Chuyên mục lưu trữ: Chơi với con Sơ sinh

Hướng dẫn mua đồ chơi cho trẻ sơ sinh và trẻ mới tập đi


Ảnh: Images.

Ở vai trò làm cha mẹ, chắc hẳn đã có lần bạn từng phân vân trước một “rừng” những đồ chơi dành cho cục cưng của mình. Khó khăn hơn nữa là làm sao để xác định được món đồ chơi nào là tốt nhất cho từng giai đoạn phát triển của con. Dưới đây là một số hướng dẫn của tiến sĩ chuyên ngành Vật lý trị liệu Jennifer thuộc trường đại học Indianapolis:  

Tham khảo: Những trò chơi ngoài trời vui nhộn cho bé

Quay về với nền tảng cơ bản

Tiến sĩ Jennifer nói rằng: “Hãy để món đồ chơi đó kích thích trí tưởng tượng và hỗ trợ sự phát triển của trẻ”. Đối với những trẻ chưa đến tuổi đi học, những trò chơi thân thiện và không quá đắt là lắp ráp các khối lập phương hoặc nặn đất sét sẽ giúp kích thích sự sáng tạo và kỹ năng vận động chính xác hơn.

Thú nhồi bông có thể là món đồ chơi học tập tuyệt vời vì nó tạo sự thoải mái cho con bạn đồng thời hỗ trợ tâm lý cho trẻ.

“Video, game điện tử và những đồ chơi tự động có thể thúc đẩy hành vi thụ động và gây trở ngại việc tìm tòi và học hỏi thế giới xung quanh trẻ”  tiến sĩ Jennifer giải thích.

Đừng giữ trẻ nằm chơi một chỗ quá lâu, hãy tập cho trẻ những trò chơi vận động để kích thích hệ tiêu hóa và các chức năng vận động khác.

Ảnh: Images.

Sách là lựa chọn tối ưu cho mọi lứa tuổi, nó cung cấp các giá trị tinh thần và hỗ trợ tương tác giữa bố mẹ và bé. Bước đầu là những cuốn truyện tranh với những hình minh họa dễ thương, vui nhộn cho trẻ, sau đó có hãy tập cho bé lắng nghe những câu chuyện cổ tích…

Đơn giản mọi thứ

Nên tránh những món đồ chơi quá phức tạp đối với trẻ quá nhỏ đang bắt đầu học những điều cơ bản.

“Trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi có thể giỏi nắm, kéo bất kỳ những vật nào vừa tầm tay nhưng chúng không có ý thức sẽ đặt những vật ấy trở lại đúng chỗ hoặc giữ chúng cẩn thận được.  Đôi khi những đồ chơi được sản xuất để phục vụ đặc biệt cho trẻ nhỏ không phải luôn luôn là sự lựa chọn tốt nhất. Ví dụ những đồ chơi và bút chì màu quá cỡ được bán cho trẻ nhỏ hơn có thể dễ dàng cầm nắm nhưng sẽ khó hơn để điều khiển dĩ nhiên là không hỗ trợ trong sự phát triển những kỹ năng vận động tinh xảo của trẻ.”

Đồ chơi theo từng độ tuổi

Trẻ mới sinh: Độ tuổi này bé còn quá nhỏ, hầu hết thời gian của bé là nằm trong nôi. Những đồ vật di chuyển trước mắt giúp bé phát triển thị lực, và những đồ chơi có tiếng nổ và nén giúp cho việc phản ứng và phát triển thính giác… Bé thích được “hóng hớt”, “trò chuyện” theo ánh mắt, lời nói của bố mẹ.

Bé sơ sinh rất thích được "trò chuyện" với bố mẹ. Ảnh: Images.

Trẻ từ 3-6 tháng: Trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi bắt đầu trở nên hiếu động. Hãy bổ sung đồ chơi cho bé như những chiếc chuông và những quyển sách mềm để chúng khám phá bằng tay và miệng.

Trẻ từ 6-9 tháng: Khi bé bắt bắt đầu biết lật, tự ngồi dậy, bạn có thể bắt đầu cho trẻ chơi những đồ chơi giúp chúng phát triển khả năng di chuyển nhưng bò và đi.

Trẻ tập đi: Những đồ chơi yêu cầu trèo, đẩy, kéo và lái  nhằm giúp cho trẻ phát triển những kĩ năng di chuyển của chúng. Những quả bóng ném và đá, những món đồ hấp dẫn phía trước giúp trẻ háo hức bò đến để nhận lấy.

Những câu đố khó, những đồ xếp hình, những đồ lắp ráp dựng hình, những đồ chơi trộn lẫn và sắp xếp theo thứ tự cũng là nhưng lựa chọn tốt để bé phát triển trí tuệ và thể chất.

Từ 3 – 5 tuổi là giai đoạn chủ yếu để nuôi dưỡng trí tưởng tượng và sáng tạo, do đó sách truyện, mô hình lắp ráp, những loại hình mang tính nghệ thuật như chơi đàn, hát nhạc, đọc thơ…cũng được khuyến khích cho bé.


 


 

10 cách để dạy bé yêu tập nói

(Webtretho) Những ai làm cha mẹ hầu hết đều mong đợi giây phút bé yêu phát ra những lời đầu tiên, dù bập bẹ nhưng thật dễ thương phải không? Có nhiều cha mẹ nôn nóng vì mãi mà bé vẫn không chịu nói, đừng quá nôn nóng, hãy thật kiên nhẫn dạy bé theo những cách dưới đây. Rồi một ngày “chiếc loa phát thanh tí hon” sẽ làm bạn ngạc nhiên đấy!

Ảnh: Inmagine.

Theo các nhà nghiên cứu thì  "Từ 4 - 6 tháng tuổi trẻ bắt đầu lảm nhảm những từ có 2 âm tiết như: baba hay mama", nó là tiền thân của những từ đầu tiên theo bản năng mà bé tự phát ra.

Các giai đoạn mà bé phải đi qua bao gồm; phát âm nguyên âm (0 - 3 tháng), nhân rộng theo cách bập bẹ, có nghĩa là lặp lại những âm thanh cùng một phụ âm như: bababa, dadada, (4 - 6 tháng), tăng bập bẹ với nhiều âm thanh pha trộn (6 - 9 tháng).

Dưới đây là 10 mẹo có thể giúp cho bé tăng cường khả năng diễn đạt những từ đầu tiên

1. Tham gia vào cuộc “đàm thoại kỳ lạ” của bé

Dù chưa hiểu bé diễn đạt gì, bạn vẫn có thể tham gia vào "cuộc hội thoại" với tất cả niềm vui và sự hào hứng của bé. Đáp lại những âm thanh ngọt ngào và tiếng trọ trẹ dễ thương ấy bằng cách nhìn vào mắt bé, gật đầu, nói chuyện…Bé sẽ bắt đầu hiểu là bố mẹ lưu tâm mình, đó là một thông tin liên lạc hai chiều cho và nhận, nó giúp bé thích trò chuyện và cởi mở hơn.

2. Trò chuyện với bé

Trò chuyện với bé sẽ giúp bạn xây dựng vốn từ vựng hàng ngày của mình, lại tăng cường sự gần gũi với con và giúp bé học từ ngữ chuẩn hơn.

3. Trả lời tiếng khóc của bé

Khóc thật ra là một cách giao tiếp của bé khi đòi hỏi những nhu cầu của cơ thể. Bạn trả lời lại là cách bạn đáp ứng những nhu cầu ấy, chẳng hạn bạn sẽ nhận biết được lúc nào bé bệnh, đói, mệt mỏi…Đó là một cách chia sẻ thông tin kỳ lạ nhưng lý thú.

4. Nói chuyện phiếm với bé

“Bé “măm” xong rồi, bây giờ mẹ sẽ thay tã cho bé nhé, thay tã xong bé sẽ chơi với bà để mẹ nấu cơm nhé”…Khi bạn nói với bé những điều này, bé sẽ tự tạo được khả năng liên kết sự việc và biết kết nối, xâu chuỗi mọi thứ thật logic, điều này giúp bé phản ứng nhanh trong khả năng sử dụng ngôn ngữ.

Ảnh: Inmagine.

5. Hát những bài hát ngắn

Nếu không thể hát được những bản nhạc dài và khó, bạn có thể hát những bản ngắn. Quá trình lặp đi lặp lại các từ trong bài hát sẽ là bước đầu tiên để ghi nhớ những lời mà bé yêu thích để từ từ bé sẽ bắt chước theo.

6. Đọc cho bé nghe

Trẻ em quan tâm đến sách sớm hơn bạn nghĩ. Hãy thử đọc cuốn sách ưa thích của bạn hoặc những cuốn truyện tranh mà bé thích ngắm nhìn thật thường xuyên, bạn sẽ thấy bé ngồi yên chăm chú. Cũng giống như khái niệm đằng sau những bài hát yêu thích của bé, sự lặp lại những gì bạn đọc từ sách sẽ giúp bé xây dựng vốn từ vựng cơ bản.

7. Chơi đùa cùng bé

Khuôn mặt của bé trở nên ủ dột, rồi bé mếu và khóc thì có lẽ là vì bé mệt mỏi. Bạn giúp bé thư giãn bằng những đồ chơi bé thích, cùng chơi với bé và tập cho bé đánh vần từng món một.

8. Học từ bạn bè

Nếu bé đã đến tuổi đi mẫu giáo mà vẫn chưa nói sõi thì bạn nên cho bé tiếp cận nhiều với môi trường học tập, dạy thêm cho bé nói những từ đơn giản. Có bạn bè, trò chuyện nhiều, bé sẽ tự tin để nói tốt hơn.

9. Khuyến khích sự cố gắng của bé

Khi bé bắt đầu nói huyên thuyên cả ngày và phát âm sai, bạn đừng cười bé, hãy để bé được tự tin nói những gì bé thích. Nhiều cha mẹ thấy con nói lung tung thường bật cười, điều đó sẽ cản trở bé học nói.

10. Kiên nhẫn

Cha mẹ không thể nói thay con nhưng có thể khuyến khích con nói lời đầu tiên. Tuy nhiên hãy nhớ rằng mỗi bé con có sự phát triển khác nhau và vì thế sẽ có bé nói sớm nhưng cũng có bé nói chậm hơn một chút. Đừng quá lo lắng và hãy kiên nhẫn đợi chờ, rồi bạn sẽ được nghe bé thốt ra những lời dễ thương mà thôi. Hẳn bạn cũng sẽ bớt lo lắng khi biết rằng mãi đến năm bốn tuổi, nhà bác học Einstein mới bắt đầu biết nói.

Những món đồ chơi tuyệt vời cho trẻ


Ảnh: Images

(Webtretho) Trong mắt con bạn, mọi thứ đều là đồ chơi – màu sắc của giấy gói quà, hình dạng bề ngoài của nó cùng những âm thanh lạ tai phát ra khi bé cầm chúng trên tay có lẽ còn hấp dẫn hơn chính những món đồ chơi chính thống! Vì thế, ở thời điểm này, đừng thất vọng khi bé gạt đồ chơi sang một bên và chú ý đến những chiếc hộp các-tông nhé!

Những tiêu chuẩn để lựa chọn đồ chơi cho bé:

Dưới đây là vài điều bạn cần quan tâm đến khi chọn lựa đồ chơi cho bé dưới 1 tuổi:

Không có món đồ chơi “tốt nhất”: Nói chung, thay vì cứ cố gắng tìm ra món đồ nào là phổ biến nhất cho nhóm tuổi này, thì hãy tìm hiểu điều thích thú đặc biệt của con bạn. Mỗi món đồ chơi đều có khả năng để bé có thể chơi đùa và nên nhớ là không có món đồ nào “tốt nhất” cho mỗi bé.

An toàn: Chỉ nên mua những sản phẩm từ nhà sản xuất và cửa hàng đồ chơi đáng tin cậy. Bé sẽ khám phá từng món đồ chơi qua việc chạm, cắn, nhai, liếm, chọc, đấm và cọ xát. Đó là lý do vì sao đồ chơi của bé không nên có những mảnh sắc nhọn hoặc những miếng nhỏ có thể tháo rời vì những thứ này có thể bị sứt gãy và nuốt dễ dàng.

• Màu sắc: Thị lực của con bạn có thể nắm bắt hầu như dễ dàng các màu sắc cơ bản như: đỏ, xanh da trời, vàng và xanh lá cây. Thêm vào đó, món đồ chơi với nhiều màu sắc tương phản cũng có thể thu hút sự chú ý của bé hơn và thúc đẩy bé khám phá tìm tòi.

Đa giác quan: Bên cạnh màu sắc sặc sỡ thu hút cái nhìn của bé, những món đồ chơi cũng có thể thu hút các giác quan khác như lắng nghe và chạm vào.

Phù hợp với độ tuổi: Những chỉ dẫn về độ tuổi mà nhà sản xuất đồ chơi đưa ra không áp dụng được một cách chính xác cho mỗi đứa trẻ - mỗi bé phát triển với mức độ riêng – nhưng đó là thời điểm khởi đầu tốt. Việc chọn lựa một món đồ chơi được thiết kế cho đứa trẻ trưởng thành hơn chỉ khiến con bạn chán ngắt.

• Đa dạng: Có lẽ bé có nhiều sở thích, nhưng cũng hãy cho phép bé chơi đùa với những món đồ chơi khác. Sự đa dạng làm bé thích thú và giúp bé phát triển khả năng tư duy  trong phạm vi rộng hơn.

Ảnh: Images


Loại đồ chơi theo từng độ tuổi

Chỉ dẫn dưới đây nhằm gợi ý những gì là thích hợp cho trẻ....

0 - 3 tháng tuổi: Đu quay, những đồ chơi màu sắc sặc sỡ có kích thước và cấu tạo khác nhau, vòng nhựa lớn, hộp nhạc cầm tay, trống lắc, thú nhồi bông, sách có nhiều tranh ảnh, hình vẽ của những khuôn mặt, đồ chơi trong bồn tắm… là những món kích thích các bé ở độ tuổi này.

4 – 6 tháng: Các bé dường như chìm đắm vào những khối vuông bằng gỗ, khung dùng cho trẻ con leo trèo và vận động khi tham gia các trò chơi ngoài trời, những món đồ chơi xếp lồng vào nhau, hộp âm thanh, đồ chơi lắc lư, đồ chơi nơi bồn tắm, trống lắc, núm vú, những món đồ phát ra âm thanh vui nhộn: tò te, chít chít…

7 - 9 tháng: Sẽ mê say những món đồ chơi bắn nước, vòng xếp thành chồng trên cột, những quả bóng với  kích thước khác nhau, thùng rỗng, những khối gỗ nhỏ, banh mềm, trống, gậy đồ chơi và thú nhồi bông…

10 - 12 tháng: Độ tuổi này lại thích chạm vào những cuốn sách có nhiều tranh ảnh, búp bê kèm nhiều bộ đồ có thể thay đổi, khối xây lớn bằng nhựa, xe đẩy hình thú, bảng trò chơi chữ cái, những cái chén và khối hình vuông xếp lồng vào hoặc chồng lên nhau nhiều màu sắc, bút chì màu cứng và giấy vẽ, đồ chơi lên dây cót phát nhạc…

Ảnh: Images

 

Tác động qua lại

Tuy vậy, sẽ không có món đồ chơi nào có thể thay thế bạn. Bé cần bạn chơi với bé, cần sự tương tác. Bạn có thể chỉ dẫn, khuyến khích bé, và cho bé thấy cách thức mới được sang tạo từ cùng một món đồ chơi. Bé sẽ phát triển nhanh nhờ vào sự chăm sóc của bạn và một nghiên cứu cho thấy rằng trẻ sẽ chơi đùa lâu hơn nếu cha hoặc mẹ cùng chơi với chúng.

Chơi để cứng cáp hơn – bé từ 6 đến 12 tháng

Trong năm đầu đời, trẻ nhận thức thế giới xung quanh thông qua những hoạt động thường ngày. Bằng sự sáng tạo, tinh tế, cha mẹ có thể cùng bé tham gia vào những trò chơi đơn giản nhưng vô cùng thú vị. Qua đó, trẻ sẽ trở nên linh hoạt và học thêm được nhiều kỹ năng phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của bé. Những trò chơi chúng tôi gợi ý dưới đây chia thành từng thời kỳ, từ 0 đến 3 tháng, từ 3 đến 6 tháng, từ 6 đến 9 tháng, và từ 9 đến 12 tháng.

Kỳ 1: Chơi để cứng cáp hơn – Bé từ 0 đến 6 tháng

Từ 6 đến 9 tháng
Giai đoạn này, bé đã “trưởng thành” hơn, đã khéo léo và biết “chuyển động” nhanh hơn những tháng trước đó. Một số bé đã có thể phát âm được những từ quen thuộc như bố, mẹ, ông, bà, sữa… Giai đoạn này, bé đang sẵn sàng cho những khám phá thú vị và mạo hiểm hơn.

Chơi cùng bé

Cùng chơi thổi bóng xà phòng

 

Thổi bong bóng: Chọn một ngày đẹp trời, hãy đưa bé ra ngoài sân và cùng chơi thổi bong bóng xà phòng. Những quả bong bóng với đủ kích cỡ sẽ khiến bé thích thú và cười thật nhiều. Động viên bé giơ tay để tóm được những trái bong bóng đang lơ lửng ở phía trước, kể cả khi trái bong bóng có nổ tung trên chiếc mũi xinh xinh của bé thì cũng chẳng sao. Trò chơi này giúp bé phát triển độ linh hoạt của đôi mắt và chuyển động đôi tay trong lúc nhìn và bắt bóng. Bạn nên thổi bóng một cách chậm rãi để bé có thể dễ dàng quan sát “hành trình” của trái bóng từ lúc xuất hiện cho tới lúc tan vào không trung. Khích lệ bé nếu bé chạm được vào nhiều trái bóng.

Căn bếp bí mật: Hãy bế bé vào bếp rồi cho bé nhìn vào một chiếc nồi rỗng. Bạn đưa bé một món đồ chơi rồi bảo bé nhét món đồ chơi ấy vào trong nồi. Tiếp tục đưa bé cầm chiếc vung rồi đóng sập nắp nồi lại. Bạn hãy tỏ vẻ ngạc nhiên rồi hỏi bé: “Ơ, thế con hươu cao ổ (chính là món đồ chơi vừa giấu) của con đâu rồi nhỉ?” Thế nào bé cũng thích thú cười khanh khách rồi rướn người xuống bật nắp chiếc vung cho mà xem. Có thể bé rất thích lặp lại trò chơi này như một cách chơi trốn tìm với món đồ chơi của mình. Đây cũng là cách tăng cường khả năng tư duy của trẻ và giúp trẻ trở nên hoạt bát hơn.

Từ 9 đến 12 tháng

Năm đầu đời, trẻ lớn hơn theo từng tuần tuổi. Ở giai đoạn này, “tài năng” của trẻ càng “phát lộ”. Trẻ biết bò, trườn, leo, trèo, thậm chí còn có thể chạy. Và tất nhiên, trẻ chưa muốn dừng lại, chúng muốn được như bạn. Còn khá nhiều điều lạ lùng diễn ra mà bạn chưa thể hiểu hết được đâu.

Chơi cùng bé

Bé thỏa sức sáng tạo cùng sắc màu.

Vẽ tự do: Chẳng phải bằng bút hay những viên phấn, chính những ngón tay của bé cũng có thể tạo nên được những kiệt tắc. Đặt trước mặt bé những tờ giấy khổ lớn, sau đó chấm chấm những ngón tay bé vào trong bột màu. Bạn cầm tay con, tự di tay lên giấy để vẽ những hình thù đơn giản như hình vuông, hình tròn, ô tô, con mèo, người tuyết… Sau đó hãy để mặc cho bé thỏa sức tưởng tượng và vẽ tự do bất cứ thứ gì bé muốn. Bạn thấy không, bức tranh được vẽ bằng những ngón tay quả là một tác phẩm hoàn hảo của bé. Chính những lần được thỏa sức tự do vẽ hình theo ý mình cũng là để kích thích khả năng sáng tạo ở trẻ đấy.

 

Chọn đồ chơi đúng cách theo độ tuổi

Màu sắc của đồ chơi cũng giúp bé phát triển giác quan rất tốt. Ảnh: Images

Lễ Giáng sinh đang đến gần, bé yêu của bạn chắc hẳn rất hào hứng khi nghĩ về những món quà. Nhưng trước khi đi chọn mua, bạn đừng nhất thiết phải nghĩ đến những món đồ chơi hợp thời hay đắt đỏ nhất. Bởi nếu món đồ chơi không phù hợp, bé chỉ thích thú được khoảng chừng 30 phút rồi bỏ ra quay sang làm việc khác, và đó cũng là lần cuối cùng bé chơi món đồ đó. Thật phí tiền quá phải không?

Thật vậy, những chuyên gia về tâm lý trẻ em cho biết rằng việc chọn đúng món đồ chơi cho trẻ là cả một nghệ thuật. Patricia Koh, hiệu trưởng một trường mẫu giáo tư nhân, nói: “Đồ chơi là những công cụ giúp trẻ em bắt đầu làm quen với việc chơi đùa, gia tăng những kỹ năng tự nhiên ở chúng rồi từ đó nâng cao trí tưởng tượng cho các bé.”

Theo bà, những món đồ chơi quá mất sức làm bé phải ngưng lại chỉ sau nửa tiếng sẽ làm giảm giá trị của việc chơi đùa. Những món đồ chơi điện tử cũng không cần thiết, đặc biệt đối với trẻ dưới 2-3 tuổi. Còn những bậc cha mẹ nghĩ mình đang hành động đúng khi mua những món đồ chơi vượt quá độ tuổi của con cũng cần phải suy nghĩ lại. “Trẻ em phát triển theo nhiều giai đoạn, nếu chúng bỏ qua một bước bất kỳ thì trong tương lai sẽ bị gián đoạn lại theo một cách nào đó thôi.”

Từ 0 đến 1 tuổi: Học khám phá và cử động

Đặc điểm lứa tuổi:

Cheryl Chia, giám đốc quản lý trang web Kidzgrow.com, một kênh thông tin trực tuyến giúp các bậc cha mẹ theo dõi quá trình phát triển của con mình cho biết, trẻ em dưới 1 tuổi tập trung phát triển thị giác và khả năng thăng bằng cơ thể, cũng như cách phối hợp giữa tay và mắt.

Patricia đồng tình: “Đây là lứa tuổi của sự vận động với thỏa mãn và thích thú khi bé được tiếp xúc với mọi người xung quanh. Phần lớn những trò bé chơi trong giai đoạn này đều liên quan đến sự chuyển động: kéo, đẩy, ném, nắm, đánh hay gõ lên một vật gì đó". Khi đã có thề kiểm soát được khả năng vận động cân bằng rồi, bé sẽ nhận ra rằng quả banh thì xoay tròn trong khi chiếc trống lục lạc sẽ phát ra những âm thanh rất ồn ào.

Những món đồ chơi giúp bé phát triển khả năng nhận thức rất hữu ích. Ảnh: Images


Đây cũng là thời điểm bé từ từ khám phá ra những giác quan của mình, Cara Wong – giám đốc điều hành Growing Fun – nhận định: “Những món đồ chơi có kết cấu, ví như sách hoặc những khối xếp hình, rất phổ biến vì chúng kích thích các giác quan và cũng dễ chùi rửa”.

Đồ chơi thích hợp:

-    Thẻ màu phản quang với những màu sắc đối lập nhau, điển hình nhất là đen – đỏ – trắng. Bé chỉ có thể nhận diện đủ các màu sau từ 6 đến 7 tháng.

-    Trống lục lạc nhằm khuyến khích cử động tay chân. Chẳng hạn như một chiếc lục lạc treo vào chân sẽ giúp làm chắc cơ bụng đồng thời kích thích bé phối hợp cả tay khi chơi với chân của mình.

-    Những tấm đệm lót nhiều màu sắc sẽ giúp bé có nhiều thời gian luyện tập khả năng thăng bằng cơ thể mình bằng cách thử lăn, bò trườn trên đó.

-    Những quyển sách lớn nhiều hình ảnh, màu sắc.

-    Đồ chơi bằng vải, lụa.

Từ 1 đến 2 tuổi: Phát triển cá tính và nhận thức

Trẻ trên 1 tuổi bắt đầu thích chơi với những khối xếp hình đòi hỏi sự khéo léo. Ảnh: Images


Đặc điểm lứa tuổi:

Ở tuổi này, trẻ bắt đầu hiểu ra những gì đang diễn ra xung quanh mình. Bên cạnh việc củng cố thêm những khả năng vận động cơ thể, Cheryl còn cho biết trẻ đồng thời cũng tập tành để nói. Cũng trong giai đoạn này bé bắt đầu nhận thức được “cái tôi” của chính mình. Cara, công ty Growing Fun, nói: “Đây là thời điểm bé bắt đầu phát triển cá tính của riêng mình, bắt đầu học biết những thứ như "mình là con trai", "mình có thể sờ, đụng này!", "mình thích điều này"…

Cô còn cho biết rằng những món đồ chơi phổ biến thường là tranh xếp hình đơn giản, có thể chỉ 2 – 3 miếng ghép sẽ mê hoặc được bé và giúp bé tập thói quen chú tâm lâu hơn lúc trước. Cara thêm vào: “Con rối cũng rất hữu hiệu khi dùng để kể chuyện và giúp trí tưởng tượng của bé thăng hoa.”

Đồ chơi thích hợp:

-    Những quả banh nhỏ cho bé ném, chụp và đá.

-    Đồ chơi đòi hỏi bàn tay khéo léo như những khối xếp hình nhỏ đòi hỏi phải sắp xếp, hay bút chì sáp không độc hại – bạn biết không, bé đã có thể bắt đầu thử vẽ nguệch ngoạc ngay từ lúc 10-13 tháng tuổi thôi đấy!

-    Tranh ghép hình đơn giản (2-3 mảnh ghép).

-    Quyển sách bìa cứng với những giai điệu và bài hát kèm theo có thể khuyến khích thói quen ham đọc sách và thắt chặt thêm tình cảm giữa cha/mẹ và bé.

-    Những món đồ chơi minh họa quan hệ nguyên nhân – kết quả. Chẳng hạn như, khi bạn ấn vào một cái nút thì những khối hình sẽ xuất hiện trước mắt bé.

Từ 2 đến 3 tuổi: phát triển ngôn ngữ và sự ham học hỏi, muốn khám phá

Đặc điểm lứa tuổi:

Đây chính là lúc con bạn bắt đầu biết sử dụng những từ ngữ khác nhau để thể hiện ra suy nghĩ của mình. Hãy nuôi dưỡng khả năng ngôn ngữ của bé bằng cách đọc sách cho bé nghe, chia sẻ nhiều câu chuyện với bé cũng là việc làm rất cần thiết. Patricia nói: “Đây là bước phát triển bé sẽ chuyển từ một đứa trẻ nhỏ thành một cá thể có suy nghĩ, quan niệm và ý chí của riêng mình. Trớ trêu thay, chính đặc tính đó cũng làm cho một đứa bé 2 tuổi có tâm lý rất lộn xộn, nhưng tất cả những gì mà bé muốn chỉ là khám phá ra cách vận hành của thế giới chung quanh và chính bé có thể tham gia vào đó như thế nào.”

Từ 2-3 tuổi, đọc sách cho bé nghe cũng là một hoạt động thú vị. Ảnh: Images


Khả năng vận động của cơ thể cũng được cải thiện đến mức bé sẽ yêu thích việc mở ra và đóng lại một thứ gì đó, bỏ vào rồi lấy ra, xé toạc, vẽ vời hay xây dựng. “Bởi sự ham học hỏi rất tự nhiên, trẻ ở lứa tuổi này thường thích thú với những món đồ chơi có thể tháo rời ra, sửa chữa, xáo trộn và nối chúng lại”, Patricia cung cấp thêm.

Đây cũng là lúc bắt đầu phân biệt cách chơi giữa con trai và con gái rất rõ ràng. Cara nói bé trai dễ bị hấp dẫn bởi những chiếc xe hơi hay đoàn tàu hoả bởi “bẩm sinh con trai có xu hướng thiên về những món đồ cơ khí”. Con gái thì nhiều cảm xúc hơn, sẽ quan tâm đến những món đồ chơi mềm mại. Nhưng cô ấy lại cho rằng cũng tốt nếu bạn thử cân bằng giữa 2 giới qua việc cho chúng chơi đồ chơi của phái kia, ví như đưa cho bé gái món đồ chơi xây dựng và chú gấu bông Teddy cho bé trai.

Đồ chơi thích hợp:

-    Bộ trò chơi xây dựng.

-    Đồ chơi với nhiều mảnh có thể gắn vào nhau.

10 trò chơi cho năm đầu đời của bé

(Webtretho) Bạn nghĩ rằng, trong năm đầu đời, bé còn quá nhỏ để nghĩ đến chuyện dạy bé những bài học về cuộc sống? Nhưng bạn biết không, những bài học lớn đôi khi bắt nguồn từ những ý niệm rất giản đơn, và bạn hoàn toàn có thể truyền đạt cho bé yêu của mình thông qua những trò chơi nhỏ thú vị.

Quả bóng của bé đâu rồi? Ảnh: Inmagine

Quả bóng đâu rồi nhỉ?

Để bé nhìn thấy bạn đặt quả bóng yêu thích của bé vào một chiếc hộp có nắp đậy, bạn hãy hỏi bé “Quả bóng đâu rồi nhỉ?”, tìm cách khuyến khích bé mở hộp và xem quả bóng bật ra hộp. Trò chơi này là một cách thú vị để nói với bé rằng quả bóng vẫn luôn ở đó, ngay cả khi bé không nhìn thấy nó.

Xe ôtô lăn bánh

Đặt bé ngồi trên sàn đối diện với bạn và lăn chiếc xe ôtô đồ chơi nhỏ về phía bé, sau đó khuyến khích bé lăn trả chiếc xe về phía bạn. Hãy cố gắng giữ cho trò chơi tiếp diễn như vậy. Trò chơi qua lại này giúp dạy cho bé ý niệm về sự luân phiên, điều này sẽ rất cần thiết cho việc dạy bé cách thiết lập các cuộc đối loại và sẻ chia.

Xây tháp bằng đồ nhà bếp

Bạn thực sự chưa cần đến một bộ đồ chơi đắt tiền để bé có thể làm quen với trò chơi lắp ghép trong năm nay đâu, chỉ cần vài chiếc hộp nhựa đựng thức ăn rỗng (nên chọn vài loại hộp có màu sắc sặc sỡ và kích thước khác nhau để thu hút sự chú ý của bé). Hãy giúp bé xếp chồng các hộp lên nhau, và với mỗi chiếc hộp được xếp lên, bạn hãy giải thích đơn giản cho bé về kích thước và màu sắc của hộp. Sau khi xây xong tháp, bạn và bé có thể đẩy nhẹ để tháp đổ ụp xuống vào tạo ra tiếng động loảng xoảng vui tai. Trò chơi này không chỉ dạy cho các bé khái niệm về hình dạng và kích thước mà còn là bài học đầu tiên về nguyên nhân và hệ quả khi bạn nói với bé: “Ồ, con xem này, khi mình chạm vào những chiếc hộp này, chúng đổ xuống và gây ra tiếng động”

Ồ, tiếng động này phát ra từ đâu nhỉ?

Một trò chơi khác để giải thích cho trẻ về sự tồn tại bất biến của đồ vật là giấu những đồ chơi phát âm thanh của bé dưới một tấm chăn. Hãy bắt đầu bằng cách chỉ che một phần đồ chơi và làm nó kêu lên, bạn hãy bảo bé đi tìm đồ chơi của mình. Khi bé đã làm tốt việc này, hãy che phủ hoàn toàn món đồ chơi, gây tiếng động và lại bảo bé đi tìm. Nhớ chúc mừng bé khi bé tìm được đồ chơi của mình nhé!

Mẹ đang ngủ

Bạn hãy ngồi xuống cạnh bé và nói “Mẹ chuẩn bị ngủ đây”, sau đó nhắm mắt lại vài giây rồi bất chợt mở to mắt và hào hứng nói “Chào con”. Việc nhìn thấy mẹ bất ngờ mở mắt và chào thông thường sẽ khiến trẻ bật cười. Sau vài lần, bạn hãy nhắm mắt lâu hơn và đợi xem phản ứng của bé nhé. Rất có thể các bé khoảng 6 tháng tuổi trở lên sẽ bắt đầu phát âm hoặc tìm cách lay gọi mẹ dậy.

Tiếng lá cây giòn tan

Nếu đang trong mùa lá rụng, bạn hãy thu gom một số loại lá khô có màu sắc, kích thước khác nhau và để bé khám phá chúng bằng tay của mình (tất nhiên là với sự giám sát của bạn rồi). Bạn hãy vò nát vài cái lá để bé có thể nghe tiếng lá khô vỡ vụn trong tay bạn và học được rằng việc vò lá cây khô sẽ tạo ra tiếng vỡ giòn tan như thế. Hãy chọn một chiếc lá to đủ để che gần hết khuôn mặt của bạn để chơi trò ú òa vui nhộn và quen thuộc với bé.

Vẽ với bột dinh dưỡng

Trò chơi này sẽ hơi bừa bãi một chút đấy, nhưng đảm bảo là rất tuyệt. Hãy đặt bé vào ghế ăn của mình hoặc cho bé ngồi trên sàn rồi bày ra vài chén bột dinh dưỡng có màu sắc khác nhau cùng với một tờ giấy lớn. Hãy để bé tự do nhúng tay vào các chén bột và vẽ bức tranh của mình. Biết đâu bạn có thể phát hiện sớm khả năng hội họa của bé đấy! Nhưng nhớ là đừng căng thẳng với việc mọi thứ trông thật bừa bộn và bẩn thỉu nhé, hãy để bé hoàn thành xong tác phẩm của mình đã rồi hãy dọn dẹp.

Khơi dậy xúc giác

Chọn vài mẫu vật bằng nhiều chất liệu khác nhau quanh nhà bạn – một cái khăn lụa, một mảnh vài thô, một tấm bìa, một nhánh cỏ, một nắm cát, hoặc bất cứ thứ gì an toàn cho - hãy để bé chạm vào từng thứ một và cảm nhận. Hãy để ý xem bé thích cảm giác nào, sự êm mịn của tơ lụa hay sự thô ráp của vải thô, đây có lẽ là cách duy nhất để bạn nhận biết sở thích của con mình. Có một lưu ý nhỏ trong trò chơi này là bạn phải theo thật sát con mình và đừng để bé bỏ thứ gì vào miệng nhé!

Vui tắm cùng bé

Biến giờ tắm thành giờ chơi nào! Ảnh: Inmagine

Hãy biến giờ tắm của bé thành một trò chơi thật vui với nước. Bạn hãy chuẩn bị cho bé vài cái tách to nhỏ khác nhau, một cái ấm trà hoặc bình tưới nhỏ bằng nhựa, và một ít thìa (muỗng) đong nhựa. Để bé rót nước từ món này sang món khác và xem điều gì đang xảy ra, sau đó đến lượt bạn rót nước và để bé cố gắng hứng nước bằng đôi bàn tay nhỏ xinh của mình. Bạn cũng có thể thử cách này: giơ cao miếng bọt biển ướt để nước nhỏ giọt lên tay bé, sau đó hãy vắt miếng bọt biển để nước chảy xuống thành dòng, chuyển miếng bọt biển cho bé và xem bé thực hành điều vừa học được như thế nào nhé.

Bộ sưu tập màu sắc

Một hoạt động hấp dẫn khác có thể giúp bạn dạy bé cách phân biệt màu sắc và đồ vật, đó là phân nhóm các đồ chơi yêu thích của bé theo màu sắc, mỗi nhóm màu nên có vài loại đồ chơi khác nhau. Sau đó, hãy để bé cầm các món đồ chơi lên, với mỗi món bé cầm lên, bạn hãy gọi tên màu sắc và tên của món đồ, chẳng hạn như quả táo đỏ, quả bóng xanh, chú vịt vàng…

Đồng hành với bé sơ sinh


Được trở thành cha mẹ thật là điều tuyệt vời nhưng cũng là một thử thách lớn lao. Bạn chưa từng có con, chưa từng có những trải nghiệm để nhận biết được sự khác biệt đó? Vậy bạn hãy từng bước học cách lắng nghe, thấu hiểu bé yêu ngay từ những ngày đầu tiên để có thể đồng hành với con suốt cuộc đời này.

 

Bé là sinh linh non nớt

Để tồn tại trong môi trường sống khắc nghiệt, chú ngựa non vừa sinh ra đã có thể đứng lên ngay và trong vào những ngày đầu tiên của cuộc đời chú đã có thể chạy được rồi. Còn em bé sơ sinh của chúng ta trong ba tháng đầu đời xét về nhiều phương diện vẫn non non nớt như thời trong bụng mẹ vậy. Sự sống còn của loài người không phụ thuộc vào việc có thể chạy nhảy, tự vệ mà phụ thuộc rất nhiều vào bộ não, mà các em bé đâu có thể chờ cho đến khi bộ não phát triển hoàn thiện mới chào đời.

 


Theo tiến sĩ Harvey Karp, một bác sĩ nhi nổi tiếng của Mỹ, người đã có 30 năm chuyển tải những kinh nghiệm giúp các bậc cha mẹ hiểu và chăm sóc trẻ sơ sinh thì: trong ba tháng đầu đời bé sơ sinh sẽ ở trong trạng thái xáo động và dễ bất an. Tại sao thế? Tại vì bé nhớ môi trường sống xung quanh trước khi bé chào đời. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để đặt bé vào một môi trường tương tự với khi còn trong bụng mẹ?

Hãy lưu tâm đến tất cả những gì bé của bạn có thể nghe và cảm nhận được khi còn là bào thai. Đó là nhịp đập đều đặn của trái tim, là sự chuyển động của nội tạng và luồng máu chạy trong cơ thể mẹ, là giọng nói của mẹ và rât nhiều những tiếng động từ bên ngoài. Đó là những cử động xóc xóc đều đều khi bé còn trong một môi trường đầy nước là dạ con. Còn khi mẹ bé xoay trở trong khi ngủ, hoặc thức dậy, ngồi lên… đấy chính là những chuyển động rất lớn đối với cảm nhận của bé. Và còn một điều nữa – bé được “đóng gói” rất chặt bên trong dạ con của mẹ, không có chỗ trống để di chuyển, không bị giật mình, và còn những cảm nhận khác nữa như là nhiệt độ, độ ẩm…

Còn bây giờ thì sao? Bé chào đời và tiếp cận với bao điều mới lạ. Môi trường chất lỏng quen thuộc đã rời xa bé. Những tiếng động đều đặn mà trẻ đã từng nghe cũng không còn, cảm nhận xóc xóc đều đặn cũng biến mất. Cơ thể của em bé không còn co ro cuộn lại nữa mà duỗi dài thoải mái. Cần có thời gian để em bé cảm nhận được tất cả những điều đó, để học cách làm quen với môi trường mới. Vì thế trong vài tháng đầu tiên, em bé sẽ dần dần điều chỉnh đồng hồ sinh học của mình: giờ bú, chu kỳ ngủ, và ngay cả nhiệt độ cơ thể.

 

Bé sơ sinh = khám phá + học hỏi

Từ 0-6 tháng bé lớn rất nhanh và rất háo hức học hỏi.
- Bé mới sinh bắt đầu có được tầm nhìn xa kể từ tuần thứ ba. Đến tháng thứ hai, bé có thể điều khiển được cơ mắt, ổn định tầm nhìn, và tiếp theo là dõi theo những vật mà bé chú ý.
- Em bé một tháng tuổi có thể bộc lộ sự khó chịu bằng cách ê a với những âm điệu khác nhau.
- Khi được khoảng bảy tuần, tay chân bé có thể cử động đồng bộ.
- Và khi bé được khoảng hai tháng, hệ thính giác của bé đã phát triển hơn, bé có thể quay đầu về hướng có tiếng chim hót trên cành cây.
- Vào khoảng ba tháng, bé sẽ có thể nắm chặt tay bạn.
- Bước vào tháng thứ tư, bé sẽ quay đầu lui tới để hướng theo giọng nói của bạn.
- Khi năm tháng tuổi, cơ thể đã phát triển đủ để hiểu biết nhận thức khoảng không chung quanh, có thể đo khoảng cách giữa vật và tay, và rồi, với sự phối hợp giữa mắt và tay, bé vươn bàn tay chạm đến đồ vật.
- Khi bé đã sáu tháng, bé có thể giữ thăng bằng phần thân trên của cơ thể mình. Bé cũng sẽ đưa đồ vật lên miệng cắn, cảm nhận nhiệt độ, chất liệu và những đặc tính khác của chúng. Bé sẽ bò đến với bạn hay đến lấy đồ vật bé muốn, bé sẽ bập bẹ để giao tiếp với bạn. Khi thấy gương mặt quen thuộc, bé sẽ ngóc đầu lên và mỉm cười, gây ồn ào hoặc dùng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện niềm vui sướng của mình như là vung tay vẫy, hay đạp mạnh chân.

Cha mẹ cần làm gì?

 

Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải luôn làm cho bé cảm thấy thoải mái, an toàn và cố gắng thoả mãn mọi nhu cầu của bé càng nhiều càng tốt. Nhờ đó bé vừa cảm thấy môi trường xung quanh tốt lành hơn, vừa giao tiếp tốt hơn với những người yêu thương bé, và rồi sẽ có thể tiếp thu rất nhanh những gì được học hỏi.

Cha mẹ nên học cách để trở thành một người quan sát giỏi, nhận biết những phản ứng của cơ thể bé, bởi vì trẻ sơ sinh chưa thể điều chỉnh hệ thần kinh cũng chưa thể nói lên thành lời những nhu cầu của của mình để cha mẹ nhận biết. Vì vậy, âm điệu tiếng khóc của bé, cái cách quay đầu đi, tránh tiếp xúc bằng mắt, nhắm mắt lại hay ngủ thiếp đi sẽ nói với chúng ta những điều bé muốn…

Tốt nhất chúng ta nên quan sát, am hiểu và nhận biết những thông tin mà bé gởi đến cho chúng ta và hãy thỏa mãn mọi nhu cầu đó. Cha mẹ cần cảm nhận được những tiếng bập bẹ để hiểu được con mà có thể có những phản ứng thích hợp và đúng lúc. Điều này rất quan trọng đối với bé trong sự hình thành nhận thức thực tế, trong việc gắn kết bé với những người thân yêu.

Bé chưa thể dùng lời để «chỉ dẫn» chúng ta. Đó là lý do tại sao Gymboree ra đời.

Được sáng lập từ năm 1976, Gymboree là một tổ chức hàng đầu trên toàn cầu với chương trình phát triển đầu đời cho trẻ từ sơ sinh đến năm tuổi. Ngày nay, với các chương trình mới cải tiến và hệ thống trung tâm đang mở rộng, những kinh nghiệm quý báu của Gymboree sẽ được trao tận tay bạn, để bạn và con trẻ cùng đồng hành khám phá thế giới ngay từ tuổi sơ sinh.

 

 

Cơ hội tìm hiểu
về sự phát triển của con trẻ khi cùng nhau trải nghiệm các trò chơi tại Gymboree!

Đối tượng tham dự
Cha mẹ và các bé từ sơ sinh đến 16 tháng tuổi

Thời gian
Thứ Năm, 21 / 10 / 2010

Địa điểm
Somerset Chancellor Court, lầu 1,
21-23 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, HCMC

Ưu đãi đặc biệt
Đăng ký ngay khóa học 12 buổi trong ngày 21/10/2010, tặng thêm 04 buổi học miễn phí!

Số lượng tham gia có giới hạn!
Vui lòng gọi (08)38277008 đăng ký cho gia đình bạn ngay hôm nay! Email: [email protected]
www.gymboreeclasses.com.vn

 


Chơi để cứng cáp hơn – bé từ 0 đến 6 tháng

Trong năm đầu đời, trẻ nhận thức thế giới xung quanh thông qua những hoạt động thường ngày. Bằng sự sáng tạo, tinh tế, cha mẹ có thể cùng bé tham gia vào những trò chơi đơn giản nhưng vô cùng thú vị. Qua đó, trẻ sẽ trở nên linh hoạt và học thêm được nhiều kỹ năng phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của bé. Những trò chơi chúng tôi gợi ý dưới đây chia thành từng thời kỳ, từ 0 đến 3 tháng, từ 3 đến 6 tháng, từ 6 đến 9 tháng, và từ 9 đến 12 tháng.


Từ 0 đến 3 tháng

Khả năng nhận thức thế giới của trẻ trong giai đoạn này phụ thuộc vào các giác quan tai, mắt, mũi, miệng. Ở cự ly khoảng 20cm, em bé có thể nhìn ngắm mọi thứ một cách dễ dàng. Bé cũng có thể “đánh hơi” được “mùi” của mẹ và nhận ra giọng của mẹ. Trẻ sơ sinh có một làn da nhạy cảm, làn da ấy có thể cảm nhận được sự vuốt ve, yêu thương và ấm áp của người thân.

Chơi cùng bé

“Lễ hội” dưới nước: Chuẩn bị sẵn phòng tắm cho bé với đầy đủ nước ấm và che chắn kỹ càng, sau đấy mở một loại nhạc dịu dàng. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, mẹ cuốn bé vào trong một chiếc khăn bông mềm rồi ôm bé vào phòng tắm. Hãy từ từ thả bé xuống nước ấm, bắt đầu bằng việc nhúng nhúng đôi bàn tay của bé xuống nước, sau đó là đôi chân, rồi mẹ cũng lại tiếp tục vẩy nước lên bụng bé, lưng bé để bé làm quen từ từ với nước. Bé sẽ rất thích thú nếu được vừa tắm, vừa chơi và vừa được lắng nghe những giai điệu nhẹ nhàng mà mẹ đã bật sẵn cho bé.

Hình: gettyimages.com

Cùng ngắm nghía các hoạt động: Đôi mắt của bé luôn mở to và dường như rất sẵn sàng cho việc ngắm nghía sự vật xung quanh mình. Những loại đồ chơi đầy màu sắc treo xung quanh bé luôn có ích cho sự phát triển của bé trong giai đoạn này. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng, không nên quá lạm dụng việc “trình diễn” thế giới màu sắc ấy một cách quá đáng bởi trẻ rất dễ bị rối loạn màu sắc, hoặc xao nhãng trước sự đa dạng quá đà của các vật thể xung quanh mình.

Dập dìu bên những giai điệu: Bật nhạc nhẹ nhàng, bế em bé bên mình và bắt đầu… khiêu vũ. Trong ba tháng đầu đời, bé đã có thể cảm nhận được từng bước chân của bạn, sự uyển chuyển, biến đổi của đôi chân như đi, chạy hoặc nhảy. Cách lắc lư của bạn theo tiếng nhạc, cách chuyển đổi trạng thái theo tiết tấu của giai điệu cũng giúp bé làm quen với nhịp điệu âm nhạc. Khả năng nghe của bé nhờ đó cũng hoàn thiện hơn và bé có thể nhận ra được những bản nhạc quen thuộc nếu bạn cứ bật đi bật lại. Bé cũng biết được đoạn nhạc nào bạn đu đưa nhẹ nhàng, đoạn nhạc nào bạn nhún nhảy mạnh hơn thông qua những chuyển động của mẹ mà bé cảm nhận được khi được mẹ ôm ấp và áp chặt bên mình.

Từ 3 đến 6 tháng

Em bé đã trở nên nhanh nhẹn và linh hoạt hơn trong giai đoạn này. Bé cười, bé bập bẹ, bé cáu giận, bé biết sử dụng cả bàn tay của mình để tóm lấy mọi thứ mà bé muốn rồi đưa vào miệng. Bé thích chơi với bạn, đặc biệt là chơi những trò chơi quen thuộc hàng ngày.

Chơi cùng bé

Hình: gettyimages

Đôi tất ngộ nghĩnh: Đôi tay và đôi chân của bé muốn hoạt động lắm rồi, chúng cứ thích ngọ nguậy mà không chịu nằm yên một chỗ. Hãy cho bé đi những đôi tất đầy màu sắc, có thể mỗi bên chân một màu khác nhau cũng được. Nếu có điều kiện, bạn vẽ thêm ở mỗi chiếc tất hình mặt người đang cười để “gây ấn tượng” hơn với bé. Sau đó, mẹ sẽ là người đỡ lưng cho bé rồi đặt bé ngồi dưới sàn nhà. Nào, giờ thì chúng ta hãy chơi trò rượt đuổi hai cái mặt người trên đôi tất mà bé đang đi nhé. Mẹ dùng một tay nắm lấy bàn chân của bé, chỗ có cái hình mặt người đang cười toe toét. Bé bắt chước theo mẹ, cũng cố rướn người lên phía trước để tóm hình thù ngộ nghĩnh ấy. Bài tập này giúp bé hoạt động cả cơ thể, từ lưng, bụng, tay, chân, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận ấy để đạt được mục đích. Đó cũng là bài tập hiệu quả để chuẩn bị cho động tác tự biết ngồi trong những tháng kế tiếp.

 

Những trò chơi cho bé khi còn nằm trong nôi

 

Những trò chơi giúp bé khám phá về bản thân mình và thế giới xung quanh. Ngay khi bé còn nằm trong nôi, bạn và bé có thể chơi những trò đơn giản như: tạo khuôn mặt cười, chơi trốn tìm…

Ở tuổi này bé rất dễ mệt và chỉ có thể tập trung chơi trong vài phút. Đây là lúc bé có thể khám phá thế giới và cảm nhận sự khác biệt của các đồ vật xung quanh trẻ.

Mọi thứ với bé đều mới mẻ vì thế bạn không cần thiết phải mua những đồ chơi phát sáng, kêu bíp bíp. Bé có thể chơi trên thảm, chạm vào những đồ chơi được làm bằng chất liệu nhẹ nhàng hoặc quan sát một vật chuyển động nhẹ nhàng.

Trang Raising Children Network đưa ra một số gợi ý cho bạn và bé:

- Làm những khuôn mặt ngộ nghĩnh: Bạn hãy làm những khuôn mặt khác nhau để bé nhìn: cười mỉm, cười thành tiếng, vẫy tay nhẹ nhàng. Bé sẽ thấy rất hứng thú và thậm chí có thể bắt chước bạn.

- Trò chơi ú òa: Đây là một trò chơi đơn giản, bạn hãy chơi trò trốn tìm và sẽ thấy bé tỏ ra rất thích thú. Trong những tháng sắp tới, bé sẽ học cách chơi cùng bạn.

- Hát: Trẻ sơ sinh rất thích nghe giọng nói của mẹ và những bài hát, nó cũng có thể giúp trí não bé phát triển. Bạn có thể hát cho bé nghe khi thay tã, trong xe ôtô và khi đi tắm. Hoặc bạn cũng có thể tự sáng tạo ra bài hát của riêng mình về bất kỳ việc gì bạn đang làm gì.

- Đồ chơi: Những đồ chơi đơn giản có thể giúp bé mới sinh rèn luyện tập các giác quan. Bạn có thể thử với những đồ chơi nhẹ nhàng hoặc những cái lúc lắc bằng chất liệu khác nhau như: vải nhăn, satanh và nhung.

Bằng cách chạm vào đồ vật và cảm nhận chúng, trẻ sẽ thu thập được nhiều thông tin về thế giới xung quanh. Và bạn hãy chắc chắn rằng những đồ chơi này an toàn với trẻ sơ sinh và sạch sẽ, như thế bạn sẽ không phải lo lắng nếu bé cho vào miệng.

- Trò chuyện: Không phải lúc nào bạn cũng có thời gian tạm dừng mọi việc để chơi với con vài phút. Vậy thì bạn hãy nói chuyện với con về bất cứ việc gì bạn đang làm (giặt quần áo, nấu ăn). Điều này không chỉ là trò tiêu khiển cho bé mà sẽ đặt nền tảng cho sự phát triển ngôn ngữ của bé.

6 cách “gặt hái” nụ cười của bé yêu

(Webtretho) Đúng là bé chưa thể xem và cảm thụ một bộ phim hài để cười phá lên như người lớn, nhưng như thế không có nghĩa là bạn không thể nhìn ngắm được nụ cười đáng yêu trên đôi môi thiên thần nhỏ của mình. Dưới đây là một số cách dễ dàng nhất để “gặt hái” nụ cười hạnh phúc con trẻ.

- Một bài hát, ví dụ như “Bé bé bằng bông”, được lặp lại hàng trăm lần khiến bé sẽ thuộc (dù bé chưa biết nói). Đặc biệt là một lúc nào đó, bạn bất ngờ hát lên kèm một cử động chạm vào bất kỳ đâu đó trên thân thể bé thì chắc chắn bé sẽ bật cười hạnh phúc.

Webtretho_6 cach gat hai nu cuoi be so sinh

Mẹ hãy trò chuyện hoặc hát cho bé nghe nhé. Ảnh: Inmagine.

- Bú mẹ vốn là hành vi mang tính bản năng để sinh tồn của tất cả trẻ con, bạn cũng có thể sử dụng ngược lại chiêu này như thổi hoặc hút, mút ngón tay, ngón chân…của bé đặc biệt là vùng bụng, ngay khi được kích thích, bé sẽ cười phá lên ngay.

-Với những bé không thích mạnh bạo, cách tốt nhất là hãy nhìn vào mắt bé, trò chuyện thật tự nhiên, cứ như bé hiểu điều bạn muốn nói, chắc chắn bạn sẽ thấy được đôi mắt to tròn đáng yêu kia mở rộng hơn, khuôn miệng bé sẽ cố gắng đáp lại những lời chuyện trò kia, hoặc bé sẽ cười rất ngô nghê nhưng trông vô cùng đáng yêu.

Webtretho_ 6 cach gat hai nu cuoi be so sinh

Mẹ có thể giữ chặt và tung bé lên cao. Ảnh: Inmagine.

-Rốn là nơi nhạy cảm nhất đối với trẻ sơ sinh, chỉ cần chạm nhẹ hoặc hôn lên thôi là đủ kích thích bé cười sảng khoái.

-Nắm lấy đôi chân bé, cù nhẹ vào gan bàn chân hoặc bồng bé lên đưa chân bé đá vào không gian, pha trò gì đó khiến bé hưởng ứng theo cũng khiến bé cười phá lên thích thú.

Điều quan trọng là muốn bé cười vui vẻ, hạnh phúc thì hãy giữ cho bé luôn an toàn, khỏe mạnh, không để bé bị đói, đau bụng và hăm tã mẹ nhé.