Chuyên mục lưu trữ: Tiêu hoá

Khi đói hay buồn nôn là bệnh gì?

Khoảng 2 tháng nay khi đói tôi hay buồn nôn. Trước đây tôi hút thuốc lá cũng bị như vậy. Tôi mắc bệnh gì vậy BS ơi? – (Dương Công Trí – Đồng Nai)

khi-doi-hay-buon-non-la-benh-gi

Chào bạn,

Có thể bạn bị bệnh lý ở dạ dày – tá tràng. Khi bụng đói, dạ dày sẽ tiết ra nhiều dịch vị hơn, dạ dày bị kích thích co thắt gây cảm giác buồn nôn.

Khi hút thuốc, chất nicotin có trong khói thuốc lá sẽ kích thích các hạch thần kinh giao cảm và tuyến thượng thận, gây tăng tiết adrenalin dẫn đến co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, tăng tiết dịch vị, tăng nhu động ruột và dạ dày khiến bạn buồn nôn.

Nếu bỏ thuốc lá mà vẫn còn hiện tượng trên, bạn nên đến các cơ sở y tế để khám và làm các xét nghiệm như nội soi dạ dày, tìm Helicobacter pylori… từ đó mới điều trị chính xác được.

Thân mến!

(Theo BS chuyên khoa của AloBacsi)

Hay bị tiêu chảy vào buổi sáng là bệnh gì?

Đã 2 năm nay tôi cứ ăn sáng xong là bị đau bụng rồi phải đi ngoài (phân không lành). Bữa trưa, chiều thì không làm sao cả.

Tôi 68 tuổi, đã 2 năm nay tôi cứ ăn sáng xong là bị đau bụng rồi phải đi ngoài (phân không lành). Bữa trưa, chiều thì không làm sao cả. Tôi đã uống một số loại thuốc cầm tiêu chảy nhưng không đỡ. Xin bác sĩ cho biết tôi bị bệnh gì?”.

hay-bi-tieu-chay-vao-buoi-sang-la-benh-gi

Chào bác,

Bác bị bệnh đã 2 năm tức là diễn biến bệnh đã có thể gọi là mạn tính. Theo thư bác kể thì rất có thể bác bị hội chứng ruột bị kích thích. Những người bị bệnh này thường vào một thời điểm nào đó trong ngày, nếu ăn vào sẽ có cảm giác đau bụng, tiêu chảy, thường là bữa sáng. Bệnh cũng liên quan nhiều đến tâm lý, nếu trong thời gian đó phải suy nghĩ nhiều về vấn đề gì cũng dễ làm phát sinh bệnh.

Biện pháp khắc phục là giải tỏa stress đang mắc phải, có thể ăn sáng muộn hơn, tránh vào thời điểm hay bị đi ngoài. Nên thay đổi thường xuyên khẩu phần bữa sáng và nhất thiết phải ăn những thức ăn đã nấu chín kỹ, nóng, bảo đảm vệ sinh.

Nếu bác đi ngoài phân nhày máu, kèm theo sút cân và nhiều triệu chứng khác nữa thì rất có thể đó là bệnh ở trực tràng, hoặc biểu hiện của khối u. Bởi vậy, bác cần đến khám tại các chuyên khoa tiêu hóa để làm xét nghiệm giúp chẩn đoán và điều trị chính xác bệnh.

BS. Vũ Trường Khanh

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Nhận biết các chứng đau bụng cấp

Trong những ngày đón mừng năm mới, đau bụng cấp là triệu chứng hàng đầu trong đa số các trường hợp cấp cứu về tiêu hóa. Đây là một triệu chứng chủ quan, phụ thuộc vào cảm giác của người bệnh. Cần chẩn đoán và điều trị nhanh để giúp bệnh hồi phục nhanh.

Đau bụng cấp có thể là cấp cứu nội khoa hoặc là cấp cứu ngoại khoa.

Nhiều bệnh nhân đau bụng cấp trong dịp tết, rất chủ quan tự mua thuốc uống, không đến khám bác sĩ, khi bệnh trở nặng phải nằm viện dài lâu thì mới hối tiếc vì sức khỏe bị ảnh hưởng – tốn tiền – liên lụy người thân. Một số bệnh lý được mô tả dưới đây sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về triệu chứng “đau bụng cấp” rất phức tạp do rất nhiều bệnh lý nguy hiểm hay không nguy hiểm gây ra.

dau-bung

Các nguyên nhân đau bụng cấp ngoại khoa

Viêm ruột thừa cấp:

Người bệnh thường bắt đầu với chán ăn, buồn nôn, đau mơ hồ vùng quanh rốn hay thượng vị. Trong 6 – 8 giờ, đau di chuyển xuống vùng 1/4 bụng dưới phải và xuất hiện triệu chứng viêm phúc mạc, sốt, bạch cầu tăng.

Viêm túi mật cấp:

Người bệnh đau 1/4 trên phải hoặc hạ sườn phải hoặc thượng vị, đau lan ra sau lên vai phải. Đau kéo dài trên 6 giờ, kèm theo buồn nôn, nôn, sốt nhẹ, bạch cầu tăng.

Viêm tụy cấp:

Đau thượng vị dữ dội sau ăn, cường độ đau tăng nhanh, lan ra sau lưng, sốt, chán ăn, buồn nôn và nôn, sau nôn không giảm đau.

Viêm túi thừa:

Thường xảy ra ở người già, vị trí thường gặp là đại tràng xích ma. Thường có triệu chứng của viêm hoặc tắc nghẽn. Lúc đầu chán ăn, ăn ít, buồn nôn, nôn và cơn đau vùng hạ vị. Về sau, đau di chuyển đến 1/4 bụng dưới trái. Thường kèm theo táo bón hoặc tiêu chảy.

Thủng ổ loét dạ dày – tá tràng:

Khởi phát đau dữ dội ở thượng vị, sau đó nhanh chóng lan ra khắp bụng. Người bệnh thường nằm im, mạch nhanh, thở nhanh. Bụng bệnh nhân sờ cứng như gỗ.

Tắc ruột:

Xảy ra ở mọi tuổi, ở người lớn, đa số là do dính ruột sau mổ, thoát vị nghẹt. Đau bụng vùng quanh rốn, cơn đau khởi phát thình lình, đau quặn từng cơn, kèm buồn nôn và nôn, triệu chứng giảm sau nôn.

Thiếu máu mạc treo cấp:

Khởi phát đau quặn bụng dữ dội vùng thượng vị và quanh rốn, kèm tiêu chảy, nôn, bụng trướng, tiêu phân đen, choáng (tỉ lệ 25%).

Túi phình động mạch chủ bụng:

Vỡ hoặc bóc tách túi phình động mạch chủ bụng, khởi phát đột ngột với đau bụng dữ dội vùng giữa bụng, cạnh cột sống hoặc vùng hông. Đau cảm giác như bị xé, kèm cảm giác choáng váng, vã mồ hôi, buồn nôn. Thường có bệnh cảnh choáng và tam chứng với tụt huyết áp, khối u có mạch đập ở bụng, đau bụng.

Thai ngoài tử cung vỡ:

Người phụ nữ có trễ kinh hoặc rong huyết, đau vùng bụng dưới. Nhưng sau một thời gian sẽ có một cơn đau nhói dữ dội, sau đó người bệnh cảm thấy rất mệt, có thể ngất xỉu, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt thấp. Nếu không được mổ kịp thời có thể bị tử vong.

Các nguyên nhân đau bụng cấp nội khoa

Viêm ruột cấp:

Do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Triệu chứng có những cơn đau quặn bụng quanh rốn, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần, sốt khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn hoặc nhiễm độc kèm theo, có triệu chứng mất nước điện giải – trụy mạch khi tiêu chảy nặng.

Cơn đau quặn thận:

Hay gặp nhất là do sỏi thận, nhất là ở sỏi niệu quản. Đau dữ dội ở vùng hông lưng, xuất hiện sau khi vận động nhiều, đau lan xuống dưới, đến bộ phận sinh dục hoặc bẹn. Thường kèm theo các rối loạn tiết niệu khác như tiểu ra máu, tiểu buốt.

Viêm loét dạ dày tá tràng:

Đau vùng thượng vị, có thể đau lan ra sau lưng, ợ hơi, ợ chua, nôn ra nước chua và thức ăn. Trong tiền sử thường có những cơn đau theo chu kỳ,  xuất hiện vào những giờ nhất định, liên quan đến bữa ăn trong ngày và vào những mùa nhất định trong năm.

Đau bụng giun:

Hay gặp nhất là đau bụng do giun đũa có đặc điểm như: đau bụng quanh vùng rốn, buồn nôn và nôn, thử phân thấy nhiều trứng giun.

(Theo SKDS)

Nghệ, mật ong chữa viêm dạ dày

Tôi bị viêm dạ dày đang trong quá trình điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Buổi sáng tôi thường xuyên uống thêm tinh nghệ với mật ong và cảm thấy bệnh đỡ rất nhiều. Xin hỏi có phải nghệ mật ong có tác dụng rất tốt cho bệnh dạ dày? Nếu uống thường xuyên có được không.

Hà Hùng(Vũng Tàu)

nghe

Nghệ là gia vị nhưng là vị thuốc quý. Vết thương bôi nghệ tươi vừa chống nhiễm khuẩn vừa mau lành lại không để sẹo xấu. Tinh chất nghệ (curcurmin) có tác dụng tăng tiết mật, hỗ trợ tiêu hóa nhưng lại không tăng tiết dịch vị dạ dày. Vì thế khi bị viêm loét dạ dày nhiều người hay dùng nghệ tươi hay tinh nghệ đều tốt cả. Ngoài ra, nghệ còn ức chế khả năng sinh khối u trong dạ dày và các nơi khác.

Mật ong trong y học cổ truyền vừa làm thuốc bổ dưỡng vừa có tác dụng kháng khuẩn. Mật ong chứa đường glucoza, đường hoa quả… và rất nhiều vitamin các loại B1, B2, B6, E,… Những vitamin trong mật ong kích thích sự trao đổi chất. Kali và magiê (dạng thường hóa) kích thích ăn ngon miệng, tăng hàm lượng axit hữu cơ và cải thiện sự tiêu hóa, những hạt (của) phấn hoa trong mật ong tăng cường khả năng miễn dịch. Với dạ dày, mật ong làm giảm tiết axít nên các triệu chứng đau rát sẽ nhanh chóng mất đi.

Chính vì thế nên người ta thường dùng nghệ và mật ong làm thuốc chữa đau dạ dày. Thường mỗi ngày dùng 12g nghệ trộn với 6g mật ong làm thành viên uống, kết quả rất tốt.Nếu bạn uống nghệ và mật ong thường xuyên thì vừa bổ dưỡng, an thần lại lành vết loét dạ dày. Đây là vị thuốc rất lành vì thế bạn không phải lo lắng khi phải dùng lâu dài.

(Theo Afamily)

Sốt cao kèm rối loạn tiêu hóa

Khoảng vài ba ngày nay, em bỗng nhiên bị sốt cao kèm theo rối loạn tiêu hóa, đau bụng và đi ngoài phân lỏng, có lẫn dịch nhầy nhiều lần. Em nghĩ mình bị bệnh đường ruột nên đã mua thuốc về uống nhưng bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà lại xuất hiện thêm triệu chứng trướng bụng, buồn nôn và nôn. Mong bác sĩ giảp đáp liệu em bị bệnh gì và phải chữa trị như thế nào ạ? Em xin cảm ơn!

(apple…@yahoo.com)

roi-loan-tieu-hoa

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng em đã bị nhiễm bệnh lỵ.

Đây là bệnh đường ruột liên quan mật thiết đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bệnh chia làm 2 loại: lỵ trực khuẩn hoặc lỵ amíp. Chúng đều có thể lây lan thành dịch nhưng đặc biệt với lỵ trực trùng mà không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Vi khuẩn lỵ có thể sống và phát triển trong nước ngọt, rau sống, thức ăn tối thiểu từ 7 – 10 ngày hoặc lâu hơn nữa. Ở các loại quần áo, đồ dùng trong ăn uống của người bệnh lỵ trực khuẩn hoặc trong đất có khi chúng tồn tại tới từ 6 – 7 tuần lễ.

1. Lỵ trực khuẩn:

Người ta chia lỵ trực khuẩn thành 4 nhóm: S. Dysentriae, S. Flexnerie, S. Boydii và S. Sonnei. Trong đó, nhóm lỵ trực khuẩn gây bệnh nặng nhất là nhóm 1, rất dễ đưa đến tử vong nếu không phát hiện, điều trị kịp thời bởi vì chúng vừa gây bệnh bằng nội độc tố và ngoại độc tố.

Mọi người có thể mắc bệnh lỵ trực khuẩn đặc biệt là những người chưa có miễn dịch chống lại trực khuẩn lỵ.

Giai đoạn đầu còn biết số lần đi ngoài trong ngày nhưng vài ba ngày sau thì không thể đếm được số lần đi ngoài do phân cứ tự chảy ra ở hậu môn. Đồng thời thể trạng suy sụp do nhiễm độc độc tố nặng. Song song với nhiễm độc độc tố là hiện tượng mất nước và chất điện giải trầm trọng.

2. Lỵ amíp:

Với bệnh lỵ amíp thì tác nhân gây bệnh là ký sinh trùng amíp (Entamoeba histolitica), chúng thuộc loại đơn bào, khả năng tồn tại trong môi trường tự nhiên tuy có ngắn ngày hơn so với trực khuẩn lỵ nhưng vai trò gây bệnh của chúng thì không thể xem thường.

Bệnh chủ yếu là tình trạng nhiễm trùng ở ruột già. Khi bị bệnh thường có 2 loại: cấp tính và mãn tính:

- Thể cấp tính thường gặp với những triệu chứng như đau bụng, mót rặn và đi ngoài phân có máu lẫn với chất nhầy. Đi ngoài nhiều lần trong ngày nhưng mỗi lần đi không có nhiều phân. Nếu ở thể nhẹ thì sức khỏe ít bị ảnh hưởng nhưng khi bệnh nặng thì bệnh nhân có thể bị suy kiệt (đi ngoài ra máu nhiều lần trong ngày), rối loạn chất điện giải, bụng trướng.

- Thể mãn tính là khi lỵ amíp chui vào trong niêm mạc ruột tạo thành các kén amíp, từng đợt chúng lại xuất hiện gây đau bụng, đi ngoài ra máu tươi nhất là khi ăn các loại thức ăn lạ, nhiều mỡ… Hậu quả của lỵ amíp mãn tính là gây nên viêm đại tràng làm cho người bệnh dễ bị suy kiệt do rối loạn tiêu hóa kéo dài.

Hơn nữa, mắc bệnh lỵ amíp còn có một nguy cơ lan truyền ngược dòng gây nên hiện tượng ápxe gan.

Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chẩn đoán cũng như chỉ định điều trị thích hợp cho tình trạng của mình.

Ngoài ra, em cần chú ý thực hiện những điều sau để việc chữa trị đạt hiệu quả tối đa:

- Tuyệt đối không ăn rau sống không hợp vệ sinh, không uống nước chưa được đun sôi, không ăn tiết canh, gỏi, nem chạo, nem chua…

- Luôn luôn rửa tay sạch bằng xà phòng có chất diệt khuẩn sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.

- Cách ly các dụng cụ ăn uống và đồ dùng trong sinh hoạt: Các dụng cụ ăn uống cần luộc bằng nước đun sôi.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

 (Theo Kenh14)

7 Dấu hiệu khi bị tổn thương gan

 Dưới đây là một số triệu chứng của tổn thương gan mà bạn cần lưu ý nhận ra trước khi quá muộn.

Gan là một trong những tạng quan trọng nhất của cơ thể. Nếu chức năng gan hoạt động không tốt. Cơ thể sẽ mắc rất nhiều bệnh.

gan

1. Hơi thở “có mùi”: Có thể chưa bao giờ bạn nghĩ rằng hơi thở “có mùi” lại có thể là một dấu hiệu của tổn thương gan. Nếu gan của bạn không hoạt động tốt thì miệng thường có mùi. Tình trạng này là do cơ thể sản sinh quá nhiều ammonia.

2. Quầng thâm quanh mắt và mỏi mắt: Chức năng gan bị tổn thương có thể liên quan với tổn thương da và mệt mỏi ở mắt. Da dưới mắt cũng phản ánh tình trạng sức khỏe của con người. Nếu bạn thấy rất khó để khỏi quầng thâm mắt và mỏi mắt thì hãy đi khám bác sĩ ngay. Đó có thể là một dấu hiệu của tổn thương gan.

3. Các vấn đề nghiêm trọng về tiêu hóa: Nếu gan chứa nhiều chất béo, bạn sẽ không thể tiêu hóa cả nước. Tuy nhiên, các vấn đề về tiêu hóa ở mức nhẹ song xảy ra trong khoảng thời gan đều đặt thì cũng có thể là chỉ báo cho thấy gan bị tổn thương.

4. Thay đổi về màu da: Những thay đổi ở màu da có thể xảy ra là do tổn thương gan. Những đốm trắng trên da có thể xuất hiện khi chức năng gan hoạt động không tốt.

5. Phân và nước tiểu màu ngăm đen: Những người có các vấn đề về mất nước thường có phân và nước tiểu màu nâu sậm. Ngoài triệu chứng của mất nước thì hiện tượng này cũng là chỉ báo về chức năng gan hoạt động không tốt.

 6. Mắt và móng tay bị vàng: Khi màu trắng của mắt và của móng tay ngả sang màu vàng thì bạn nên đi khám bác sỹ ngay để được chữa trị kịp thời.

7. Trướng bụng: Gan sẽ to lên do nhiễm trùng hoặc tổn thương gan. Nếu bệnh tình không được điều trị, dạ dày của bạn cũng sẽ phình lên.

Để giúp gan khỏe mạnh, bạn nên tránh các thói quen ăn uống không lành mạnh, đặc biệt là những thức ăn chứa nhiều chất béo. Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước và ăn những thức ăn tốt cho sức khỏe như rau và trái cây.

(Theo ANTD)

Lá chè xanh thường được dùng trong bài thuốc trị tiêu hóa

Việc ăn uống không tiết độ dễ làm rối loạn tiêu hóa, dạ dày bị bệnh trước, tạng tỳ thọ bệnh sau.

Theo lương y Vũ Quốc Trung, có nhiều nguyên nhân dẫn tới rối loạn tiêu hóa. Ở cuộc sống hiện đại, hệ tiêu hóa của chúng ta thường quá tải do chế độ ăn uống, sinh hoạt, lúc thì quá no, lúc lại quá đói. Ngoài ra, đồ ăn thức uống có nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (dư lượng thuốc trừ sâu, lạm dụng thuốc bảo quản, phụ gia phẩm màu…). Tình trạng sử dụng thuốc trị bệnh bừa bãi, tự mua thuốc chữa bệnh cho mình – nhất là kháng sinh, là những nguyên nhân dễ đưa đến rối loạn, trục trặc ở đường tiêu hóa.

che-xanh
Lá chè xanh thường được dùng trong bài thuốc trị tiêu chảy – Ảnh: K.Vy

Còn theo lương y Như Tá, nói đến rối loạn tiêu hóa là nói đến hậu thiên trực tiếp đến tỳ vị. Thức ăn, nước uống đều vào dạ dày, biến đổi ra chất, hợp với khí ở dạ dày đi khắp cơ thể. Nếu ăn uống không tiết độ thì dạ dày bị bệnh trước, tạng tỳ thọ bệnh sau. Khi chức năng hoạt động của dạ dày kém sẽ phát sinh ra những bệnh thường gặp khác.

Một số bài thuốc

Khi phát hiện bị rối loạn tiêu hóa, theo lương y Vũ Quốc Trung, chúng ta hãy xem lại chế độ dinh dưỡng hằng ngày để có sự điều chỉnh. Nếu đầy bụng, tiêu chảy thì không nên ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ, quá ngọt, quá cay hoặc quá nhiều chất đạm. Không nên ăn hoa quả chưa được gọt vỏ và rau sống, lúc này không tốt cho đường ruột.

Nếu bị rối loạn tiêu hóa, có thể dùng bài thuốc gồm các vị: bạch truật, sa sâm, mộc hương (mỗi loại 12 gr), chỉ xác, hoắc hương (mỗi loại 10 gr), sa nhân, trần bì (mỗi loại 6 gr). Đem nấu lấy nước chia làm 3 lần dùng sau bữa ăn trong ngày. Nếu bị đầy bụng, có thể dùng bài gồm hai vị thuốc: bạch truật 30 gr, chỉ thực 15 gr, đem tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 6 gr (ngày dùng 2 lần) với nước sôi để ấm.

Nếu bị rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy, ở quê có thể dùng vỏ hến nung lên rồi tán thành bột mịn, đem trộn đều với đường đỏ (50 gr vỏ hến thì dùng 20 gr đường đỏ). Mỗi lần dùng 5 gr với nước chín còn ấm, ngày dùng 3 lần. Hoặc có thể dùng lá bưởi, lá ổi và lá chè xanh, mỗi thứ lượng bằng nhau, chừng 100 gr.

Đem phơi trong bóng mát cho khô, rồi sao thơm, tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 20 gr, ngày 3 lần, dùng với nước chín còn ấm. Hoặc dùng một ít dây khổ qua và vỏ quả lựu đem nấu lấy nước uống.

 (Theo Thanhnien)

Hay bị tiêu chảy sau khi ăn sáng là bệnh gì?

Buổi sáng ngủ dậy cháu hay bị đau bụng, đi ngoài thường đi 2 lần, ăn sáng xong là cháu bị tiêu chảy, đặc biệt uống sữa vào là bị tiêu chảy.

Chào bác sĩ, Buổi sáng ngủ dậy cháu hay bị đau bụng, đi ngoài thường đi 2 lần. Lần đầu thì phân bình thường nhưng lần thứ 2 thì phân có hiện tượng nát. Buổi sáng, ăn sáng xong là cháu bị tiêu chảy, đặc biệt uống sữa vào là bị tiêu chảy. Cháu đã đi nội soi đại tràng và dạ dày thì kết quả là dạ dày bị viêm nhẹ, đại tràng thì bình thường. Cháu cũng đã sử dụng nhiều loại thuốc rồi mà vẫn không khỏi. Cháu thấy hiện tượng đau bụng của cháu thì không giống đau dạ dày. Cháu đã bị hơn 3 tháng nay rồi ạ. Vậy BS cho cháu hỏi, cháu đang mắc phải bệnh gì? Rất mong bác sĩ tư vấn giúp cháu! - (Lê Quý – Hà Nội)

Quý thân mến,

Ngoài tình trạng viêm dạ dày, cháu còn bị rối loạn tiêu hóa. Do cháu đã được nội soi đại tràng nên có thể loại trừ rối loạn tiêu hóa do nguyên nhân thực thể.

Lần đầu cháu đi cầu bình thường, nhưng do đi chưa hết phân nên sau đó có thể mắc và tiếp tục đi nữa. Hiện tượng này có thể là bình thường hoặc gặp ở người có rối loạn lo âu.

Để cải thiện tình trạng này cháu cần tập thói quen đi cầu đúng giờ, ăn thức ăn đảm bảo vệ sinh và dễ tiêu hóa (nên ăn thực phẩm có nguồn gốc và chế biến an toàn), ăn đủ lượng chất xơ (có nhiều trong rau quả), giữ tinh thần lạc quan thoải mái, vận động thể lực thường xuyên. Cháu có thể ăn thêm sữa chua để bổ sung vi khuẩn sống có ích giúp dễ tiêu hóa.

So với cân nặng cháu hơi gầy nên cần chú ý ăn nhiều hơn để tăng cung cấp năng lượng cho cơ thể, không bỏ bữa, nhất là bữa sáng.

Nếu sáng ăn vào hay bị đi ngoài, cháu nên tập ăn ít rồi tăng dần về số lượng. Uống sữa bị tiêu chảy có thể do cơ thể thiếu men tiêu hóa sữa (men Lactase), thường gặp ở người ít uống sữa hoặc có thể dị ứng với thành phần một loại sữa nào đó.

Đối với viêm dạ dày, cháu cần tuân thủ điều trị thì bệnh sẽ mau khỏi.

Chúc cháu mau khỏi bệnh.

BS-CK1 Hoàng Bích Hồng

(Theo Alobacsi)

Viêm niêm mạc trực tràng cần kiêng ăn những gì?

Thưa các BS,

Tôi năm nay 45 tuổi, bị rối loạn tiêu hóa với triệu chứng như: đi ngoài hay bị phân lỏng, phân nổi lều bều, có khi loãng toàn nước… Đêm về sáng nếu lạnh bụng là bị đi ngoài. Hiện tượng trên thường xuyên xảy ra, mỗi đợt bị như thế thường thì tự khỏi sau một vài ngày.

Gần đây lại kèm theo hiện tượng đau bụng lâm râm. Tôi đi khám, đã xét nghiệm phân, BS kết luận không có ký sinh trùng đường ruột, siêu âm thấy bình thường, nội soi đại tràng thì kết luận là viêm niêm mạc trực tràng và trĩ nội độ 1, BS chỉ nói là kiêng rượu bia.

Tôi xem trên mạng thì thấy bệnh viêm trực tràng về ăn uống chỉ cần kiêng ăn trước khi ngủ, còn bệnh viêm đại tràng thì kiêng ăn rất nhiều thứ. Vậy xin hỏi các BS, bệnh viêm niêm mạc trực tràng có khác viêm đại tràng không, cần kiêng những gì?

Mong các BS tư vấn thêm về bệnh của tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn. - (Nguyen Pham – nguyenpham…@gmail.com)

BS-CK1 Hoàng Bích Hồng:

Chào bạn,

Đại tràng hay còn gọi là ruột già gồm có 3 phần là: kết tràng, manh tràng và trực tràng. Trực tràng đổ ra ngoài bằng lỗ hậu môn. Trực tràng có dạng hình ống thẳng, dài khoảng 15cm. Như vậy, trực tràng là phần cuối của đại tràng.

Trĩ là bệnh được tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch vùng hậu môn – trực tràng (Tĩnh mạch trĩ).

Trĩ nội: gốc búi trĩ nằm trên đường lược (trên lỗ ngoài hậu môn khoảng 2,5cm). Trĩ độ 1 là khi búi trĩ còn nằm trong ống hậu môn.

Bạn bị viêm niêm mạc trực tràng và trĩ nội độ 1, trong chế độ ăn cần tránh táo bón bằng cách chú ý ăn đủ chất xơ (có nhiều trong rau quả), uống đủ nước (ít nhất 2 lít nước mỗi ngày), vận động thể lực thường xuyên (mỗi ngày ít nhất 45 phút đến 1 giờ). Nên ăn đầy đủ các chất, đa dạng món ăn, tránh ăn thức ăn cay.

Bệnh của bạn cần điều trị nội khoa bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Chúc bạn mau khỏi bệnh!

(Theo Alobacsi)

10 câu hỏi dinh dưỡng đáng quan tâm nhất cho trẻ dưới 1 tuổi – Phần 2

(Webtretho) Dù nuôi con đầu lòng hay con thứ 2 thì những lo lắng làm các bà mẹ rối trí dường như chẳng giảm đi. Hàng loạt những câu hỏi liên tục được đặt ra liên quan đến việc nuôi dạy con. Webtetho tổng hợp 10 câu hỏi “hay được hỏi nhất” và đã được các chuyên gia dinh dưỡng (*) trả lời tận tình.

>> Phần 1

6. Có phải bé bị dị ứng?

Bé thường xuyên phải dùng thuốc chống dị ứng vì mẹ không biết nguyên nhân từ đâu. Ảnh: Getty images

Hỏi: Con em 4 tháng tuổi, em bắt đầu cho ăn dặm và uống thêm sữa ngoài. Nhưng có một vài vấn đề khó khăn cho em đó là khi con em uống sữa (friso + amfa netle) và ăn bất cứ bột ăn dặm gì (netle + hipp ) đều dị ứng (nổi mề đay quanh miệng và tay khi chạm vào sữa và bột ăn dặm). Cho em hỏi là bé nhà em dị ứng với thành phần của sữa và giúp em là em có thể cho con ăn gì thay thế?

Trả lời: Do bạn tập cho bé ăn dặm và uống thêm sữa ngoài cùng một lúc nên thật sự không biết bé dị ứng do nguyên nhân gì. Chế độ dinh dưỡng cho bé dưới 6 tháng là sữa mẹ hoàn toàn, nghĩa là việc ăn dặm chỉ nên bắt đầu khi bé tròn 6 tháng (180 ngày). Loại sữa an toàn nhất cho bé hiện giờ là sữa mẹ, do vậy bạn nên tiếp tục cho bé bú mẹ. Nếu bạn không còn sữa, bạn có thể cho bé bú sữa công thức 1 (sữa dành cho bé dưới 6 tháng) và chỉ uống 1 loại sữa duy nhất, không nên phối hợp 2-3 loại sữa mỗi ngày. Tuyệt đối không cho bé uống sữa tươi và các chế phẩm từ sữa như yaourt, phô mai, váng sữa… Nếu bạn đã áp dụng cách trên mà bé vẫn còn biểu hiện dị ứng thì bạn nên đưa bé đến BS để khám và hướng dẫn chọn sữa cụ thể, bạn nhé.

 7. Vì sao bé chậm mọc răng?

Hỏi: Em có bé gái hiện nay đã tròn 1 tuổi nhưng chưa có răng nào, hiện tại cháu chỉ nặng gần 8kg và cao khoảng 72cm. Có phải cháu đã bị suy dinh dưỡng và vì thế mà chưa mọc răng (do thiếu canxi) không ạ? Hằng ngày cháu ăn rất ít so với các bạn cùng tuổi: 2-3 chén cháo nhỏ (khoảng 2/3 chén ăn cơm), uống 2 bình sữa ngoài, mỗi lần 120ml, trưa và tối bú mẹ. Cháu không biết bò, ngồi lết thì được, cũng đã vịn để đi men. Như vậy có bị gọi là chậm phát triển so với tuổi không?

Mẹ chờ đợi mỏi mòn nhưng mãi vẫn không thấy răng con nhú lên - Ảnh: Getty images

Trả lời: Bé 1 tuổi với cân nặng và chiều cao như vậy là đã suy dinh dưỡng rồi bạn ạ, cân nặng của bé thiếu đến 1kg và chiều cao thiếu khoảng 3 cm. Có khả năng cao là bé đã bị còi xương do thiếu canxi-vitamin D. Bạn cần gia tăng lượng sữa cho bé uống cho đủ 800 ml sữa bột ngoài sữa mẹ mỗi ngày. Giai đoạn này sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu tăng lên của bé, do đó nếu bé uống không đủ 800ml sữa bột thì bạn cần phải cai sữa mẹ để bé uống đủ lượng sữa cần thiết. Từ 1 tuổi trở đi, bé cần mỗi ngày 4 chén cháo mỗi ngày, trong mỗi chén cháo 180ml có đủ 30g thịt cá, 30g rau, và 10g dầu (tương đương 2 muỗng canh gạt thịt cá, 2 muỗng canh hơi vun rau lá và 1 muỗng canh đầy dầu mỡ). Ngoài ra cần cho bé tiếp xúc với ánh nắng khoảng 15 phút mỗi ngày. Tốt nhất là bạn nên đưa bé đến khám tại một cơ sở y tế nhi khoa để được theo dõi và được kê thêm các loại thuốc bổ sung nếu cần.

 8. Bảo quản thức ăn thế nào để không mất chất?

Cách trữ đông, bảo quản thực phẩm cũng làm các mẹ luôn phân vân. Ảnh: Getty images

Hỏi: Bé nhà mình được 13 tháng rồi. Mình đang chuẩn bị cho bé đi giữ trẻ tư nên mình tính nấu cháo cho bé vào buổi sáng rồi cho vào bình giữ nhiệt, giữ nóng đến trưa, khi nào ăn là người giữ chỉ cần đổ cháo ra chén cho ăn, không cần hâm nóng lại. Nhưng một số người lại nói làm thế cháo nó đã vữa ra rồi, sao cho bé ăn được (mình không về nhà vào buổi trưa). Mình muốn hỏi làm như vậy cháo của bé có bị vữa không? Chất dinh dưỡng trong chén cháo có bị thiếu hụt gì không? Nếu không làm như thế thì có cách nào khác không? Hay nên để cháo trong tủ lạnh khi ăn lấy ra hâm lại?

Trả lời: Bình giữ nhiệt chỉ có tác dụng làm chậm lại sự giảm nhiệt độ của thức ăn/nước uống, tương tự như các loại bình đá chỉ làm nước đá lâu tan hơn chứ không thể làm nước đá không tan hoàn toàn được. Vì vậy, nhiệt độ của thức ăn trong bình giữ nhiệt vẫn sẽ giảm, chỉ có điều là giảm chậm hơn so với khi để ở bên ngoài mà thôi. Và về nguyên tắc thì khi nhiệt độ của thức ăn giảm xuống dưới 60oC thì vi khuẩn sẽ bắt đầu phát triển mạnh trở lại và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không còn đảm bảo nữa.

Cách tốt nhất để bảo quản thực phẩm cho bé là cho thức ăn vào tủ lạnh và hâm nóng lại trước khi ăn. Lưu ý là nhiệt độ của tủ lạnh phải đạt khoảng 5đoC trở xuống và khi hâm lại thì phải hâm đến 750C trở lên và thực phẩm phải nóng đều. Thức ăn nếu được bảo quản lạnh đúng cách trong một thời gian ngắn, và chỉ hâm nóng lại một lần thì không bị hao hụt chất dinh dưỡng nhiều, vấn đề hao hụt chất dinh dưỡng chỉ đáng lo ngại khi bảo quản thực phẩm trong một thời gian quá dài hay khi thức ăn được hâm nóng rồi trữ lạnh lại nhiều lần mà thôi.

Một lưu ý khác là thời gian từ khi thực phẩm được nấu chín đến khi cho vào tủ lạnh không được quá dài, tốt nhất là dưới 2 giờ vì nếu để ở bên ngoài thì sau 2 giờ kể từ khi được nấu chín, thực phẩm sẽ không còn an toàn nữa.

9. Trẻ rối loạn tiêu hóa có phải do ăn dặm không đúng cách?

Ảnh: Getty images

Hỏi: Con gái em được 6 tháng 21 ngày. Lúc được 6,5 tháng em cho bé tập ăn váng sữa nhưng cháu có triệu chứng bị rối loạn tiêu hóa như: đi ngoài 2-4 lần trong ngày (trước kia cháu đi rất đều đặn 1 lần /ngày vào 1 giờ nhất định), cháu đi ngoài phân sống, còn nguyên bột, phân có vón cục trắng li ti, có mùi chua và cháu có vẻ mệt. Hiện nay cháu được 8,5kg cháu ăn 3 bữa bột mặn/ngày, uống khoảng 300ml sữa ngoài còn lại là bú mẹ, ngoài ra ngày em có cho cháu uống thêm nước hoa quả. Bác sĩ cho em hỏi hiện tượng rối loạn tiêu hóa của con em phải chữa như thế nào? Chế độ ăn ở độ tuổi cháu như thế có phù hợp không?

Trả lời: Con bạn mới hơn 6 tháng rưỡi mà bạn đã cho con ăn váng sữa và ăn đến 3 bữa bột mặn mỗi ngày - lượng thức ăn này vượt quá khả năng tiêu hóa của bé, nên thức ăn không thể tiêu hóa, không thể hấp thu, dẫn đến phân sống. Phân còn nguyên bột, vón cục trắng li ti là chứng tỏ bé ăn không tiêu nên như thế. Lẽ ra thời điểm này bé chỉ ăn ngày 2 bữa bột mà thôi, sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu: 700-800ml sữa. Tất cả những chế phẩm có nguồn gốc sữa bỏ nguyên thể (sữa chưa được xử lý để phù hợp với trẻ dưới 12 tháng tuổi) như váng sữa, sữa chua, phô mai… đều chỉ nên dùng cho trẻ trên 12 tháng tuổi. Bạn cần điều chỉnh lại chế độ ăn cho con ngay kẻo càng kéo dài vấn đề rối loạn tiêu hóa sẽ càng nặng nề, khó chữa trị, tổn thương đường ruột càng nặng sẽ càng khó phục hồi.

Bạn chỉ cần cho bé ăn mỗi ngày 2 bữa, mỗi bữa là 1 chén bột sệt 120ml. Cách nấu 1 chén bột cho trẻ ở độ tuổi con bạn:

-  1 muỗng canh gạt (15g) thực phẩm giàu đạm (thịt heo, tôm, lòng đỏ trứng, đậu hũ…) băm mịn và 1 muỗng canh vun (15g) 1 loại rau lá hoặc rau củ như cà rốt, khoai tây, mồng tơi… băm nhuyễn.

- 1 muỗng canh đầy (10g) dầu ăn nhẹ salad oil (dầu mè, dầu gấc, đậu nành…)

-  Bột gạo sữa hoặc bột ngũ cốc.

Hòa đều 1 muỗng đạm với 150ml nước, bắc lên bếp nấu chín mềm, rồi cho tiếp muỗng rau củ vào, nấu vừa chín tới thì đổ hết ra chén nhỏ. Cho dầu vào, khuấy nhẹ cho bay bớt hơi nóng, sau đó cho bột vào từ từ đến khi bột đặc sệt vừa với khả năng nuốt của trẻ là được. Bạn không dùng máy xay thực phẩm, không nêm thêm muối hoặc bất kỳ chất tạo vị nào.

Ngoài ra, bạn chỉ cần duy trì cho bé uống sữa cả sữa ngoài và sữa mẹ là 700-800ml, không cần cho ăn thêm bất cứ gì nữa.

10. Cải thiện dinh dưỡng thế nào cho bé còi xương?

Ảnh: Getty images

Hỏi: Bé nhà tôi 5,5 tháng. Cháu hay ra mồ hôi trộm và bị rụng tóc hình vành khăn, tôi đọc thông tin trên internet và biết được đấy là dấu hiệu của bệnh còi xương nên tôi cho cháu uống vitamin D3 dạng giọt nhưng không thấy có biểu hiện tiến triển. Vì tôi đi làm sớm nên bà nội cháu cho cháu ăn bột từ 3 tháng tuổi, ngày 2 bữa bột đặc, trời lạnh nên bà chỉ cho cháu ở trong nhà cả ngày. Xin hỏi bác sĩ phải làm thế nào để bổ sung đúng canxi và vitamin D cho cháu?

Trả lời: Nguồn cung cấp chất dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho trẻ dưới 6 tháng chỉ là sữa, nếu không có sữa mẹ bắt buộc phải dùng sữa của các loại động vật khác (như bò, dê…) chứ thức ăn khó lòng thay thế được sữa. Ngoài sữa ra cũng không có thực phẩm nào có thể cung cấp đủ lượng canxi theo nhu cầu hàng ngày của trẻ. Bé nhà bạn được cho ăn quá sớm, lại còn ăn bột đặc, thành phần bột không có canxi mà còn có nhiều thành phần phytate có thể làm cản trở sự hấp thu canxi ở ruột, vì vậy càng làm tình trạng thiếu canxi và vitamin D của bé trầm trọng hơn.

Bổ sung vitamin D dạng thuốc chỉ có tác dụng điều trị còi xương nếu bạn cung cấp canxi cùng lúc, chỉ đơn độc vitamin D không thể trị còi xương được. Trước hết bạn cần xem lại chế độ dinh dưỡng của bé. Lúc này, để cải thiện vấn đề canxi, cần thiết là bạn phải bảo đảm cho bé uống sao cho được 800ml sữa/ngày, cách cho uống sữa dễ nhất là cho uống thay nước theo phản xạ khát của trẻ. Các bữa bột hiện tại nên nấu lỏng hơn, và cho thêm vào mỗi chén bột 1 muỗng canh dầu ăn.

(*)ThS - BS Đào Thị Yến Phi và nhóm các bác sĩ Bộ môn Dinh dưỡng An toàn Thực phẩm Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã trả lời.