Chuyên mục lưu trữ: Tâm sinh lý Sơ sinh

Triệu chứng của bé mọc răng

(Webtretho) Trong quá trình lớn lên, con bạn sẽ phải trải qua nhiều cơn đau khác nhau về nguyên nhân lẫn mức độ. Mọc răng là một trong những nguyên do phải kể đến đầu tiên. Tùy vào đặc điểm cơ thể và tính cách của từng bé mà biểu hiện của cơn đau, sự khó chịu có thể khác nhau, nhưng hầu hết các bé trong giai đoạn này đều tỏ ra dễ cáu kỉnh hơn thường ngày.

Những dấu hiệu của mọc răng thường bắt đầu vài tháng trước khi chiếc răng đầu tiên xuất hiện, và phụ huynh cần phải nhận biết được chúng. Điều này thực sự quan trọng và cần thiết, bởi trên thực tế, không ít người đã lầm tưởng mọc răng có thể gây ra sốt cao, ói mửa, sổ mũi, tiêu chảy hay phát ban… trong khi thực ra đây lại là dấu hiệu của những căn bệnh khác ở trẻ nhỏ. Để chắc chắn rằng con bạn đang cảm thấy khó chịu vì mọc răng hay mệt mỏi vì một căn bệnh nào khác, tốt nhất bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

webtretho_bé mọc răng

Khi đang mọc răng, thứ gì bé cũng thích cho vào mồm, kể cả chân, tay của mình (Ảnh: Inmagine)

Tuy vậy, sau đây là những dấu hiệu thường gặp và dễ dàng nhận thấy nhất ở những em bé đang trong giai đoạn mọc răng:

- Bồn chồn, khó chịu và hay giật mình tỉnh giấc;

- Đau, đỏ nướu;

- Má đỏ ửng;

- Ăn không ngon miệng;

- Thân nhiệt tăng nhẹ (nhưng không vượt quá 390C);

- Chảy nước bọt nhiều hơn bình thường (có thể dẫn đến hiện tượng nổi mẩn đỏ hoặc đau buốt, khó chịu ở cằm);

- Nhai bất cứ thứ gì bé có trên tay, dù đó là thức ăn, đồ chơi hay thậm chí cả ngón tay của bé. Đây là phản ứng hoàn toàn tự nhiên và bé có thể cảm thấy dễ chịu hơn từ việc này;

- Bé thường “ra chiêu” bằng cách cắn - đây không phải là biểu hiện của tính hung hăng hay sự giận dữ mà chỉ đơn giản bé đang tìm cách giảm đau mà thôi.

Ít lâu sau khi những triệu chứng này xuất hiện, bạn sẽ có thể dễ dàng nhận thấy chiếc răng của con dần nhú khỏi nướu hoặc cảm nhận được một chiếc răng đang dần mọc lên khi dùng ngón tay sạch chạm dọc vào nướu của bé.

Vấn đề cân nặng ở trẻ dưới 1 tuổi – Phần cuối

(Webtretho) Theo dõi sự tăng cân của con yêu ngay từ lúc mới ra đời là một trong những cách tốt nhất để đánh giá xem liệu bé có đang tăng trưởng và phát triển tốt hay không. Dưới đây là những điều bạn nên biết.

>> Phần 1

Con tăng cân đã đủ hay chưa?

Cơ sở y tế sẽ ghi lại sự tăng trưởng của con bạn thành một biểu đồ tăng trưởng. Đường 50% trên biểu đồ biểu hiện đường tăng trưởng của một em bé bình thường, với những đường đồ thị riêng dành cho con trai và con gái vì con trai nói chung khi sinh ra thường nặng hơn con gái. Điểm khởi đầu của biểu đồ tăng trưởng là cân nặng của con khi sinh ra, và đường tăng trưởng của một em bé to con sẽ nằm trên đường tăng trưởng trung bình 50%, trong khi đường tăng trưởng của một đứa bé nhỏ hơn sẽ nằm dưới đó. Việc đường tăng trưởng nằm ở trên hay dưới đường 50% cũng là điều bình thường, miễn là sự phát triển của con đi theo mẫu đường tăng trưởng cơ bản.

Webtretho - Biểu đồ tăng trưởng

Biểu đồ tăng trưởng của trẻ - Ảnh: Internet

Trên biểu đồ tăng trưởng của con, bạn sẽ để ý thấy đường tăng trưởng ban đầu thường tăng rõ rệt rồi sau đó chậm dần lại. Điều này là vì sau đợt giảm trọng lượng ban đầu thì tốc độ tăng trưởng của con bạn tăng rất nhanh trong vòng 6 tháng đầu tiên, sau đó chậm lại.

Và việc con bạn tăng cân được liên tục sau mỗi tuần quan trọng hơn việc con bạn tăng được bao nhiêu cân. Có vài tuần con bạn sẽ tăng nhiều hơn những tuần khác, nhưng miễn con không giữ nguyên cân nặng cũ hay sụt cân, thì mọi chuyện đều diễn ra ổn thỏa.

Không việc gì phải lo

Phải làm sao nếu con bạn không phát triển chính xác 100% theo đường tăng trưởng? Đừng hoảng. Hãy nhớ rằng, biểu đồ tăng trưởng chỉ có tính chất hướng dẫn, quan trọng là bạn hãy theo dõi, nhìn vào sự phát triển chung của bé.

Webtretho - Mẹ & bé

Biểu đồ chỉ mang tính hướng dẫn, quan trọng là bé yêu của mẹ vẫn đang lớn lên và khỏe mạnh - Ảnh: Inmagine

Tốt nhất, bạn hãy cho bé đến cân tại một bệnh viện (không thay đổi), để đảm bảo không có những khác biệt nhỏ nào trên cân hay phương pháp cân làm ảnh hưởng đến biểu đồ tăng trưởng của bé. Không những thế, làm như vậy còn giúp bạn xây dựng một mối quan hệ tốt với các nhân viên tại bệnh viện, và có thể cùng nhau đồng lòng đối phó với những vấn đề có thể xảy ra.

Cơ sở y tế sẽ kiểm tra những điều sau:

  • Sự phát triển chung của con bạn
  • Chế độ ăn của con bạn
  • Mức độ hoạt động của con bạn. Nếu bé đột ngột trở nên hiếu động, nhiều khả năng bé sẽ giảm cân
  • Các bệnh hay các bệnh viêm nhiễm có thể xảy ra. Những bệnh như cảm, cúm hay bệnh tưa có thể ảnh hưởng đến việc bú hay uống thêm của con, từ đó ảnh hưởng đến việc tăng cân.

Cân nặng trẻ sơ sinh

Có nhiều yếu tố quyết định cân nặng của bé khi sinh ra:

  • Di truyền từ bố mẹ: Gien đóng vai trò lớn trong việc quyết định cân nặng và kích thước của con. Bạn không thể mong một em bé to con nếu cả bạn và chồng bạn đều nhỏ thó.
  • Giới tính: Khi sinh ra, bé trai thường lớn hơn và nặng hơn bé gái một chút.
  • “Chế độ ăn” trong bụng mẹ: Nhau thai có hoạt động tốt và cung cấp các chất dinh dưỡng cho bé khi bé còn trong bụng mẹ không cũng có vai trò trong việc quyết định cân nặng của con khi sinh ra.
  • Thời gian mang thai: Trẻ sinh non thường có cân nặng khi sinh ra thấp (dưới 2,5kg).
  • Chế độ ăn của bạn: Người mẹ bị thiếu ăn nghiêm trọng trong suốt thời gian mang thai hoặc những người mẹ có chế độ ăn rất không cân bằng thường sinh ra những đứa trẻ nhỏ hơn trung bình.
  • Sức khỏe của bạn: Người mẹ bị bệnh mãn tính có nhiều khả năng sinh ra một đứa trẻ nhỏ hơn con của một người mẹ khỏe mạnh. Và mặt khác, người mẹ bị tiểu đường cũng nhiều khả năng sinh ra một đứa trẻ rất to con.
  • Ma túy, rượu bia, thuốc lá: Việc lạm dụng chất kích thích, thuốc lá có thể khiến đứa con sinh ra nhỏ hơn trung bình.

Con có chậm biết nói?

(Webtretho) Trong khi hầu như mọi đứa trẻ đều phát triển theo đúng tuổi, việc chậm trễ hay gián đoạn một kỹ năng nào đó như nói chẳng hạn có thể khiến phụ huynh lo lắng tự hỏi mình: “Liệu con tôi có phát triển đúng chuẩn không?”. Có những mốc phát triển ngôn ngữ mà bạn có thể dựa vào đó để đánh giá xem con mình đang ở mức độ nào.

Chú ý đến người khác

Sự tương tác xã hội là nền tảng của sự phát triển ngôn ngữ. Nếu con bạn không chú ý đến người khác, không đáp lại các âm thanh, tiếng nhạc, các trò chơi và đồ chơi chuyển động, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ chậm phát triển ngôn ngữ và kỹ năng nói ở trẻ.

Bập bẹ phát âm

Từ 4 tháng tuổi, bé đã biết ê a những tiếng đầu đời. Ảnh: Inmagine.

Từ 4-6 tháng tuổi, con bạn sẽ bập bẹ phát âm, bắt dầu bằng các nguyên âm khi bé bắt đầu lên tiếng bằng cách ê a. Sang tháng thứ 6, bé bắt đầu ghép các nguyên âm với phụ âm thành những tiếng.

Nhận ra tên mình

Từ 6-9 tháng tuổi, em bé đã có thể ngừng chơi và quay về phía bạn khi bạn gọi tên bé. Con bạn cũng có thể đáp lại các tiếng động khác nhau mà bạn tạo ra, và có thể bắt chước những tiếng động đó. Đó là lý do vì sao việc phụ huynh chăm trò chuyện với con là rất quan trọng. Các nghiên cứu đều cho thấy trẻ có phụ huynh hay nói phát triển ngôn ngữ tốt hơn.

Những từ đầu tiên

Khoảng 12 tháng tuổi, bé đã có thể biết nói những từ đầu tiên, như “mama”, và “baba.” Bạn có thể giúp bé tăng vốn từ vựng của mình bằng cách đọc sách hay đơn giản là chỉ cần nói với bé về những gì bạn làm mỗi ngày. Bạn không cần nói chuyện quá đơn giản hay phức tạp với bé; chẳng hạn, khi ra ngoài chơi, hãy chỉ và nói cho bé những bông hoa hay con vật mẹ con bạn thấy trên đường đi.

 

Tròn 1 tuổi, con đã có thể làm theo những yêu cầu đơn giản. Ảnh: Inmagine.

Thể hiện qua hành động

Cũng ở tháng thứ 12, bé cưng của bạn đã bắt đầu biết vẫy tay chào và tạm biệt cũng như lắc đầu từ chối. Những trò chơi tương tác qua lại rất tốt cho các bé ở giai đoạn này để phát triển kỹ năng truyền đạt thông tin. Bạn hãy chơi đẩy bóng qua lại, chia thức ăn hoặc giở các trang sách cùng bé.

Làm theo những yêu cầu đơn giản

Từ tháng 12-18, bé có thể đáp lại với tên của mình, hiểu nghĩa “không”, chào” và thực hiện những yêu cầu đơn giản (ví dụ: “Con cầm đồ chơi lên đi!” Ở độ tuổi này, bé cũng bắt đầu chỉ ra được các bộ phận khác nhau trên cơ thể khi bạn hỏi bé (ví dụ: “Bụng con đâu?”). Trò chơi ú òa có thể giúp bé phát triển các kỹ năng này.

Ghép từ

Khi bé được 18 tháng tuổi, bé đạt được sự nhảy vọt về ngôn ngữ trong vài tháng tới. Một đứa trẻ 2 tuổi có thể nói được khoảng 50 từ. Trong suốt thời kỳ này, bé sẽ bắt đầu biết cách ghép từ với nhau, chẳng hạn như: “Bố bế”. Bạn có thể giúp bé phát triển kỹ năng này thông qua trò chuyện. Thay vì hỏi “Trái banh của con đâu?”, bạn có thể nói phức tạp hơn “Trái banh lớn màu đỏ của con đâu?”.

Biểu lộ cảm xúc

Được 24 tháng tuổi, bé có thể diễn tả nhu cầu tức thời của mình với bạn bằng cách sử dụng từ ngữ và bắt đầu kết hợp từ ngữ, mặc dù không phải sự kết hợp nào của bé nghe cũng có nghĩa. Bạn có thể hiểu được khoảng 50% ngôn ngữ cũng như cảm xúc của bé. Nhưng cách nói chuyện của bé ở lứa tuổi này rất ngộ nghĩnh và đáng yêu.

Tìm hiểu sự phát triển của con – Tháng thứ mười

(Webtretho) Dù bây giờ bé biết lết, bò, đi hay chỉ thích nhìn những đứa trẻ khác di chuyển, có một điều chắc chắn rằng trí não bé đang phát triển ở tốc độ nhanh nhất. Hãy tìm hiểu xem bé đã biết gì về sự tồn tại lâu dài của đồ vật và ngôn ngữ ký hiệu.

Bạn sẽ phải chạy hết tốc lực mới đuổi kịp bé

Ở giai đoạn này, bé thường luôn tay luôn chân. Kết quả là bạn cũng như vậy. Bé có thể di chuyển bằng cách bò nhanh, lật dậy ngồi dù đang ở bất cứ tư thế nào, và thậm chí có thể biết đi rồi.

Đừng ỷ lại vào những vật dụng bảo vệ an toàn cho bé: Giờ bé chỉ có mỗi một việc để làm là di chuyển, khám phá và học hỏi. Bạn cần phải đi trước bé một bước. (Học hỏi kinh nghiệm của các phụ huynh khác về những rủi ro có thể xảy ra với những vật dụng đảm bảo an toàn cho bé)

Khám phá khắp nơi

Webtretho - Bé với lấy đồ chơi trên bàn - Bé 10 tháng tuổi

Bé đã có thể di chuyển nhoay nhoáy để lấy những món đồ chơi yêu thích của mình - Ảnh: Inmagine

Cái bàn trong phòng khách có thể có độ cao ngang tầm với bé để bé vịn đứng lên và khám phá hoặc để bé vịn bước đi. Bé có thể vịn từ chỗ này sang chỗ khác để đi khắp phòng. Điều này làm bé rất thích thú vì bé có thể nhìn thấy một món đồ và di chuyển ở tư thế đứng thẳng đến để lấy món đồ đó. Bé thậm chí còn có thể đứng vịn một tay rồi thả một tay ra cúi xuống nhặt một món đồ dưới đất. Rồi bé sẽ sớm đạt được chiến công này trong quá trình bước những bước đi đầu tiên thôi.

Có nên cho bé dùng xe tập đi loại tròn?

Bé có thể được tặng hoặc được thừa hưởng lại một cái xe tập đi loại hình tròn có gắn bánh xe. Hiện việc có nên cho bé dùng xe tập đi hay không vẫn đang là một đề tài gây tranh cãi. Một số cha mẹ rất sùng bái xe tập đi. Tuy nhiên xét về mặt phát triển, các chuyên gia cho rằng xe tập đi không hỗ trợ các kỹ năng cần thiết để giúp bé học đi vì chúng làm cho bé sử dụng các cơ của mình theo một cách khác. Về cơ bản, xe tập đi cho phép trẻ làm những việc mà trẻ đã sẵn sàng làm một mình. Xe tập đi cũng là nguyên nhân gây tai nạn nhiều hơn bất cứ loại đồ chơi nào, đặc biệt nếu dùng xe tập đi ở gần cầu thang hay trong nhà bếp, gần các đồ nóng. Những ví dụ này có vẻ không có chứng cứ cụ thể nhưng mấu chốt ở đây là xe tập đi cho phép trẻ di chuyển rất nhanh. Vì trẻ đang ở tư thế đứng nên trẻ rất dễ với tới nhiều đồ vật. Cộng thêm tính tò mò không ngừng của trẻ, xe tập đi có thể là một mối hiểm họa tiềm ẩn cho trẻ.

Có người nói bạn quyết định không cho bé dùng xe tập đi nhưng rồi lại cho bé dùng ghế hay một món đồ to nào đó để bé có thể vừa đẩy vừa bước đi thì cũng như không. Nhưng hai việc này khác nhau bởi vì những món đồ này nặng và không có bánh xe nên bé không thể di chuyển với tốc độ nhanh như khi bé ở trong xe tập đi được.

Bé không chịu bò?

Nếu bé không chịu bò hay đứng, có thể bạn sẽ lo lắng về sự phát triển của bé. Có nhiều bé khỏe mạnh, bình thường không thích thú với những hoạt động vận động thô mà thích ngồi và chơi không nói tiếng nào. Những bé này có thể thích quan sát hơn những bé năng động – luôn quan sát và tiếp nhận các thông tin.

Webtretho - Bé bò - Bé 10 tháng tuổi

Không phải em bé nào cũng phải bò trước khi bước sang giai đoạn tập đi - Ảnh: Inmagine

Rất có thể một lúc nào đó bé sẽ đột nhiên bò. Nhưng hãy nhớ rằng có những bé không bò: nhiều bé lết bằng mông, trườn bằng bụng, hoặc nghĩ ra nhiều cách để di chuyển từ điểm A sang điểm B. Một số bé trốn bò và tiến thẳng đến giai đoạn đứng và vịn đồ đạc để di chuyển luôn. Một khi những bé này bắt đầu di chuyển, chúng có khuynh hướng học cách di chuyển nhanh hơn những bé hiếu động và đã làm điều này từ cách đây vài tháng. Ủng hộ khuynh hướng phát triển riêng của bé quan trọng hơn nhiều việc ép bé làm những điều bé chưa sẵn sàng. Nếu bạn vẫn còn lo về việc bé không quan tâm đến di chuyển, bạn có thể đến gặp bác sĩ để bác sĩ đánh giá để bạn có thể yên tâm hơn. Còn lời khuyên của chúng tôi ư? Trong lúc bạn còn được thảnh thơi như thế này thì nên tận hưởng thôi!

Chơi ú òa và sự tồn tại lâu dài của vật thể

Bộ nhớ của bé có những bước tiến lớn trong tháng này. Bé đang phát triển khả năng nhận thức để khi bé không nhìn thấy bạn, bé nhớ rằng bạn vẫn còn tồn tại. Có một vài trò bé thích chơi giúp bé hiểu thêm về sự tồn tại của vật thể.

Ngay cả khi bạn chưa hề bày cho bé chơi trò ú òa, bé vẫn có thể biết chơi trò đó. Nhiều bé thích trùm cái mền yêu thích lên mặt rồi giật ra để nhìn ba mẹ đang cười. Bé rất thích mỗi khi bé trùm mền lại và bạn hỏi “Ủa, bé đâu mất tiêu rồi?” Nếu bé chưa biết cách chơi, bạn có thể dùng hai tay bịt mắt bạn lại rồi chơi ú òa với bé. Chắc chắn bé sẽ bắt chước bạn, như vậy bé có thể vừa học vừa chơi.

Webtretho - Chơi ú òa - Bé 10 tháng tuổi

Trò chơi ú òa không chỉ làm con rất thích mà còn dạy con khái niệm về sự tồn tại nữa đấy mẹ ạ - Ảnh: Inmagine

Một trò chơi thú vị khác cho bé là giấu một món đồ bé thích dưới mền. Bé sẽ học cách giở mền ra để lấy đồ chơi. Bây giờ bé đã biết thế nào là sự tồn tại lâu dài của các đồ vật và bé có thể phản ứng mạnh khi bạn chào tạm biệt bé. (Việc này liên quan chặt chẽ với nỗi lo xa rời cha mẹ hồi bé được 7 tháng tuổi.) Bé biết bạn vẫn tồn tại và chỉ đi đâu đó mà không cho bé theo. Bạn và người chăm sóc bé cần phải giải thích cho bé hiểu là bạn sẽ quay về. Bé sẽ vượt qua được giai đoạn này bằng sự giúp đỡ và tình yêu của bạn.

Ngôn ngữ ký hiệu

Có thể một hai tháng nữa bạn mới nghe bé nói những từ đầu tiên nhưng bây giờ bé vẫn đang giao tiếp với bạn đó. Bạn và bé có thể bày cho nhau những ký hiệu để có thể hiểu được nhu cầu của bé.

Nếu bé đang ở trong ghế ăn và muốn ra, bạn hãy dạy bé đưa cánh tay lên ra dấu. Dĩ nhiên bạn vẫn cho bé tiếp xúc với ngôn ngữ bằng cách giải thích cho bé nghe những gì bé muốn nói. “Ồ, con ăn xong rồi hả? Giờ con muốn ra khỏi ghế đúng không? Con muốn xuống đúng không?”

Một ký hiệu phổ biến khác là vẫy tay chào tạm biệt. Khi bạn sắp sửa xa bé, hãy vẫy tay và nói với bé là bạn phải đi, lát nữa bạn về. Mới đầu, có thể bạn đi rồi bé mới vẫy tay, chứng tỏ bé đang hấp thu các thông tin và thực hành. Cuối cùng rồi bé cũng sẽ biết vẫy tay chào lại bạn.

Tìm hiểu sự phát triển của con – Tháng thứ năm

(Webtretho) Con yêu bắt đầu học cách giao tiếp bằng "ngôn ngữ"; dù là tiếng cười khanh khách hay tiếng phun nước bọt phì phì thì bố mẹ cũng cố gắng ghi nhớ nhé, vì đó có thể là cách con đang cố cho bạn hiểu được nhu cầu của bé đấy. Đồng thời đến lúc này, bố mẹ cũng hãy để ý đến những biểu hiện của con để quyết định chuyện cho bé ăn dặm thêm nữa nhé.

Phun phì phì

webtretho_con bắt đầu tạo âm thanh để giao tiếp

Bé bắt đầu tập giao tiếp bằng "ngôn ngữ" (Ảnh: Inmagine)

Bé đã khám phá ra cách dùng môi và lưỡi để tạo ra nhiều âm thanh khác nhau. Có thể những âm thanh bé tạo bằng cách này làm bạn thấy buồn cười,  nhưng đừng đánh giá thấp, chúng chính là “tiền thân” của ngôn ngữ và giao tiếp về sau đấy. Phát hiện mới này khiến con thích thú và cứ lặp đi lặp lại, vậy nên bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh con yêu phun nước bọt phì phì, thậm chí cả khi ăn hoặc uống nước. Bé đang luyện tập đấy mà!

Nuôi dưỡng khiếu hài hước

Một loại âm thanh đáng yêu khác của bé ở giai đoạn này chính là tiếng cười đầu tiên của bé - thứ quý giá mà bố mẹ nào cũng muốn được nghe thật nhiều lần. Để được như vậy, tốt nhất bạn hãy dành thời gian để cùng con đùa giỡn, và nếu con nghĩ bạn hoặc bé vừa làm một điều gì đó buồn cười, hãy cười với bé. Bé cũng sẽ cười khanh khách mỗi khi được bố mẹ dùng những đầu ngón tay cù cù vào bụng cùng những tiếng nựng nịu vô nghĩa quen thuộc của người lớn khi chơi đùa với trẻ con.

Bé có cười khi thấy bạn hắt xì không? Có lẽ do thấy âm thanh và nét mặt lúc bạn hắt xì buồn cười quá đấy mà. Hơn nữa, nếu thử lặp lại âm thanh khi bạn hắt-xì, “Haa.. chuu..”, bạn có thể thấy nó gần giống với tiếng “Agu” mà bé hay nói. Khi con “agu, agu” bố mẹ cũng hãy “agu” lại với bé, được chú ý như vậy sẽ khiến bé rất thích và nghĩ rằng mình đang có một cuộc trò chuyện quan trọng. Cố gắng hiểu và ghi nhớ các âm thanh đặc biệt mà bé “nói” mỗi khi  đói, mệt, hay muốn chơi. Đây là các âm thanh rất quan trọng mà con học để cho bạn hiểu bé đang cần gì.

Phát triển thể chất

Ở giai đoạn này nhiều bé thích ngồi vì ở tư thế thuận lợi này, bé có thể nhìn thấy được cơ thể của mình và cả nhiều thứ xung quanh nữa. Bé cũng có thể khom lưng và chống hai tay phía trước để cố nhấc người lên, càng ngày bé sẽ càng khỏe hơn mà. Thỉnh thoảng bé còn có thể ngồi thẳng hoặc thả một tay ra để với lấy đồ chơi, vậy nên để cẩn thận, bạn nên chặn gối xung quanh con phòng khi bé ngã. Nếu có bố mẹ ngồi bên cạnh nữa thì bé sẽ càng thích vì: "a, mình có thể ngồi giống như bố mẹ này!"

Giờ bé cũng đã sẵn sàng ngồi ghế ăn để ăn cùng với gia đình. Đây là một cột mốc quan trọng khiến bé cảm thấy mình là một thành viên của gia đình.

webtretho_con học uống nước từ ly

Con thích được ngồi ghế ăn và uống nước bằng ly như người lớn (Ảnh: Inmagine)

Nếu con thích ngồi ghế ăn, bạn có thể đưa cho bé một cái ly mút (loại ly có nắp đậy với một chỗ nhô ra để bé ngậm và mút nước trong ly). Bạn cho con cái ly nhỏ thôi và có tay cầm để bé có thể dễ dàng cầm được, dẫu vậy ban đầu cũng hãy chuẩn bị tinh thần sẵn là bé sẽ còn vụng về nên thường làm đổ nước ướt cả áo quần. Và cẩn thận bởi vì đồng thời với việc bé học được cách uống nước từ ly thì bé cũng sẽ học được cách ném ly xuống đất để tạo ra âm thanh mới nữa đấy.

Cho bé ăn dặm

Khi con được 4 đến 6 tháng, nhiều phụ huynh bắt đầu băn khoăn về việc cho bé ăn dặm. Mà các con cũng chẳng chịu giống nhau cơ, trong khi một số rất tò mò mỗi khi thấy ba mẹ ăn  thì một số lại tỏ ra hoàn toàn hài lòng với việc bú mẹ và chẳng quan tâm gì đến thức ăn. Thật ra không có một thời điểm chuẩn nào cho việc này cả; và bạn cũng không cần quá lo lắng vì các bác sĩ nhi khoa cho rằng sữa mẹ hoặc sữa công thức đã cung cấp đầy đủ các dưỡng chất mà bé từ sơ sinh đến 9 tháng tuổi cần đến rồi.

Tuy vậy hãy để ý những dấu hiệu ở con để sẵn sàng cung cấp thêm dinh dưỡng cho con vào đúng thời điểm. Thứ nhất, bé có quan tâm không? Nhiều bé ở giai đoạn này rất thích nhìn các món mà bố mẹ chúng ăn, thích chạm vào chén đĩa, bốc đồ ăn, ngắm nghía và còn thử bỏ vào miệng nữa. Ngoài ra còn một số dấu hiệu về mặt giải phẫu học cho thấy bé đã sẵn sàng:

- Bé có thể giữ đầu vững. Nếu bạn còn nghi ngờ về khả năng này của con thì khoan hãy cho bé ăn dặm.

- Bạn có thể nhận thấy ở con có phản xạ dùng lưỡi đẩy thức ăn ra - phản xạ này giúp bảo vệ bé tránh khỏi việc bị hóc, nghẹn, và thường biến mất khi bé được khoảng 4 đến 6 tháng tuổi.

- Bé phải học được kỹ năng đưa thức ăn vào sâu trong miệng để nuốt.

- Môi dưới của bé phải biết phối hợp để lấy thức ăn khỏi muỗng.

- Ruột của bé phải đủ trưởng thành để tiêu hóa được thức ăn rắn, nghĩa là nó có thể sản xuất ra các enzyme tiêu hóa nhất định để tiêu hóa thức ăn.

Khi nhận thấy con đã sẵn sàng, bạn hãy chọn những loại thực phẩm đề nghị dành cho bé mới tập ăn dặm, có thể tán mịn, có mùi vị dễ chịu và dễ tiêu hóa. Thường các bà mẹ hay cho con bắt đầu ăn dặm với bột ngũ cốc trộn sữa. Một số loại thực phẩm phổ biến khác là chuối, bí đỏ, khoai lang, táo, lê, cà rốt (bạn có thể tự nghiền hoặc mua loại làm sẵn). Theo dõi phản ứng của bé với những loại thực phẩm này. Nếu nhè thức ăn ra nghĩa là bé chưa sẵn sàng ăn dặm đâu, nhưng “đầu bếp mẹ” đừng quá lo lắng, chỉ một thời gian ngắn nữa thôi “thực khách bé” sẽ cầm menu gọi món cho mà xem.

webtretho_cho con ăn dặm

Để ý đến những biểu hiện của con để quyết định việc cho con ăn dặm (Ảnh: Inmagine)

Ngoài việc ăn, bé còn thích khám phá thức ăn. Bé có thể dùng ngón tay, cả bàn tay để cảm nhận thức ăn và cho vào miệng - đây là một phần rất bình thường trong quá trình phát triển của bé, giúp bé làm chủ được kỹ năng dùng ngón tay bốc thức ăn. Cho bé khám phá thức ăn ở mức độ nào, trong bao lâu là tùy bạn. Lời khuyên của chúng tôi: đeo yếm cho bé và cho bé thỏa sức khám phá thức ăn, xong xuôi thì rửa ráy cho bé. Chúc bé ngon miệng!

Âm nhạc với trẻ thơ

(Webtretho) Hãy nghĩ xem âm nhạc ảnh hưởng đến bạn thế nào – làm sao mà một giai điệu lạc quan lại có thể xóa bỏ nỗi buồn và nhạc êm dịu lại có thể giúp bạn chìm vào giấc ngủ. Con bạn cũng không khác đâu nhé! Hãy nuôi dưỡng một con người yêu âm nhạc trong tương lai và biết đâu thế giới sẽ có thêm một thần đồng âm nhạc.

Nghe nhạc liệu có thể có ích cho con tôi?

Những câu hát ru đã được chứng minh là có thể vỗ về trẻ sơ sinh và thậm chí còn có thể giúp các bé sinh non khỏe mạnh hơn. Các nhà nghiên cứu tại đại học Brigham nghiên cứu các ảnh hưởng của âm nhạc lên 33 đứa trẻ sinh non tại một đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh tại Trung tâm Y tế vùng Utah Valley, Provo. Người ta dùng băng thu và phát lại giọng của những người đàn ông và phụ nữ hát ru tại từng lồng ấp của từng đứa trẻ khoảng 40 phút mỗi ngày, trong vòng 4 ngày. Vào ngày thứ tư, khi kiểm tra lại, các bác sĩ nhận thấy rằng các bé được nghe nhạc tăng cân nhiều hơn, huyết áp thấp hơn và nhịp tim tốt hơn.

Webtretho - Âm nhạc với bé sơ sinh

Âm nhạc cũng có tác dụng tốt với con như với bố mẹ vậy - Ảnh: Gettyimages

Âm nhạc cũng có thể có ích cho bạn nữa. Nó có sức mạnh nâng đỡ tinh thần bạn, làm dịu thần kinh đang căng thẳng, và khiến bạn muốn nhún nhảy. Âm nhạc cũng giúp cho sự liên kết, hãy tưởng tượng niềm vui mà bạn sẽ chia sẻ với con khi các bạn cùng đung đưa theo một điệu nhạc dễ thương, hoặc mới dịu dàng êm ái làm sao cho cả bạn và con khi bạn hát cho bé nghe một bài ru êm ái (như "Hush Little Baby" chẳng hạn).

Nghe nhạc liệu có giúp con tôi thông minh hơn?

Giới chuyên môn vẫn chưa chắc chắn được về vấn đề này bởi thật ra chưa có nhiều nghiên cứu có giá trị được thực hiện. Một số chuyên gia tuyên bố rằng việc học chơi một loại nhạc cụ sẽ giúp trẻ học môn Toán giỏi hơn, nhưng kết luận đó là dựa trên nghiên cứu nhằm vào đối tượng là những đứa trẻ lớn hơn chứ không phải trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Lấy ví dụ, một nghiên cứu thấy rằng các bài học piano có thể nâng cao các kỹ năng lý luận không gian của trẻ (tức khả năng hiểu được về không gian ba chiều, nhưng đây chỉ là các thử nghiệm với nhóm trẻ 3-4 tuổi).

Tuy nhiên trẻ sơ sinh dường như có thể phân biệt được giai điệu với lời nói thông thường, thậm chí cả khi chúng còn chưa hiểu gì về âm nhạc. Một nghiên cứu cho thấy các bé sơ sinh có thể phản ứng khi nghe một bài nhạc Happy birthday chơi sai nhạc.

Làm thể nào để âm nhạc trở thành một phần cuộc sống của con?

Webtretho - Bé nghe nhạc

Hãy cùng con nhún nhảy theo điệu nhạc - Ảnh: Gettyimages

Thay vì truyền hình, hãy để dàn âm thanh hay một dụng cụ âm nhạc nào đó là thứ cố định quan trọng nhất trong nhà bạn.  Nhảy múa quanh nhà với bé của mình trong một giai điệu jazz, hay ôm con vào lòng trong một bản tình ca. Hãy nghĩ cuộc sống thường nhật của gia đình bạn như một bộ phim cần có nhạc nền. Để các bài hát bật mở suốt khoảng thời gian sẽ giúp nuôi dưỡng niềm yêu thích của con với âm nhạc cho đến tận khi lớn lên.

Nghe nhạc trước giờ đi ngủ. Liên kết những bài hát đặc biệt nào đó vào cuối ngày sẽ để giúp tạo thói quen ngủ cho con. Hãy giữ âm thanh và nhịp độ chậm vừa, cùng căn phòng tối. Nhưng tránh việc để nhạc mở suốt và rời phòng để con tự chìm vào giấc ngủ. Thay vào đó, bạn hãy mở vài bản nhạc cho con nghe, rồi tắt băng/ đĩa đi trước khi bé chìm vào giấc ngủ.

Hát cho bé nghe. Đừng lo lắng về việc giọng mình thế nào – con bạn sẽ không khắt khe về kỹ thuật của bạn đâu mà sẽ chỉ yêu thích nỗ lực và sự chú ý thôi. Sự thể hiện của bạn không nên chỉ giới hạn ở các bài hát ru, mà hãy hát ở cả giờ chơi nữa. Hãy xây nên một ngọn tháp từ những khối hộp và “phá tanh bành” nó trong khi bạn ngân nga bài “Cây cầu Luân Đôn”. Ngay cả một trò chơi rất đơn giản như trò ú òa cũng có thể biến thành nhạc khi bạn hát to những lời ấy lên. Hãy làm mặt và các động tác buồn cười để con cùng tham gia.

Hãy để con tạo âm nhạc của riêng bé. Con bạn có thể cũng thích gõ trống, piano, hay đàn phiến, nhưng ở tuổi này thì để cho vui mà thôi. Trẻ con không được lợi từ việc chơi nhạc cụ cho đến khi chúng được ít nhất là 3 tuổi. Đó là khi phần não đảm nhận việc “được” đào tạo âm nhạc của bé bắt đầu trưởng thành.

Có loại nhạc nào là tốt nhất cho trẻ nhỏ hay không?

Hãy để sở thích cá nhân của bạn dẫn đường. Nếu bạn thích nhạc cổ điển và con bạn xem ra cũng thích nó thì, cứ tiếp tục thôi. Hãy nghe những bản nhạc yêu thích nhất của bạn (ủy mị hay không ủy mị), hoặc khuấy động lên một chút với giai điệu của Brazil hay châu Phi. Bất cứ thứ gì có giai điệu hay đều được cả, dù rằng những bài hát chậm có thể sẽ tốt hơn cho giờ ngủ còn những bài nhanh thì hợp cho giờ chơi hơn.

Bạn có thể sẽ muốn tránh xa khỏi loại nhạc rock nhức đầu, nhạc hiphop hay rap. Nghiên cứu thực hiện trên động vật cho thấy việc tiếp xúc liên tục với loại nhạc hỗn loạn, chói tai có thể làm thay đổi cấu trúc của não. Khi nghĩ đến việc chọn nhạc cho con, hãy nghĩ đơn giản và vui vẻ.

Điểm mấu chốt

Mục tiêu của bạn có thể là nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc ở con chứ không phải tạo ra một thần đồng âm nhạc. Việc này nên là niềm vui, hãy giúp con làm quen với các âm thanh và giai điệu mới.

Hãy ghi nhận tín hiệu từ con. Con có vẻ thích những gì bạn mở cho bé nghe không? Bé có trở nên sôi nổi khi bạn mở một giai điệu nào đó? Hãy theo sự dẫn dắt của con, nhiều khả năng bạn sẽ nuôi lớn được một người yêu âm nhạc cả đời đấy.

Tìm hiểu sự phát triển của con – Tháng thứ tư

Bé đã bước qua 3 tháng đầu tiên đầy lạ lẫm của đời mình, bắt đầu từ tháng thứ tư, bé đã tự tin để đạt được những mốc phát triển rất đáng khích lệ. Trong tháng này, bé có thể đã biết lật mình và một số bé sẽ khoe những chiếc răng sữa trắng ngần đầu tiên (nhưng sự kiện này có thể làm bé hơi khó chịu đấy).

1. Não đang phát triển
2. Hiểu các thói quen của bé
3. Cùng đọc sách
4. Mát-xa cho bé
5. Kỹ năng vận động
6. Bắt đầu mọc răng

Não bé đang phát triển

Nhờ có công nghệ hiện đại, chúng ta được biết nhiều hơn về sự phát triển sớm của não. Đúng như các bậc phụ huynh cảm nhận được bằng trực giác, nghiên cứu thực nghiệm cho thấy những kiến thức bé có được từ giai đoạn sơ sinh rất quan trọng trong việc định hình cách bé suy nghĩ và học hỏi. Não bé lúc sinh ra đã có 100 tỉ tế bào. Những tế bào này được kết nối với nhau như não trưởng thành. Trước 3 tuổi, não bé sẽ hình thành được khoảng 1 triệu tỉ kết nối. Những kết nối này được hình thành dựa trên những sở thích, khám phá và quá trình bé học hỏi về thế giới xung quanh.

Webtretho - Bé 4 tháng tuổi

Bé đang học hỏi ngay từ lúc này - Ảnh: Corbis

Hiểu các thói quen của bé

Hãy quan sát cách bé học hỏi từ bạn thông qua việc bé ngắm gương mặt, đôi mắt và thái độ của bạn. Khi bé đập tay vào một món đồ chơi hoặc với lấy cái lục lạc, não bé sẽ hình thành các kết nối. Thật không thể tin được là những kết nối như vậy sau này có thể giúp bé ném được bóng trúng rổ, giải được bài toán số học hoặc độc tấu guitar.

Quan sát để biết bé thích những dạng hoạt động gì. Nếu bé thích nằm ngửa và đập tay vào đồ chơi, bạn hãy nằm bên cạnh bé và nói chuyện với bé trong khi bé chơi. Giúp bé phát huy các thiên hướng chính là thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với sự phát triển của bé.

Cùng đọc sách

Webtretho - Đọc sách cho bé

Không lúc nào là quá sớm cho bé làm quen với sách - Ảnh: Corbis

Không lúc nào gọi là quá sớm để bắt đầu đọc sách cho bé nghe. Bắt đầu bằng những quyển sách bìa cứng, nhỏ gọn và chắc chắn. Bé có thể đọc sách bằng cách sờ mó bìa sách, cố gắng lật sách, nhìn bạn đọc sách và thậm chí là nếm thử sách. Dường như bé chỉ chú ý đến sách trong chốc lát nhưng chỉ cần đọc cho bé nghe vài giây thôi cũng tạo nên một ấn tượng lâu dài cho bé. Giọng đọc dịu dàng của bạn, những đoạn có vần điệu nhịp nhàng, sự gần gũi khi bé được ngồi trong lòng bạn, và những trải nghiệm bé có được khi tiếp xúc với quyển sách là rất quan trọng.

Bé sẽ ngày càng thích thú những âm thanh mà bạn phát ra. Bé thích chữ “banh” và cũng thích luôn trái banh. Chẳng bao lâu nữa bé sẽ biết cầm quyển sách lên đưa bạn để bạn đọc cho bé nghe và để bé luyện cách phát âm.

Mát-xa cho bé

Vuốt ve là một cách giúp não bé phát triển sớm đồng thời thắt chặt tình cảm giữa bạn và bé. Ôm ấp vuốt ve bé hoặc xoa đầu bé khi bé chuẩn bị ngủ làm giải phóng hormone đóng vai trò rất quan trọng cho sự tăng trưởng của bé.

Nghiên cứu cho thấy những em bé thường xuyên được mát-xa tăng cân nhanh hơn và ngủ sâu hơn. Những bé thường được mát-xa cũng tiết ra ít cortisol hơn – một loại hormone ức chế sự tăng trưởng.

Kỹ năng vận động

Một vài nghiên cứu cho rằng bé biết lật trễ do khi ngủ bé được đặt nằm ngửa để tránh chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Vậy lúc bé thức, việc thỉnh thoảng đặt bé nằm sấp trong ngày rất quan trọng, giúp cơ của bé khỏe hơn.

Lần đầu bé lật thường là từ tư thế nằm sấp lật ra nằm ngửa. Bụng bé tròn nên rất dễ lật từ tư thế nằm sấp. Một số bé có thể ngay lập tức lật lại nhưng một số bé đến mấy tuần sau mới có thể lặp lại kỳ tích của mình.

Bạn có thể khuyến khích bé bằng cách đặt bé nằm sấp rồi đặt các món đồ chơi ưa thích ngoài tầm với của bé. Khi cố gắng với đến món đồ, có thể bé sẽ lật lại được lần nữa.

Bắt đầu mọc răng

Webtretho - Bé mọc răng

Một số bé mọc răng ngay từ 3-4 tháng tuổi - Ảnh: Corbis

Thường ít nhất vài tháng nữa bé mới mọc răng nhưng một vài bé mọc răng từ lúc 3, 4 tháng tuổi. Mọc răng sớm hay muộn thường do di truyền nên bạn xem lại thử gia đình mình có truyền thống mọc răng thế nào để biết khi nào răng của bé có thể xuất hiện.

Một số bé bị sưng nướu hoặc nướu có dấu hiện hằn lên của vết răng sắp mọc cả mấy tuần trước khi răng nhú ra trong khi một số bé khác lại mọc răng ngay mà không có dấu hiệu gì. Mức độ khó chịu khi mọc răng của các bé khác nhau.

Các dấu hiệu mọc răng gồm:

  • Chảy nước dãi (có thể xuất hiện nhiều tuần trước khi răng nhú ra).
  • Mặt bị nổi mẩn đỏ do chảy nước dãi quá nhiều.
  • Cho đồ vào miệng gặm vì nướu bị ngứa.
  • Khó chịu (thường vào nửa đêm).
  • Không chịu bú.
  • Kéo tai hoặc xoa lên má vì đau.
  • Đi tướt.

Tìm hiểu sự phát triển của con – Tháng thứ hai

(Webtretho) Tháng này bé ngọ nguậy nhiều hơn, và có thể bé sẽ bắt đầu nhoẻn một nụ cười làm bạn ngất ngây đấy! Hãy tìm hiểu thêm về thói quen cũng như cách bé tự vỗ về mình nhé!

1. Kỹ năng vận động
2. Cười
3. Nằm sấp
4. Những ám hiệu của bé
5. Phát triển ngôn ngữ
6. Tự vỗ về bản thân
7. Tâm trạng và hành vi
8. Tầm nhìn

Kỹ năng vận động

Hãy quan sát điều gì xảy ra khi bé được đặt nằm ngửa và bạn cầm một món đồ chơi bé thích đung đưa phía trên. So sánh với tháng trước bạn sẽ nhận thấy bé vận động uyển chuyển hơn. Bé có thể sẽ với tay để chạm món đồ và cố đập tay vào nó. Nếu bạn cho bé một cái lục lạc bé có thể cầm được trong chốc lát. Bạn hãy lắc nhẹ cái lục lạc. Mỗi bé có mỗi cách đáp lại khác nhau. Có bé thì nhìn và lắng nghe âm thanh một cách ngạc nhiên. Có bé thì cảm thấy khó chịu và khóc. Mỗi bé sẽ có một cách xử lý thông tin khác nhau.

Webtretho - Kỹ năng vận động - Bé 2 tháng tuổi

Cử động của bé đã uyển chuyển hơn so với tháng trước - Ảnh: Corbis

Cười!

Khi bé được 2 tháng tuổi, có thể bé sẽ tặng cho bạn một nụ cười thật đáng yêu. Nếu lúc này bé chưa biết cười thì cũng sắp rồi đó. Hãy xem gương mặt bé rạng rỡ như thế nào khi bạn cười với bé. Bé cũng sẽ huơ tay, nhướng mày và kêu ư ư một cách thích thú để đáp lại bạn. Cuối cùng thì sau hàng tuần chăm sóc cục cưng cả ngày lẫn đêm, bé đã tặng cho bạn một phần thưởng vô giá. Hãy cười và trò chuyện với bé nhiều nhé, bé thích quan sát gương mặt bạn và sẽ dùng các cử chỉ, nét mặt để đáp lại lời bạn đó.

Cho bé nằm sấp

Bạn phải đặt bé nằm ngửa trong lúc ngủ đề phòng tránh hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Nhưng khi bé thức, bạn nên đặt bé nằm sấp để cổ bé khỏe hơn. Khi bé được 2 tháng tuổi, bé đã có thể nâng đầu lên một lúc để nhìn quanh phòng. Cổ khỏe thì bé sẽ nâng đầu thẳng hơn. Cho bé nằm sấp cũng khuyến khích bé chống hai tay, làm cho phần thân trên và lưng khỏe hơn và giúp bé trong việc ngồi, di chuyển và đi đứng sau này.

Bạn có thể nằm xuống bên cạnh và chơi với bé. Nói chuyện với bé để bé biết bạn luôn ở đó và hỗ trợ bé. Bạn cũng có thể cho bé nằm lên một tấm thảm có những chất liệu thú vị, màu rực rỡ hoặc những tấm thảm có thể phát ra âm thanh để bé thích thú hơn.

Webtretho - Bé nằm sấp - 2 tháng tuổi

Cho bé nằm sấp để rèn luyện cơ cổ, vai và lưng cho bé - Ảnh: Corbis

Một số bé cảm thấy không thoải mái khi nằm sấp và có thể cáu gắt. Khi đó bạn hãy làm những gì mà bạn nghĩ là phù hợp với bé nhất bởi bạn là người hiểu bé hơn ai hết. Có bé thì cảm thấy dễ chịu lại khi nghe giọng nói của ba mẹ. Có bé cần ba mẹ ẵm lên tay.

Những ám hiệu của bé

Từ giờ, bạn đã học được ngôn ngữ của bé “đúng rồi, con thích như vậy đó” hay “ôi không, ba mẹ dừng lại đi”. Chúng tôi nghe các ông bố bà mẹ liệt kê rất nhiều biểu hiện khác nhau của con họ cho thấy bé muốn tiếp tục hoặc chấm dứt một việc gì.

Khi bé thích thú, bé có thể:

  • Nhìn vào mặt bạn
  • Huơ tay múa chân nhịp nhàng
  • Nhào tới phía bạn
  • Đưa mắt hoặc đầu về phía bạn
  • Cười, kêu ư ư và có những biểu hiện tươi vui.

Khi bé không muốn tiếp tục, bé có thể:

  • Quay đầu và mắt đi chỗ khác
  • Khóc, quấy
  • Ho
  • Ưỡn người, nhào người ra hướng khác
  • Da đỏ lên
  • Thở nhanh, nấc
  • Ngáp
  • Cau mày

Các bé có thể bày tỏ những dấu hiện không giống nhau. Quan trọng là bạn cần quan tâm và tìm hiểu các dấu hiệu đồng thời hướng dẫn lại cho những người khác nếu bạn định để bé ở nhà với họ.

Phát triển ngôn ngữ

Tháng này bé có nhiều tiến bộ về ngôn ngữ. Bé chủ động lắng nghe những gì bạn nói với bé, quan sát miệng bạn và nghiên cứu lưỡi bạn di chuyển như thế nào khi phát ra lời nói.

Webtretho - Phát triển ngôn ngữ của trẻ - 2 tháng tuổi

Bạn cần trò chuyện và hưởng ứng bé thật nhiều để giúp con phát triển ngôn ngữ - Ảnh: Corbis

Bé sẽ bắt đầu phát ra những từ bắt đầu bởi một nguyên âm. Bé sẽ tự nghe âm thanh do mình phát ra và luyện tập lưỡi để lặp lại các âm thanh. Bạn hãy tiếp tục nói chuyện với bé bằng cách lặp lại những âm thanh bé phát ra và sau đó đổi vai trò. Hãy để bé trả lời bạn. Nhìn theo mắt bé xem bé đang nhìn cái gì. Có thể bé đang muốn nói về một món đồ hay một người nào đó. Dù bé muốn nói đến cái gì đi nữa, bé cũng đang trò chuyện với bạn và sẽ rất thích nếu bạn quan tâm và dịu dàng với bé.

Tự vỗ về bản thân

Bé thích mút, bất kể mút một cái ti giả, ngón tay của ba, hay ngón cái của bé. Mút là một kỹ năng xoa dịu bản thân hiệu quả. Khi các em bé quấy hoặc mệt, cha mẹ chúng có thể cho ngậm ti giả hoặc nhét ngón tay của chúng vào miệng. Bạn cũng có thể nhẹ nhàng gấp cánh tay của bé đặt lên ngực và quấn bé trong một cái khăn mềm hoặc ẵm bé lên tay cũng là một cách giúp bé thư giãn. Tư thế này làm bé nhớ đến thế giới ấm áp, an toàn trong bụng mẹ.

Tâm trạng và hành vi

Từ giờ bạn sẽ nhìn thấy bé với một số tâm trạng và biểu hiện khác nhau. Những tâm trạng này là bình thường và giúp bé trải qua một ngày trọn vẹn. Hãy nhớ, rất khó để mô tả những tâm trạng này chỉ trong vài dòng đơn giản bởi vào những thời điểm, những ngày khác nhau bé có những biểu hiện khác nhau, tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Dưới đây là 6 trạng thái khác nhau mà bạn có thể đã biết rồi:

  • Ngủ tĩnh: là khi mắt bé nhắm chặt và hầu như không có chuyển động. Đây là thời gian lý tưởng nhất để bạn tranh thủ chợp mắt một chút.
  • Ngủ động: là khi mắt bé nhắm nhưng vẫn đảo qua đảo lại. Bạn có thể thấy bé nhúc nhích, mỉm cười, nhíu mày và duỗi tay chân trong lúc ngủ.
  • Buồn ngủ: là khi mắt nhắm hờ, người không động đậy và vẻ mặt đờ đẫn.
  • Khóc: có lẽ trạng thái này không cần phải giải thích.
  • Thức động: là khoảng thời gian bé rên rỉ, làu bàu và quấy khóc, thường là trước khi ngủ
  • Thức tĩnh: là khoảng thời gian đẹp nhất trong ngày. Lúc đó bé cảm thấy thoải mái, mắt bé mở và lanh lợi. Bé quan sát tất cả những điều thú vị trong thế giới của bé.
Webtretho - Bé ngủ say - 2 tháng tuổi

Ngủ là trạng thái quen thuộc nhất của các bé trong những tháng đầu đời - Ảnh: Corbis

Tầm nhìn

Thường cuối tháng thứ hai, bé đã có thể giữ cổ thẳng đứng nên có thể nhìn xuống dưới mặt đất và cảm thấy thích thú với những cảnh thú vị như nước, động vật, các em bé khác…

Bạn có thể đặt bé ngồi trên loại ghế hơi ngả ra sau là tư thế an toàn khi cho bé ngắm quang cảnh xung quanh.

Nhiều bé thích được cha mẹ bỏ trong địu phía trước và cảm nhận cơ thể mềm mại ấm áp của cha mẹ. Một số bé lại thích được ẵm úp mặt vào ngực cha mẹ để nghe nhịp tim đập. Dần dà, khi bạn nghĩ bé đã sẵn sàng, hãy quay mặt bé ra ngoài cho bé có cơ hội nhìn thấy thế giới xung quanh và cũng tạo cơ hội để bạn có thể sử dụng hai tay rảnh rang mà làm việc.

Tìm hiểu sự phát triển của con – Tháng thứ ba

(Webtretho) Con vừa phát hiện ra một "món đồ chơi" mới rất thú vị - chính là bàn tay của con đấy - bạn có thể thấy bé cứ nhìn chúng và cười toe toét mãi thôi. Thật may là con đã biết tự giúp vui cho mình, vì bạn cũng cần chuẩn bị để đi làm lại rồi, đúng không nào? Đã đến lúc thích hợp để bạn bắt đầu tìm người trông trẻ rồi đấy.

Bố mẹ ơi, đến 3 tháng tuổi là con đã...

Dần ổn định

Nhiều người tin rằng cuối tháng thứ ba là một cột mốc quan trọng cho cả cha mẹ và bé. Tới bây giờ, bé có thể đã có một thói quen ngủ, ăn và chơi ổn định. Bé cũng thể hiện được nhu cầu của mình rất rõ ràng nên bạn đã có thể nói cho người khác biết các thói quen của bé, bé thích gì và không thích gì.

Phát triển cứng cáp hơn

webtretho_3 tháng tuổi_cứng cáp hơn

Cơ thể con đã cứng cáp hơn nhiều, nhưng vẫn cần bố mẹ giúp con luyện tập (Ảnh: Inmagine)

Tới lúc này, con đã có thể giữ đầu khá vững khi được ẵm đứng, còn khi được đặt nằm sấp, con có thể nâng đầu lên một góc 45 độ. Bạn được nghe các chuyên gia khuyên cố gắng ẵm cho bé đứng bằng chân để chân vận động nhiều hơn, nhưng bạn lại lo không biết con có gánh được trọng lượng cơ thể không?

Vậy hãy tập cho con, bằng cách khi chơi với con, bạn hãy đặt bé ở nhiều tư thế khác nhau – đỡ cho bé ngồi, cho bé đứng tựa vào ngực bạn, cho bé nằm ngửa dưới những món đồ chơi treo lúc lắc hoặc cho bé nằm sấp. Tất cả những hoạt động này sẽ giúp cho hệ cơ của bé phát triển khỏe hơn.

Bây giờ bạn cũng có thể cho con đứng trước gương. Gương không vỡ là món đồ chơi thú vị mà ta thường không nghĩ tới. Một số bé sẽ nhìn mình trong gương một cách chăm chú, một số bé lại hò hét và cười. Thông qua trò chơi này, bạn có thể giúp con học hỏi nhiều hơn bằng cách chỉ cho bé thấy đâu là mũi, đầu, mắt. Bé sẽ chú ý và sẽ mỉm cười với chính mình trong gương.

Bàn tay!

Bé của bạn đã phát hiện ra tay của mình chưa? Tay có thể nhúc nhích, tay có thể nhìn thấy dễ dàng, những ngón tay nhỏ xíu nhìn rất buồn cười, và tay nhét vào miệng vừa ghê. Bé sẽ bắt đầu chơi với những “món đồ chơi” mới này. Bé sẽ ngọ nguậy ngón tay, xoay tới xoay lui, mút và nhìn hai bàn tay chăm chú.

Đưa hai tay lên ngang tầm mắt rồi nắm chặt hai tay lại cũng là một cách khám phá khác của con. Chẳng bao lâu nữa bé sẽ nhận ra tay còn là một công cụ có thể sử dụng được. Bé sẽ bắt đầu đưa tay đụng và cầm những món đồ bé thích, như lục lạc, gấu bông. Bé thậm chí có thể nhận thấy mình có thể gây ra tiếng động bằng cách lúc lắc chiếc lục lạc nữa, đấy chính là sự khởi đầu để bé biết đến khái niệm nguyên nhân – kết quả.

Tìm người chăm bé

webtretho_3 tháng tuổi_tìm người chăm bé

Đã đến lúc mẹ nên bắt đầu tìm người phụ giúp mình chăm con (Ảnh: Inmagine)

Dù bạn đang định đi làm lại hay đơn giản chỉ đang cần người phụ chăm con, bạn nên bắt đầu việc tìm kiếm người từ bây giờ. Bạn sẽ cần nhiều thời gian để nghiên cứu các lựa chọn khác nhau, tuyển người, kiểm tra nhân thân và từ từ chuyển giao bé cho người trông trẻ.

Bạn cần hướng dẫn và dặn dò người trông trẻ thật cụ thể, rõ ràng, vì bạn là người nắm rõ nhất cách chăm sóc con mình và việc duy trì một lịch sinh hoạt cố định rất cần thiết đối với bé (khi đoán được sắp tới mình sẽ làm gì, bé sẽ cảm thấy an toàn và tự tin khám phá thế giới xung quanh).

Bạn hãy viết ra tất cả những gì liên quan đến lịch sinh hoạt của bé, kể cả giờ ngủ, giờ ăn. Giải thích thật cụ thể lịch sinh hoạt này với người trông trẻ để họ hiểu và có thể làm theo nhé.

Tìm hiểu sự phát triển của con – Tháng thứ mười hai

(Webtretho) Mẹ có thể hơi tủi thân một chút đây, vì “cục cưng” bây giờ bỗng dưng không muốn được mẹ ôm ấp bế ẵm suốt ngày nữa mà chỉ lúc nào bé muốn mà thôi; đó là do bé đã độc lập và tự làm được một số việc rồi. Bé cũng sẽ có những đồ vật “ghiền” của riêng mình, và đó là những thứ có thể giúp bé yên tâm khi đi nhà trẻ hoặc không có mẹ ở bên. Và đây là lúc mẹ bắt đầu phải đặt ra những giới hạn và kỷ luật cho con mình.

Bé độc lập hơn

Webtretho - Bé chơi một mình - 12 tháng tuổi

Mẹ xem này, con đã tự làm được nhiều thứ lắm! - Ảnh: Inmagine

Vì bé biết tự mình làm nhiều việc hơn, có thể bạn sẽ thấy có sự thay đổi trong thái độ của bé và cả của bạn. Bé không còn là một em bé luôn chờ đợi để được ẵm suốt trong vòng tay của bạn; bây giờ bé tự di chuyển và chỉ cần ôm ấp khi bé muốn thôi.

Bé cố gắng tự mình làm nhiều việc và đôi khi phát cáu nếu bạn làm giùm bé. Tuy vậy, bé vẫn cần 100% sự quan tâm của bạn. Bạn cũng không cần phải chạy vội lại chỗ bé mỗi khi bé gọi. Đó cũng là dịp tốt để dạy cho bé hiểu rằng bạn còn có việc phải làm và đôi lúc bé cũng phải biết chờ đợi. Kiên nhẫn là một trong những bài học khó nhất của cuộc sống.

Thiết lập giới hạn

Một trong những nhiệm vụ của bé là tìm hiểu và khám phá những điều mới lạ trong thế giới của mình. Đôi khi điều này có thể dẫn đến những tình huống nguy hiểm cho bé. Nhất quán trong việc đặt ra các giới hạn là một phần rất quan trọng trong việc dạy dỗ bé.

Lập ra các giới hạn chủ yếu để giữ cho bé an toàn; bé sẽ hiểu rằng ở thế giới này luôn có những mối hiểm nguy mà bé cần phải học để tránh gặp phải. Ngoài ra, thiết lập các giới hạn cũng dạy bé phải giao tiếp một cách cân nhắc và tôn trọng người khác. Nói ngắn gọn lại là không phải bé muốn đòi gì cũng được.

Thay vì nói với bé không được làm cái này hay cái kia, hãy cố gắng hướng bé qua một việc khác – một việc gì đó an toàn hơn và có thể chấp nhận được để bé khám phá. Bạn cũng có thể cho bé một vài lựa chọn để bé cảm thấy mình được quyền quyết định nhiều hơn.

Những món đồ chuyển tiếp

Nhiều người trong chúng ta cảm thấy rất vui mỗi khi nhớ lại những món đồ đã từng gắn bó với chúng ta thuở nhỏ, giúp chúng ta vượt qua những giai đoạn khó khăn. Đó có thể là một cái chăn, một con búp bê, thú nhồi bông hoặc bất cứ thứ gì miễn là nó mang một ý nghĩa đặc biệt và có tác dụng dỗ dành đứa trẻ. Các chuyên gia gọi những vật này là “những vật chuyển tiếp” bởi vì chúng giúp trẻ vượt qua được những giai đoạn chuyển tiếp, chẳng hạn như trẻ phải làm quen với người giữ trẻ mới hay trẻ được gửi đến nhà trẻ. Đối với trẻ, những vật chuyển tiếp này là biểu tượng của sự an toàn, tình cảm gia đình và tình yêu thương của cha mẹ.

Có thể đây không phải là thời điểm tốt nhất để tách trẻ ra khỏi những vật chuyển tiếp bởi đối với nhiều trẻ, giai đoạn này là đỉnh điểm của thời kỳ trẻ sợ người lạ và sợ xa mẹ. Tuy nhiên chắc bạn rất chán cái cảnh trẻ lê theo cái chăn ghiền từ phòng này qua phòng khác, từ nhà ra sân, thậm chí ra đường. Dưới đây là một số cách bạn có thể sử dụng để hạn chế việc này xảy ra.

Webtretho - Bé và gấu bông - 12 tháng tuổi

Những món đồ ghiên chính là những người bạn luôn ở bên cạnh bé - Ảnh: Inmagine

Một trong những biện pháp thành công nhất là thiết lập ra thời gian cố định khi nào thì bé được dùng cái chăn ghiền của bé. Khuyến khích bé dùng trong những hoàn cảnh phù hợp như:

  • Đi ngủ
  • Khi chia tay ba mẹ
  • Khi bé buồn
  • Sau khi bị vấp té và bé khóc

Còn lại những lúc khác trong ngày, bạn hãy cất cái chăn ở một chỗ mà bé không thể lấy được. Có phụ huynh chọn cách cắt một mẫu nhỏ từ cái chăn để cho bé cầm và mang theo. Hoặc nếu bạn thấy bé kéo lê cái chăn theo cũng không vấn đề gì thì cứ để bé làm. Dù chọn cách gì đi chăng nữa, điều quan trọng nhất là phải nhất quán.

Thay đổi giờ ngủ ngày

Khoảng 12 tháng (hoặc có thể trong vài tháng tới), bạn sẽ thấy bé thay đổi giờ ngủ ngày. Bé sẽ chuyển từ ngủ hai giấc sang một giấc dài hơn. Mới đầu có thể bé sẽ đi ngủ giấc buổi sáng trễ hơn rồi đến giấc chiều không chịu ngủ nữa. Hoặc có thể bé vẫn ngủ giấc sáng đúng giờ nhưng ngủ lâu hơn.

Có bé chỉ cần một ngày là làm quen được nhưng có bé cũng mất vài tháng mới chuyển hẳn sang ngủ một giấc ngày. Bạn có thể sẽ phải vào đánh thức bé dậy vào giấc ngủ sáng để buổi chiều bé đủ ngon và dài hơn. Bị đánh thức dậy nửa chừng có thể khiến bé uể oải lúc gần trưa do bé mệt.

Ngoài ra, thói quen ngủ của bé còn chịu ảnh hưởng của lịch sinh hoạt ở nhà trẻ nữa. Hãy thông báo cho nhà trẻ biết việc bé đang đổi lịch ngủ. Chẳng bao lâu nữa bạn sẽ có thể đều đặn thảnh thơi được trọn hai tiếng đồng hồ mỗi ngày khi bé ngủ trưa.

Tổ chức thôi nôi cho bé một cách hợp lý và có cân nhắc

Khi bé chào đón sinh nhật đầu tiên của mình, bạn cũng xứng đáng được chúc mừng! Bạn thật đáng khen vì đã vượt qua được một năm làm mẹ (làm bố). Và có thể bạn cảm thấy cần phải tổ chức một buổi tiệc để đánh dấu sự kiện quan trọng này của bé. Nhưng hãy thực tế nào: Tiệc thôi nôi chủ yếu là để dành cho người lớn hơn là cho bé, phải không? Hãy nghĩ lại cách đây 10 tháng, bạn đã phải cố gắng làm quen với vai trò làm mẹ/cha của mình. Bạn hãy nghĩ xem, dù trải qua một năm, bé đã lớn hơn rất nhiều, tò mò, độc lập hơn, bé vẫn còn là một đứa trẻ bé xíu. Nếu bé thuộc dạng nhạy cảm, một buổi tiệc lớn với nhiều dây trang trí, bong bóng, bánh kem, nhiều người lớn cùng xúm lại cười, nựng bé có thể làm bé khóc và bám bạn chặt hơn. Nói tóm lại, bạn hãy chúc mừng ngày quan trọng này nhưng khi lên kế hoạch, bạn nhớ tính đến bé nhé!