệnh chưa cần thiết phải chữa, hạn hẹp về thời gian, khó khăn về phương tiện.

Đặc biệt, số lượt sử dụng dịch vụ y tế ngoại trú bình quân của một người nghèo trong một năm thấp hơn rõ rệt so với người không nghèo. Người nghèo đi khám bệnh khoảng 2,9 lượt mỗi năm, so với người có điều kiện kinh tế khá và giàu là 4,7 lượt mỗi năm.

Người nghèo chủ yếu đến khám bệnh ở tuyến y tế cơ sở. Ảnh: Như Ý.

Không những vậy, chất lượng các dịch vụ y tế được người nghèo sử dụng cũng thấp hơn so với người giàu. Người nghèo chủ yếu đến khám bệnh ở tuyến y tế cơ sở, trong khi đó người giàu chủ yếu khám bệnh ở tuyến trên. Cụ thể, tỷ lệ người nghèo khi bị ốm đến khám bệnh tại tuyến xã chiếm tới 70%, cao gấp đôi tỷ lệ này ở nhóm kinh tế khá.

Nên đổi mới chính sách khám chữa bệnh

Để  giúp người nghèo được khám chữa bệnh, Chính phủ đã lập Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng thời Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, kể cả  khi được hỗ trợ kinh phí thì một bộ phận người nghèo vẫn gặp nhiều khó khăn khi khám chữa bệnh do phải trả thêm chi phí trực tiếp và gián tiếp không được BHYT thanh toán như vật tư, đi lại, ăn uống…

Bên cạnh đó, các quy trình, thủ tục cấp phát thẻ BHYT là một rào cản không nhỏ đối với người nghèo trong việc sử dụng dịch vụ y tế. Thực tế cho thấy, số thẻ sai sót tên, ngày sinh, địa chỉ... hoặc người nghèo không được cấp thẻ chiếm tỷ lệ đáng kể.

Một nguyên nhân khác là các dịch vụ y tế ở miền núi có chất lượng thấp hơn và chi phí ít hơn ở miền xuôi. Nhiều tỉnh, huyện miền núi không có hoặc không sử dụng được các trang thiết bị chẩn đoán, điều trị hiện đại, cũng như không thực hiện được các thủ thuật, phẫu thuật phức tạp, chi phí cao. Một nghiên cứu về y tế cơ sở thực hiện trong năm 2010 phát hiện chất lượng các dịch vụ y tế do tuyến xã cung cấp cho người dân không cao và năng lực chuyên môn của các y bác sỹ công tác tại tuyến này còn nhiều hạn chế. Đây chính là những thách thức không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.

Chính vì vậy, giải pháp trước mắt là duy trì luân phiên cử cán bộ y tế tuyến trên về hỗ trợ khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở. Giải pháp lâu dài là các bác sĩ bệnh viện tuyến trên có nghĩa vụ làm việc có thời hạn tại tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, nên sửa đổi các chính sách khám chữa bệnh BHYT hiện nay chưa phù hợp ở tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần nghiên cứu để có các chính sách thu hút cán bộ có chuyên môn tốt về công tác tại trạm y tế xã, bệnh viện huyện và nâng cao năng lực cán bộ y tế công tác tại tuyến y tế cơ sở.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Nghịch lý người nghèo đi khám bệnh (https://www.meo.vn/nghich-ly-nguoi-ngheo-di-kham-benh.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *