Nên dùng thuốc gì khi bị giang mai?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Thưa bác sĩ,

Gần đây, tôi thấy xuất hiện ở cơ quan sinh dục có vết loét đỏ. Đi khám, bác sĩ bảo tôi bị giang mai. Xin BS giúp tôi về thuốc chữa trị bệnh này? – (Hoàng Hùng – Nam Định)

Trả lời:

Chào bạn,

Giang mai là bệnh nhiễm khuẩn hệ thống kinh diễn. Bệnh do xoắn trùng treponema pallidum gây nên. Bệnh có thể chia làm 2 loại: giang mai mắc phải do lây qua quan hệ tình dục hoặc truyền máu và giang mai bẩm sinh do truyền từ mẹ sang con khi mang thai.

Giang mai mắc phải chia làm 2 giai đoạn: Giang mai sớm và giang mai muộn. Giang mai sớm bao gồm thời kỳ I, II và giai đoạn kín sớm. Giang mai muộn gồm giang mai kín muộn, giang mai III và giang mai thần kinh và tim mạch.

Giang mai thời kỳ I: Thường ủ bệnh khoảng 3 – 4 tuần hoặc lâu hơn. Biểu hiện của bệnh thời kỳ này: tổn thương là săng giang mai là nơi xoắn khuẩn xâm nhập cơ thể. Săng có đặc điểm: vết trợt nông, đỏ như thịt tươi, không đau, không ngứa, không có bờ, giới hạn rõ, đáy rắn và sạch, hình tròn hay bầu dục.

Bao giờ cũng có hạch kèm theo, hạch ở vùng lân cận, hạch rắn không đau, di động, không làm mủ. Trong đám hạch viêm có một hạch to trội lên (hạch chúa). Thường chỉ có một săng đơn độc mà đại đa số ở bộ phận sinh dục.

Giang mai thời kỳ II: Thời gian 6 – 8 tuần sau khi có săng và tiến triển trong 2 năm. Là thời kỳ xoắn khuẩn lan tỏa toàn thân gây tổn thương ở da, niêm mạc và các triệu chứng toàn thân.

Da: có nhiều dạng tổn thương, không đau, không ngứa, lan tỏa, đối xứng, đa dạng. Các biểu hiện: đào ban, dát – sẩn, sẩn, vẩy da. Tổn thương da hay gặp ở lòng bàn tay, bàn chân. Sẩn phì đại hay gặp ở vùng da ẩm: sinh dục, hậu môn.

Mảng niêm mạc: tổn thương ở niêm mạc sinh dục, hậu môn, họng – miệng.

Hạch: các hệ thống hạch đều sưng, hạch nhỏ, lan tỏa toàn thân, không đau.

Toàn thân: có thể sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, sưng khớp, rụng tóc kiểu rừng thưa.

Giang mai kín: thường không có biểu hiện lâm sàng mà chỉ có xét nghiệm huyết thanh dương tính.

Giang mai thời kỳ III: thời gian thường từ năm thứ 3 và tiến triển trong hàng chục năm. Xoắn khuẩn gây thương tổn ở da, ở tổ chức dưới da, cơ xương khớp, tim mạch, thần kinh.

Ảnh minh họa

Về thuốc điều trị giang mai:

Giang mai sớm: dưới 2 năm bao gồm: giang mai thời kỳ I, thời kỳ II, giang mai kín dưới 2 năm thường dùng benzathine benzylpenicillin, tiêm bắp 1 lần duy nhất. Do khối lượng thuốc lớn, liều này nên được chia ra tiêm ở 2 bên mông.

Có thể dùng thay thế procaine benzylpenicillin, tiêm bắp trong 10 ngày liên tiếp.

Tuy nhiên, các phác đồ thay thế hiệu quả điều trị giang mai không cao, cần phải theo dõi huyết thanh bệnh nhân để đánh giá hiệu quả điều trị.

Giang mai kín muộn hoặc không rõ thời gian mắc bệnh: thời gian trên 2 năm, không có biểu hiện lâm sàng của bệnh giang mai.

Thuốc điều trị benzathine benzylpenicillin, tiêm bắp 1 lần/tuần x 3 tuần liên tiếp. Có thể thay thế procaine benzylpenicillin, tiêm bắp 1 lần/ngày x 20 ngày liên tiếp.

Đối với bệnh giang mai thần kinh: dùng aqueous benzylpenicillin, tiêm tĩnh mạch 6 lần/ngày, trong 10-14 ngày.

Có thể thay thế bởi procain benzylpenicillin, tiêm bắp 1 lần/ngày và probenecid uống 4 lần/ngày, cả hai trong 10-14 ngày. Phác đồ này chỉ nên sử dụng cho những bệnh nhân hợp tác tốt.

PGS.TS. Nguyễn Duy Hưng

(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Nên dùng thuốc gì khi bị giang mai? (https://www.meo.vn/nen-dung-thuoc-gi-khi-bi-giang-mai.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *