Chuyên mục lưu trữ: Dinh dưỡng Sơ sinh

Ăn ngon ngày lười

(Webtretho) Có những lúc, đặc biệt vào thời điểm trước mùa mưa như những ngày này, được lười nhác cuộn mình trong chăn, lúc đói đã có những món ngon bốc khói nghi ngút đưa tận miệng quả là niềm hạnh phúc thần tiên. Webtretho sưu tập một số công thức món ngon cực kỳ nhanh gọn để bạn tận hưởng ngày lười trọn vẹn.

Bánh tart bacon

Ảnh: foodallovertheworld

Những nguyên liệu được sử dụng hết sức “tùy tiện” để làm nên những chiếc bánh giòn rụm với hương thơm đặc biệt của thịt bacon (thịt ba rọi xông khói), béo nhưng không hề thiếu vắng chất xơ.

Nguyên liệu gồm: 4 lát bacon, 4 lát bánh mì sandwich, một ít phô mai mozzarella (hoặc bất cứ loại phô mai nào bạn thích để tăng độ béo cho bánh), hành tây (và các loại rau củ tùy thích), 4 quả trứng gà.

Thực hiện:

Chiên sơ thịt bacon vừa rám mặt cho thơm và tiết bớt mỡ nhưng chưa đến mức giòn vàng. Bánh mì sandwich cắt bỏ các cạnh vàng, cứng, chỉ sử dụng phần ruột bánh trắng mềm. Dùng dao rạch từ 4 góc hướng về tâm của miếng bánh một đoạn ngắn khoảng 2 cm để dễ gấp bánh vào khuôn. Chuẩn bị lò nướng 1900C.

Khuôn là loại khuôn nướng bánh muffin hoặc bánh tart, cũng có thể thay thế bằng các chén sứ nhỏ. Bạn phết một lớp dầu hoặc bơ mềm trong lòng khuôn trước khi cho bánh vào để bánh róc khuôn và giòn tan sau khi nướng; sau đó bạn nhét phẳng mỗi miếng bánh mì vào khuôn, dùng muỗng hoặc tay nén bánh chặt và phẳng xuống đáy để cố định hình dạng của bánh.

Sau lớp đế bánh đến lớp phô mai, tiếp đến là hành tây cắt sợi mỏng hoặc các loại củ, quả tùy sở thích, nêm thêm một chút muối. Lưu ý, nếu bạn muốn thêm cà chua vào nhân thì phải bỏ phần hột nhiều nước đi, nếu không bánh sẽ bị nhão.

Sau lớp chất xơ đến công đoạn cuộn bacon vào trong ruột bánh; đập một quả trứng cho lên trên cùng, rắc mặt với một ít muối tiêu (hoặc chỉ tiêu, không thêm muối nếu ăn lạt).

Cho vào lò nướng 20-25 phút. Nếu bạn muốn ăn trứng dạng lòng đào thì nướng bánh trước 10 phút mới cho trứng vào tiếp tục nướng.

Xúc xích kẹp

Ảnh: Blog.sina

Xúc xích ngon tuy hơi ngấy sẽ tìm thấy sự cân bằng nhờ các gia vị chua, the, ngọt. Ngon và lạ không kém loại bánh mì cay của Hải Phòng hiện diện rộn rã khắp phố phường Sài Gòn thời gian gần đây.

Nguyên liệu gồm có xúc xích, mù tạt, nước cốt chanh, mật ong, tỏi, ngò, tiêu.

Thực hiện:

Áp chảo xúc xích với một chút dầu, đảo thường xuyên để vàng, thơm đều mặt.

Khi xúc xích đã vàng đều, dùng dao mũi nhọn xẻ dọc thân thanh xúc xích (như xẻ bánh mì) và nhét vào đó bất kỳ thứ gì bạn thích. Nếu có thời gian bạn hãy thử tự chế loại nước sốt đặc biệt gồm 1 muỗng cà phê mù tạt, nửa muỗng mật ong, 1/3 muỗng cà phê nước cốt chanh, 1 chút muối, 1 muỗng cà phê tỏi giã nát, trộn chung đến khi hỗn hợp nhuyễn mịn. Lưu ý, bạn đừng bằm tỏi mà phải giã nát thì mới mất vị hăng. Thêm vài cọng ngò nếu thích.

Cơm lạp xưởng

Ảnh: Meishichina

Món cơm truyền thống danh tiếng lẫy lừng của đất Cảng Thơm có thể làm thỏa lòng bất kỳ người yêu ẩm thực nào, trong khi cách chế biến chẳng lấy gì là kỳ công. Từng hạt cơm thấm mỡ, gia vị và mùi thơm từ lạp xưởng tiết ra no căng, béo mà không ngán nhờ có sự hiện diện của những nhánh cải ngọt thanh, the nhẹ.

Nguyên liệu gồm 100g lạp xưởng, 100g gạo, 2 muỗng cà phê nước tương ngon (có thể chọn nước tương kikkoman của Nhật vị đậm đà, ngọt thanh, độ mặn vừa phải), dầu mè và vài nhánh cải (cải nhíp, cải ngọt, cải thìa, cải trắng, cải làn, cải bách thảo hoặc bất kỳ loại cải nào bạn có sẵn hoặc phù hợp với khẩu vị của bạn). Nấu bằng nồi cơm điện.

Lạp xưởng cắt xéo, miếng dày vừa phải, khoảng 1-2cm, cho vào nồi gạo đã vo sạch nấu chung thành cơm. Đợi nút gạt bật lên, cơm vừa chín nhưng chưa ráo, thả cải đã rửa sạch, cắt đoạn vừa ăn vào nồi cơm rồi đập nắp, gạt nút lại. Đợi nút gạt bật trở lại thì cho vào cơm một muỗng cà phê dầu mè, nước tương vừa ăn, trộn đều tất cả các nguyên liệu lên, đậy nắp nồi lại thêm 5 phút, bạn sẽ có món cơm nở đều và thấm gia và dậy mùi thơm phức.

Nhập môn ẩm – thực

(Webtretho) Uống rượu để say khác với cảm giác nhấm nháp ly rượu vang cùng các món ngon. Rượu vang là thứ gia vị cao cấp, tinh túy nhất, tôn vinh cái đẹp của món ăn; sự kết hợp này đã trở thành một truyền kỳ đối với người yêu ẩm thực. Sau đây là một vài nguyên tắc đơn giản nhất giúp các bạn dễ dàng làm quen với môn “nghệ thuật” này.

Rượu vang sẽ trở thành một thứ gia vị cao cấp, tinh túy nhất, tôn vinh cái đẹp của món ăn. Ảnh: Internet

Bất kể là rượu thuộc nhóm vang nào – vang đỏ, vang trắng, champagne… – cũng đều bao gồm bốn thành tố cơ bản là axit (vị chua), tannin (vị chát), đường (vị ngọt) và hương thơm đặc trưng của từng loại rượu. Không chỉ tạo cho rượu một hấp lực không thể cưỡng lại, các yếu tố này còn tương tác với thực phẩm để mang lại một trải nghiệm hoàn toàn khác về mùi và vị.

Sau đây là nguyên tắc kết hợp đơn giản nhất dành cho các bạn còn xa lạ trong lĩnh vực ẩm và thực, dựa trên hai thành tố căn bản: axit và tannin.

Vang trắng hay vang đỏ?

Màu sắc của rượu, đỏ hay trắng, không phải là nguyên tắc tuyệt đối trong nghệ thuật phối ẩm – thực nhưng là nguyên tắc dễ dàng và căn bản nhất. Nếu không cầu kỳ thì loại vang đỏ dịu, thanh cũng có thể thay thế vị trí của vang trắng trên bàn tiệc và ngược lại; nhưng nếu sành một chút, bạn sẽ biết phần lớn vang trắng có lượng axit cao trong khi tannin lại vượt trội trong rượu vang đỏ. Hay hiểu một cách đơn giản thì vị của rượu vang trắng chua hơn, và vang đỏ chát hơn.

Giấm, chanh và các gia vị chua thường được thêm vào các món ăn chế biến từ hải sản (cá, hào…) và các món nhiều chất béo dựa trên nguyên tắc axit sẽ phá vỡ và đi xuyên qua các phân tử chất béo, tạo sự cân bằng cho món ăn. Theo nguyên tắc này, loại rượu thích hợp cho bạn là vang trắng.

Trong khi đó vang đỏ, nhờ sở hữu nhiều tannin có tác động tạo vị cay, đắng và khô lên các gai vị giác, kéo theo hiệu ứng rõ ràng nhất là miếng thịt đỏ có cảm giác mềm, nhiều nước và ngọt hơn trong miệng. Nếu món ăn của bạn giàu gia vị, hãy đặc biệt chọn loại rượu chát, có nồng độ tannin cao.

Vị của thức ăn và rượu phải tương đồng với nhau. Ví dụ, nếu thức ăn của bạn có vị ngọt, nên chọn loại rượu ngọt tương đương hoặc cao hơn vị ngọt của món ăn nếu không muốn rượu ngon của mình bị ảo giác chua hơn thực tế. Các loại rượu ngọt nhiều vô số nhưng đỉnh cao là rượu vang đá chưng cất từ những quả nho đóng băng tồn tại qua mùa đông. 

Cách đọc nhãn để chọn rượu

Quan niệm cho rằng rượu càng “lớn tuổi” càng ngon là sai, nhất là với rượu vang. Thông tin về năm ra đời của rượu in trên nhãn chai chỉ hữu ích theo hướng cung cấp thông tin để người mua căn cứ vào đó và suy ra vào năm này, giống nho dùng làm rượu, được trồng tại địa phương này (những thông tin này cũng được in trên nhãn chai) liệu có trúng mùa canh tác trong điều kiện thời tiết, đất đai… đạt tiêu chuẩn, cho ra những quả nho ngon nhất hay không. Ngược lại, thông tin về năm cũng cho ta biết để tránh những năm thiên tai hay các điều kiện xấu ảnh hưởng đến vụ mùa của nho tại một địa phương sản xuất. 

Tuy nhiên, đối với những ai chỉ mới chập chững bước chân vào thế giới muôn hình vạn trạng của rượu vang có thể tạm hài lòng với việc chọn rượu dựa trên hai yếu tố giống nho và nơi sản xuất. Một số giống nho nhất định chỉ đạt chất lượng cao nhất, thậm chí chỉ có thể đơm hoa kết quả tại một số vùng đất nhất định.

Rượu vang trắng thích hợp với hải sản và các món giàu chất béo. Ảnh: Inmagine

Một số giống nho chưng cất thành vang trắng phổ biến

*Riesling

Vang Riesling nổi tiếng về sự cân bằng giữa các vị chua, ngọt, đắng, là người bạn tri kỷ với rất nhiều món ăn nhưng phù hợp nhất là khi uống kèm các món gà, cá, hoặc heo.

Nho Reisling ngon nhất được tìm thấy trên các cánh đồng vùng Rhine và Mosel thuộc nước Đức. Loại nho trồng ở vùng Alsace (Pháp) và miền Đông nước Mỹ tuy vị tương đối đạt chuẩn của giống Riesling nhưng hơi ráo, kém ngọt và có rất nhiều chủng loại, khó phân biệt đối với những ai chưa quen với việc chọn rượu. Nếu nói về độ ngọt, nho vùng California có vị ngọt vượt trội so với lượng axit nhưng như thế lại phụ danh tiếng cân bằng về khẩu vị của giống nho này.

* Gewürztraminer

Nho Gewürztraminer làm rượu có đặc trưng là hương thơm mát của các loại trái như đào, vải và cánh hồng… rất thích hợp khi uống kèm các món ăn nhiều gia vị như món châu Á, xúc xích.

Những chai vang Gewürztraminer ngon nhất thường có xuất xứ tại Alsace (Pháp), Đức, vùng bờ Tây nước Mỹ.

* Chardonnay

Chardonnay là giống nho trắng được trồng phổ biến nhất trong những năm 1990 và là nguyên liệu được yêu thích nhất để làm rượu champagne. Vang chardonnay có vị dịu và mịn hơn phần lớn các loại vang trắng khác, thơm mùi cam và thoảng hương béo như bơ sữa nhờ được chưng cất trong các thùng gỗ sồi vừa mới đốn.

Nho Chardonnay đã làm nên danh tiếng cho vùng Burgundy (Pháp), nhưng nhìn chung, giống nho này có thể tăng trưởng tốt trong hầu hết các điều kiện khí hậu của nhiều vùng miền. Thế nên, vang Chardonnay cũng là loại rượu dễ chọn lựa nhất vì chất lượng tương đối đồng đều.

*Sauvignon blanc

Vị của trái nho Sauvignon blanc dịu nhẹ hơn so với Chardonnay, thoảng mùi thảo dược trong hương thơm trái cây, phong phú từ mùi ngọt thanh của các loại trái cây vỏ xanh như táo, lê đến nồng nàn trái cây nhiệt đới gồm xoài, dưa hấu. Sẽ không gì thích hợp hơn sự kết hợp giữa vang Sauvignon blanc với hải sản tươi rói, thịt gia cầm và salad trộn.

Những trái nho Sauvignon blanc ngon nhất được trồng ở vùng khí hậu mát mẻ như New Zealand.  Điều kiện khí hậu tại Úc ấm nóng hơn nên nho bị nhạt và hương vị kém đặc thù hơn. Tại Pháp, các nhà rượu sản xuất tại quận Bordeaux sẽ trộn thêm nho vỏ vàng để tăng độ ngọt và “ráo” cho vang Sauvignon blanc.

Rượu vang đỏ thích hợp với nhiều loại thịt đỏ và món ăn giàu gia vị. Ảnh: Inmagine

Một số giống nho chưng cất thành vang đỏ phổ biến

*Syrah hay Shiraz (cái tên syrah được gọi phổ biến hơn bởi các nhà trồng nho và sản xuất rượu ở châu Âu)

Hương trái cây chín mùi ngạt ngào của rượu nho syrah, cộng hưởng với vị chát của tannin có thể khống chế mùi vị the, nồng của các loại gia vị như tiêu, ớt, cà ri, thậm chí mùi khói của các món nướng, tạo nên nhiều cung bậc hương vị cho món ăn.

Nho syrah vượt trội về chất lượng tại các vùng như thung lũng Rhône (Pháp), California và Úc.

* Merlot 

Làm nên một trong số những loại rượu dễ uống nhất trong số các chủng loại rượu vang đỏ. Vị nhẹ nhàng kết hợp với mùi anh đào và hương thảo dược thoang thoảng của rượu vang merlot, uống ngon khi nhấm nháp với mọi loại thức ăn, thích hợp nhất cho các môn đồ mới của nghệ thuật ẩm – thực.

Merlot từng thống trị các cánh đồng ở Bordeaux và tiếp tục được đón nhận nồng nhiệt tại Bờ Đông nước Mỹ, Australia và nhiều quốc gia khác.

* Cabernet sauvignon

So với tất cả các giống nho kể trên, nho Cabernet sauvignon làm ra thứ rượu vang đậm đà nhất, ngay cả khi chưa đủ tuổi. Nếu bạn có dịp ăn món thịt nướng churrascos nổi tiếng từ đất nước Brazil với cách ướp gia vị cực kỳ đơn giản chỉ có muối và vị ngọt tự nhiên của thịt, đừng bỏ qua ly rượu vang Cabernet sauvignon ướp hương nồng nàn thêm cho món ăn này.

Chọn rượu vang Cabernet sauvignon, hãy chọn các chai rượu có xuất xứ từ vùng Médoc (Pháp), Úc, California và Chile.

* Pinot noir

Pinot noir là một trong những giống nho tao nhã nhất, sẽ tạo vị ngon nhất trong các bữa ăn có gà, cừu, và các món ăn Nhật. Nho Cabernet sauvignon đậm đà bao nhiêu thì nho Pinot noir dịu thanh và tươi mát bấy nhiêu. Vị chát nhẹ vừa đủ để cân bằng vị chua, ngọt trong rượu và lập tức tan biến trên đầu lưỡi, cộng với hương trái cây nồng nàn trộn lẫn trà thanh thoát, và cả mùi của gió và đất.

Loại nho Pinot noir ngon nhất được trồng ở Burgundy (Pháp). Các cánh đồng ở Áo, California, Oregon, và New Zealand cũng có thể thu hoạch giống nho này với chất lượng tương đối cao.

Valentine đơm hoa kết trái… dâu

Lớp sô-cô-la giòn tan, đắng nhẹ, thơm nồng nàn nảy sinh một phản ứng hóa học kỳ diệu, tương hỗ với trái dâu đỏ au, mọng nước, làm thành món quà tặng tình yêu ngọt ngào. Hạnh phúc của đôi tình nhân sẽ được nhân đôi khi chia nhau món tráng miệng ngon và đặc biệt xinh xắn này trong ngày lễ Valentine.

"Đơm hoa kết trái... dâu" là món ăn xinh xắn và lãng mạn dành cho ngày Lễ Tình nhân. Ảnh: Haozuo123

Nguyên liệu

- Dâu tươi, trái to tròn, chín mọng;

- Sô-cô-la đen, sô-cô-la sữa;

- Xiên tre, 2 túi bắt kem (bằng nylon).

Cách làm

- Rửa sạch dâu bằng nước muối loãng và để ráo nước. Dâu phải thật ráo nước thì lớp sô-cô-la bọc ngoài mới có thể phẳng, đều và láng bóng.

- Dâu để nguyên trái, cắt ngắn cuống và dùng xiên tre xiên từ phần cuống dâu lên, đầu que cắm lút qua 1/2 trái.

- Chuẩn bị nồi nước nóng dùng làm chảy sô-cô-la. Tốt nhất bạn nên chọn loại chảo sâu lòng, đáy bằng và đổ vừa nước để tiện thao tác và dễ khống chế nhiệt độ của nước. Nấu nước đến 400C (chạm tay vào thấy ấm nóng) thì lập tức hạ thấp lửa, đun liu riu. (1)

Lưu ý: nếu thấy nước bốc khói hay nổi bọt lăn tăn thì tuyệt đối không được chạm tay vào!

- Cà hoặc đập bể sô-cô-la đen và sô-cô-la sữa thành những miếng vụn, riêng biệt cho vào hai cái chén sứ hoặc tô inox. Đặt chén sô-cô-la đen vào nồi nước, rất nhanh, nhiệt độ của nước sẽ làm sô-cô-la tan chảy. (2)

- Dùng một chiếc đũa hoặc muỗng khuấy nhẹ nhàng sô-cô-la trong chén. Sau đó, bạn đừng tắt bếp mà tiếp tục giữ lửa liu riu, dùng muỗng múc sô-cô-la đã tan chảy hoàn toàn rưới đều lên khắp trái dâu (chừa một đoạn phần đuôi trái ra cho đẹp). (3)

- Lặp lại toàn bộ các thao tác trên với từng trái dâu và với sô-cô-la sữa (bọc một nửa số dâu bằng sô-cô-la đen và một nửa bằng sô-cô-la sữa).

- Hai loại sô-cô-la tan chảy sau khi dùng xong lập tức cho vào hai túi bắt kem riêng biệt, buộc kín để không bị đông cứng trở lại. Bạn chỉ cắt một lỗ thật nhỏ ở đầu nhọn của túi ngay trước khi tiếp tục dùng đến để bắt các hoa văn xinh xắn sau khi lớp sô-cô-la bọc ngoài đã đông lại.

- Sau khi hoàn tất từng công đoạn bạn nhớ cắm trái dâu vào ly chờ sô-cô-la đông lại và định hình.

Bạn không cần giữ lạnh, chỉ cần chờ sô-cô-la đông lại là có thể ăn ngay. Cắn một miếng dâu thật lớn và thấm thía cảm giác sung sướng khi trong miệng tràn ngập những hương vị đáng yêu: độ giòn, mùi thơm, vị ngọt, đắng nhẹ của sô-cô-la, đối lập nhưng lại rất hài hòa với sự mọng nước, chua chua và thơm ngọt của quả dâu. 

Lưu ý:

(1) Nếu không có nhiệt kế, có một cách khác để bạn kiểm tra nhiệt độ nước mà không sợ bỏng là đặt lòng bàn tay cách mặt nước khoảng 7cm, cảm nhận được hơi nóng bốc lên tức là nhiệt độ của nước đã vượt qua ngưỡng 40 - 500C, xấp xỉ 700C; lúc này, bạn chỉ cần châm vào một ít nước mát để hạ nhiệt độ trong nồi xuống đúng mức yêu cầu của món ăn này là được. 

Việc khống chế nhiệt độ của nước dùng làm tan chảy sô-cô-la rất quan trọng. Nước tốt nhất phải được khống chế quanh 400C, nhưng vì nhiệt độ chỉ tác động gián tiếp vào sô-cô-la qua thành chén nên nước có thể cao đến 500C và tuyệt đối không được vượt quá ngưỡng này. Ở nhiệt độ trên 500C, dầu và nước - thành phần cơ bản trong sô-cô-la - bị tách ra dẫn đến tình trạng sô-cô-la bị lợn cợn, bề mặt lỗ chỗ, không láng mịn.

(2) Nước trong nồi không được ngập qua miệng chén, tràn hay vấy vào sô-cô-la bên trong chén.

(3) Nếu dùng lượng sô-cô-la nhiều, bạn có thể nhúng trực tiếp trái dâu vào trong chén, xoay xiên que một vòng để sô-cô-la bao đều quanh khắp trái dâu; nhưng dù dùng muỗng hay nhúng trực tiếp thì các thao tác đều phải thực hiện thanh nhanh tay.

Bánh củ cải – món ăn ngon hậu Tết

(Webtretho) Tôm khô, lạp xưởng thường hiện diện trong gian bếp gia đình ngày Tết. Hãy tìm một hương vị mới, bớt ngán, thơm đậm đà, lạ miệng cho các nguyên liệu quen thuộc này với món bánh củ cải trong Tết này.

Bánh củ cải, hương vị lạ từ những nguyên liệu truyền thống của ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Meishichina

Nguyên liệu:

  • 1 củ cải trắng;
  • 200gr bột nếp; 250ml nước
  • 170gr lạp xưởng, 40gr tôm khô;
  • Tương XO, dầu hào, muối;
  • Vài củ hành tím, bằm nhuyễn; 6-8 tai nấm hương (tươi);
  • Tiêu bột; muối.


Cách làm
:

1. Bào củ cải trắng thành sợi nhuyễn, xóc đều với một ít muối và để trong vòng 10 phút cho củ cải ra nước, bớt vị hăng; vắt nhẹ rồi đổ hết nước đi.

2. Lạp xưởng cắt hạt lựu nhuyễn; tôm khô rửa sạch, ngâm nước cho mềm, thấm ráo rồi giã nhỏ; nấm hương sau khi rửa sạch, bỏ gốc, cắt thành lát thật mỏng;

3. Bột nếp khuấy với nước cho tan, nêm gia vị với tiêu và một chút xíu muối.

4. Làm nóng chảo, cho một chút dầu vào, xào hành tím băm cho đến khi có mùi thơm và hơi ngã sang màu vàng.

5. Cho tiếp tôm khô, lạp xưởng và nấm vào chảo xào chín và dậy mùi thơm mới cho một ít dầu XO vào và tiếp tục xáo đều cho thấm. Tôm khô và lạp xưởng đã có vị hơi mặn nên không cần nên nêm thêm gia vị.

6. Cho sợi củ cải trắng vào và nêm lại cho vừa miệng với một chút dầu hào (khoảng 2 muỗng cà phê) và bột tiêu, tiếp tục xào thêm khoảng 2 phút trước khi tắt bếp và để cho bên ngoài khoảng 5 phút cho nguội bớt; trộn bột đã chuẩn bị sẵn vào, dùng đũa trộn đều tất cả nguyên liệu vào nhau cho đến khi cảm thấy nặng tay và hỗn hộp bột kết lại thành một khối dẻo, sền sệt.

 7. Chiết hỗn hợp bột sang một cái tô lớn hoặc khuôn đã được trải trước một lớp giấy bạc kín lòng tô, dùng muỗng lớn vừa ấn vừa tráng để nén chặt bột và làm láng mặt. Khi bột đã sẵn sàng, bao kín miệng tô bằng một miếng giấy bạc khác và cho vào xửng hấp cách thủy. Mất khoảng một tiếng đồng hồ thì bánh chín.

8. Lấy bánh ra khỏi khuôn (tô) để ngoài thêm 15 phút cho nguội bớt, cắt thành từng miếng vuông vừa ăn khoảng (4x4x4cm). Khi ăn, hấp sơ lại cho nóng hoặc chiên áp chảo cho vàng mặt, chấm với nước tương pha với một chút dấm.

Mỗi cách ăn đều có ưu điểm riêng. Bánh củ cải chiên sẽ có lớp bột ngoài mặt giòn và thơm hơn nhưng nếu ngại ăn nhiều dầu mỡ ngày Tết, bánh hấp cũng có một phong vị rất riêng, mềm mại và thơm nồng nàn mùi tôm khô. 

Tuyển tập các nguyên tắc về an toàn thực phẩm

Một người cho rằng mình đã tuân thủ rất thận trọng các nguyên tắc bảo quản thực phẩm vẫn có thể trở thành nạn nhân ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân có thể là do áp dụng đúng nhưng chưa đủ các nguyên tắc. Đi kèm lời chúc mọi gia đình đều được hưởng một cái Tết thật vui, Webtretho xin chia sẻ thêm một tuyển tập cập nhật các cách bảo quản thực phẩm để bạn của bạn thêm an toàn

1. Thịt heo, bò:

Ảnh: Inmagine.

a. Chưa chế biến:

Cần làm sạch thực phẩm trước khi cho vào hộp bảo quản. Lưu ý chia nhỏ số thực phẩm này thành những phần nhỏ cho mỗi lần sử dụng, gói riêng vào túi nilông sao cho dịch không bị chảy ra ngoài rồi cho vào hộp đậy nắp, cho vào ngăn đá. Thịt đông đá có thể lưu trữ được nhiều tháng.

Có ba cách để rã đông thịt an toàn:

- Để thịt ở ngăn mát cho đá tan dần qua đêm (khoảng 8 tiếng);

- Ngâm trong nước lạnh (giữ nguyên trong túi nilông); hoặc

- Dùng lò vi sóng.

Trong ba cách nêu trên, cách đầu tiên là tốt nhất. Dùng cách này, thịt sau khi đã được làm tan hết đá vẫn có thể tiếp tục được bảo quản trong ngăn mát thêm 3-5 ngày trước khi chế biến. Quan trọng nhất, trong thời gian thịt đang rã đá, nếu quyết định không dùng thịt nữa thì bạn vẫn có thể làm đông thịt trở lại và sử dụng sau một cách tuyệt đối an toàn.

Lưu ý, nếu bạn rã đông thịt bằng lò vi sóng thì phải nấu thịt ngay lập tức sau đó vì một vài phần của thịt sẽ bị nóng, thậm chí chín tái trong quá trình lò hoạt động, không những không diệt mà còn tạo điều kiện cho một số loại vi khuẩn có hại sinh sôi.

 Thịt sống nhưng đã ướp gia vị có thể cất trữ trong hộp kín, ở ngăn mát thêm 5 ngày.

 b. Đã chế biến

Chỉ nên ăn thịt heo đã được nấu chín trong vòng hai giờ đồng hồ(một giờ nếu nhiệt độ phòng cao trên 320C). Thức ăn thừa chế biến từ thịt heo cất trong tủ lạnh chỉ an toàn nếu được đựng trong hộp kín, ăn hết trong khoảng thời gian 3-4 ngày và tối đa 3 tháng nếu được làm đông trên tủ đá.

2. Thịt gia cầm

a. Chưa chế biến:

Cách bảo quản thịt gia cầm sống tương tự với cách bảo quản các loại thịt khác. Duy nhất một điểm khác biệt là thời gian bảo quản thịt gia cầm sống, thịt được ướp gia vị trong bao kín ngắn hơn, chỉ là 2 so với 5 ngày đối với thịt gia súc. Đối với thịt gà, vịt…nhồi nhưng chưa chế biến tuyệt đối không nên cất lại vào tủ lạnh mà phải được nấu chín ngay sau khi nhồi.

b. Đã chế biến

Phải đặc biệt chú ý khi bảo quản các món gà, vịt, chim… nhồi. Phải lấy riêng các thực phẩm nhồi bên trong thịt ra, nếu không thịt sẽ không thể tiếp tục ăn sau 3 ngày dù đã tuân thủ các nguyên tắc khác bảo quản thịt trong tủ lạnh.

3. Hải sản

Cách bảo quản và rã đông hải sản tương tự với các nguyên tắc xử lý các loại thịt. Ngoài ra, bạn cần lưu ý thêm về việc làm sạch, bỏ hết ruột, để ráo ướp với muối hột, bọc vào giấy kín - cách này giữ thực phẩm tươi được trong vòng 3 -  4 ngày.

Bị ngộ độc hay dị ứng khi ăn hải sản là một hiện tượng tương đối phổ biến nên ngay cả khi thực phẩm đã được nấu chín, mọi người cũng phải đặc biệt lưu ý các bước thưởng thức món hải sản một cách an toàn:

- Nguyên tắc căn bản nhất là hải sản sống phải được giữ lạnh, hải sản chín phải được giữ nóng.

- Không nên để hải sản ở nhiệt độ phòng lâu hơn 2 giờ; vi khuẩn gây bệnh sẽ sinh sôi rất nhanh trong môi trường nhiệt độ 5-600 C.

- Nếu chuẩn bị món hải sản cho chuyến đi pinic, nhất định bạn phải mang theo thùng lạnh đổ đầy đá, đặt thùng trong bóng mát và hạn chế mở nắp thùng.

Tin buồn cho người hâm mộ món cá sống là tuy đông đá là cách tốt để giết chết các ký sinh trùng nhưng vẫn không thể triệt tiêu được một số loài vi sinh vật gây bệnh sống bám trong cá; và an toàn nhất vẫn là ăn cá và các loại hải sản khác sau khi đã được nấu chín. 

4. Rau quả:

Muốn bảo quản rau quả được lâu, sau khi bỏ lá sâu, dập nát, cắt bỏ phần rễ thì rửa sạch rau cho vào bao xốp hoặc túi thấm khí dùng riêng cho rau, cột kín rồi xếp vào ngăn mát. Trái cây thì rửa sạch để ráo, sau đó cho vào bao xốp cột kín rồi cất vào tủ lạnh. Từng loại rau tất nhiên sẽ thích hợp với từng nhiệt độ khác nhau như bắp cải, súp lơ, cà rốt, cần tây, hành có thể chịu lạnh hơn nên không cần bao bọc kỹ bằng các loại rau lá mỏng như xà lách, cải mơ, cải cúc... 

Không được để chung hoặc để rau sống gần với các loại thực phẩm sống khác như thịt gia súc, gia cầm, hải sản, tiếp xúc với dao thớt và các dụng cụ làm bếp đã dùng qua để chế biến các loại thịt sống. Rửa sạch thớt, dĩa, dao, giá bếp bằng nước tẩy rửa và nước nóng sau khi chuẩn bị các loại thịt và hải sản sống hoặc trước khi chuẩn bị các loại thức ăn sống (không cần nấu chín). 

Mời bạn xem thêm cách chọn thực phẩm tươi ngon cho ngày Tết được chia sẻ trong bài Cách chọn và bảo quản thực phẩm dịp tết

Tết ăn gà – Gà Teriyaki

(Webtretho) Tết là dịp mọi người muốn ăn ngon nhưng ai cũng ngại vào bếp. Món gà Teriyaki, đóng góp vị ngon làm nên bản sắc của ẩm thực xứ Phù Tang nhưng lại được chế biến từ một công thức cực kỳ đơn giản, dễ dàng giúp bạn vượt qua cái ngại này. Các bà nội trợ hãy chuẩn bị món gà Teriyaki sẵn sàng để thảnh thơi tiếp đãi những vị khách đến chúc Tết bất ngờ nhé.

Ảnh: Ossanrecipe

Nguyên liệu:

- 250gr thịt gà, có cả da;

- 100ml nước tương;

- 100ml rượu mirin*;

- 1 muỗng súp đường (ngon nhất là dùng đường thốt nốt tán nhuyễn hoặc đường vàng);

- 1 đoạn gừng, dài khoảng 2 cm, băm hoặc giã nhỏ;

- Một ít mè rang.

* Mirin là một loại rượu gạo của Nhật được trộn với đường glucose và mạch nha nên có vị ngọt thanh. Bạn có thể tìm thấy rượu mirin trong các cửa hàng Nhật Bản hiện đã có mặt ở toàn quốc (ở thành phố Hồ Chị Minh, các cửa hàng này tập trung ở đường Lê Thánh Tôn, quận 1, hoặc hệ thống siêu thị Daiso.)

Cách làm:

- Trộn tất cả các gia vị gồm nước tương, rượu mirin, đường, gừng dùng để ướp gà; sau khi ướp, bạn bọc kín gà và trữ trong ngăn mát tủ lạnh qua đêm (hoặc ít nhất cũng khoảng 8 tiếng) cho thấm gia vị.

- Cho gà đã thấm gia vị rất kỹ vào chảo không dính đã làm nóng, áp mặt có da xuống trước cho  vàng. Bạn không cần dùng đến dầu vì mỡ gà sẽ tiết ra (lại rất thơm nữa). Khi da gà đã vàng và hơi co lại, lập tức trở miếng gà, áp chảo trên lửa vừa cho đến khi các mặt còn lại cũng ngả sang màu vàng thì đổ nước gia vị ướp gà còn dư vào chảo, bật lửa lớn cho nước sốt sệt lại, liên tục dùng muỗng múc nước sốt rưới lên mặt miếng gà.

- Khi thấy nước sốt hơi sệt lại là bạn có thể tắt bếp; khi ăn cắt gà thành từng miếng vừa ăn, rắc hạt mè lên cho thơm.

Món gà Teriyaki mềm, ngon, đặc biệt thấm tháp rất hợp với khẩu vị người Việt Nam, không chỉ thế còn tiện lợi không kém lương khô vì có thể nấu một lần rồi ăn dần hoặc chế biến thành nhiều món khác nhau:

- Có thể ăn gà với cơm nóng; rưới nước sốt lên những hạt cơm trắng còn bốc khói nghi ngút, cắn thêm miếng gà vàng ươm, béo ngậy và thật mềm;

- Cuộn gà trong miếng rong biển với cơm là lập tức có món sushi gà, "sát thủ tiêu diệt bệnh biếng ăn" của các em nhỏ;

- Hay buổi sáng đầu năm thức dậy, bạn có thể thưởng thức món gà kẹp trong bánh mì sandwich, cân bằng với một chút rau xà lách, tạo sự khởi đầu tốt đẹp cho cả ngày. Đây cũng là món ăn thỏa mãn những ai thích giảm cân mà vẫn muốn ăn ngon.

Tết này, các bạn  hãy chuẩn bị món gà Teriyaki sẵn sàng để tiếp đãi những vị khách đến chúc Tết bất ngờ thử xem nhé.

Dinh dưỡng cho bà mẹ đang cho con bú

(Webtretho) Trong sáu tháng đầu đời, sữa mẹ là một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định đến sự phát triển của bé; mà chất lượng của sữa mẹ lại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chế độ ăn uống và sinh hoạt. Vậy nên đây không còn là vấn đề cá nhân nữa, các bà mẹ hãy lưu tâm hơn đến nguồn dinh dưỡng mà mình thu nhận vào, vì sức khỏe của những đứa con thơ.

Cũng giống như khi mang thai, sau khi sinh các bà mẹ nên duy trì chế độ ăn uống hoàn hảo. Vậy thế nào được coi là một chế độ ăn uống hoàn hảo đối với phụ nữ trong giai đoạn cho con bú?

Người mẹ cần được tẩm bổ một cách khoa học trong thời kỳ cho con bú. Ảnh: Inmagine

Chế độ dinh dưỡng hoàn hảo cho mẹ

Đó là chế độ ăn bao gồm nhiều loại vitamin, khoáng chất, các chất đạm cần thiết. Theo các chuyên gia, bà mẹ đang trong giai đoạn cho con bú nên bổ sung khoảng 2.700 đơn vị calo mỗi ngày (nhiều hơn 500 đơn vị calo so với những người bình thường). Quan trọng nhất, nhóm 3 chất carbohydrate, sắt, nước… tuyệt đối không thể vắng mặt trong thực đơn hàng ngày của các mẹ.

Nếu thiếu carbohydrate, chất có chức năng tiếp tế và cung cấp năng lượng cho cơ thể, các mẹ sẽ nhanh chóng có cảm giác hụt hơi, kiệt quệ ngay sau bữa ăn, hậu quả là tình trạng ngủ gật ngay khi đang cho con bú. Vậy nên bạn hãy sử dụng các loại thực phẩm giàu carbonhydrate như ngũ cốc, các loại đậu, hạt, trái cây sấy, tinh bột, bánh mì... Trứng và phô mai tuy được liệt vào nhóm thực phẩm nghèo carbonhydrate nhưng lại là nguồn cung cấp protein dồi dào, có tác dụng làm chậm và kéo dài quá trình tiêu tán carbohydrate trong mạch máu.

Thiếu sắt là triệu chứng phổ biến ở các bà mẹ trong thời kỳ mang thai và trong giai đoạn hậu sản, gây nên tình trạng mệt mỏi kéo dài. Thủ thuật để bổ sung chất sắt hiệu quả nhất là uống thêm nước trái cây. Các vitamin trong nước trái cây sẽ thúc đẩy quá trình hấp thụ chất sắt trong cơ thể diễn ra nhanh và mạnh hơn.

Tuy nhiên, các bà mẹ nên thận trọng khi bổ sung bơ đậu phộng vào khẩu phần. Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm trước nguy cơ bị dị ứng với các chất có trong bơ đậu phộng có thể truyền vào cơ thể bé thông qua sữa mẹ. Nguy cơ này đặc biệt cao khi gia đình bạn có tiền sử các bệnh dị ứng thực phẩm, hen suyễn, chàm bội nhiễm và sốt vào mùa hè. Có thể bạn nên kiêng hoàn toàn bơ đậu phộng cho đến khi ngừng cho bé bú .

Ích lợi cho bà mẹ cho con bú

Nuôi con bằng sữa mẹ đòi hỏi sự chăm sóc nhiều hơn, công phu hơn nhưng cũng sẽ đổi lại bằng những ích lợi khác như:

- Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những biện pháp giảm cân hiệu quả nhất. Mỗi ngày người mẹ có thể tiêu hao 500 calo sau khi cho con bú, tương đương với chạy bộ trên chặng đường dài 6,5-8km.

- Tử cung co lại kích thước bình thường nhanh hơn. Khi mẹ cho con bú, oxytocin sản sinh sẽ gây ra sự co bóp nhẹ, giúp tử cung co lại kích thước bình thường.

- Giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cứ mỗi năm cho con bú, người mẹ sẽ giảm nguy cơ bị ung thư vú tới 10%. Cho con bú còn làm giảm nguy cơ bị ung thư buồng trứng và tử cung.

Món ăn hoàn hảo cho mẹ

Là những món ăn giới hạn về lượng để mẹ có thể nhanh chóng lấy lại vóc dáng thon thả, trong khi vẫn dồi dào các chất dinh dưỡng cần thiết đảm bảo sức khỏe của mẹ và nguồn sữa cho bé.

Một chế độ dinh dưỡng hoàn hảo cho người mẹ đang cho con bú phải  bao gồm nhiều loại vitamin, khoáng chất, các chất đạm. Ảnh: Getty Images

1) Mì xào bò và bông cải xanh

Món ăn chứa nhiều chất đạm, sắt, selenium, kẽm, canxi, folate, vitamin A&B12... này có cách chế biến rất đơn giản nên ngay cả ông chồng chưa một lần vào bếp cũng có thể dễ dàng chế biến được cho vợ tẩm bổ.

Nguyên liệu

- Vài vắt mì trứng;

- 1 búp nhỏ bông cải xanh, rửa sạch, cắt miếng nhỏ vừa ăn;

- 225g thịt thăn bò, cắt thành các thanh dài, dày khoảng 1cm, ướp với một chút nước tương cho thấm mà thịt vẫn mềm (đừng ướp thịt bằng nước mắm, thịt sẽ bị dai);

- Vài tép tỏi bằm, ½ muỗng cà phê gừng bằm;

- Nước tương, dầu hào, dầu mè, dầu hạt hướng dương, đường (gia giảm gia vị theo khẩu vị của bà mẹ).

- 1 muỗng súp hạt mè rang.

Thời gian chuẩn bị: 20 phút

Cách làm:

- Luộc chín mì, xả qua bằng nước lạnh cho sợi mì săn lại rồi để ráo, trộn mì với 1 muỗng cà phê dầu hạt hướng dương và 1 muỗng dầu mè.

- Cho tỏi, gừng băm vào chảo dầu nóng xào cho thơm, tiếp đến là bông cải, thịt bò, sợi mỳ (cho vào lúc trong chảo vẫn còn một ít nước tiết ra từ rau và thịt).

- Cuối cùng, nêm nếm vừa miệng với nước tương, đường, dầu hào, tiếp tục đảo đều tay thêm khoảng 2 phút cho sợi mì thấm gia vị và rắc mặt bằng mè rang cho thơm.

2) Cá hồi nướng túi giấy

Món ăn này cung cấp chất đạm, các axit béo omega-3, sắt, selenium, beta-carotene, và vitamin E cần thiết cho sức khỏe của cả bà mẹ và trẻ em. Có thể chuẩn bị sẵn các nguyên liệu trong túi giấy, bảo quản trong tủ lạnh và nhờ bố hâm nóng khi mẹ muốn ăn.

Cá hồi nướng túi giấy là món bồi bổ đặc biệt cho các mẹ đang cho con bú. Ảnh: Inmagine

Nguyên liệu

- 1 miếng cá hồi khoảng 175g;

- ¼ quả ớt chuông đỏ, bỏ phần ruột, cắt sợi,

- 1 tai nấm hương tươi hoặc nấm bào ngư, bỏ chân, cắt lát;

- 1 cọng hành lá, cắt nhỏ hoặc tước sợi;

- 1/2 muỗng cà phê gừng băm;

- 1 muỗng cà phê nước tương;

- 1/4 muỗng cà phê đường.

- 1 muỗng cà phê rượu mirin (có thể thay bằng rượu nếp, nhưng phải đảm bảo mẹ không cho con bú trong vòng 3 tiếng sau bữa ăn);

- 1 tờ giấy bạc khổ 40x30cm, 1 tờ giấy nến* khổ 40x30cm

Chú thích:

- Mirin là một loại rượu gạo của Nhật, được trộn với đường glucose và mạch nha nên có vị ngọt thanh. Bạn có thể tìm thấy rượu mirin trong các cửa hàng Nhật Bản hiện đã có mặt ở toàn quốc (ở thành phố Hồ Chị Minh, các cửa hàng này tập trung ở đường Lê Thánh Tôn, quận 1, hoặc hệ thống siêu thị Daiso).

- Giấy nến (còn được gọi là giấy không thấm dầu) được bán tại các siêu thị lớn, phổ biến tại Việt Nam là nhãn hiệu Good Bake, giá từ 13.000-14.000/cuộn, khổ A3.

Cách làm

- Làm nóng lò nướng ở mức 200°C.

- Trộn gừng, nước tương, rượu mirin, đường thành hỗn hợp gia vị.

- Xếp tờ giấy nến lên trên tờ giấy bạc; lót nấm và ớt chuông ở giữa tờ giấy, cho lát cá lên trên, rải mặt cá bằng một lớp hành lá rồi từ từ rưới nước gia vị lên khắp miếng cá. Gấp 2 mép giấy lại để gói miếng cá vào trong rồi xoắn 2 đầu hở của "cuốn cá" lại như xoắn vỏ kẹo.

- Cho túi cá vào lò nướng khoảng 15 phút là đã có một món cá ngon lành, đầy dưỡng chất.

Tuy nhiên, khi ăn cá, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng về các loại cá an toàn, không bị nhiễm bẩn hoặc nhiễm độc thủy ngân vì một số loại cá có nguy cơ làm mẹ mất sữa.

Đi chợ thông minh – chuyện nhỏ hay lớn?

(Webtretho) Đi chợ là chuyện không mới với phụ nữ, nhưng đi chợ cũng có lúc vui, lúc buồn và nhiều trăn trở, nhất là khi thị trường thực phẩm ngày càng đa dạng, nhưng cũng càng nhiều nguy cơ tiềm ẩn, thật khó để lựa chọn được thực phẩm tốt. Vấn đề đặt ra cho người nội trợ là không nhỏ: mua thức ăn gì cho ngon, hợp với túi tiền mà vẫn đảm bảo sức khỏe của gia đình. Đi chợ cho khôn, cho khéo tưởng là chuyện nhỏ hóa ra lại không nhỏ chút nào.

Thế nào là đi chợ khéo?

“Khéo ăn thì no”, nhưng để ăn cho no và đủ chất thì lại phụ thuộc vào “tài năng” đi chợ của người nội trợ. Vậy đi chợ thế nào là khéo?

Đi chợ thông minh là chuyện không dễ… Ảnh: Inmagine

Khéo tính: bạn cần tính xem gia đình mình có bao nhiêu nhân khẩu, và có những ai cần chế độ ăn đặc biệt để tính ra số lượng thực phẩm cần mua. Số lượng thực phẩm phải vừa đủ, không thừa không thiếu và phù hợp với ngân sách của gia đình bạn, tránh lãng phí và tránh lưu cữu thực phẩm vì như thế chất lượng dinh dưỡng cũng như hương vị của thức ăn cũng không còn đảm bảo nữa.

Khéo chọn: bạn chỉ cần thuộc nằm lòng hai “bí kíp” sau: nếu là thực phẩm tươi sống, hãy chọn “tươi thì thật tươi, sống thì phải sống” (tức chọn rau quả phải gần ngày thu hoạch , chọn gia cầm, hải sản còn sống là tốt nhất); nếu là thực phẩm công nghiệp, nên chọn sản phẩm còn mới, nguyên vẹn và đọc kỹ tất cả thông tin trên nhãn sản phẩm.

Để có một bữa ăn “chuẩn” về dinh dưỡng

Về lý thuyết, như chúng ta đều biết, bữa ăn “chuẩn” về dinh dưỡng là bữa ăn cung cấp đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng (gồm có chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và chất khoáng) từ các nhóm thực phẩm đa dạng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng toàn diện của cơ thể. Để tiện cho các bà nội trợ khi đi chợ, dưới đây là khẩu phần dinh dưỡng tiêu chuẩn cho 1 người / ngày:

  • < 6g muối; < 20g đường / ngày (càng ăn nhạt càng tốt)
  • 4-5 chén tinh bột (đa dạng từ cơm, bún, phở, bánh mì…)
  • 120g chất đạm (đa dạng từ thịt, cá, trứng, sữa…)
  • 300g rau xanh
  • 200g trái cây tươi
  • 30g chất béo
  • > 2 lít nước

Tỷ lệ dinh dưỡng cân đối cho một khẩu phần ăn: chất bột đường chiếm 55 – 65%, chất đạm 15%, và chất béo chiếm 15-25%.

Bữa ăn dành cho bà mẹ mang thai và trẻ em

Với bà mẹ mang thai, bữa ăn hàng ngày không khác với bữa ăn bình thường, mẹ chỉ cần đảm bảo uống thêm 600ml sữa mỗi ngày là đủ nhu cầu dinh dưỡng.

Với trẻ em, thực phẩm quan trọng nhất là sữa, tiếp đến là cơm, bún, thịt, cá, rau, trái cây và cuối cùng là nước.

Một số lưu ý về dinh dưỡng khác:

  • Tỷ lệ đạm động vật / đạm thực vật: với trẻ em là 2:1, với người lớn là 1:1
  • Nên có hai loại dầu ăn trong bếp: dầu salad để xào và ăn sống, dầu cooking để chiên.
  • Trẻ càng nhỏ thì càng nên ăn béo và không kiêng mỡ động vật; người lớn nên ăn dầu thực vật thay cho mỡ.
  • Chỉ ăn đồ ngọt trong trường hợp đói lả, cần lại sức nhanh. Không cho trẻ ăn đồ ngọt trước bữa ăn.
  • Không cho trẻ dưới 6 tháng uống thêm nước ngoài sữa; và thay thế nước bằng sữa cho trẻ suy dinh dưỡng.
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm bảo quản lâu ngày như các loại khô, mắm, dưa muối…


Cách chọn mua thực phẩm công nghiệp

Người tiêu dùng thông minh cần biết cách đọc nhãn sản phẩm. Ảnh: Inmagine.

Thực phẩm công nghiệp đã trở thành một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống của các gia đình ngày nay, do sự tiện lợi và đáp ứng một số nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt (như sữa công thức cho trẻ em, bà mẹ và người có bệnh lý đặc biệt). Các sản phẩm này thường được quảng cáo rất rầm rộ nên đôi khi lại đem đến sự hoài nghi và định kiến đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, dù có quảng cáo theo cách nào thì sản phẩm thực phẩm công nghiệp vẫn phải tuân thủ và chịu sự quản lý nghiêm ngặt về quy định ghi nhãn. Là người tiêu dùng hiểu biết, người nội trợ thông minh, bạn phải biết mình đang mua gì về nhà. Để làm được điều đó, bạn cần biết cách đọc hiểu thông tin trên nhãn các sản phẩm này để cân nhắc chi tiêu và đối chiếu với nhu cầu dinh dưỡng của gia đình.

Các bước đọc nhãn sản phẩm thực phẩm công nghiệp:

  1. Kích thước khẩu phẩn: nhằm xác định thành phần dinh dưỡng ghi trên nhãn được tính cho lượng thực phẩm như thế nào.
  2. Lượng calorie: để biết sản phẩm cung cấp năng lượng cho cơ thể như thế nào và từ nguồn tốt hay xấu.
  3. Hàm lượng chất béo, cholesterol, đường, sodium…: cần giới hạn càng thấp càng tốt.
  4. Hàm lượng vitamin & khoáng chất: cần cung cấp đủ lượng (theo giá trị dinh dưỡng tiêu chuẩn / ngày – có thể được in bổ sung dưới nhãn thành phần dinh dưỡng).
  5. Bảng tham khảo giá trị dinh dưỡng tiêu chuẩn theo ngày.
  6. Tỷ lệ dinh dưỡng của sản phẩm so với giá trị dinh dưỡng tiêu chuẩn: nhằm xác định sản phẩm đáp ứng được bao nhiêu so với nhu cầu (<5% được xem là thấp, >25% được xem là cao.


Người tiêu dùng cần lưu ý những điểm sau khi chọn mua thực phẩm công nghiệp:

  • Bao bì nguyên vẹn, sạch đẹp, không móp méo.
  • Hạn sử dụng càng gần ngày sản xuất và càng xa ngày hết hạn càng tốt.
  • Thành phần và giá trị dinh dưỡng.
  • Cách sử dụng, chế biến và bảo quản sản phẩm. (Cần lưu ý cả điều kiện bảo quản ở cả nơi bày bán sản phẩm.)
  • Tên tuổi và uy tín của nhà sản xuất và nhà phân phối.
  • Cảm quan khi sử dụng (đánh giá bằng thị giác và khứu giác khi quan sát sản phẩm).
Trên đây là những thông tin khái quát nhất được trích từ hội thảo chuyên đề “Đọc hiểu thông tin trên nhãn sản phẩm công nghiệp dành cho bà mẹ mang thai và trẻ em” vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh (ngày 27.11) và Hà Nội (ngày 4.12) do Webtretho đồng hành cùng Hội tiêu chuẩn & bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ của chuyên mục “Bạn của người tiêu dùng”.

Ngoài ra, tại hội thảo, ThS-BS Đào Thị Yến Phi còn chia sẻ rất nhiều thông tin bổ ích về dinh dưỡng cho gia đình, mẹ và bé; đồng thời tư vấn rất nhiều trường hợp cụ thể cho các bậc phụ huynh. Toàn bộ thông tin và nội dung của hội thảo sẽ được Webtretho đăng tải tại diễn đàn Webtretho, bạn đọc có thể truy cập tại đây.

Nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo thành viên và bạn đọc, trong thời gian tới, Webtretho sẽ đẩy mạnh chuyên “Bạn của người tiêu dùng” trở thành một diễn đàn chia sẻ và đối thoại đáng tin cậy giữa người tiêu dùng, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng nhằm nâng cao nhận thức về tiêu dùng của người tiêu dùng và góp phần tăng chất lượng sản phẩm – dịch vụ của các doanh nghiệp.

Bánh trứng nướng

(Webtretho) Bánh trứng đã được CNN Go vinh danh ở vị trí thứ 16 trong danh sách 50 món ăn ngon nhất thế giới năm 2011. Hãy cùng Webtretho vào bếp và đích thân khám phá những bí quyết tuy đơn giản nhưng đã làm nên món tráng miệng đặc sắc, bổ sung tinh hoa cho văn hóa ẩm thực thế giới này nhé.

Miếng bánh mềm, tan trong miệng như kem, béo mà không ngấy. Ảnh: Cookingandme

1. Chuẩn bị trứng:

Nguyên liệu:

- 100gr đường cát trắng;

- 400ml sữa tươi nguyên kem;

- 7 lòng đỏ trứng gà, đánh đều;

- 1 ống vani;

- 2 muỗng súp bột bắp;

Cách làm:

- Làm nóng lò nướng đến 2000C.

- Cho trứng, đường và bột bắp vào một cái chảo có đáy dày, trộn đều các nguyên liệu với nhau. Châm sữa từ từ vào hỗn hợp, tiếp tục trộn liền tay cho đến khi không còn bị vón cục.

- Đặt chảo lên bếp và đun nóng với lửa vừa, khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp đặc lại và bắt đầu nổi bọt bong bóng; tiếp tục đun nóng thêm 2-3 phút nữa mới nhấc chảo khỏi bếp, đổ vani vào và trộn đều.

- Vét hỗn hợp trứng khỏi chảo, cho vào tô, đậy nắp và để nguội. Mục đích lấy trứng ra khỏi chảo là vì chảo dù đã được nhấc khỏi bếp nhưng vẫn giữ nhiệt, có thể làm trứng cháy, bốc hơi và bị khô. Tương tự, việc đập nắp tô là để ngăn hơi nước trong trứng bị thất thoát ra ngoài.

2. Chuẩn bị vỏ /đế bánh:

Nguyên liệu:

- 125gr đường làm bánh (đường bột);

- 375gr bột mì đa năng;

- 225gr bơ để mềm;

- 1 quả trứng, đánh đều;

- 1 ống vani.

- Khuôn làm bánh cupcake bộ 12 bánh.

Cách làm:

- Dùng một cái tô lớn trộn bột với đường, sau đó nhào tiếp với bơ, trứng và vani cho đến khi bột mịn và kết lại. Bột đạt tiêu chuẩn sẽ mềm và ẩm; nếu thấy bột vẫn hơi khô thì cho thêm bơ vào tiếp tục nhào (không cần dùng nước).

- Cán bột mỏng, gấp đôi miếng bột lại rồi tiếp tục cán mỏng. Lặp lại động tác này thêm 1 lần nữa, như vậy miếng bột tuy mỏng nhưng có 4 lớp (nướng xong sẽ giòn và xốp hơn). Cuộn tròn miếng bột lại thành hình trụ dài, chia thành 12 phần bằng nhau theo chiều dài và cán từng viên bột thành miếng mỏng hình tròn, kích thước vừa với khuôn bánh.

- Chuẩn bị khuôn bánh với các thao tác gồm: dùng cọ phết một lớp dầu mỏng trong lòng khuôn; lót vỏ bánh vào khuôn, dùng ngón tay ấn nhẹ để bột hít sát vào thành và đáy khuôn; dùng dao nhỏ tỉa bỏ các viền bột dư ở ngoài khuôn bánh; dùng 1 cái  nĩa hoặc que tăm đâm thủng vài lỗ nhỏ trên mặt vỏ bánh để bột không bị nứt và co lại khi nướng.

- Sau khi trứng đã nguội, bạn đổ đầy 3/4 khuôn (không đổ đầy ắp vì trứng khi nướng sẽ còn tiếp tục nở vun lên). Cho các khuôn bánh vào nướng trong vòng 25 phút, đến khi lớp mặt của trứng chuyển sang màu vàng nâu là bạn đã thành công, có được chiếc bánh trứng chín mềm, béo ngậy, thoảng mùi thơm của đường thắng trên mặt trứng.

Gà nướng muối

(Webtretho) Gà nướng muối là món đặc sản Malaysia, một phiên bản tân tiến và tiện lợi hơn rất nhiều so với món “gà cái bang” bọc bằng đất sét. Không phải về quê tìm đất sét, muối vừa rẻ lại dễ kiếm, giữ nhiệt rất tốt, thịt đã chín mềm nhưng vẫn giữ được màu đỏ hồng, da gà chảy hết mỡ, mỏng dính và giòn tan.

Gà nướng muối là món đặc sản có một không hai của đất nước Malaysia. Ảnh: Inmagine

Nguyên liệu

- 1 con gà ta, chọn con nhỏ (khoảng 1-1,2kg), bỏ đầu, làm sạch lòng và ruột.

- Gia vị: 1/2 muỗng cà phê muối biển*, 2 muỗng súp nước ép gừng*, 2 muỗng súp nước tương, 2 muỗng cà phê hắc xì dầu (có thể thay bằng dầu hào), 1 muỗng súp rượu Shao Xing*, 1 muỗng cà phê bột ngũ vị hương;

- 1 gói muối thô 2 kg;

- 1 tờ giấy nến;

- 1 miếng giấy bạc.

(*) Ghi chú

- Muối biển là dạng muối thô chiết xuất từ nước biển, khác với loại muối thô khai thác ở mỏ. Muối biển là màu xám đục thay vì trắng muốt như của muối thường, có vị đậm đà hơn muối thường và do vậy được chọn dùng làm gia vị ướp gà trong món ăn này.

- Để có được 2 muỗng nước ép gừng, bạn cần khoảng một củ gừng nhỏ, cắt lát, giã dập và cho vào một miếng vải mỏng để vắt lấy nước.

- Rượu Shao Xing, tiếng Việt gọi là rượu Thiệu Hưng, có màu đen, là một loại rượu mùi thơm truyền thống của Trung Quốc. Nếu không mua được rượu Shao Xing, có thể thay bằng rượu gạo nếu chỉ sử dụng với liều lượng ít (như trong món ăn này).

- Giấy nến (còn được gọi là giấy không thấm dầu) được bán tại các siêu thị lớn, phổ biến tại Việt Nam là nhãn hiệu Good Bake, giá từ 13.000-14.000/cuộn, khổ A3.

Cách làm:

- Trộn đều tất cả gia vị lại với nhau, dùng tay hoặc dùng cọ nhỏ phết đều gia vị lên khắp thân gà, đừng bỏ quên phần dưới cánh, mặt trong của đùi và bên trong bụng gà. Để gà thấm gia vị trong vòng 2 tiếng;

- Chuẩn bị lò nướng 200o C;

- Sau khi gà đã thấm gia vị, bạn đặt con gà vào giữa miếng giấy nến, gấp kín 4 cạnh của tờ giấy lại, tránh không để hở khiến mỡ và nước ngọt của thịt gà chảy ra ngoài;

- Trải lớp giấy bạc trên khay nướng, phủ 1 lớp muối thô lên trên (dùng hết 1/2 – 2/3 gói muối) rồi đặt gói gà vào giữa; túm các đầu giấy bạc để gói gà vào trong, để hở miệng túi, đổ hết số muối còn lại phủ lên trên mặt gói gà rồi mới bọc kín toàn bộ túi giấy bạc lại.

- Cho toàn bộ túi gà vào lò nướng trong vòng 35 phút, sau đó trở mặt túi muối và tiếp tục nướng thêm 35 phút để gà chín giòn đều.

Dọn gà ra khi còn nóng và ăn với nước tương có pha chút gừng, dấm và hành lá cắt nhỏ.