Chuyên mục lưu trữ: Trẻ em

Phương pháp tập cho bé ăn một mình

Giai đoạn khi các bé bắt đầu chứng tỏ sự độc lập của mình bằng những bước đi chập chững, cũng là lúc thích hợp nhất để mẹ luyện cho bé cách tự ăn thay vì phải đút từng muỗng như trước đây.

Từ 8 tháng tuổi, bé đã có thể tự cầm và ăn thức ăn. Sang đến tháng thứ 13, bé bắt đầu chú ý đến việc dùng dụng cụ hỗ trợ như muỗng, nĩa. Vào khoảng 18 tháng, bé sẽ biết phối hợp các dụng cụ khác nhau vào việc ăn uống của mình. Chính vì vậy, bạn hãy chú ý theo dõi hành vi của bé để có những phương pháp phù hợp.

phuong-phap-tap-cho-be-an-mot-minh

Ảnh minh họa

Phương pháp tập cho bé ăn một mình

– Chuẩn bị 2 chiếc thìa, một cho mẹ và một cho bé. Mẹ và bé đều cầm chiếc thìa của mình. Bắt đầu bằng việc mẹ múc thức ăn và chờ bé bắt chước theo. Có thể bé sẽ muốn giành thìa của mẹ. Khi đó, mẹ hãy trao đổi thìa với bé để bé khám phá cách múc và ăn thức ăn từ thìa của mẹ nhé.

– Dành thời gian để nấu những món ăn mềm, dễ xúc và dính vào thìa.

– Về dụng cụ ăn uống: Bộ thìa, nĩa hay đũa nên có kích thước phù hợp với đôi tay của bé. Nên dùng loại thìa có đầu lớn, tròn và không sắc, không nên chọn loại thìa, nĩa và bát chén dùng một lần, sẽ rất dễ bị đổ vỡ hoặc nhăn nhúm, cản trở quá trình tập ăn của bé.

Về thái độ của bạn

Bắt đầu làm quen với bất kì điều gì cũng cần thời gian để thực hành, từ chuyện tập ăn, tập đứng, tập đi… Chuyện tập ăn cũng vậy. Mới đầu những bữa ăn sẽ vô cùng bừa bãi, thức ăn vương vãi khắp nhà. Nhưng tốt nhất, mẹ nên để bé tự mày mò khám phá, phát triển đôi tay. Hãy yên lặng quan sát và chỉ giúp đỡ bé khi cần thiết.

Tập cho con cách cư xử trên bàn ăn

Bên cạnh đó, mẹ cũng đừng quên việc tập cho con thói quen ăn uống lịch sự ngay từ bước khởi đầu bằng cách:

– Mẹ hãy “lôi kéo” con vào cuộc nói chuyện ở bàn ăn.

– Bạn phải làm gương, ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng trước mắt bé. Đừng bảo con phải ăn món này món kia khi mà bạn chẳng bao giờ đụng đến chúng.

– Cư xử lịch sự trong bàn ăn như nói “cảm ơn” mỗi khi nhờ ai làm việc gì đó cho mình. Chẳng bao lâu sau bé sẽ nắm bắt những điều này và thực hành thành thạo.

Theo Thanh Vy/Suckhoegiadinh.com.vn

Những bệnh trẻ em thường gặp vào mùa đông

Các bệnh trẻ em thường gặp trong mùa Đông Xuân thường là những bệnh về đường hô hấp, đường tiêu hóa,… do khả năng miễn dịch kém, cộng thêm thời tiết lạnh, mưa phùn, độ ẩm không khí cao.

1. Quai bị

Bệnh quai bị hay còn gọi là bệnh viêm tuyến mang tai truyền nhiễm thường xuất hiện khi thời tiết chuyển sang mùa lạnh và thường gia tăng cùng với các bệnh lây lan qua đường hô hấp. Bệnh chủ yếu lây lan qua đường nước bọt bắn ra khi nói chuyện hoặc ho.

Khi mắc bệnh quai bị, trẻ thường xuất hiện các triệu chứng như sốt, sưng quai hàm và đau một hoặc nhiều tuyến nước bọt, thường là tuyến nước bọt mang tai, đôi khi là tuyến dưới lưỡi hoặc tuyến dưới hàm trên.

Bệnh này không gây đau đớn nhưng khá nguy hiểm. Nó có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như viêm tinh hoàn (thường là một bên) đối với trẻ em trai; viêm buồng trứng đối với trẻ em gái và có thể dẫn tới vô sinh.

Khi trẻ mắc bệnh nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, chăm sóc răng miệng, ăn thức ăn mềm, nhiều dinh dưỡng để tăng sức đề kháng và chú ý tới khả năng nhai. Đắp khăn ấm vùng tuyến mang tai, mặc quần lót nâng cao dịch hoàn để giảm đau, giảm căng. Vệ sinh cá nhân và tẩy uế sát trùng các chất dịch tiết ra.

nhung-benh-tre-em-thuong-gap-vao-mua-dong

2. Bệnh cảm cúm thông thường

Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải, nhất là vào mùa đông, thời tiết lạnh giá.

Trẻ bị cảm cúm thường có một số triệu chứng như mũi tắc nghẽn hoặc chảy nước mũi, chảy nước mũi có thể rõ ràng lúc đầu, nhưng sau đó thường trở nên đặc hơn và biến màu vàng hoặc màu xanh lá cây.

Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải vào mùa đông. (Ảnh minh họa)Khi bác sĩ đã kết luận trẻ chỉ bị cảm cúm thông thường thì cha mẹ cũng không nên quá lo lắng mà hãy cho trẻ uống đủ nước và không nên ép trẻ ăn quá nhiều với mục đích giúp cơ thể chóng khỏe trở lại. Thực ra, trong những ngày này, bộ máy tiêu hóa của trẻ còn mệt, không tiêu hóa được như thường ngày, chỉ cần cho trẻ uống sữa, cháo hay những đồ ăn dễ tiêu là được.

Các chuyên gia y tế cho rằng, vận động đều đặn kết hợp với chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và tăng cường hệ miễn dịch sẽ giúp nâng cao sức đề kháng để phòng chống bệnh cúm hiệu quả.

Cha mẹ nên giữ em bé tránh tiếp xúc bất cứ ai bị bệnh, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên của bệnh, tránh tiếp xúc nhiều người và các cuộc tụ họp công cộng với trẻ sơ sinh. Đồng thời, rửa tay trước khi ăn hay chăm sóc cho em bé.

3. Tiêu chảy

Tiêu chảy virus là một trong những bệnh phổ biến của trẻ trong mùa đông. Bệnh do rotavirus gây ra và thường chỉ kéo dài trong ba đến bảy ngày. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ ở lứa tuổi từ 3-24 tháng.

Khi thấy trẻ bị tiêu chảy, gia đình nên tham khảo ý kiến của bác sĩ. Không ép trẻ ăn nhiều mà hãy để trẻ uống nước đầy đủ, dùng những dung dịch như Oresol để giúp bù lượng nước mất đi để cơ thể khỏi mất sức. Nếu thấy trẻ sốt cao, phân có máu, đàm, hoặc đau bụng nhiều cần đi khám bác sĩ gấp.

Cách phòng bệnh:

Để các bé ít mắc bệnh tiêu chảy, cần lưu ý đến các điểm sau:

– Ăn thực phẩm rửa sạch và nấu chín, không ăn thức ăn bán ngoài đường.

– Sử dụng nguồn nước sạch.

– Rửa kỹ tay trước khi chăm sóc bé và cho bé ăn, không cho bé ngậm tay hoặc ngậm đồ chơi.

– Không cho bé tiếp xúc với người đang bệnh tiêu chảy.

– Tránh sử dụng kháng sinh bừa bãi.

4. Viêm phế quản

Thông thường, bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà… rất dễ bị viêm phế quản.

Triệu chứng thường gặp nhất là trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt cao. Ho ngày càng nhiều, thở khó, thở rít. Trường hợp nặng thì tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn, thậm chí ngừng thở. Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn. Thông thường, bệnh sẽ kéo dài trong 1-2 tuần, nếu được chăm sóc tốt sẽ khỏi hẳn. Nếu không, bệnh sẽ kéo dài trong nhiều tuần liền.

Muốn phòng bệnh hiệu quả, các bà mẹ hãy cho trẻ bú sữa mẹ đến 2 tuổi để trẻ tăng cường kháng thể.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái; có biến chứng (suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi…); có yếu tố nguy cơ trên nên đưa trẻ đến bệnh viện sớm.

Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, thường xuyên giữ ấm trẻ (ấm ngực, chân tay; quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay). Khi trẻ bị viêm họng hay viêm mũi, viêm amiđan, VA cần được điều trị kịp thời.

Theo Phạm Đông/Phunutoday.vn

Cách xử lý viêm tai giữa mủ ở trẻ

Nếu mủ trong tai giữa không điều trị kịp thời ra khỏi hòm nhĩ sẽ để lại di chứng như viêm tai giữa thanh dịch làm dính chuỗi xương con nằm trong hòm nhĩ để lại hậu quả là sức nghe giảm dần, màng nhĩ bị co kéo.

Viêm tai giữa mủ điển hình thường xuất hiện ở trẻ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo vì ở tuổi này tần suất viêm V.A cao. Số lượng trẻ bị mủ trong tai giữa ngày càng tăng. Tại sao mủ lại xuất hiện trong tai giữa? Làm thế nào để điều trị dứt điểm bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ? Những câu hỏi đó được rất nhiều ông bà, bố mẹ quan tâm.

Quá trình tạo thành mủ tai giữa

Nguyên nhân chính để hình thành mủ trong tai giữa là viêm tai giữa mủ. Mủ xuất hiện trong tai giữa là do niêm mạc tai giữa bị viêm, tăng tiết dịch. Môi trường này của tai giữa sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có sẵn trong tai giữa hoặc từ mũi họng tấn công vào tai giữa phát triển hình thành mủ hoặc mủ sẵn có từ mũi họng đi qua vòi tai vào tai giữa khi xì mũi không đúng cách.

cach-xu-ly-viem-tai-giua-mu-o-tre

Mủ xuất hiện trong tai giữa là do niêm mạc tai giữa bị viêm, tăng tiết dịch.

Viêm tai giữa mủ xuất hiện khi trẻ bị viêm mũi họng không được điều trị. Tần suất viêm tai giữa hay xuất hiện vào những lúc thời tiết thay đổi, nhất là nhiệt độ chuyển từ nóng sang lạnh. Viêm tai giữa mủ là giai đoạn 2 của viêm tai giữa cấp sau giai đoạn xung huyết.

Làm thế nào để phát hiện ra viêm tai giữa mủ?

Viêm tai giữa mủ thường đi sau viêm mũi họng. Trẻ đang chảy mũi vàng xanh, ngạt tắc mũi đột nhiên xuất hiện đau nhói trong tai, đau lan từ tai lên thái dương hoặc xuống họng. Có thể sốt hoặc không sốt tùy phản ứng của cơ thể trẻ (với trẻ suy dinh dưỡng thường không có sốt). Trẻ kêu trong tai có tiếng ù, sức nghe giảm. Đây chính là giai đoạn xung huyết đã nói, ở giai đoạn này nếu được điều trị ngay, mủ trong tai giữa chưa kịp hình thành thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn.

Nếu giai đoạn này bị bỏ qua, mủ bắt đầu xuất hiện. Lúc này dấu hiệu đau nhức tăng lên đi cùng với sốt tăng. Màng nhĩ bị đẩy phồng do mủ đọng, có thể vỡ, mủ tai được giải phóng thoát ra ngoài. Nếu màng nhĩ không vỡ, mủ đọng trong tai giữa có thể biến chứng vào não gây viêm màng não, liệt mặt…

Nếu mủ trong tai giữa không điều trị kịp thời ra khỏi hòm nhĩ sẽ để lại di chứng như viêm tai giữa thanh dịch làm dính chuỗi xương con nằm trong hòm nhĩ để lại hậu quả là sức nghe giảm dần, màng nhĩ bị co kéo, có thể tạo ra chất gọi là cholesteatoma, một loại chất có thể phá hủy xương, gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng…

Làm thế nào để xử lý viêm tai giữa mủ dứt điểm?

Những việc cần phải làm ngay đó là:

1. Làm vệ sinh tai giúp tai thông thoáng để mủ có thể chảy ra ngoài mũi và họng từ đường hòm tai.

2. Làm thủ thuật trích rạch màng nhĩ để có thể dẫn lưu mủ trong tai giữa ra ngoài. Trong thủ thuật này thông thường sẽ có một ống thông được đặt ở màngnhix với mục đích cân bằng áp lực giữa tai giữa và môi trường bên ngoài nhằm bảo đảm cho niêm mạc tai giữa luôn giữ được môi trường bình thường. Với hướng điều trị này thông thường sẽ kéo dài 6 tháng.

Cách tốt nhất là điều trị nội khoa đi kèm với các thủ thuật đồng thời kết hợp kháng sinh đúng liều, đúng thời gian sử dụng, đúng cân nặng của trẻ.

Theo Hang Dinh/Phunutoday.vn

Phòng và chữa bệnh táo bón cho trẻ

Chứng táo bón đang gây ra cho con bạn rất nhiều phiến toái và đau đớn. Hãy giúp con thoát khỏi tình trạng đó bằng các cách hiệu quả sau.

Táo bón là tình trạng phân di chuyển chậm, bị hấp thu lại một phần nước nên phân trở nên cứng rắn, khô nứt nẻ hoặc tròn nhỏ như phân dê. Đi đại tiện rất khó khăn, bé phải ngồi lâu, rặn nhiều gây đau rát, tình trạng nặng hơn phân có thể dính máu khiến bé sợ hãi, không chịu đại tiện.

Do đó để phòng và chữa bệnh táo bón cho trẻ, bạn cần lưu ý:

1. Cho trẻ uống nhiều nước

Trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn không cần uống nước nhưng nếu bé bị táo bón thì vẫn cho uống 100 – 200ml nước/ngày. Với trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 – 12 tháng uống 200 – 300ml nước/ngày. Trẻ 1 – 3 tuổi uống 500 – 600ml nước/ngày. Trẻ 3 – 5 tuổi uống 1000ml nước/ngày. Trẻ lớn hơn 10 tuổi uống bằng người lớn: 1500 – 2000ml nước/ngày.

phong-va-chua-benh-tao-bon-cho-tre

Táo bón khiến trẻ sợ hãi không dám đi vệ sinh. Ảnh minh họa

2. Tập thói quen đi vệ sinh

Song song với việc tập cho trẻ dùng bô, mỗi ngày bạn nên dành ra 10-15 phút (hoặc tối thiểu 2 ngày một lần) cho trẻ ngồi vào bệ xí để tập thói quen đi vệ sinh đúng tư thế.

3 Những thực phẩm trị táo bón cho trẻ

Quả bơ: đây là một trong những loại quả có hàm lượng chất xơ dồi dào nhất, chất xơ cực kì quan trọng đối với hệ tiêu hóa và là vũ khí trị táo bón cho trẻ nhanh chóng. Mẹ nên cho bé thưởng thức bơ mỗi ngày, có thể chế biến thành sinh tố hay trái cây trộn đều được.

Quả dưa hấu: loại quả này có chứa lượng nước và hàm lượng các loại vitamin dồi dào có tác dụng kích thích tiêu hóa, làm mềm phân và giúp dễ đào thải ra ngoài hơn. Do đó khi trẻ bị táo bón phụ huynh nên cho trẻ ăn dưa hấu cũng là một giải pháp tốt. Tuy nhiên, các bạn cũng không nên cho trẻ ăn quá nhiều dưa hấu vì quả này có tính nóng nếu ăn nhiều sẽ không tốt.

Nhóm họ đậu, đỗ: các loại đậu đỗ có chứa lượng chất dinh dưỡng dồi dào, phong phú như chất đạm, vitamin, chất béo,… Đặc biệt nhờ hàm lượng chất xơ rất giàu có và quan trọng nên nhóm thực phẩm này được ưu tiên bổ sung có tác dụng phòng chống táo bón hiệu quả.

Rau súp lơ xanh: loại rau này giúp giảm sưng đau ở hậu môn mỗi lần bị táo bón, ăn rau súp lơ xanh trẻ bị táo bón được bổ sung thêm nhiều vitmin K lẫn chất xơ cải thiện đại tiện khó hiệu quả.

4. Thay đổi loại sữa

Táo bón không chỉ là vấn đề với trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ, mà còn ở trẻ em uống sữa ngoài. Khi con bạn bị táo bón, hãy xin ý kiến của bác sĩ nhi khoa về việc đổi loại sữa khác cho bé hoặc thêm một lượng nhỏ mận khô hay nước ép lê vào bình cho bé bú.

5. Hạn chế ăn đồ có màu trắng đơn điệu

Những loại đồ ăn kém sắc màu có xu hướng gây táo bón. Vì vậy nên cắt giảm những loại thức ăn có màu trắng đơn điệu như bánh mì, bánh gạo, bánh quy, pho mát, mì ống và thêm các loại thức ăn rau củ có màu sắc sặc sỡ vào khẩu phần ăn của bé.

6. Mẹ nấu món ngon chữa táo bón cho trẻ

– Món nước cam mật ong

Thành phần: cam 2 quả, mật ong nguyên chất 30ml và vỏ cam.

Thực hiện: phần vỏ cam đã chuẩn bị xắt thành sơi nhỏ. 2 Quả cam đem đi cắt thành nhiều miếng nhỏ (lớn hơn hạt lựu) sau đó trộn chúng với mật ong và thêm vài viên đá vào lắc như khi pha trà sữa. Đổ ra ly rồi lấy sợi cam rắc lên trên cho bé uống, giúp bé trị bệnh táo bón rất hiệu quả.

– Món mật ong nấu chung với cà rốt

Nguyên liệu: mật ong nguyên chất 25ml; cà rốt tươi 50g.

Hướng dẫn các thực hiện: Sau khi rửa sạch từng củ cà rốt thì đem bỏ vào máy xau xay nhuyễn, tiếp đổ vào khoảng 150ml nước sạch và cho hết lượng mật ong trộn sơ rồi nấu trên lửa nhỏ. Cho bé bị táo bón ăn cháo khi còn ấm. Một ngày ăn cháo 2 lần sẽ giúp chữa táo bón hiệu quả.

7. Vận động

Khi cơ bụng bạn co lại, nó sẽ đẩy phân trong đường ruột xuống hậu môn dễ dàng hơn.

8. Gặp bác sĩ

Trong những trường hợp sau cha mẹ nên đưa con đến khám bác sĩ:

Tình trạng bệnh táo bón ở trẻ kéo dài trên một tuần, việc thay đổi chế độ ăn của mẹ dành cho bé không có tác dụng thay đổi.

Ngay khi sinh xong, bé bị táo bón, bụng chướng và không đi vệ sinh được.

Bé bị táo bón ảnh hưởng đến sức khỏe như sút cân, biếng ăn, suy dinh dưỡng, kèm theo nôn mửa…

Theo Lily/Giadinh.net.vn

Tắm cho trẻ đúng cách khi trời lạnh

Theo các chuyên gia nhi khoa, thời tiết lạnh, phụ huynh vẫn nên tắm cho trẻ để giữ cơ thể trẻ luôn sạch sẽ, tránh sự xâm nhập của các vi khuẩn có hại.

Gần đây, nhiệt độ thời tiết ở miền Bắc bắt đầu chuyển lạnh, việc tắm cho trẻ như thế nào để không gây hại đến sức khỏe của trẻ đang là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm.

Về vấn đề này, ThS.BS Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mùa đông, phụ huynh vẫn nên tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho con.

Bởi lẽ, nhiều bố mẹ vì quá lo lắng sợ con bị cảm lạnh nên rất hạn chế tắm cho trẻ mà chỉ thay quần áo. Tuy nhiên, việc thay quần áo bên ngoài mà không lau rửa người cho trẻ nhất là những bộ phận dễ tích tụ vi khuẩn như khuỷu tay, nách, cổ, bẹn… là một sai lầm. Điều này vừa gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ vừa khiến trẻ dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

tam-cho-tre-dung-cach-khi-troi-lanh

Các chuyên gia khuyến cáo, mùa đông lạnh, phụ huynh vẫn phải tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho trẻ. Ảnh minh họa

Theo BS Đỗ Thiện Hải, khi nhiệt độ xuống thấp, phụ huynh lưu ý phải tắm cho trẻ bằng nước ấm, trong phòng kín gió, tránh nơi gió lùa và phải lau khô, giữ ấm cơ thể cho trẻ sau khi tắm để trẻ không bị nhiễm lạnh.

Mặt khác, dù thời tiết có lạnh đến đâu, bố mẹ không nên dùng nước quá nóng để tắm cho con. Để đảm bảo an toàn, phụ huynh nên thử nhúng tay vào nước trước khi tắm cho bé. Nếu thấy nước ấm vừa phải, khi đó mới cho trẻ tắm.

Với những gia đình có điều hòa hai chiều hoặc máy sưởi, khi tắm cho trẻ cần chú ý không để nhiệt độ quá cao, không để hơi nóng từ điều hòa hoặc máy sưởi chĩa thẳng vào người trẻ, tránh làm da trẻ bị khô thậm chí bị bỏng da.

Ngoài ra, BS Hải cũng lưu ý, với những trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể thả hẳn trẻ vào chậu nước ấm và tắm nhanh cho trẻ. Đối với những trẻ lớn hơn, khi tắm, bố mẹ không nên cởi toàn bộ quần áo của con ra, nên tắm từng bộ phận, tắm đến đâu cởi đến đó. Tốt nhất nên tắm từ dưới lên trên, tức là lau rửa chân tay sạch sẽ, lên bụng, ngực rồi mới đến phần đầu.

BS Hải khuyến cáo, thời gian tắm cho trẻ nhỏ trong mùa lạnh không nên kéo dài quá 10 phút; không nhất thiết ngày nào cũng phải tắm. Một tuần có thể tắm 2-3 lần. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo trẻ được rau rửa và thay quần áo sạch sẽ hàng ngày.

Theo Mai Thùy/Giadinh.net.vn

Tác hại khi trẻ thừa canxi

Hầu hết các bậc làm cha làm mẹ lúc nào cũng lo nơm nớp con mình bị thiếu canxi dẫn đến còi xương. Nhưng ít ai biết rằng thừa canxi cũng nguy hiểm chả kém gì thiếu nó.

Tác hại của việc thừa canxi

Các dấu hiệu thiếu canxi thì rất dễ nhận biết nhưng để biết trẻ có bị thừa canxi hay không, nhiều bậc cha mẹ lại… mù tịt. Thậm chí, nhiều người còn quan niệm thiếu thì mới lo chứ thừa chẳng vấn đề gì, thà thừa còn hơn thiếu.

Thực chất, thừa canxi có thể gây sỏi thận mạn tính, canxi hóa động mạch… Khi uống quá liều canxi, lượng canxi thừa ít được hấp thu, nếu được hấp thu sẽ bị thải ra ngoài cùng nước tiểu gây vôi hóa thận.

Thông thường, lượng canxi cho bé dưới 6 tháng tuổi là 300mg/ngày và từ 6 tháng đến 9 tuổi là 500-600mg/ngày. Biến chứng do thừa canxi xảy ra khi dùng quá 2.000mg canxi kèm với hơn 1.000 đơn vị vitamin D ở bé dưới 1 tuổi. Khi trẻ bị thừa canxi sẽ có các biểu hiện như thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều, ỉa chảy hoặc táo bón, nôn mửa, mất nước, huyết áp tăng, rối loạn nhịp tim…

tac-hai-khi-tre-thua-canxi

Trẻ thừa canxi chỉ vì được chăm tẩm bổ

Nguyên nhân khiến trẻ thừa canxi chính ở các bà mẹ chăm con quá mức nhưng lại không khoa học. Nhiều người tự ý cho con uống bổ sung canxi những mong con sẽ phát triển cao lớn nhưng không hề tham khảo ý kiến của bác sĩ. Số khác lại tưởng rằng sữa ngoài là tốt nhất nên luôn ra sức ép con uống sữa.

Nhiều bé đã bắt đầu ăn dặm ngày 2 chén bột mặn nhưng vẫn bị ép uống 700-1.000mlsữa/ ngày (chưa kể ti sữa mẹ). Đúng là sữa rất tốt và là sản phẩm cung cấp calci nhiều nhất nhưng để trẻ phát triển tốt bạn phải cho trẻ ăn đủ bốn nhóm thực phẩm: tinh bột (gạo, mì, ngũ cốc), đạm (thịt, tôm, cua, cá, thịt…), chất khoáng và vitamin (rau xanh), chất béo (dầu, mỡ).

Nhiều bà mẹ pha sữa quá đặc cho con vì tưởng như thế, con sẽ hấp thu được nhiều dưỡng chất hơn. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm vì pha sữa đặc có thể dẫn đến tình trạng rối loạn điện giải và tổn thương thận của trẻ. Đối với trẻ thừa cân, bạn nên chọn loại sữa đã được tách béo, tiếp tục uống sữa nguyên kem sẽ nguy hại cho tim mạch và huyết áp của trẻ.

Tuyệt đối không được uống sữa thay cho nước. Trong sáu tháng đầu nếu trẻ ti hoàn toàn sữa mẹ thì không cần uống thêm nước, nếu trẻ ti thêm sữa ngoài hoặc trên sáu tháng cần bổ sung nước uống thường xuyên cho trẻ với lượng vừa phải.

Nếu trẻ trót thừa canxi

Khi trẻ có dấu hiệu thừa canxi, điều đầu tiên cần làm ngay là ngưng tất cả các nguồn cung cấp canxi và vitamin D, uống nước bổ sung để bù nước. Mang trẻ đến gặp bác sĩ để được khám chữa kịp thời. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của việc ngộ độc canxi, các bác sĩ có thể dùng thêm thuốc lợi tiểu, corticoid, thẩm thấu màng bụng…

Còn nếu con có các biểu hiện thiếu canxi, tốt nhất không nên tự ý mua các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng bổ sung calci về tự uống. Bạn nên đưa trẻ đến Viện Dinh dưỡng hoặc các cơ sở y tế uy tín khám để được tư vấn và hướng dẫn cách bổ sung calci cho con. Tuy nhiên, hầu hết các bác sĩ đều khuyên cáo không nên lạm dụng, dùng quá liều, dùng thời gian kéo dài, nếu không sẽ lợi bất cập hại.

Theo Nguyên Anh/Suckhoegiadinh.com.vn

Bệnh nấm lưỡi ở trẻ

Chị Hồng vừa mới sinh bé Na được hơn một tuần đã phải tá hỏa khi phát hiện thấy những chấm trắng hình tròn trên lưỡi bé. Chị không hiểu con đang mắc bệnh gì và nó có nguy hiểm không.

“Hung thủ” gây nấm

Trẻ từ khi mới sinh ra đã hay có hiện tượng này, dân gian thường gọi là đẹn trăng hoặc tưa lưỡi. Bệnh thường hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng có trẻ đến 10-15 tuổi vẫn bị do thói quen ăn uống không khoa học. Lưỡi trẻ có những chấm trắng hình tròn, tạo thành những đường chỉ trên lưỡi, làm trẻ không bú vì đau, ăn vào lại nôn ra, ngày càng gầy đi.

Theo các bác sĩ chuyên khoa thì bệnh này rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm. Bởi vì có nhiều trẻ bị lâu ngày nấm ăn loang khắp lưỡi, làm mất vị giác, khiến trẻ biếng ăn, lúc đó các ông bố, bà mẹ mới tất tưởi đưa con đi khám. Có trường hợp nặng, nấm lan xuống đường ruột, gây tiêu chảy kéo dài làm trẻ xanh xao, gầy yếu… Tệ hơn nữa có bà mẹ lo lắng quá, tự ý cạo những chấm trắng ra làm chảy máu lưỡi, dẫn đến nhiễm trùng…

Nấm lưỡi chủ yếu là do nấm Candidas albican gây ra. Chúng luôn ẩn nấp trong cơ thể mỗi người và bùng phát khi vệ sinh không sạch sẽ hoặc hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu. Ở trẻ nhỏ, bệnh xuất hiện khi các em không được uống nước tráng miệng sau khi bú hoặc ăn bột, vệ sinh các dụng cụ ăn không tốt.

Ở trẻ lớn, nguyên nhân gây nấm lưỡi là không đánh răng sau khi ăn, hay ăn nhiều đồ ngọt, ăn đêm… Bệnh cũng có thể xảy ra khi trẻ phải sử dụng một số loại thuốc kháng sinh trong thời gian dài. Vì khi ấy, kháng sinh tiêu diệt những vi khuẩn có lợi và làm sinh sôi những vi khuẩn gây hại trong khoang miệng.

benh-nam-luoi-o-tre

Tiêu diệt nấm lưỡi

Các hiệu thuốc có bán thuốc kháng nấm Nystatin. Bạn mua về, pha bột này thành hỗn dịch và chấm vào các vết nấm. Hơn 20 phút sau mới được cho trẻ ăn để không làm thuốc mất tác dụng.

Ngoài ra, các bác sĩ khuyên rằng, nên dùng mật ong để rơ lưỡi cho trẻ (mật ong sát trùng rất tốt) nhưng phải cho trẻ uống nước lọc tráng miệng để khỏi lưu lại chất đường trong miệng, vi khuẩn có hại dễ phát triển.

Các mẹ nên lưu ý phải vệ sinh bầu vú trước khi cho trẻ bú, làm vệ sinh miệng cho trẻ nhẹ nhàng hàng ngày, rửa sạch bình đựng sữa trước và sau khi trẻ bú để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.

Cho trẻ uống 1-2 thìa nước sôi để nguội sau khi trẻ bú bình và dùng miếng gạc nhỏ, nhúng nước muối loãng pha ấm, lau nhẹ lưỡi, lợi cho trẻ.

Nếu trẻ đang ăn dặm, bạn nên cho con dùng những loại thức ăn mềm, dạng lỏng và cho trẻ ăn trong tư thế nằm để tránh tác động sâu vào vùng đáy lưỡi khiến trẻ bị đau rát. Khi xác định trẻ bị nấm lưỡi, không nên để trẻ tiếp xúc với các trẻ khác để tránh lây nhiễm.

Đối với trẻ lớn, cha mẹ nên bắt buộc trẻ đánh răng hoặc súc miệng bằng nước muối, thuốc tím, nhai tỏi sống, ngậm chanh để hạn chế vi khuẩn phát triển.

Chú ý là tuyệt đối không được dùng hàn the để rơ lưỡi vì khi vào cơ thể, hàn the tích tụ trong gan có thể gây ngộ độc mạn tính, ảnh hưởng đến gan, thận, gây biếng ăn và suy nhược cơ thể.

Chữa nấm lưỡi theo kinh nghiệm dân gian:

Dùng 100g lá rau ngót hoặc nhọ nồi rửa sạch, giã nhỏ, cho vào ít nước đun sôi còn ấm, vắt lấy nước. Dùng bông gòn hoặc vải mỏng để rơ nước này lên lưỡi, lợi, miệng của bé một lần một ngày, dần dần nấm lưỡi sẽ hết.

Theo Thùy Dương/Suckhoegiadinh.com.vn

Cách xử trí khi trẻ bị sốt co giật

Co giật do sốt là hiện tượng co giật xảy ra ở trẻ nhỏ, thường là từ 3 tháng đến 5 tuổi, kết hợp với sốt nhưng không do nhiễm khuẩn trong hộp sọ hoặc do một nguyên nhân xác định nào khác.

Cách xử trí khi trẻ bị sốt co giật cach xu tri khi tre bi sot co giat

Để phòng sốt cao co giật phải đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu sốt. Ảnh: TL

Co giật thường xảy ra khi thân nhiệt của trẻ tăng cao ≥ 390C. Nguyên nhân gây sốt dẫn đến co giật chủ yếu là do sốt siêu vi, nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Co giật chủ yếu là co giật toàn thân kéo dài trong vài phút, hiếm khi kéo dài quá 15 phút. Sau cơn co giật bé thường ngủ lịm và khi bị đánh thức bé thường tỉnh táo, không mê man.

Trẻ em hay bị co giật do sốt là do não trẻ cũng có khoảng 14 tỉ tế bào thần kinh như người lớn, nhưng phải đến 8 tuổi các tế bào thần kinh mới biệt hóa hoàn toàn. Não trẻ em có nhiều nước và protein, có ít lipit hơn não người lớn. Do vậy, khi trẻ sốt cao não dễ bị kích thích, các sợi thần kinh nhất thời phóng điện đột ngột và quá mức, gây co giật toàn thân.

Khi trẻ bị co giật do sốt, cần xử trí như sau:

– Để trẻ nằm yên, tránh kích động. Đặt trẻ nằm ngửa, đầu hơi nghiêng sang một bên. Cởi bỏ bớt quần áo cho trẻ dễ thở và hạ bớt thân nhiệt. Dùng vật mềm hoặc khăn mặt đặt giữa hai hàm răng để trẻ khỏi cắn phải lưỡi. Tuyệt đối không dùng vật cứng ngáng miệng trẻ để tránh gãy răng, không giữ chặt trẻ lại để tránh gãy xương.

– Khi ngừng giật phải ngay lập tức đưa trẻ về tư thế an toàn (lật nghiêng trẻ sang một bên, đầu hơi ngửa ra sau) để nếu trẻ có nôn thì chất nôn không trào ngược vào đường thở gây nguy hiểm. Dùng khăn nhúng vào nước ấm lau người trẻ nhiều lần, nhất là vùng nách và bẹn để giảm thân nhiệt.

– Làm mát môi trường xung quanh bằng cách hạn chế số lượng người, mở thông thoáng cửa sổ và cửa ra vào. Có thể dùng thuốc hạ sốt loại viên đặt hậu môn với liều 15-20 mg/kg trọng lượng cơ thể của trẻ. Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.

Để phòng sốt cao co giật phải đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu sốt. Không để thân nhiệt trẻ quá 390C. Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều hơn bình thường. Để trẻ chỗ thoáng mát, cởi bỏ bớt quần áo, tuyệt đối không bọc kín trẻ.

Bác sỹ Phạm Văn Dũng

Theo Giadinh.net.vn

Vì sao trẻ bị dị ứng trứng gà?

Trứng gà là một loại thực phẩm bổ dưỡng, nhưng có một số trẻ nhỏ bị dị ứng với thành phần của trứng.

 

 

Bắt mạch trẻ dị ứng với trứng gà

Đa số mọi người cho rằng ăn trứng gà rất bổ cho trẻ nhỏ, nó sẽ giúp tăng hàm lượng protein để trẻ khỏe mạnh, da hồng hào. Tuy nhiên, có không ít những trường hợp trẻ bị dị ứng ngay sau khi ăn trứng gà, đặc biệt đối với trẻ đang tuổi ăn dặm. Tình trạng dị ứng có thể xảy ra trong vài phút, vài giờ hoặc nhiều ngày sau khi trẻ ăn trứng. Phần lớn trẻ bị dị ứng trứng gà xuất hiện các dấu hiệu:

– Xung quanh miệng trẻ da chuyển đỏ, sưng phù, nổi phát ban.

– Trẻ bị nôn trớ, xuất hiện những cơn đau vùng bụng và tiêu chảy.

– Trẻ chảy nước mũi, mắt bị đỏ và mọng nước, hơi thở khò khè, ho tăng lên. Một số trường hợp nặng, bé có thể bị sưng phù miệng và cổ họng dẫn tới hiện tượng thiếu ôxy vào phổi gây khó thở. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể bị tụt huyết áp, chóng mặt và bị shock.

vi-sao-tre-bi-di-ung-trung-ga Vì sao trẻ bị dị ứng trứng gà? vi sao tre bi di ung trung ga

Ảnh minh họa

Vì sao trẻ bị dị ứng trứng gà?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ bị dị ứng trứng thường do phản ứng của hệ miễn dịch với các loại protein có trong trứng gà. Hoặc trẻ có thể bị dị ứng khi ăn những sản phẩm có thành phần của trứng gà. Những chất hóa học dù ít có trong trứng gà cũng khiến bé có cơ địa mẫn cảm xuất hiện dấu hiệu dị ứng.

Trên bề mặt vỏ trứng có nhiều lỗ nhỏ li ti nên không khí và vi khuẩn có thể xâm nhập. Do đó mọi người không nên cho trẻ ăn trứng sống dưới bất kỳ hình thức nào vì dễ trúng độc mà cần luộc hoặc nấu chín để phòng nhiễm khuẩn. Nếu người thân bị dị ứng thực phẩm là trứng gà thì bé cũng dễ bị theo.

Đặc biệt, một số trẻ quá nhạy cảm, làn da cũng nhanh chóng xuất hiện dấu hiệu dị ứng ngay khi vừa tiếp xúc với mùi vị trứng.

Ăn trứng gà đúng cách

Không nên cho trẻ ăn trứng gà sớm vì bộ máy tiêu hoá của trẻ mới hoạt động, trứng gà lại giàu chất dinh dưỡng, khó tiêu. Khi trẻ trên một tuổi hãy bổ sung trứng gà trong khẩu phần ăn để tăng chất bổ.

Đặc biệt chú ý, không nên cho trẻ ăn trứng gà và uống sữa đậu nành cùng nhau vì trong sữa đậu nành chứa men protidaza có tính ức chế các protein trong trứng gà, gây khó tiêu, đầy hơi.

Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị dị ứng trứng gà, bạn nên dừng cho trẻ ăn và đồng thời đưa trẻ đi khám. Trong khi nấu ăn không được nấu chung nồi các món có dính trứng gà. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để tìm những loại thực phẩm có nguồn gốc từ trứng gà nhưng không gây dị ứng cho bé.

Thực tế có trẻ dị ứng trứng gà đến một độ tuổi nào đó thì hết, nhưng có trẻ bị dị ứng mãi mãi. Hiện tại vẫn chưa có một tiêu chuẩn thống nhất cho một người nên ăn bao nhiêu trứng gà thì bổ.

Theo Tổ chức Tim mạch Anh, không nên ăn quá bốn quả trứng trong một tuần, còn theo tổ chức Y tế Thế giới, thì con số này là mười quả. Do đó tốt nhất nên dùng trong các mức trên, trẻ nhỏ chỉ nên ăn một quả mỗi ngày.

Lưu ý không nên cho trẻ ăn trứng gà khi:

– Trẻ đang bị cảm cúm: Nếu ăn trứng gà sẽ làm nhiệt lượng cơ thể tăng lên vì khí trong người không thoát được ra ngoài.

– Trẻ bị tiêu chảy: Lúc này cơ thể đang bị rối loạn chuyển hóa các chất mỡ, đường, đạm. Trứng gà có nhiều chất đạm, khi ăn sẽ khiến đường ruột không được nghỉ ngơi, phải hoạt động nhiều, bệnh sẽ nặng hơn.

Theo Nguyễn Nam/Giadinh.net.vn

Trẻ vận động sớm sẽ giúp chắc xương

Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tờ Journal of Bone and Mineral Research, trẻ 18 tháng mà đi, chạy, nhảy tốt thì sẽ có xương chắc khỏe vào lúc thiếu niên.

Sự vận động ở tuổi chập chững biết đi sẽ tác động mạnh lên xương khiến cho xương to, dày và chắc khỏe hơn xương của các trẻ kém hoạt động. Chính những trẻ ít hoạt động vào lúc nhỏ rất dễ có nguy cơ loãng xương và gãy xương khi lớn tuổi.

Các nhà khoa học tại Đại học Manchester Metropolitan và Đại học Bristol cho biết trẻ hoạt động sớm thì sau này sẽ năng động về thể chất hơn. Các trẻ có khối cơ lớn hơn sẽ có hoạt động thể chất nhiều hơn. Càng hoạt động thì khối cơ càng mạnh, tạo lực lớn hơn trên xương khi trẻ đi, chạy và nhảy. Kết quả là xương ngày càng chắc khỏe.

Trẻ sinh non, nhẹ cân thì xương sau này sẽ ra sao? Một trong những quá trình quan trọng xảy ra trong vài tuần cuối của thai kỳ là sự vận chuyển canxi vào phôi thai để phát triển xương. Điều gì sẽ xảy ra khi sự vận chuyển này bị dừng lại do trẻ sinh non?

Câu trả lời là khối xương sẽ giảm vào lúc tuổi trưởng thành so với trẻ sinh đủ tháng. Tuy nhiên, trẻ vào tuổi trưởng thành dù sinh đủ tháng nhưng nhẹ ký so với tuổi thai thì cũng có khối xương thấp. Những hiểu biết này rất quan trọng vì khối xương đạt được vào lúc trưởng thành là một chỉ số quan trọng để tiên lượng bệnh loãng xương sau này.

Theo TS-BS Chandima Balasuriya tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, trẻ sinh non có trọng lượng rất thấp và trẻ sinh đủ tháng nhưng nhẹ cân so với tuổi thai sẽ có khối xương thấp hơn trẻ sinh đủ tháng có trọng lượng bình thường.

Cùng công tác tại đại học trên, GS Unni Syversen khảo sát 188 thanh niên từ 26 đến 28 tuổi. Họ được chia làm 3 nhóm. Nhóm 1 (52 người) có cân nặng lúc sinh rất thấp, trung bình 1,2 kg và tuổi thai trung bình là 29 tuần. Nhóm 2 (59 người) sinh đủ tháng nhưng nhỏ so với tuổi thai, cân nặng trung bình lúc sinh là dưới 3 kg. Nhóm 3 (77 người) sinh đủ tháng với trọng lượng bình thường.

Các nhà nghiên cứu đo nồng độ khoáng trong xương và độ đậm đặc của xương cột sống, xương hông…, xem xét chiều cao và cân nặng hiện tại, tình trạng hút thuốc, hoạt động thể chất… Kết quả, khối xương ở nhóm 3 là cao nhất, kế đến là nhóm 2. Nhóm 1 có khối xương thấp nhất.

Từ kết quả nghiên cứu trên, cha mẹ và thầy thuốc sẽ giúp các trẻ khi sinh ra có trọng lượng thấp hay sinh non chăm sóc khối xương tốt hơn khi lớn lên bằng chế độ ăn giàu protein, canxi, vitamin D, đồng thời luyện tập thể chất (các môn thể thao chịu tải nặng) để phòng ngừa loãng xương và gãy xương về sau này.

Bác sĩ Ngô Văn Tuấn

Theo nld.com.vn