Chuyên mục lưu trữ: Bệnh truyền nhiễm

Điện Biên: Xuất hiện dịch bệnh “tê tê, say say”

Ngành y tế tỉnh Điện Biên đã cử đoàn cán bộ chuyên môn xuống các cơ sở ở huyện Tủa Chùa xác minh thông tin về một loại dịch bệnh đã lây lan sang hàng chục người với biểu hiện mẩn ngứa, phù thũng, “tê tê, say say” và xác định đây là loại bệnh thông thường về dinh dưỡng.

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên, từ ngày 3-6/9/2012, qua xác minh tại cơ sở cho thấy khoảng 40 bệnh nhân đều là người dân tộc Mông (ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa), trong đó có 27 bệnh nhân là nữ. Tất cả bệnh nhân đều có biểu hiện lâm sàng chính là cảm giác kiến bò toàn thân, xuất hiện 1-2 lần/ngày nhưng không ngứa; người mệt mỏi, đau mỏi các khớp, kém ăn; da và niêm mạc hồng nhạt, không có nốt xuất huyết dưới da, một số trường hợp bị phù nhẹ hai chân. Hầu hết bệnh nhân đều có rối loạn cảm giác nông cơ năng.

Qua kết quả khám lâm sàng và điều tra dịch tễ, đoàn công tác nhận định đây là lần đầu tiên xuất hiện số ca bệnh tại địa bàn trên. Các triệu chứng bệnh hầu hết xảy ra trên đối tượng là lực lượng lao động chính trong gia đình và bệnh nhân có dấu hiệu thiếu hụt vitamin B1; không có các yếu tố liên quan đến việc lây nhiễm bệnh truyền nhiễm.

Cán bộ y tế phun thuốc khử trùng.

Người dân cũng như bệnh nhân đều không hiểu hiết về tình hình bệnh tật, dẫn đến sự hoang mang về tâm lý. Nhiều người dân tại địa phương đã kỳ thị, xa lánh, đòi cách ly những người bệnh này ra khỏi cộng đồng.

Theo ý kiến kết luận của cơ quan y tế, đây là loại bệnh về dinh dưỡng do thiếu vitamin B1.

Ông Đoàn Ngọc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên cho biết, loại bệnh trên thường xảy ra với các đối tượng phải lao động nặng nhọc, không được bổ sung đầy đủ vitamin và các khoáng chất vi lượng như kali, magiê… Đối tượng thường mắc là phụ nữ sau thời kỳ sinh sản.

Nguyên nhân do địa phương thiếu nước nên lượng rau, củ, quả được sử dụng hàng ngày rất hạn chế, người dân không được bổ sung đầy đủ sau khi lao động nặng nhọc. Theo ông Hùng, đây là loại bệnh thông thường do thiếu chất dinh dưỡng, điều trị không có gì phức tạp, chỉ cần bổ sung vitamin B1 liều cao và các khoáng chất vi lượng cho người bệnh.

Để phòng chống loại bệnh này, người dân nên sử dụng gạo mới và chế biến phù hợp để giữ lại nguồn vitamin trong lớp vỏ cám, sử dụng đầy đủ nguồn rau xanh và các loại thực phẩm có chứa khoáng chất; hạn chế lao động nặng nhọc quá sức… Đến thời điểm này, Trung tâm y tế huyện Tủa Chùa đã điều trị khỏi cho 12/40 bệnh nhân, hiện tiếp tục điều trị cho 28 bệnh nhân khác theo phác đồ điều trị của cơ quan chuyên môn cấp trên.

Đoàn công tác của ngành y tế Điện Biên cũng đã tham mưu cho chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể xã hội làm công tác tuyên truyền vận động để người dân địa phương hiểu đây là loại bệnh thông thường, không lây nhiễm trong cộng đồng và dễ dàng điều trị khỏi, không gây hậu quả nghiêm trọng để tránh gây hoang mang trong dư luận, tác động tâm lý xấu với người bệnh và tư tưởng kỳ thị của những người xung quanh.

(Theo SKDS)

 

Bệnh truyền nhiễm gia tăng tại TPHCM

Ngày 1-5, TS – bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM, cho biết hiện các loại bệnh truyền nhiễm đang gia tăng trên địa bàn TP

Ghi nhận trong tuần mới nhất (từ ngày 19 đến 25-4) cho thấy số ca mắc bệnh đều tăng so với tuần trước, với 71 ca tiêu chảy, 9 quai bị, 13 thủy đậu, 2 viêm não virus…

Riêng về bệnh tay chân miệng, tại TP cũng vừa có thêm một bé gái là N.T.N (5 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) tử vong ngay trong ngày nhập viện. Từ đầu năm đến nay, TP đã có hơn 2.500 ca mắc loại bệnh này, trong đó có 3 trẻ tử vong (ngụ quận 3, 8 và huyện Nhà Bè). Hiện phường 5, quận 8 và phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân có số ca mắc cao nhất TP.

Ngành y tế TPHCM khuyến cáo các địa phương tăng cường giám sát chặt, phát hiện sớm các ca bệnh, đặc biệt trong cộng đồng qua tổ dân phố, cơ sở y tế địa phương và trường học.

(Theo NLD)

Các bệnh truyền nhiễm do virus tăng cao

Ngay từ những tháng đầu năm nay, một số bệnh truyền nhiễm do virus dễ lây qua đường hô hấp, như rubella, thủy đậu, chân tay miệng đều được nhắc đến với số người mắc tăng cao, dịch kéo dài khác với chu kỳ hàng năm.

Trường hợp sốt phát ban do virus Rubella

Còn các năm trước, các bệnh như sởi, sốt xuất huyết cũng được đề cập với tỷ lệ người mắc tăng bất thường. Tình trạng các bệnh truyền nhiễm do virus tái xuất hiện và mới nổi không khỏi đặt ra cho người dân những băn khoăn lo lắng trước hiện tượng này.

Trong 3 tháng đầu năm nay, ở khu vực phía Bắc đã ghi nhận 6.618 ca mắc Rubella cả ở trẻ em và người lớn và hiện, con số này còn tăng rất nhiều, nhất là đối tượng phụ nữ mang thai. Bệnh viện phụ sản Trung ương mỗi ngày tiếp nhận tới hàng chục thai phụ mắc rubella và thường hơn 1/2 số ca có chỉ định đình chỉ thai.

Ngoài dịch sốt phát ban do virus Rubella ở miền Bắc còn phải kể đến dịch tay chân miệng ở trẻ em đang bùng phát tại cả 3 miền với những biến chứng khó lường. Chỉ tính riêng ở TPHCM từ đầu năm đến nay đã có 9 trường hợp tử vong. Năm nay số người mắc thủy đậu cũng tăng cao, gặp nhiều cả ở độ tuổi từ 15 trở lên.

Quay trở lại năm 2009, khi dịch sốt phát ban dạng sởi quay trở lại, cả nước ghi nhận gần 20.000 ca mắc, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Đây là hiện tượng khá bất thường, vì bệnh sởi bùng phát ở lứa tuổi lớn và đặc biệt là tỉ lệ biến chứng gây viêm não và viêm màng não rất cao.

Năm 2009 còn là năm bùng phát dịch sốt xuất huyết với số ca mắc trên 100.000 người, trong đó có 87 bệnh nhân tử vong. Đặc biệt, tâm điểm của dịch sốt xuất huyết xảy ra ở Hà Nội với số ca mắc cao và biến chứng nặng.

Trong các nguyên nhân dẫn đến nhiều dịch bệnh truyền nhiễm do virus lây lan mạnh còn phải kể đến lý do không ít người chủ quan hoặc ít hiểu biết về bệnh cảnh nên chủ quan, không kịp thời phòng tránh bệnh. Vì vậy, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, người dân cần chú ý nâng cao ý thức phòng bệnh nhất là cho đối tượng phụ nữ mang thai và trẻ em. Bộ Y tế cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ, để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.

VTV

Nấm móng chân – ĐIều trị và phòng ngừa

Mùa hè sắp đến rồi nhưng với những người mắc bệnh nấm móng chân thì thật là đáng ngại. Vậy làm sao để có thể đi chân trần trên bãi biển hay diện nhưng đôi dép hở ngón dạo phố?

Bệnh nhiễm nấm ở móng chân là một bệnh trường gặp tuy nhiên lại rất ít trường hợp phát hiện ra sớm để điều trị kịp thời.

Nấm móng chân thường do những loại nấm và mốc có tên sau gây ra: Nấm dermatophyte, Nấm Candida, Nấm mốc (Seopulariopsis, Hendersonula...)

Biểu hiện

- Móng chân trở nên dày lạ thường, bề mặt móng sần sùi.

- Móng chân đổi sang màu nâu hoặc màu vàng

- Móng chân trở nên giòn và dễ vỡ

- Xuất hiện mùi khó chịu

Bệnh dễ lây

Nấm móng chân là một dạng nhiễm trùng khá phổ biến. Bạn sẽ rất dễ bị mắc bệnh nếu như đi chân trần vào phòng thay đồ chung hay phòng tắm công cộng. Đặc biệt các dạng nấm rất ưa sống ở những môi trường nóng ẩm. Chính vì vậy bạn sẽ bị nấm xâm nhập nếu luôn để cho bàn chân không được khô ráo. Khi bạn bị nấm tấn công, nó sẽ nhanh chóng lan rộng ra từng ngón chân, và lây từ ngón này sang ngón khác hay từ chân nọ sang chân kia và hơn thế nữa nó còn có thể lây lan tới các móng tay.

Điều trị

Nếu bị nấm móng chân bạn có thể sử dụng một số loại thuốc dạng viên nén, dạng dung dịch, kem bôi ngoài da hay loại dầu bóng móng chân có chứa thành phần amorolfine và ciclopirox, dùng để thoa lên những móng chân bị nấm, mỗi tuần 2 lần.

Nếu bị nấm móng ở thể nặng hay nhiễm bệnh ra nhiều ngón chân, cần dùng những loại thuốc có tác động mạnh hơn, chứa thành phần itraconazole và terbinafine. Tuy nhiên, nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa về việc lựa chọn và cách dùng thuốc.

Cũng xin nói thêm rằng, thông thường trong việc điều trị nấm móng chân, bạn cần phải dùng đến kháng sinh nhưng ngay cả khi tình trạng của bạn được cải thiện, bạn cũng cần phải dùng đủ và dùng hết liều kháng sinh được kê, để tránh bị 'lờn' thuốc về sau. Nếu muốn thay đổi loại thuốc, bạn cũng cần phải hỏi ý kiến bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ.

Trong thời gian dùng thuốc kháng nấm, bạn cần hạn chế hay tốt nhất là tránh xa rượu, bia và những đồ uống có chứa cồn khác. Nếu không sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với gan.

Bí kíp phòng ngừa bệnh nấm móng chân

- Nên mang dép, giày hay những đồ bảo vệ đôi chân khác khi sử dụng phòng tắm chung, phòng thay đồ hoặc toilet. Bởi đó đều là những môi trường sống thích hợp giúp cho các loại vi khuẩn và nấm phát triển.

- Luôn rửa chân và giữ cho chúng được khô ráo mỗi ngày. Có thể sử dụng phấn bột dùng để thoa vào chân, giúp hút hết hơi ẩm. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng bột ngô để hút ẩm.

- Thay tất mỗi ngày. Không nên đeo tất từ ngày này qua ngày khác. Nên chọn những đôi tất có chất liệu thoáng có như tơ nhân tạo. Mồ hôi chân chính là điều kiện thuận lợi giúp cho các loại vi khuẩn và nấm sinh sôi nảy nở.

- Luôn cắt tỉa móng chân cẩn thận, đều đặn, theo dáng ngón chân, không nên để quá dài

- Không nên dùng chung các dụng cụ cắt tỉa móng chân. Cho nên, bạn hãy hạn chế cắt, tỉa, sơn hay ngâm móng chân ở tiệm.

- Đeo giày và tất vừa với cỡ chân. Không nên chọn những đôi tất hay đôi giày quá chật, sẽ rất dễ bị nấm móng.

- Thường xuyên rửa chân bằng nước và xà phòng.

Theo DT

Phòng ngừa, chữa trị bệnh thuỷ đậu

Bệnh thuỷ đậu (Chickenpox) hay còn gọi dân dã là bệnh trái rạ hay bỏng rạ, là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, dễ lây, thường gặp ở trẻ nhỏ, thủ phạm chính là do virus Varicella zoster.

Nhiều người coi đây là căn bệnh ít nguy hiểm nên dễ bỏ qua. Bệnh thường kéo dài hai tuần và nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây biến chứng và tử vong.

Triệu chứng

Bệnh thuỷ đậu ở trẻ lúc mới phát bệnh thường không sốt nhưng lại phát bóng nước đột ngột còn ở người lớn thì ngược lại, có tiền chứng sốt, mệt mỏi, biếng ăn và đau cơ. Khi nhiễm bệnh, các nốt thuỷ đậu xuất hiện rất nhanh trong vòng một ngày trên toàn thân, có người mọc thưa có người mọc dày, kể cả trong cổ họng, trong mắt, niêm mạc và trong bộ phận sinh dục. Lúc đầu những nốt này có màu đỏ trông giống như ban sởi, vài giờ sau thành nốt phồng. Tuỳ theo sức khoẻ của trẻ mà trong vòng 1-2 tuần, nốt đậu đóng vảy và bong ra. Trong quá trình phát bệnh xuất hiện các nốt đậu thường đi kèm với các triệu chứng như sốt, đau bụng, đau đầu, ho nhẹ và người khó chịu, riêng ở nhóm trẻ khoẻ mạnh thì các dấu hiệu này thường không đáng kể. Còn ở phụ nữ có thai lại dễ mắc bệnh ở giai đoạn đầu, nếu mắc bệnh gần sát đến ngày sinh thì rủi ro đối với thai nhi là rất lớn.

Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao

Là căn bệnh truyền nhiễm nên nguy cơ lây lan từ người sang người là rất lớn (trên 90%). Tỷ lệ trẻ mắc bệnh thuỷ đậu rất cao, nhất là nhóm từ 5-11 tuổi chưa tiêm phòng vắcxin (khoảng trên 50%) và rất ít khi xảy ra ở nhóm dưới 6 tháng tuổi. Người lớn nếu khi còn nhỏ chưa mắc bệnh thì nguy cơ mắc bệnh rất cao. Các biến chứng của bệnh thuỷ đậu

Khi bị nhiễm bệnh, virus Varicella zoster sẽ còn lưu lại trong các tế bào thần kinh và tái xuất hiện trong suốt thời gian dài, đây là biến chứng gây tác hại đến hệ thần kinh với tỷ lệ rất cao, gây bệnh viêm não và hội chứng Rey, căn bệnh về não có mức độ tử vong tới trên 40 %.

Cách điều trị

Thông thường, những đứa trẻ khoẻ mạnh, bệnh thuỷ đậu không gây vấn đề gì, bác sỹ có thể kê đơn dùng thuốc giảm đau nhưng ở những người có sức khoẻ yếu và nguy cơ biến chứng cao, bác sỹ sẽ có thể kê đơn cho thuốc để rút ngắn thời gian lây nhiễm, như thuốc chống virus acyclovir (Zoviras) hoặc các loại thuốc có tên là intraveneous immune globin (IGIV), thuốc Valtres hay Famvir…Trẻ mắc bệnh nên cách ly tại nhà trong suốt thời gian nhiễm bệnh và khi khỏi nên tắm rửa sạch sẽ, giữ vệ sinh sạch sẽ, cắt móng tay, hạn chế không cho trẻ gãi, hàng ngày nên nhỏ mắt, nhỏ mũi sát khuẩn bằng chloraphenicoa 0,4%. Khi các nốt bỏng vỡ nên bôi thuốc xanh metilen, không được dùng thuốc kháng sinh để bôi lên các nốt vỡ này. Khi dùng kháng sinh nhất thiết phải tư vấn chuyên môn, trường hợp sốt cao, nốt đậu mọc nhiều, sợ ánh sáng thì phải đưa trẻ đi khám và chú ý ăn uống vệ sinh và đầy đủ. Để phòng ngừa bệnh thuỷ đậu nên đưa trẻ đi tiêm vắcxin phòng bệnh (Varivax) theo lịch như dưới đây, riêng phụ nữ có thai, những người có hệ miễn dịch yếu, dễ dị ứng với gelatin hoặc neomycin kháng sinh thì không nên tiêm phòng.

Đối với trẻ nhỏ: Tiêm hai liều Varivax, liều đầu tiên khi trẻ được 12-15 tháng tuổi, mũi hai khi trẻ được 4-6 năm tuổi.

Nhóm trẻ lớn chưa tiêm phòng: Trẻ 7-13 tuổi chưa tiêm thì tiêm hai mũi Varivax, hai mũi cách nhau ít nhất 3 tháng, riêng nhóm trên 13 cũng áp dụng tiêm 2 mũi nhưng thời gian cách nhau ít nhất 4 tuần.

Người lớn chưa tiêm bao giờ cũng có mức độ rủi ro mắc bệnh cao, nhất là những người làm công tác xã hội như nuôi dạy trẻ, nhân viên ngành hàng không, y tế... Cũng nên tiêm hai mũi, khoảng cách giữa hai lần tiêm cách nhau 4-8 tuần.

Theo Báo Nông Nghiệp

Thuốc trị một số bệnh lây truyền qua đường tình dục

Các hành vi có nguy cơ cao lây truyền bệnh qua đường tình dục do thay đổi bạn tình thường xuyên, có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục với các bạn tình gặp ngẫu nhiên, với gái mại dâm...

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Tổn thương do Herpes virut.

Các nhóm người dễ bị mắc bệnh  gồm: Gái mại dâm, khách làng chơi, nam giới đồng tính luyến ái, người tiêm chích ma túy, người nhiễm HIV/AIDS và người có hoạt động tình dục không an toàn. Hành vi bảo vệ làm giảm nguy cơ lây truyền bệnh như sử dụng bao cao su, các hành vi tình dục ít nguy cơ như chỉ có kích thích hoặc thủ dâm chứ không có thực hành tình dục xâm nhập.

Nhiễm Chlamydia đường sinh dục - tiết niệu

Viêm niệu đạo do Chlamydia, ủ bệnh khoảng 1- 3 tuần.

Triệu chứng: Tiết dịch niệu đạo số lượng vừa, có thể kèm đái buốt. Dịch có thể trong, nhày, trắng đục hoặc màu vàng. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nghèo nàn. Bệnh có thể dễ bị chẩn đoán nhầm là bệnh lậu mạn tính. Biến chứng viêm mào tinh hoàn.

Điều trị

Lựa chọn một trong các thuốc:

- Doxycycline 100mg, uống 2 lần/ngày, trong 7 ngày.

- Azithromycin 1g, uống liều duy nhất.

Các lựa chọn khác (một trong số các thuốc sau):

-  Tetracycline 500mg, uống 4 lần/ngày, trong 7 ngày.

-  Amoxycillin 500mg, uống 3 lần/ngày, trong 7 ngày.

-  Erythromycin 500mg, uống 4 lần/ngày trong 7 ngày.

Chú ý:

- Erythromycin nên uống sau ăn.

Bệnh trùng roi

Ở người trưởng thành, nhiễm trùng roi đường sinh dục hầu như do lây truyền qua đường tình dục.

Trùng roi ở nam giới thường không có triệu chứng. Nó được coi như một nguyên nhân gây viêm niệu đạo không do lậu và không do Chlamydia. Đại đa số không có triệu chứng.

Bệnh nấm Candida

Nam giới ít bị bệnh hơn, và ít biểu hiện lâm sàng hơn. Thường chỉ có cảm giác bỏng rát, ngứa và đỏ bao da quy đầu. Có thể viêm quy đầu - ban đỏ ở bao da quy đầu hoặc quy đầu.

Điều trị nấm

Lựa chọn đầu tiên:

- Nystatin 100.000 đơn vị, đặt âm đạo 1 lần/tối (trước khi đi ngủ), trong 14 ngày (kể cả những ngày có kinh).

Lựa chọn khác (một trong các thuốc sau):

- Miconazole hoặc clotrimazole 200mg, đặt âm đạo 1 lần/tối (trước khi đi ngủ), trong 3 ngày.

- Clotrimazole 500mg, đặt âm đạo liều duy nhất (trước khi đi ngủ).

- Fluconazole 150mg, uống liều duy nhất.

- Econazole 150mg, đặt âm đạo 1lần/tối (trước khi đi ngủ), trong 2 ngày.

-  Itraconazole 100mg, uống 2 lần/ngày, trong 3 ngày.

Bệnh Herpes sinh dục

Là bệnh lây truyền qua đường tình dục do virut Herpes simplex týp 2 gây nên. Hơn một nửa số bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ.

Bệnh nhân thường cảm thấy đau và ngứa ở bộ phận sinh dục do có các mụn nước. Các mụn nước này nhanh chóng vỡ ra để lại các vết trợt nông, đau. Các vết trợt này có thể liên kết với nhau thành các vết trợt lớn có bờ hình vòng cung.

Hầu hết các bệnh nhân có tổn thương ở sinh dục ngoài, nhưng có khi tổn thương ở trong niệu đạo, gây đi tiểu buốt, đau và tiết dịch nhày, triệu chứng giống như viêm niệu đạo không đặc hiệu, nhưng đi tiểu buốt nhiều hơn.

Nhiễm Herpes sinh dục tiên phát có thể kéo dài khoảng 2,3 tuần sau khi mụn nước xuất hiện. Tuy nhiên, virut vẫn tồn tại trong cơ thể gây các đợt tái phát, trung bình khoảng 4-5 lần/năm. Mỗi kỳ tái phát phát kéo dài khoảng 5-7 ngày. Ở một số người, các đợt tái phát thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, sang chấn tinh thần.

Điều trị

Nhiễm Hepres nguyên phát:

Khuyến cáo: Acyclovir, 400mg uống 3 lần/ ngày trong 7 ngày.

Chọn lựa một trong các thuốc sau:

- Acyclovir 200mg, uống 5 lần/ngày, trong 7 ngày.

- Famciclovir 250mg, uống 3 lần/ngày, trong 7 ngày.

- Valaciclovir 1g, uống 2 lần/ngày, trong 7 ngày.

Nhiễm Hepres tái phát:

Khuyến cáo: Acyclovir, 400mg uống 3 lần/ ngày trong 5 ngày.

Chọn lựa khác (dùng một trong các thuốc):

- Acyclovir 200mg, uống 5 lần/ngày, trong 5 ngày.

- Acyclovir 400mg, uống 3 lần/ngày, trong 5 ngày.

- Acyclovir 800mg, uống 2 lần/ngày, trong 5 ngày.

- Famciclovir 125mg, uống 2 lần/ngày, trong 5 ngày.

- Valaciclovir 500mg, uống 2 lần/ngày, trong 5 ngày.

- Valaciclovir 1g, uống 1 lần/ngày, trong 5 ngày.

Viêm hố chậu

Viêm hố chậu có thể do lậu, Chlamydia, các vi khuẩn kỵ khí đơn độc hoặc phối hợp các nguyên nhân trên. Biến chứng sớm bao gồm áp-xe, viêm phúc mạc tiểu khung. Bệnh cũng có thể gây vô sinh, chửa ngoài tử cung do sẹo vòi trứng.

Triệu chứng: Đau bụng dưới là triệu chứng chính, ngoài ra có thể đau sâu khi giao hợp, ra nhiều khí hư, chảy máu giữa các kỳ kinh, sốt.

Điều trị viêm hố chậu (tiểu khung): Có thể điều trị viêm hố chậu theo các phác đồ sau:

- Ceftriaxone 250mg, tiêm bắp liều duy nhất, hoặc cefixime 400mg uống liều duy nhất; doxycycline 100mg, uống 2 lần/ngày hoặc tetracycline 500mg, uống 4 lần/ngày trong 14 ngày và metronidazole 500mg, uống 2 lần/ngày, trong 14 ngày.

- Trimethoprim (80mg)/sulfamethoxazole (400mg), uống 10 viên/ngày, trong 3 ngày, tiếp theo 4 viên/ngày, trong 10 ngày; doxycycline 100mg, uống 2 lần/ngày, hoặc tetracycline 500mg, uống 4 lần/ngày, trong 14 ngày và metronidazole 500mg, uống 2 lần/ngày, trong 14 ngày.

- Ofloxacin 400mg, uống 2 lần/ngày, hoặc levofloxacin 500mg, uống 1 lần/ngày, trong 14 ngày và metronidazole 500mg, uống 2 lần/ngày, trong 14 ngày.

Chú ý:

- Bệnh nhân không được sử dụng rượu trong khi điều trị metronidazole.

- Đối với phụ nữ có thai và cho con bú cần hội chẩn tuyến trên để điều trị theo phác đồ riêng.  

Nấm Chlamydia nhìn trên kính hiển vi.

Theo SK&ĐS

Bệnh lậu, không dễ nhận biết!

Bệnh lậu không phải lúc nào cũng dễ nhận biết và hậu quả của nó mang lại thật khó lường...

Biểu hiện của bệnh

Bệnh lậu thường có hai giai đoạn: lậu cấp tính và lậu mãn tính. Lậu cấp tính xảy ra ở cả nam giới và nữ giới nhưng có khác nhau. Ở nam giới, sau thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 đến 6 ngày sẽ có triệu chứng như: đau dọc theo niệu đạo, rát, nóng, buốt khi đi tiểu. Mủ tự chảy ra hoặc đái ra lẫn với nước tiểu (nước tiểu đục). Mủ đặc có màu vàng. Nếu không điều trị dứt điểm sẽ chuyển thành lậu mãn tính. Còn ở nữ giới, thời gian ủ bệnh rất khó xác định vì các triệu chứng lậu ở phụ nữ rất kín đáo, nhất là bệnh biểu hiện ở âm đạo, cổ tử cung. Có thể thấy có đái dắt, đau vùng xương mu sau khi giao hợp. Khám thấy viêm niệu đạo, cổ tử cung, viêm âm hộ, âm đạo (viêm tấy đỏ, có mủ).

Còn bệnh lậu mãn tính, biểu hiện ở nam giới gồm, đái dắt, đái buốt, ít khi thấy đái mủ, có thể thấy chất nhầy như nhựa chuối chảy ra ở niệu đạo vào sáng sớm, lúc ngủ dậy, khi đi tiểu. Bệnh lậu ở nam giới cũng cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh có các triệu chứng giống lậu nhưng không do lậu gây ra bởi các vi khuẩn Chalmydia và Mycoplasma. Còn ở phụ nữ đa số bệnh lậu chuyển sang giai đoạn mãn tính ngay từ đầu, có rất ít triệu chứng ngoài dấu hiệu ra khí hư màu vàng. Bệnh có khi lây lan gây viêm cả hậu môn (do mủ kèm theo vi khuẩn lậu chảy vào hậu môn).

Đường lây lan và cách phòng ngừa

Bệnh lậu chủ yếu lây qua đường tình dục. Ngoài ra, cũng có thể thấy bệnh lây qua việc dùng chung khăn tắm, quần áo lót có dây mủ niệu đạo, âm đạo của người bị lậu.

Bên cạnh bệnh lậu gặp ở đường sinh dục - tiết niệu, còn có thể gặp bệnh lậu do viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh do người mẹ bị bệnh lậu.

Những biến chứng của bệnh lậu gây ra đối với nam giới là, gây chít hẹp niệu đạo (biến chứng thường hay gặp nhất) - sẽ gây đái khó, bí đái. Nhiều trường hợp chít hẹp niệu đạo phải thông đái nhiều lần dễ dẫn đến viêm đường tiết niệu ngược dòng rất phức tạp cho điều trị. Đối với nữ thì gây viêm âm hộ và các tuyến ở vùng âm hộ, âm đạo tạo thành các túi mủ, rất dễ gây vô sinh do viêm cổ tử cung, tử cung, vòi trứng, buồng trứng và tiểu khung mà để khắc phục điều đó (chữa vô sinh) thật không đơn giản chút nào.

Phòng bệnh lậu như thế nào? Cần tuyên truyền giáo dục để người dân biết tác hại của bệnh lậu đặc biệt là gái mại dâm, người đồng tính luyến ái; không quan hệ tình dục bừa bãi, nên thủy chung một vợ một chồng; không dùng chung quần áo, khăn tắm với người mắc bệnh lậu; những người bị bệnh lậu cần được khám và điều trị dứt điểm. Cần điều trị ngay từ đầu cho cả cặp vợ chồng hoặc cho từng cặp tình nhân khi một trong hai người mắc bệnh lậu.

Theo Thanh Niên

Những điều lầm tưởng về cảm cúm

Nhiều người cho rằng nhịn đói sẽ giúp hạ sốt nhưng điều này hoàn toàn sai. Ăn uống không hề có tác động tiêu cực lên cơ thể khi bạn ốm. Ngược lại, đồ ăn cung cấp cho cơ thể năng lượng để chống chọi với bệnh tật – vì thế khi ốm, bạn nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

Căn bệnh cực phổ biến, gần như ai cũng từng trải qua nhưng những lầm tưởng về nó lại cũng rất nhiều. Hiểu đúng sẽ giúp bạn phòng tránh hiệu quả chứng bệnh này trong tương lai.

10. Phải đổ nhiều mồ hôi mới nhanh khỏi bệnh

Tất cả chúng ta đều thực hiện hoặc ít nhất là thấy những người khác làm điều này đó là phủ một cái khăn to hoặc chùm một chiếc chăn mỏng kín đầu cùng một chậu hoặc một nồi nước lá xông sau đó nhẫn nại ngồi xông trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, nước nóng tới mức mồ hôi túa ra ướt đẫm cả áo. Nhưng thật không may là phương pháp này không những không có tác dụng mà hoàn toàn vô ích. Lợi ích duy nhất của việc làm này là khiến bạn cảm thấy khá hơn một chút.

9. Tiêm vắc-xin phòng cúm sẽ dễ mắc bệnh cúm

Đây thực sự là một điều lầm tưởng – nhiều người tin rằng chúng ta có thể mắc bệnh cúm từ thuốc tiêm phòng cúm. Điều lầm tưởng này xuất phát từ nhận thức sai rằng vắc-xin phòng cúm có chứa một dạng vi-rút cảm cúm đã bị làm cho yếu đi. Vắc-xin thực sự chỉ chứa các thành phần cấu tạo của vi-rút và không phải phiên bản vi-rút hoàn chỉnh. Vì vậy, bạn không thể mắc bệnh cúm nếu tiêm phòng cúm.

8. Cảm lạnh là do hệ miễn dịch yếu

Một hệ miễn dịch yếu không làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh. Những người khỏe và không khỏe đều rất nhạy cảm với cảm lạnh- điều này đã được chỉ ra trong những nghiên cứu được thực hiện gần đây. Một điều thú vị là những nghiên cứu đó cũng cho thấy có tới 95% trong số chúng ta nhiễm vi-rút cảm lạnh trực tiếp từ màng mũi đã bị nhiễm bệnh của chính mình nhưng chỉ 75% bộc lộ những triệu chứng của bệnh cảm lạnh. Điều này được gọi là nhiễm bệnh có tính chất triệu chứng.

7. Vitamin C có thể trị cảm cúm

Một điều lầm tưởng nữa đó là vitamin C và kẽm giúp chữa bệnh cảm lạnh. Mặc dù chúng ta nên bổ sung vitamin và các khoáng chất để tăng sức đề kháng nhưng chúng không hề có tác dụng tiêu diệt vi-rút cảm lạnh. Vì vậy khi bị cảm lạnh, tốt hơn hết bạn nên uống thuốc và chờ khỏi bệnh.

6. Cảm lạnh chỉ xuất hiện trong mùa đông

Chúng ta lầm tưởng rằng cảm lạnh chỉ xuất hiện trong mùa Đông. Sự thực là bệnh cảm lạnh phổ biến nhất trong mùa Xuân và mùa Thu chứ không phải mùa Đông do vi-rút trở nên linh hoạt hơn trong những mùa này.

5. Không được uống sữa nếu bị cảm lạnh

Nhiều người nghĩ rằng không nên uống sữa trong lúc bị cảm lạnh bởi vì sữa khiến màng nhầy sinh ra nhiều thêm. Thực ra thì sữa không hề tạo ra màng nhầy – bạn có thể uống bao nhiêu sữa tùy thích và nó không hề có tác dụng đối với bệnh cảm lạnh ngoài những tác dụng phổ biến của nó như giúp cơ thể khỏe mạnh và tăng sức đề kháng để phòng tránh bệnh tật.

4. Hôn cũng khiến lây bệnh cảm lạnh

Đây là một điều lầm tưởng rất phổ biến: bạn sẽ bị cảm lạnh nếu hôn một ai đó đang bị cảm lạnh. Sự thực là số lượng vi-rút trên môi và trong miệng không đủ khiến bạn mắc bệnh mà chính màng nhầy trong mũi mới là thủ phạm của cảm lạnh – vì thế đừng hôn bằng mũi nhé!

3. Cảm lạnh là do bị nhiễm lạnh

Hầu hết chúng ta đều được dạy rằng không nên ra ngoài trời nếu tóc đang ướt nếu không sẽ bị cảm lạnh. Thực ra thì nhiệt độ cơ thể (hoặc nhiệt độ xung quanh) không hề khiến bạn bị cảm lạnh mà là do bạn tiếp xúc với vi-rút gây cảm lạnh. Nhiều người tin rằng các triệu chứng cảm lạnh như chảy nước mũi, ho, … chính là những phản ứng tự nhiên của cơ thể giúp chúng ta khỏi ốm nhanh – vì vậy chúng ta nghĩ không cần uống thuốc cũng khỏi bệnh. Nhưng sự thực là các triệu chứng trên không những không rút ngắn thời gian bạn bị cảm lạnh mà còn làm lây bệnh sang những người khác – khi bạn hắt hơi hoặc ho. Bạn nên uống thuốc giảm đau và các loại thuốc chữa cảm lạnh khác giúp bạn cảm thấy dễ chịu và nhanh khỏi bệnh.

1. Nhịn ăn sẽ giúp hạ sốt

Nhiều người cho rằng nhịn đói sẽ giúp hạ sốt nhưng điều này hoàn toàn sai. Ăn uống không hề có tác động tiêu cực lên cơ thể khi bạn ốm. Ngược lại, đồ ăn cung cấp cho cơ thể năng lượng để chống chọi với bệnh tật – vì thế khi ốm, bạn nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.Ở Việt Nam có một món ăn dân gian phổ biến rất tốt trong việc điều trị cảm lạnh và cảm cúm đó là món cháo nấu từ gạo tẻ, bỏ thêm hành lá và tía tô.

Theo Listverse/Dân Trí

Bệnh đau mắt đỏ bùng phát ở Hà Nội

Khoảng 10 ngày trở lại đây, đã có hàng nghìn bệnh nhân phải đi khám mắt bởi các triệu chứng cộm, ngứa rát và có dử.... Trong đó, có hơn 500 ca đã được xác định là đau mắt đỏ.

Theo bác sĩ Lê Xuân Cung, Viện mắt Trung ương, bệnh đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc cấp là bệnh truyền nhiễm bùng phát và lây lan rất nhanh sau mưa ngập do điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn hay nguồn ô nhiễm.

Mặc dù Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã cấp phát 1 triệu lọ thuốc nhỏ mắt tới các vùng bị ngập lụt nặng của thành phố, và luôn cảnh báo về những nguy cơ nhiễm bệnh dịch, tuy nhiên những thói quen không giữ vệ sinh đúng cách của một số người dân đã khiến cho nguy cơ nhiễm bệnh là không tránh khỏi.

Đến Viện mắt Trung ương trong tình trạng mắt đỏ cộm, chảy nước, chị Lai (Thanh Trì) hối hận cho biết, cả gia đình dùng chung khăn mặt nên chỉ trong vòng 2 ngày, cả nhà chị 4 người đều mắc bệnh đau mắt đỏ. Chị là người bị nặng nhất với cặp mắt sưng mọng, bị dử dính vít lại.

'Hàng xóm nhà tôi cũng lác đác có người kêu mắt bị cộm, ngứa', chị Lai cho biết.

Cùng có mặt tại Viện mắt Trung ương chiều nay (17/11), chị Dung ở quận Hoàng Mai thắc mắc, do phải sống trong vùng ngập lụt lâu, nên cả nhà đã rất chăm chỉ nhỏ mắt, vậy mà tại sao chị và cô con gái lớn vẫn bị bệnh.

'Cả nhà tôi dùng chung một lọ Clorocid. Đều đặn 2 lần, sáng và tối, tôi chịu trách nhiệm nhỏ mắt cho tất cả thành viên trong gia đình. Thế mà không hiểu tại sao, tôi và con gái lớn vẫn có triệu chứng viêm kết mạc'. Vừa nói, chị Dung vừa bỏ kính ra cho thấy mắt bên trái đã bắt đều có gèn.

Trước những thắc mắt của bệnh nhân, bác sĩ Cung cho biết, đau mắt đỏ dễ lây qua tiếp xúc tay - mắt. Nếu người bị mắc bệnh lấy tay dụi mắt, rồi bàn tay ấy lại vô tình chạm vào các vật dụng trong nhà, công sở như khăn mặt, điện thoại, máy tính, cốc, chén... sẽ khiến cho những người xung quanh có nguy cơ bị lây nhiễm cao.

'Bệnh đau mắt đỏ không đáng sợ nếu được phát hiện và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi sau 4-5 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách, rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc và nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng sẽ rất lớn', bác sĩ cảnh báo.

'Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, phải rất chú ý giữ vệ sinh cá nhân, tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Đặc biệt không nên dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt và luôn giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt khô ráo, sạch sẽ' ông Cung khuyến cáo.

Theo VTC

Xét nghiệm chẩn đoán bệnh giang mai

Chào bác sĩ ! Tôi có những hành vi không tốt nên sau đó sợ mình mắc bệnh giang mai và đã đi xét nghiệm . - Lần 1 : xét nghiệm RPR cách 'ngày đó' 10 ngày - kết quả âm tính. - Lần 2 : cách 'ngày đó' 1 tháng 12 ngày Xét nghiệm RPR-VDRL : Âm tính. TPHA : Âm tính. Interpretation : Âm tính. - Lần 3 : cách 'ngày đó' 5 tháng 17 ngày Xét nghiệm RPR-VDRL : Âm tính. TPHA : Âm tính. Interpretation : Âm tính. Xin hỏi Bác sĩ tôi có thể an tâm chưa hay còn phải làm các xét nghiệm khác để đảm bảo mình không mắc bệnh giang mai. Nếu có đó là xét nghiệm gì ?và làm ở đâu ? Xin bác sĩ chỉ dẫn giúp tôi xin cảm ơn . (Nguyễn Ngọc Long)

Trả lời:  

Bệnh giang mai:

Thời gian ủ bệnh khoảng 3-4 tuần, sớm nhất là 10 ngày, muộn nhất là 90 ngày.sau đó bệnh giang mai diễn biến theo ba giai đoạn:

* Giai đoạn 1 - Rất quan trọng để phát hiện và điều trị kịp thời. Biểu hiện chính là vết loét giang mai tại bộ phận sinh dục như ở quy đầu (với nam), môi lớn, môi bé, âm đạo, cổ tử cung (với nữ). Vết loét có đặc điểm nông, hình tròn hay bầu dục, bờ nhẵn, màu đỏ, không ngứa, không đau, không có mủ; đáy vết loét thâm nhiễm cứng và kèm theo nổi hạch hai bên vùng bẹn, cứng và cũng không đau. Vết loét này có thể tự biến đi sau 6 đến 8 tuần lễ kể cả không điều trị nên nhiều người tưởng lầm là khỏi bệnh nhưng thực sự là vi khuẩn lúc đó đã vào máu, bệnh vẫn tiếp tục phát triển với những biểu hiện khác.

* Giai đoạn 2 – Thường bắt đầu sau khi có vết loét từ 6 đến 9 tháng, chủ yếu biểu hiện bằng các tổn thương trên da với các nốt ban màu hồng như hoa đào (đào ban), vết sẩn, nốt phỏng nước, vết loét ở da và niêm mạc.

* Giai đoạn 3 - Giang mai phát triển trong các phủ tạng như não, gan, cơ bắp tim mạch..., gây nên các bệnh cảnh khác nhau tùy bộ phận cơ thể bị nhiễm giang mai.

Chẩn Đoán  

1.Chẩn đoán (+) dựa vào:

-Triệu chứng lâm sàng đã mô tả ở trên

-Triệu chứng cận lâm sàng

Trong giai đoạn sớm, chẩn đoán bệnh giang mai tương đối phức tạp vì cơ thể chưa tạo ra kháng thể mà Xoắn khuẩn giang mai lại không thể nuôi cấy trong các môi trường nhân tạo. Cách chẩn đoán tương đối chính xác là Soi trên kính hiển vi bệnh phẩm lấy từ các vết loét giang mai (chancre) tìm Xoắn khuẩn giang mai .

Phương pháp khác thường sử dụng rộng rãi hơn, nhưng cho giai đoạn 2 trở lên (để cơ thể có đủ thời giờ để tạo ra kháng thể ) là thử kháng thể trong máu Bệnh nhân như:Xét nghiệm RPR,VDRL. Phương pháp này cũng có thể giúp theo dõi sự đáp ứng của bệnhvới điều trị.

Ở các trường hợp giang mai thần kinh, cần phải làm Xét nghiệm kháng thể Xoắn khuẩn giang mai trong dịch não tủy (RPR dịch não tủy).

Trường hợp của bạn, bạn không có các biểu hiện lâm sàng nêu trên cộng với khi xét nghiệm RPR,VDRL âm tính , TPHA : Âm tính,Interpretation : Âm tính thì bạn yên tâm là bạn không mắc Giang mai.

Tuy nhiên, bạn cần có một cuộc sống lành mạnh để tránh những căn bệnh lây nhiễm, ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản.

(Thông tin tư vấn sau đây chỉ mang tính tham khảo - không tự ý chữa bệnh theo thông tin này)

Theo VnMedia