(Webtretho) Bạn lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, hoặc ho hen suốt cả tháng, hoặc rụng tóc khá nhiều? Bạn đang lo lắng mình có thể mắc một căn bệnh trầm kha nào đó? Bình tĩnh nào, sự tình có thể không đến mức đó! Nhưng cũng đừng quá chủ quan, bạn hãy tham khảo những chỉ dẫn thực tế dưới đây và sẵn sàng đặt lịch khám sức khỏe đi nhé!
Mọc thêm nốt ruồi, mảng da sần sẫm màu, hoặc các đốm đen
Chiều hướng lo ngại: Ung thư da.
Nguyên nhân phổ biến hơn: Một nốt ruồi vô hại, sự sừng hóa da tiết bã (một loại mụn cóc phổ biến ở người trên 40 tuổi) hoặc đốm đồi mồi.
Kiểm tra thực tế: Da bạn thay đổi liên tục, một phần là do phơi nắng, và đa số các thay đổi này là vô hai. Tuy vậy, theo tiến sĩ da liễu Deborah Samoff tại Đại học Y dược New York, nếu bạn đã qua 30 tuổi thì việc mọc thêm nhiều nốt ruồi thì lại là đáng lo ngại đấy.
Chỉ dẫn y tế: Tiến hành tự kiểm tra hàng tháng và kiểm tra ung thư da ở chuyên khoa da liễu mỗi 3 năm / lần nếu bạn trong độ tuổi 20-40 và định kỳ hàng năm nếu bạn trên 40 tuổi. Bạn cũng nên cập nhật thêm về các dấu hiệu cảnh báo ung thư da như: nốt ruồi hoặc đốm trên da có hình bất đối xứng, có viền bất thường, màu khác thường (hoặc có lẫn mảng đỏ, trắng hoặc xanh), có đường kính rộng hơn 6mm, hoặc có vẻ vẫn đang lan ra thêm.
Mất ký ức (hay quên)
Chiều hướng lo ngại: Dấu hiệu khởi phát sớm của bệnh Alzheimer.
Nguyên nhân phổ biến hơn: Mệt mỏi, căng thẳng hoặc trầm cảm; do một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần; hoặc do quá ôm đồm nhiều việc trong thời gian dài.
Kiểm tra thực tế: Chỉ có dưới 5% số người được chẩn đoán Alzheimer ở độ tuổi dưới 65 tuổi; sự khởi phát bệnh sớm hiếm gặp còn có ảnh hưởng khá lớn từ yếu tố di truyền. Tuy vậy, hay quên sẽ gây ra các nỗi lo ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, khiến cho các nhiệm vụ hàng ngày trở nên khó khăn, giảm thiểu khả năng ngôn ngữ, gây thay đổi tâm trạng hoặc hành vi.
Chỉ dẫn y tế: Hãy ngủ đủ từ 7-8 giờ không gián đoạn vào ban đêm, từng bước giảm căng thẳng và đặt ra nghi vấn liệu bạn có đang bị trầm cảm hay không. Nếu bạn đang dùng thuốc điều trị, hãy hỏi bác sĩ kê toa cho bạn xem liệu loại thuốc bạn dùng có ảnh hưởng đến trí nhớ hay không.
Đau bụng trên
Chiều hướng lo ngại: Loét hoặc ung thư dạ dày.
Nguyên nhân phổ biến hơn: Trào ngược hơi hoặc axit.
Kiểm tra thực tế: Hầu hết những cơn đau bụng bất ngờ không có một nguyên nhân cụ thể nào. Mặc dù loét dạ dày là bệnh khá phổ biến, chúng thường đi kèm với những triệu chứng khác như giảm cân, ợ nóng, buồn nôn, nôn mửa và đầy bụng. Ung thư dạ dày khá hiếm (chủ yếu tác động lên nam giới trên 72 tuổi) và thường đi kèm với các triệu chứng buồn nôn, giảm cân, xuất huyết tiêu hóa và đầy bụng.
Chỉ dẫn y tế: Thử dùng các thuốc chữa đau bụng thông thường không cần kê toa và tránh thuốc kháng viêm. Nếu bạn có các triệu chứng nghiêm trọng hơn xảy ra hơn 3 lần / tuần hoặc đau bụng kéo dài hơn 2 tháng, hãy đến gặp bác sĩ.
Chóng mặt
Chiều hướng lo ngại: Đột quỵ.
Nguyên nhân phổ biến hơn: Hạ đường huyết, nhịp tim bất thường, căng thẳng, cảm hoặc cúm.
Kiểm tra thực tế: Với một người khỏe mạnh không có nhịp tim nhanh, chóng mặt hay váng vất thường không dẫn đến đột quỵ. Và mặc dù đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng 2/3 trong số bệnh nhân ở độ tuổi trên 65.
Chỉ dẫn y tế: Ăn nhiều bữa nhỏ có chứa protein để giúp duy trì ổn định đường huyết. Khi bạn cảm thấy chóng mặt thì hãy uống một tách trà mật ong, nằm xuống, gác cao chân và theo dõi cảm giác của mình sau 10-15 phút. Nếu việc này xảy ra nhiều hơn một lần hoặc nếu bạn từng ngất xỉu vì chóng mặt, hãy đến gặp bác sĩ.
Thường xuyên kiệt sức
Chiều hướng lo ngại: Hội chứng mệt mỏi mãn tính.
Nguyên nhân phổ biến hơn: Thiếu máu, rối loạn tuyến giáp, trầm cảm, căng thẳng hay mất ngủ.
Kiểm tra thực tế: Mệt mỏi mãn tính là hội chứng khá phổ biến (hiện ước tính có khoảng 1 triệu người mắc hội chứng này ở Mỹ). Dấu hiệu của hội chứng này có thể bao gồm thường xuyên nhức đầu, triệu chứng giống cúm, đau họng, đau hạch bạch huyết, mệt lả sau khi gắng sức về cả thể chất lẫn tinh thần, đau cơ và đau khớp, và không có khả năng tập trung.
Chỉ dẫn y tế: Ngủ đủ ít nhất 7-8 giờ không gián đoạn mỗi tối, ăn thực phẩm bổ dưỡng, tập thể dục thường xuyên (cố gắng thực hiện tất cả các ngày trong tuần), và cố gắng giảm stress. Mệt mỏi bệnh lý, như thiếu máu và vấn đề về tuyến giáp, có thể được chẩn đoán bằng xét nghiệm máu và điều trị bằng thuốc và bằng cách thay đổi lối sống.
Đau khớp
Chiều hướng lo ngại: Viêm khớp dạng thấp hoặc lupus.
Nguyên nhân phổ biến hơn: Có ba khả năng chính gồm: viêm xương khớp liên quan đến tuổi tác hoặc do chấn thương; các chấn thương lâu ngày như viêm bao hoạt dịch, viêm gân, đau dây chằng; và đau lạc chỗ (đau quy chiếu) nghĩa là bạn có vấn đề sức khỏe ở một chỗ (chẳng hạn như lưng) và lại đau khớp ở một chỗ khác (có thể là đầu gối).
Kiểm tra thực tế: Viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus tác động đến phụ nữ nhưng cũng không phải là quá phổ biến.
Chỉ dẫn y tế: Nghỉ ngơi và dùng thuốc chống viêm không cần toa như naproxen hoặc ibuprofen. Kem bôi chứa aspirin cũng có thể giúp làm dịu cơn đau khớp. Tuy vậy nếu cơn đau của bạn kéo dài hơn 5 ngày, kèm theo sốt hoặc nếu bạn cảm thấy mệt mỏi cùng cực hoặc kéo dài, hãy đi khám bệnh.