Ngày Tết của vợ lính đảo

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Khi chúng tôi đến, chị Loan đang tất tả bán hàng, lo công việc gia đình và chuẩn bị đồ Tết để gửi vào cho anh.

 

Chồng chị cũng như bao quân nhân khác đang tạm quên đi cái riêng để giữ vững bình yên của đất nước nơi đầu sóng, ngọn gió
Mong Tết qua nhanh

Được sự giới thiệu của Ban tuyên huấn Lữ đoàn 146, chúng tôi đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Loan - vợ Đại úy Nguyễn Cảnh Hưng đang làm nhiệm vụ ở Đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.
Dù không có chồng bên cạnh nhưng chị Loan vẫn chăm sóc con
rất chu đáo
Ngôi nhà nhỏ của anh chị nằm ở ven quốc lộ 32 thuộc Thôn 8, Thạch Hòa (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội). Vừa rót nước, chị Loan vừa kể cho chúng tôi "chuyện tình" của mình. Chị bảo, tình yêu của anh chị dành cho nhau chỉ qua những cánh thư, những cuộc điện thoại.
Năm năm cưới nhau nhưng thời gian anh ở bên chị cũng chỉ vẻn vẹn được mấy tháng. Ngày mới cưới, mỗi năm anh về với chị được một lần. Chị Loan tâm sự: "Thường thì một năm anh ấy về thăm vợ con một lần. Còn Tết thì chủ yếu chúc nhau qua điện thoại. Hai con tôi, cháu Nguyễn Cảnh Hùng (SN 2005) và cháu Nguyễn Cảnh Dũng (SN 2008) cũng mới chỉ được ăn Tết cùng bố có một lần thôi. Năm ấy, 28 Tết, vợ chồng đèo nhau đi tận chợ huyện để sắm đồ. Giao thừa, anh chở vợ con đi chơi. Mùng một, mùng hai Tết, vợ chồng lại cùng nhau vào quê ngoại tận Nghệ An. Những lúc đó, thấy ấm áp và hạnh phúc lắm. Năm nay chắc anh ấy lại không ăn Tết ở nhà..".
Từ ngày ra Trường Sa công tác, anh trở thành đồng hồ báo thức cho ba mẹ con. Sáng nào anh cũng gọi điện đánh thức mẹ con chị dậy, tối đến gọi điện nhắc mẹ con đi ngủ sớm.
Chị cho biết, một ngày, anh gọi mấy cuộc điện thoại để biết mẹ con ăn uống sinh hoạt như thế nào. Cháu út nhà chị phải đợi 11 giờ đêm, chờ được nói chuyện với bố mới chịu đi ngủ. Kể đến đây, giọt nước mắt chưa kịp lăn, chị Loan đã vội lau vì thấy thấp thoáng dáng mẹ chồng bước vào.
Bà Mai Thị Minh - mẹ chồng chị Loan chia sẻ: "Cả gia đình tôi đều theo quân đội, làm vợ bộ đội cô đơn lắm. Có Tết, cả nhà sáu người mà mỗi người ăn Tết một nơi vì phải làm nhiệm vụ".
Rồi bà kể câu chuyện mà bà coi là "dị bản" của truyện Chiếc lược ngà (của nhà văn Nguyễn Quang Sáng). Đó chính là câu chuyện về chị Loan con dâu bà: "Khi Loan sinh con được một tuần thì "thằng Hưng" lên tàu vào miền Nam tiếp tục công tác. Đến lúc con trai bi bô tập nói mới về thì con nhất định không chịu theo bố vì lạ. Cả nhà bảo cháu chào bố, cháu nó cứ lắc đầu nguầy nguậy rồi chỉ tay vào tấm hình của Hưng nói: "Đây mới là bố con".
Đêm đến, thấy bố nằm cạnh, cháu nó khóc thét lên rồi đuổi bố xuống đất. Phải chờ con ngủ, Hưng nó mới dám rón rén lên giường nằm cạnh vợ. Mấy ngày sau, nhờ các bác hàng xóm và ông bà "phân tích" người trong hình chính là bố Hưng thì cháu Hùng mới chịu sà vào lòng bố. Hùng bắt bố hứa ở nhà, không được đi đâu nữa. Nhưng chưa kịp quen hơi con thì Hưng lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ".
Thế rồi, ngày chị Loan mang thai cháu Dũng, anh Hưng cũng không về được, một mình bụng mang dạ chửa vừa lo cho đứa lớn đi học vừa tất bật mưu sinh. Nhưng cũng may chị có được sự hỗ trợ của gia đình nhà chồng.
Những ngày Tết về, mọi người tấp nập chuẩn bị đón chào năm mới, chị một mình bận bịu với cái quán nhỏ ven đường. 30 Tết mới tranh thủ đi sắm được chút đồ cho mấy ngày Tết. Chị dí dỏm nói, ra Tết mấy tháng mới là Tết của mẹ con. "Tết năm nay anh Hưng không về được, nói khoảng tháng ba năm sau mới về. Mẹ con tôi chỉ mong Tết qua nhanh, để mau đến tháng ba...", chị Loan cố tươi cười nói.

Lính đảo nhận quà từ đất liền gửi ra

Con khóc, em đừng dỗ
Cuối năm những cơn mưa phùn miền Bắc trùm cái lạnh trên mọi nẻo đường, chúng tôi về Kim Môn - Hải Dương thăm chị Đào Thị Tân, vợ của Thiếu úy Bùi Lưu Bách hiện đang công tác tại đảo Sinh Tồn Đông (Trường Sa).

Bảy tháng tuổi nhưng bé Thảo Nguyên vẫn chưa biết mặt bố

Chị Tân, bế bé Thảo Nguyên 8 tháng tuổi ra đón khách. "Ngày trước chúng tôi học cấp 3 cùng nhau, sau anh ấy học Trường sĩ quan lục quân, tôi học y. Ai cũng bảo, lấy chồng bộ đội vất vả lắm nhưng tôi đã xác định rồi nên cũng chẳng dám phàn nàn, vợ lính ai chẳng phải trải qua hoàn cảnh đặc biệt này...", chị Tân nói.
Bé Thảo Nguyên đã 8 tháng nhưng vẫn chưa được nhìn thấy bố. Anh Bách ngày nào cũng gọi điện về để trò chuyện, động viên người vợ trẻ và để được nghe tiếng con gái... khóc.
Chị kể, nhiều hôm trò chuyện cùng nhau, đến giờ chị cho con ăn bột nhưng anh bảo cứ cho con ăn, đừng tắt máy để anh được nghe chị dỗ dành con. Khi con khóc, anh lại năn nỉ chị đừng dỗ để anh được nghe cho đỡ nhớ. Đôi mắt người vợ trẻ long lanh nhòe nước. Xa chồng tám tháng nhưng chị nói đó là khoảng thời gian dài nhất mà chị từng thấy. Những ngày chuyển dạ, những ngày ở nhà nghỉ sinh không có chồng bên cạnh chị cũng tủi thân lắm. Rồi chị kể, hồi anh Bách còn đóng quân ở Hải Phòng, mỗi lần được nghỉ phép lúc nào hai vợ chồng cũng tíu tít như đôi chim non, sáng chở vợ đi làm chiều chở vợ về...
Thật may mắn trong cuộc đời làm báo chúng tôi đã được ra Trường Sa - vùng đảo thân yêu của Tổ quốc và đặc biệt hơn khi đã ghé chân đến đảo Sinh Tồn Đông nơi anh Trần Lưu Bách đang công tác.
Đó là một hòn đảo nhỏ nằm trên nền san hô ngập nước. Nước ngọt hiếm hoi nên việc trồng cây, trồng rau trên đảo hết sức khó khăn. Đảo nhỏ, hẹp, thiếu đất, thiếu nước nên các chiến sĩ phải lấy đất từ đất liền ra đổ vào những chiếc máng gỗ, hộp xốp rồi treo bên bậu cửa sổ hay bất cứ nơi nào có thể để trồng rau.

Những mảng rau xanh bên bậu cửa ở đảo Sinh Tồn Đông

Ở nơi này các anh quý rau xanh và nước ngọt như máu của mình. Mặc dù có ít cây xanh nhưng Sinh Tồn Đông luôn tràn đầy sức sống với cây bàng vuông, cây phong ba, bão táp. Đặt chân lên đảo tôi cứ mê mẩn những chùm hoa trắng của hoa phong ba dưới ánh nắng mặt trời. Nơi hai đầu đảo nhỏ có bãi cát ''chạy'' theo hướng gió, làm hình dáng của đảo luôn biến hóa theo mùa. Lính đảo chỉ cần nhìn sự dịch chuyển của bãi cát cũng biết mình sắp được về nhà với vợ con hay chưa.
Người lính Trường Sa nơi đầu sóng, ngọn gió bảo vệ biên cương
tổ quốc
Nghe tôi kể về hòn đảo Sinh Tồn Đông, chị Tân như lặng đi dù trước đó đã từng được chồng kể nhiều về hòn đảo nhỏ này. Biết cuộc sống ở đảo khắc nghiệt nên mỗi chuyến tàu ra đảo, chị lại gửi cho anh thức ăn và đồ dùng thiết yếu phòng khi thiếu thốn.
Khi chúng tôi hỏi chị đã chuẩn bị được những gì để gửi cho chồng, chị thật thà chia sẻ rằng đã chụp ảnh hai mẹ con và gia đình, mua cho anh được một ít sách báo, sổ, bút, chị cũng không quên mua thêm hạt giống để anh có thể trồng rau.  Rồi như sực nhớ, chị thủ thỉ rằng mình sẽ gửi cho anh ấy một lá thư thật dài, kể cho anh nghe về con gái, về kỷ niệm của hai vợ chồng, về nỗi nhớ và  những tâm sự thầm kín mà không thể nói qua điện thoại.

Tranh thủ ngồi viết thư về cho gia đình

Trò chuyện với chị Tân, tôi lại nhớ màu xanh của những vạt cải mọc lên ở Sinh Tồn Đông, như thách thức nắng gió Trường Sa. Màu xanh của lòng sắt son, đợi chờ, thủy chung và tràn ngập tình yêu thương giữa những cặp vợ chồng lính đảo. Chia tay với chúng tôi, bé Thảo Nguyên bỗng khóc nhè, chị Tân vỗ về con  bằng mấy câu thơ mà rất có thể con nhà lính, đứa trẻ nào cũng thuộc: "Chú bộ đội đi xa/Tết cũng không về nhà/ Nghe đài chú có thấy/ Chúng cháu hát bài ca/ Chú bộ đội đi xa/ Cho mùa xuân nở hoa.
Lính đảo nói về vợ:
Vừa là mẹ, vừa là bố
"Đã là vợ lính Trường Sa, họ vừa là người mẹ vừa là bố của những đứa con. Vợ mình ở nhà đảm đang lắm, một mình lo liệu chuyện làm nhà, một mình nuôi dạy con cái. Mình là lính nên một năm cũng chỉ về nhà được 1 tháng là cùng. Người ta nói lính chúng mình dũng cảm nhưng chúng mình thấy những người vợ hậu phương mới thật là những người phụ nữ kiên cường!".
Anh Hồ Huệ (Đảo Đá Lát, Trường Sa)
Không có gì nhớ hơn thế
"Tết sẽ là lúc nhớ nhà, nhớ vợ con nhất. Như chẳng có gì nhớ hơn thế được. Nhớ cái Tết năm nào cùng vợ đi mua đào mua quất dưới mưa phùn, tay trong tay nhìn nhau ấm áp xua đi cái lạnh lẽo của thời tiết miền Bắc".
Anh Nguyễn Cảnh Hưng (Đảo Song Tử Tây, Trường Sa)
Vợ cứ nhìn chồng ngường ngượng
"Tôi ở trong quân ngũ đã 27 năm, 20 năm ở các đảo nổi, đảo chìm. Cưới nhau mười mấy năm rồi nhưng giờ về nhà vợ vẫn cứ bẽn lẽn nhìn chồng ngường ngượng. Lúc đó trông cô ấy cứ như hồi mới cưới vậy! Tình yêu của lính đảo dành cho vợ lúc nào cũng tươi mới như mùa xuân"...
Anh Đỗ Văn Mỳ (Đảo Nam Yết, Trường Sa)
Nơi thể hiện tình yêu
"Mình "cưa" đổ bà xã bây giờ là nhờ những cánh thư. Với người lính viết thư hay, chữ đẹp cũng là một "ưu thế" để... hỏi vợ hoặc tìm người yêu. Thư đối với vợ chồng mình không chỉ là thông tin mà còn là nơi thể hiện tình yêu với nhau, đọc những dòng chữ thân thương đó tôi cảm giác như được trò chuyện nhau hàng ngày".
Anh Trần Hữu Tuấn (Đảo Đá Tây, Trường Sa)
Trúc Vy (ghi)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Ngày Tết của vợ lính đảo (https://www.meo.vn/ngay-tet-cua-vo-linh-dao.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *