Chuyên mục lưu trữ: Quán ngon

Hương vị kem Häagen-Dazs trà xanh nhẹ nhàng hòa quyện cùng vị kem tươi tinh khiết ngọt ngào

Tại hệ thống Annam Gourmet, thương hiệu kem cao cấp Häagen-Dazs giới thiệu hương vị kem trà xanh nguyên chất từ Nhật Bản.

Hai sản phẩm kem và trà được kết hợp với nhau tạo nên hương vị trà xanh nguyên chất rất riêng và đặc biệt. Loại kem này xuất hiện tại Nhật Bản vào năm 1996 và sau đó đã có mặt khắp nơi trên toàn thế giới nơi thương hiệu Häagen-Dazs hiện diện.

huong vi kem tra xanh
Hương vị trà xanh nhẹ nhàng hòa quyện cùng vị kem tươi tinh khiết ngọt ngào… sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm khó quên.

Cam kết đúng như truyền thống, Häagen-Dazs chỉ sử dụng các thành phần nguyên liệu tự nhiên và tươi ngon trên toàn thế giới cho các hương vị kem độc đáo của mình. Häagen-Dazs trà xanh chỉ gồm có kem tươi, sữa gầy, đường, lòng đỏ trứng và trà xanh nguyên chất từ Nhật Bản. Hương vị trà xanh nhẹ nhàng hòa quyện cùng vị kem tươi tinh khiết ngọt ngào… sẽ mang lại cho bạn một trải nghiệm khó quên.

Hương vị trà xanh hiện có 2 sản phẩm gồm hộp lớn 473ml và hộp nhỏ 100ml, có mặt tại hệ thống Annam Gourmet Market, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.

Năm 1961, Reuben Mattus đã sáng tạo ra loại kem siêu cao cấp đầu tiên và ngày nay đã có mặt tại hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới. Thực hiện đúng theo chiến lược, Häagen-Dazs cam kết chỉ sử dụng các thành phần nguyên liệu ngon và đặc biệt. Đó là việc nghiên cứu và mang về những thành phần nguyên liệu đặc biệt trong việc sáng tạo loại kem ngon độc đáo, để làm nên thương hiệu nhiều người yêu mến.

kem haagen dazs
Hai sản phẩm kem và trà được kết hợp với nhau tạo nên hương vị trà xanh nguyên chất rất riêng và đặc biệt.

Bạn có thể trải nghiệm những hương vị nổi tiếng của Häagen-Dazs như vị vani đến từ vùng Madagasca, chocolate từ nước Bỉ nổi tiếng… Điều không thể thiếu trong cam kết chất lượng của Häagen-Dazs là không sử dụng chất ổn định, không nhũ nhân tạo, không chất tạo màu, không chất bảo quản hay các phụ gia nhân tạo khác.

Sản phẩm chỉ sử dụng thành phần tự nhiên từ kem tươi, sữa, trứng và đường. Bằng việc giảm lượng không khí và tăng chất lượng thành phần trong kem, Häagen-Dazs chỉ với 15 giây cho một muỗng kem tan chảy trong miệng đã tạo nên món tráng miệng độc đáo với niềm vui bất tận.

Địa chỉ kem Häagen-Dazs: 11-13 Hàn Thuyên

Địa chỉ An Nam gourmet:

- 16-18 Hai Bà Trưng, quận 1
- 41 A Thảo Điền, phường Thảo Điền, quận 2
- SB2/1 Mỹ Khánh 4, Nguyễn Đức Cảnh, quận 7

(Nguồn: Häagen-Dazs)

Gà rán trộn xốt mayonnaise hấp dẫn

Món mới sáng tạo đẹp mắt phải không nào? Lạ lạ, ngon ngon lại cực dễ làm nhé.

Nguyên liệu:

400g thịt ức gà
200g rau xà lách
1 quả ớt chuông
30g mayonnaise
Gia vị: muối, tiêu

ga-ran-tron-xot-mayonnaise-hap-dan

Các bước thực hiện:

1. Tẩm gà với gia vị rồi rán lên cho đến khi vàng đều cả 2 mặt.

Rửa sạch ớt chuông rồi thái thành miếng vuông vừa ăn.

2. Chờ thịt gà nguội hẳn rồi cũng thái thành miếng cho vừa với ớt chuông. Sau đó, trộn đều thịt gà, ớt chuông với mayonnaise. Dùng 2 chiếc thìa xóc đều lên để mayonnaise được trộn đều với ớt và thịt gà.

3. Rửa sạch rau xà lách, vẩy khô rồi múc phần nguyên liệu vừa trộn vào từng lá xà lách.

(Theo Kenh14)

Bánh đúc nóng – Món ăn thú vị ở Hà Nội

Hàng bánh đúc ở Hà Nội nổi tiếng từ cách đây khoảng chục năm, là điểm ăn quà yêu thích của các bạn học sinh.

Bát bánh đúc nóng có cả đậu phụ, ớt chưng.

Trước đây, quán được bày bán ngay tại ngoài đường nhưng hiện chuyển vào bán trong ngõ. Nếu bạn đi xe thì có thể gửi ngay ở đầu ngõ, bãi gửi xe khá thoải mái và chú trông xe cũng rất cẩn thận. Khi vào quán, bạn sẽ được hướng dẫn chỗ ngồi ở ngay tầng 1 hoặc là lên tầng 2, sau đó, bạn có thể gọi những suất bánh đúc nóng hổi cho mình rồi.

Bột làm bánh đúc vừa mềm lại vừa dai, có vị ngậy và ấm nóng. Ngoài ra, bánh có vị ngọt của thịt xay và nước dùng, một vài miếng đậu rán dai dai và chút rau thơm, rau mùi cũng là những thành phần không thể thiếu.

Bạn sẽ cảm nhận được sự hòa quyện của bánh, thịt và nước cùng với các gia vị đi kèm như ớt chưng, cùng giấm tỏi ớt.

Đường vào quán.

Mỗi bát bánh đúc nóng có giá 13.000 đồng, ngoài ra bạn có thể dùng thêm sữa đậu nành hoặc trà đá để tráng miệng. Hãy cùng bạn bè và người thân đến thưởng thức món bánh thú vị này của Hà Nội các bạn nhé.

(Theo Tapchiamthuc)

Ốc đêm nổi tiếng ở Sài Gòn

Ốc Xinh, ốc Mai, ốc Đêm… là những địa chỉ quen thuộc trong thú vui ẩm thực đêm của người Sài Gòn.

Từ lâu, ốc trở thành món ăn phổ biến nhất ở Sài Gòn, từ hẻm nhỏ ra đến đường lớn, ở đâu bạn cũng có thể dễ dàng tìm một quán ốc để thưởng thức. Thời điểm đông khách nhất là giờ tan tầm cho đến 21h, 22h, tuy nhiên cũng có nhiều quán ốc bán đến khuya nhưng vẫn thu hút rất đông thực khách ghé ăn.

1. Quán ốc Ngon

Đây là quán ốc nổi tiếng của diễn viên Kim Thư. Nằm ở địa 194D Pasteur (quận 3) gần các trường đại học lớn như Kiến Trúc, Kinh Tế… quán ốc Ngon trở thành điểm hẹn lý tưởng của các bạn sinh viên, ngoài ra, đây còn là địa chỉ để các diễn viên, ca sĩ ghé ăn sau thời gian làm việc của mình.

Mặc dù mở cửa từ 10h, nhưng quán thật sự đông khách vào giờ tan tầm cho đến nửa đêm. Thực đơn của quán phong phú với nhiều món ốc thơm ngon như: ốc hương nướng muối ớt, hàu nướng phô mai, tôm hấp, sò huyết….

2. Quán ốc Mai

Nằm ở chung cư Trần Kế Xương (quận Bình Thạnh), quán ốc Mai mở cửa từ 16h đến 24h hàng ngày. Quán chuyên bán các món ốc quen thuộc như ốc hương, ốc móng tay, ốc mỡ, sò huyết… Ngoài ra, mì nghêu là một món ăn nổi tiếng ở quán và thu hút rất đông thực khách.

 (Theo Ngoisao)

Lạ miệng với món phở cá

Bát phở nghi ngút khói, thay cho những lát thịt bò, thịt gà quen thuộc là những lát thịt cá trắng tinh, mang đến cho thực khách hương vị thơm ngon độc đáo khi thưởng thức.

Không nổi tiếng như phở bò hay phở gà, tuy nhiên, phở cá vẫn thu hút được người ăn bởi hương vị thơm ngon riêng biệt của mình. Được biến tấu từ món phở truyền thống, phở cá là sự kết hợp giữa bánh phở, cá tươi cùng nước dùng có vị ngọt thanh và không có vị béo.

Thành phần chính làm nên món ăn là cá, có rất nhiều loại cá cho bạn lựa chọn khi ăn món này như cá dầm, cá bớp, cá thu, cá cờ, cá lóc... mỗi loại cá mang đến cho bạn một sự cảm nhận khác nhau khi thưởng thức. Món phở cá được chế biến khá đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ của người bán.

Cá để nấu phở nhất thiết phải là cá còn sống, làm sạch cá rồi đem nấu, khi cá chín thì vớt ra, lóc hết thịt, cho xương cá vào lại nồi nước luộc ninh tiếp đế lấy nước dùng. Phần thịt cá chín được lọc bỏ hết da, thái thành từng miếng vừa ăn, xào xơ qua với dầu và một ít gia vị để thịt cá săn lại và thơm ngon.

Nước dùng là thành phần quyết định sự thơm ngon của món ăn, được nấu từ xương cá nên nước dùng trong, không có nhiều dầu mỡ, đặc biệt là có vị ngọt tự nhiên của cá tươi và không có vị tanh. Cho một ít bánh phở vào bát, bên trên là một vài lát cá, chan nước dùng, thêm một ít hành lá và thưởng thức.

Ăn phở cá không thể thiếu đĩa rau sống tươi ngon, các loại rau như xà lách, tía tô, húng quế, bắp cải, bắp chuối... tất cả được thái nhuyễn, bên cạnh đó là chén nước chấm mắm ớt cay làm tăng thêm gia vị cho món ăn. Bát phở cá nóng hổi cùng hương thơm dịu nhẹ kích thích vị giác của thực khách.

Húp một thìa nước dùng, cảm nhận cái vị ngọt thanh nhẹ đang lan dần trong miệng, gắp miếng thịt cá chấm vào chén nước mắm rồi cho vào miệng, thịt cá mềm, béo và có vị ngọt riêng cùng với lát ớt cay xé lưỡi làm thực khách phải xuýt xoa khi thưởng thức.

Địa chỉ: Quán Đất Phan - 10B Bùi Đình Túy, phường 14, quận Bình Thạnh, TP HCM. Quán bán từ 6h đến 13h30 và từ 15h30 đến 22h. Mỗi bát phở cá có giá 28.000 đồng.

 (Theo Ngoisao)

Mỳ chua ngọt Hàn Quốc tại Hà Nội

Nằm trên phố Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội, quán mỳ Hàn Quốc này thu hút sự chú ý của người đi đường bằng tấm biển rất dễ lọt vào tầm mắt của các teen ưa quà vặt này.

Mang tiếng ở vỉa hè thôi nhưng trông quán cực kỳ có cảm tình nhé. Bàn ghế sạch sẽ, chỗ ngồi lại thoáng mát ý. Các ấy có thể vừa măm măm mỳ Hàn Quốc vừa ngắm phố phường nhộn nhịp và tấp nập. Cảm giác ngồi đây cứ là lạ mà quen quen, giống như những quán ăn đêm vỉa hè bốc khói nghi ngút trong phim Hàn Quốc, nhưng kỳ thực lại là giữa lòng Hà Nội.

Để có một đĩa mỳ hoàn chỉnh cho chúng mình thưởng thức, đầu tiên cô chủ quán cho mỳ vàng ươm lên đĩa này, sau đó là đến khoai lang xắt sợi nhỏ chiên giòn tan, rồi thì giá trần, hành khô, lạc rang, giăm-bông, lạp xưởng, thịt xá xíu và thịt bò nữa. Cứ mỗi món một xíu thôi và cuối cùng là chan nước sốt chua ngọt để trộn nỳ này.

Để biến tấu món ăn sao cho phù hợp với ẩm thực của nhà mình, quán còn rắc thêm rau mùi và kinh giới thơm thơm nữa. Lúc đầu tớ nghĩ làm thế chả hợp tý nào cả. Tuy nhiên lúc ăn mới thấy mình hoàn toàn sai lầm. Hóa ra, rau thơm nhà ta ăn cực hợp với mỳ chau ngọt của Hàn Quốc. Khi ăn, chúng mình trộn đều lên này, rót thêm xì dầu cho đậm đà này, nhớ thêm tương ớt cay cay thì ăn mới đúng vị của xứ Kim Chi đấy. Bạn nào thích ăn béo ngậy có thể rưới thêm sốt mayonnaise, ăn cũng ngon lắm lắm. :X Xem phim Hàn Quốc, thấy món nào cũng có rượu Sochu đi kèm, không hiểu món mỳ chua ngọt này mà nhấm nháp với chút rượu ấy thì thế nào nhỉ?

Lạp xưởng ngòn ngọt, giá trần giòn giòn, còn mỳ thì dai dai chua chua, ăn rất vừa miệng nhé. Nhưng ăn đến nửa đĩa thì chắc nhiều teen thấy khát nước cho mà xem. Thường thường các món trộn ở Việt Nam sẽ có nước dùng đi kèm, nhưng món này thì không có các teen ạ. Để chống cháy, mình có thể oder trà đá, uống vừa mát mà lại hợp nữa.Bên cạnh món mỳ chua ngọt, quán còn có món phở chua Đông Kinh nữa. Các ấy đừng có nghe tên mà nhầm đây là món mỳ Trung Quốc nhé. Bạn nào đi Hà Giang hay Lạng Sơn chắc chắn sẽ thấy phở chua nhan nhản ở các khu chợ. Thoạt nhìn, món phở chua có vẻ khá giống món mỳ chua ngọt Hàn Quốc vì các nguyên liệu đi kèm cũng y xì đúc luôn ý. Nhưng ăn kỹ mới thấy nó cũng khang khác, thêm nữa là còn có dưa chuột thái mỏng nên ăn không sợ ngán tý nào.Giờ thì ghi địa chỉ vào ngay nhé: 87 Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội (lúc đầu là 77 nhưng giờ chuển sang trước cửa nhà số 87 rồi nhé teen). Từ 4h chiều là các ấy có thể qua đây măm măm rồi đấy. Chúc các bạn ngon miệng! ^^

  (Theo Ione)

3 thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng trong ẩm thực Việt

Không ai biết hủ tiếu có mặt ở Việt Nam từ khi nào, nhưng chắc một điều là nó có mặt sau khi người Hoa được các chúa Nguyễn cho vào định cư ở phía Nam.

Hủ tiếu sau khi vào miền Nam được người Việt cải biến để hợp với khẩu vị của người Việt Nam. Và cũng đã từ lâu có 3 thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng nhất ở các tỉnh phía Nam, đó là: hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang và hủ tiếu Sa Đéc.

Hủ tiếu là món ăn bao gồm nước súp, thịt và bánh bột, sợi nhỏ như
sợi bún.

Hủ tiếu Mỹ Tho

Hủ tiếu Mỹ Tho khác hủ tiếu Tàu, hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc, bún bò Huế... ở chỗ không ăn với xà lách, giấm, rau ghém, mà dùng giá sống, chanh, ớt, nước tương.

Tên hủ tiếu Mỹ Tho xuất hiện vào đầu thập niên 60, khởi đầu từ các xe, các quán hủ tiếu bên đường, ở bến xe với các tên nghe rặc Tàu như là : Phánh Ký, Vĩnh Ký, Hưng Ký, Nam Sơn, Diệu Ký, Quang Ký, Oai Ký, Gia Ký, Tuyền Ký. . . trải rộng từ Mỹ Tho đến Gò Công vào tận các quận Chợ Gạo, Cái Bè, Cai Lậy. . .

Hủ tiếu ngon nhất phải là loại làm bằng gạo Gò Cát (đặc sản như tàu hương, nàng thơm chợ Ðào). Muốn hủ tiếu ngon thì bánh phải khô, khi nấu trụng sơ nước sôi, tươm mỡ hành phi, cọng trong bóng, bắt mắt.

Tô hủ tiếu ngon, hơn kém nhau còn tuỳ thuộc vào nồi nước lèo. Về cơ bản, chất ngọt của nước lèo từ xương ống hầm kỹ, thịt, mực khô cùng với những loại rau củ như củ cải, cà rốt... Các món phụ gia góp phần làm nên danh hiệu hủ tiếu Mỹ Tho là giá sống, chanh, ớt, hẹ, nước tương (sau này còn có thêm rau cần). Ăn hủ tiếu dai Mỹ Tho với giá sống, chút hẹ cắt khúc, nặn miếng chanh, thêm chút nước tương. Hủ tiếu Mỹ Tho nấu với thịt heo bầm, có điểm con tôm thẻ, lột xẻ đôi, có người đòi thêm đồ lòng heo, sườn heo và trứng cút nữa.

Hồi trước hủ tiếu Mỹ Tho ngoài thịt, lòng còn có con tôm chẻ đôi bày trên mặt, trông ngon mắt. Giờ để giá thành hợp túi tiền của số đông, người ta thay bằng sườn và trứng cút .

Ghé Mỹ Tho, phải tìm đến mấy quán hủ tiếu trên đường Trưng Trắc, dọc bờ sông thì mới đúng là hủ tiếu Mỹ Tho chánh gốc.

Hủ tiếu Sa Đéc

Tuy không "nổi đình nổi đám" bằng hai bậc đàn anh, nhưng hủ tiếu Sa Đéc vẫn có một giá trị đặc biệt trong lòng người sành thưởng thức món ngon.

Sa Đéc là một thị xã của tỉnh Đồng Tháp. Làng nghề truyền thống chuyên làm bột, làm bánh hủ tiếu, bánh phở nơi đây tồn tại đến nay có trên 4 đời (khoảng hơn 100 năm). Bột Sa Đéc với "nhãn hiệu trình tòa" Con Nai nổi tiếng ngon nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đến Sa Đéc bằng ngả nào, người ta cũng bắt gặp cảnh phơi bột trên những chiếc vỉ đậy cẩn thận.

Bánh hủ tiếu Sa Đéc sợi vừa phải, mềm mà không bở, không dai, vị không chua, thơm mùi gạo mới, trắng tươi màu sữa. Nước lèo hủ tiếu Sa Đéc được nấu công phu với xương heo, phải thăm chừng độ lửa, phải biết hớt bọt mới trong và tỏa thơm hương vị, cũng là một bí quyết.

Nguyên liệu quan trọng khác của hủ tiếu Sa Đéc là thịt nạc băm, thịt nạc nguyên miếng dày, miếng chả vàng, tim, gan... đều mới "ra lò", còn nóng ấm. Điểm xuyết nét đẹp mắt và ngon thơm miệng lưỡi cho tô hủ tiếu Sa Đéc có hành lá xắt nhuyễn, mấy cọng hành, nhất là sự hiện diện của "tăng xại" - cải xắt nhỏ ướp hương vị đặc trưng của người Hoa. Bên cạnh tô hủ tiếu là đĩa giò cháo quẩy, đĩa rau tươi (giá, hẹ cắt đôi, cần tàu và xà lách), chén nhỏ xì dầu, lọ ớt sừng trâu xắt lát ngâm giấm.

Hủ tiếu Nam Vang

Nhiều người gọi đùa món hủ tiếu Nam Vang là món ăn "đa sắc tộc". Bởi nó có nguồn gốc từ Campuchia, do người Hoa chế biến cho người... Việt thưởng thức.

Tô hủ tiếu Nam Vang nguyên gốc của người Tiều bên Campuchia chỉ có thịt heo nạt xắt miếng và bằm, đĩa rau ăn kèm gồm xà lách, giá. Về đến Sài Gòn lại có thêm nhiều chất đạm phụ như tôm sú, tim, gan, phèo non, trứng cút…

Nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Sau đó trụng sơ mì với nước dùng rồi mới cho các nguyên liệu phụ vào. Tùy theo khẩu vị của từng người, có thể thay thế lòng heo bằng tôm, cua, mực... Nhưng nhất thiết phải có thịt băm. Và đĩa rau ăn kèm món này cũng đa sắc hơn nhờ có thêm rau cần, tần ô, hẹ. Nhờ vậy tô hủ tiếu đã ngon lại còn hấp dẫn hơn rất nhiều.

Nước dùng muốn đạt được chất lượng cao phải nấu bằng xương ống của heo, một ít mực khô, tôm khô, đun lửa cháy liu riu, liên tục vớt bọt để cho một thứ nước trong vắt ngọt lịm.

Gần 20 quán hủ tiếu Nam Vang phân bố khắp các quận tại Sài Gòn có chất lượng suýt soát nhau, trong đó 4 quán hủ tiếu Nam Vang nổi tiếng nhất trên đất Sài Gòn: Hủ tiếu Hồng Phát - đường Võ Văn Tần, Hủ tiếu Tylum - đường Huỳnh Mẫn Đạt, Hủ tiếu Liến Húa - đường An Dương Vương, Hủ Tiếu Song Nguyên - đường Bùi Hữu Nghĩa.

Meo.vn (Theo Giadinh)

Ngon với lưỡi vịt

Ở Sài Gòn hiện “lưỡi vịt” đang là một món đặc sản "ngon lạ". Các món ăn làm từ lưỡi vịt được chế biến đủ kiểu theo nhu cầu của khách: nướng, xào, chiên, om…

 

Trước khi chế biến món ăn, lưỡi vịt phải được rửa bằng nước muối, cạo sạch, cắt mỡ thừa sau đó trụng sơ với nước gừng, vớt ra để ráo. Một số món ngon làm từ lưỡi vịt:

Lưỡi vịt nướng sa tế:

 

Lưỡi vịt, bột sa tế, hành, đường, hạt nêm, tiêu vừa đủ.  Ướp lưỡi vịt với các gia vị trên khoảng 1 giờ cho thấm. Nướng lưỡi vịt trên than hồng (hoặc trong lò), vừa nướng vừa phết lên lưỡi vịt một chút dầu ăn, để lưỡi vịt mềm và không bị cháy khô. Khi lưỡi vịt chín vàng là được. Ăn nóng, chấm kèm tương ớt.

Lưỡi vịt tẩm bột chiên nước mắm

 

 

Lưỡi vịt ướp muối, bột ngọt, giấm, đường, trộn đều, chờ thấm gia vị khoảng 30 phút. Bột chiên cho vào dĩa quậy đều với chút nước. Nhúng lưỡi vịt qua bột chiên. Cho dầu vào chảo, thả lưỡi vịt vào chiên vàng. Vớt ra để ráo, xóc qua nước mắm, tiếp tục chiên (đảo nhanh tay) thêm lần nữa là được. Ăn kèm tương ớt, hay tương cà.

Lưỡi vịt phá lấu

 

 

Lưỡi vịt, bột ngũ vị hương, tai vị (đại hồi), gừng, hành tím, tỏi, đường, xì dầu, bột nêm, nước mắm và một chút rượu trắng. Lưỡi vịt ướp với các gia vị trên khoảng 30 phút cho thấm. Phi thơm hành, cho lưỡi vịt vào xào săn, đổ thêm 1 chén nước dừa nấu sôi, nêm nếm thêm nước mắm, muối vừa ăn. Hầm khoảng 20 – 30 phút cho nước sền sệt lại, lưỡi vịt mềm, thấm gia vị. Tắt bếp, rắc thêm mè rang lên trên cho thơm. Lưỡi vịt phá lấu ăn với cơm hay bánh mì rất ngon.

Bạn có thể thưởng thức món ngon chế biến từ lưỡi vịt tại:

1. Nhà hàng Hải sản Hàng Dương Quán - 224 đường 48, P.5, Q.4, TP. HCM.

2. Nhà hàng Sài Gòn Xưa và Nay, 37 Nguyễn Trung Trực, phường Bến Thành, Q.1, TP. HCM.


Meo.vn (Theo PNO)

Đậm đà hương vị bún cá ngừ um xứ Quảng

Vị cay từ ớt tương, ớt sừng xanh, ngọt thanh từ những lát thơm, đầu hành, hòa cùng vị béo của cá ngừ tươi, thịt ba chỉ... tạo nên món bún cá ngừ um thơm ngon, mang đậm nét đặc trưng xứ Quảng.

Sài Gòn chiều cuối tuần mưa đổ, nhưng khách vẫn tấp nập vào quán ăn Hội Quảng nằm ngay góc đường Phan Xích Long và Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, để tìm một món ăn ngon miệng và ấm bụng. Nhìn vào thực đơn, ngoài món mì Quảng được khá nhiều người biết đến, tại đây còn có thêm một số món ăn đặc trưng như bún mắm nêm và đặc biệt là món bún cá ngừ um.

Những người còn lạ lẫm với cách gọi "um" này sẽ được bà Đào Thị Minh Tưởng quản lý ẩm thực và là đầu bếp chính tại Hội Quảng, giải thích ngay. "Um" được xứ Quảng ví như các món "kho" ở miền Nam, nhưng điểm khác biệt là um có thời gian nấu kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ để cho ra một món ăn có màu nâu đậm mang hương vị đậm đà miền Trung.


Bún cá ngừ um gồm các thành phần như thơm, cá ngừ, thịt ba chỉ, ớt sừng xanh được um trong 4 giờ để cho ra vị thơm ngọt đặc trưng. Ảnh: Minh Thư

 

Không gian bếp tại Hội Quảng không được rộng rãi, chỉ 3 người đứng chế biến món ăn là đã chật khít. Bà Tưởng là đầu bếp chính, với tất cả các nguyên liệu sẵn có, bắt tay vào việc chế biến món bún cá ngừ một cách thuần thục. Thoạt nhìn các thao tác và nguyên liệu, có vẻ món này giống các món kho của miền Nam, trông cũng không có gì là phức tạp, nhưng theo dõi kỹ cách chế biến thì quả là công phu hơn rất nhiều.

Món cá ngừ um với thành phần gồm cá ngừ tươi, thịt ba chỉ, thơm, hành, ớt, cho tất cả đặt lên bếp kho với lửa vừa để các nguyên liệu từ từ săn chắc lại. Bên đĩa rau gồm cải con tươi xanh, bắp chuối được cắt mỏng, kèm một đĩa bún tươi, chén ớt xanh, chanh, ớt tương và nước mắm ớt tỏi, nồi cá ngừ um nóng hổi, thơm lừng vừa nhắc xuống từ bếp sẽ là một món ăn ngon tuyệt.


Bún mắm nêm thơm phức cái hương vị của mắm cá cơm. Món này cũng là một trong những món ăn đặc trưng của xứ Quảng. Ảnh: Minh Thư

 

Nếu một phần bún cá ngừ um có thể chưa thực sự đã miệng, bạn có thể dùng thêm một tô bún mắm nêm với hương vị thơm phức từ chén mắm nêm được chế biến.

Món bún cá ngừ um tại Hội Quảng có giá 25.000 đồng một phần. Thực khách còn có thể thưởng thức 10 món ăn khác, với giá từ 22.000 đến 35.000 đồng một phần như: bún mắm nêm (thịt luộc, chả bò, nem chua); mì Quảng (tôm, thịt, sườn, gà, cá lóc); hay những món ăn thêm như mít trộn xúc bánh tráng, hến trộn, gỏi các lạc cuốn bánh tráng...


Nhiều thực khách tìm đến Hội Quảng để thưởng thức đặc sản chính gốc Quảng. Ảnh: Minh Thư

 

Bà Tưởng là dân Quảng Nam chính gốc, vào Sài Gòn học tập và làm việc. Xa quê, mỗi khi thèm được thưởng thức hương vị quê nhà trong những bữa ăn, bà lùng sục khắp các quán ở Sài Gòn nhưng không ở đâu có cách chế biến món ăn đậm đà như ở quê. Vì lẽ đó, bà cùng những người thân lập ra quán Hội Quảng, bởi ở đó hàng ngày vừa được gặp đồng hương nghe giọng nói thân quen, vừa giới thiệu những đặc sản chính gốc xứ Quảng.

Bà Tưởng cho biết, không như món mì Quảng được nhiều người Sài Gòn biết đến, món bún cá ngừ um chưa được phổ biến mà chỉ có những người gốc Quảng Nam - Đà Nẵng mới rành. Chính vì vậy, bà tìm tòi cách nấu món này sao cho thật ngon, không chỉ đúng chất Quảng mà còn phù hợp với khẩu vị của thực khách.

Không gian trang trí khá đơn giản, ấm cúng, món ăn ngon song Hội Quảng khá hẹp, khách vào chỉ khoảng 25 người là đã kín không gian tầng dưới, bởi quán chỉ khoảng 10 bàn bên dưới và số lượng tương đương ở tầng trên.

 

Meo.vn (Theo VnExpress)