Chuyên mục lưu trữ: Bệnh trẻ em

Trẻ bị mắc viêm não Nhật Bản có thể tử vong

Mắc bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây biến chứng hôn mê sâu, mất phản xa, liệt, thậm chí tử vong.

Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay cả nước nước ghi nhận gần 260 ca viêm não; 4 trường hợp tử vong do viêm não Nhật Bản. Bộ Y tế dự báo, trong thời gian tới bệnh viêm não tiếp tục tăng.

Tại miền Bắc, nắng mưa kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển nên nguy cơ lây bệnh viêm não Nhật Bản ngày càng cao.

Trao đổi với phóng viên, TS.BS. Phạm Thanh Thủy, Phó Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Khoa bắt đầu ghi nhận các ca viêm não Nhật Bản. Đáng chú ý nhiều trường hợp đến bệnh viện muộn, dễ để lại di chứng.

Trẻ bị mắc viêm não Nhật Bản có thể tử vong

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, đến thời điểm này có khoảng gần chục ca mắc viêm não Nhật Bản nhập viện khám và điều trị.

Trong khi đó, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị cho 14 ca. Đa số bệnh nhi đều phát hiện bệnh muộn, qua giai đoạn cấp có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Các chuyên gia y tế nhận định, bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền sang người do muỗi đốt. Hiện nay, ở miền Bắc, nắng mưa kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển nên nguy cơ lây các bệnh do muỗi truyền càng cao.

Hầu hết người bị nhiễm virut viêm não Nhật Bản ở thể ẩn, nghĩa là không có triệu chứng lâm sàng. Nhưng dù ở bất cứ nhiễm bệnh ở thể nào thì bệnh nhân vẫn tạo kháng thể đặc hiệu.

Mắc bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây tử vong, còn một số biến chứng như hôn mê sâu do ứ đọng đàm nhớt, mất phản xạ ho, sặc hoặc liệt hầu họng

Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét…

Viêm não Nhật Bản hay còn gọi là viêm não mùa hè, viêm não B. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp tính gây tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Các chuyên gia cho biết, bệnh viêm não Nhật Bản gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ ở lứa tuổi 2-6 tuổi. Bệnh chủ yếu xuất hiện vào các tháng 5, 6 và 7 trong năm.

Hiện nay, do thời tiết nắng nóng là điều kiện cho viêm màng não, viêm não có nguy cơ bùng phát ở trẻ nhỏ. Nhiều trường hợp trẻ nhỏ sốt cao, có dấu hiệu buồn nôn cần đưa trẻ đến viện ngay.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tiêm phòng vắc xin. Những người du lịch có thời gian lưu trú ở nông thôn hơn 1 tháng hoặc trên 12 tháng ở thành phố có dịch cần được tiêm phòng.

Diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt là cách để ngăn bệnh lây truyền. Diệt muỗi bằng cách: dùng thuốc xịt muỗi, dùng vợt điện. Diệt bọ gậy bằng các biện pháp: thả cá bảy màu, cá đuôi cờ vào các nơi chứa nước như bể, chum, vại, lu, khạp… để cá ăn bọ gậy.

Loại bỏ nơi muỗi đẻ: hủy bỏ các vật phế thải xung quanh nhà là những nơi có thể chứa nước mưa tạo nơi đẻ trứng của muỗi như chai lọ vỡ, ống bơ, gáo dừa, lốp xe… Bỏ muối hay nhỏ dầu hỏa vào bát nước kê chân chạn.

Hà Nội: Tiêm miễn phí vắc xin viêm não cho trẻ

Theo các chuyên gia, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B cho trẻ đầy đủ và đúng lịch: mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Theo đó, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội vừa có kế hoạch tiêm vắc xin miễn phí phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi.

Cụ thể trẻ sinh từ ngày 1/1/2011 đến 31/5/2013 sẽ được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản miễn phí.

Dự kiến, đợt I từ ngày 22 đến 23/6, Hà Nội sẽ tiêm mũi 1 cho trẻ chưa tiêm lần nào và những trẻ đến lịch tiêm từ mũi 2 trở lên. Đợt II diễn ra từ ngày 29 đến 30/6 sẽ tiêm mũi 2 cho trẻ đã tiêm mũi 1 và tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm trong đợt I.

Theo Khampha.vn

Viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ

Viêm tai giữa tiết dịch (VTGTD) là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh không có triệu chứng rõ ràng gây khó khăn trong chẩn đoán, là nguyên nhân thường gặp nhất làm giảm sức nghe, ảnh hưởng sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức cũng như thay đổi hành vi giao tiếp xã hội của trẻ.

Diễn biến âm thầm

VTGTD diễn biến âm thầm nên các bậc cha mẹ khó nhận biết bệnh của trẻ nên bệnh thường phát hiện ở giai đoạn muộn hoặc xảy ra biến chứng, khi đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám một hoặc nhiều bệnh lý khác liên quan. Việc chẩn đoán VTGTD không những khó khăn đối với bệnh nhân người lớn, mà càng khó đối với bệnh nhi vì khó khai thác các triệu chứng đầy đủ do trẻ em không thể hợp tác trọn vẹn trong quá trình thăm khám.
Nguyên nhân chủ yếu của VTGTD là các viêm nhiễm vùng mũi họng như: viêm VA mạn tính, viêm VA – amidan quá phát, viêm mũi họng cấp… Vì vậy những trẻ bị VTGTD thường có các biểu hiện ở mũi họng. Ngược lại, triệu chứng ở tai thường rất mờ nhạt và không đặc hiệu. Chính vì vậy, đây cũng là lý do khiến cho bệnh lý VTGTD thường không được chẩn đoán và dễ dàng bị bỏ qua.
viem-tai-giua-tiet-dich-o-tre
Ảnh minh họa – Internet

Một số biểu hiện thường gặp

Ở trẻ bị VTGTD, triệu chứng vùng mũi họng xảy ra trước (sốt, chảy mũi, bú kém, ho,…), sau đó là các triệu chứng ở tai (đau tai, chảy tai, sốt và hiện tượng bé hay đưa tay lên gãi tai…). Nếu VTGTD kéo dài không điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng trẻ có biểu hiện: nghễnh ngãng, mất tập trung, nghe kém và ù tai, kém linh hoạt, không phản ứng hoặc phản ứng chậm khi bố mẹ gọi, xem ti vi với âm lượng lớn… Ở các trẻ lớn hơn (tuổi đi học) thường có các biểu hiện: thay đổi tính tình, kém tập trung, kém linh hoạt, kết quả học tập kém đi. VTGTD nếu không điều trị sẽ diễn tiến theo 2 hướng:
Đối với cấp tính: Từ VTGTD sẽ bị bội nhiễm vi khuẩn gây viêm xương chũm cấp rồi gây các biến chứng như: xuất ngoại sau tai hoặc vào nội sọ gây viêm màng não, áp xe não, áp xe tiểu não… hoặc độc tố vi khuẩn ngấm vào tai trong, gây điếc vĩnh viễn hoặc một số trường hợp gây liệt mặt cho trẻ.
Đối với mạn tính: Quá trình viêm mạn tính tái phát nhiều đợt làm cho dịch trong hòm tai lúc đầu là thanh dịch sau đó trở thành dịch quánh nhày. Khi đó, viêm tai thanh dịch trở thành viêm tai keo hay viêm tai nhày. Áp lực âm trong hòm nhĩ hút màng nhĩ vào trong hòm tai, làm tiêu lớp sợi màng nhĩ, làm màng nhĩ bị suy yếu. Khi đó, viêm tai keo trở thành túi co kéo màng nhĩ hoặc xẹp nhĩ, tiêu hủy các cấu trúc xương của hòm tai như: xương con, tường thượng nhĩ… dẫn tới suy giảm sức nghe trầm trọng và cuối cùng hình thành viêm tai giữa nguy hiểm cholesteatoma.

Bệnh có thể phòng

Bệnh VTGTD chủ yếu xảy ra ở trẻ em và nếu không điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách sẽ làm trẻ giảm sức nghe, ảnh hưởng sự phát triển ngôn ngữ và nhận thức cũng như thay đổi hành vi giao tiếp xã hội của trẻ. Vì vậy, tất cả trường hợp VTGTD phải được theo dõi và chăm sóc chu đáo, nhằm phục hồi sức nghe cho trẻ, giúp trẻ phát triển trí tuệ bình thường và ngăn ngừa biến chứng, di chứng gây điếc không hồi phục, góp phần làm giảm gánh nặng cho xã hội. Hiện nay, tại các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng, VTGTD ở trẻ được điều trị bằng cách đặt ống thông khí qua màng nhĩ, đồng thời, giải quyết nguyên nhân bệnh bằng cách phẫu thuật nạo VA dưới nội soi bằng Micro Debrider (Hammer) hoặc cắt amidan.
Các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi dễ mắc VTGTD cần chủ động phòng bệnh bằng cách như: giữ ấm trẻ vào mùa đông; điều trị triệt để các viêm nhiễm vùng tai mũi họng, nhất là viêm hô hấp trên; bú sữa mẹ sớm; không cho đi nhà trẻ sớm (dưới 12 tháng tuổi); không cho trẻ bơi khi bị viêm hô hấp trên. Ngoài ra, phụ huynh không nên hút thuốc lá trong nhà để giữ không khí trong lành, tránh ô nhiễm. VTGTD có tần suất mắc bệnh rất cao và là nguyên nhân thường nhất gây điếc mắc phải ở trẻ em. Do đó, khi trẻ bị chảy mũi, ngạt mũi, ho, sốt, tiêu chảy; hoặc phát hiện trẻ nghễnh ngãng, không chú ý, mất tập trung hoặc trẻ ù tai, đau nặng tai, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để khám và phát hiện sớm, điều trị hiệu quả, góp phần đảm bảo trẻ phát triển tốt thể chất và tinh thần.

BS. Nguyễn Minh Hằng

Theo Suckhoedoisong.vn
The post Viêm tai giữa tiết dịch ở trẻ appeared first on Tin Sức Khỏe.

Làm gì khi bé bị sổ mũi nửa tháng mà vẫn chưa khỏi?

Bác sĩ cho em hỏi: Con em 9 tháng, bé bị sốt nhẹ, sau đó bị sổ mũi đến bây giờ đã nửa tháng mà vẫn chưa khỏi. Giờ nhịp thở của bé là 44lần/phút. Giờ em phải làm sao ạ?

Ngoc ([email protected])

lam-gi-khi-be-bi-so-mui-nua-thang-ma-van-chua-khoi
Trẻ có sốt, sổ mũi là có viêm đường hô hấp trên (amidan, V.A…). Nếu nửa tháng nay bé chưa khỏi, vẫn chảy nước mũi, rất có thể cháu bị V.A. Trong thư bạn nói cháu thở 44 lần/phút là có thở nhanh, do vậy, cần theo dõi có thể cháu bị viêm phổi sau viêm mũi họng. Trước hết, bạn cần cặp nhiệt kế xem bé sốt bao nhiêu độ, nếu sốt cao, bé cũng sẽ thở nhanh, bạn cần cho bé uống nhiều nước và cho bé bú nhiều hơn sẽ giúp hạ sốt. Nếu bé có khó thở, ho hay thở khò khè, quấy khóc, không chịu bú hoặc đang bú phải nhả vú để thở… thì đó là dấu hiệu của viêm phổi. Tốt nhất bạn nên cho bé đi khám chuyên khoa tai mũi họng hoặc chuyên khoa hô hấp Nhi để tìm nguyên nhân, từ đó bác sĩ sẽ kê đơn điều trị cụ thể. Nếu có bội nhiễm vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh.

BS. Vũ Ngọc Anh

Theo Suckhoedoisong.vn
The post Làm gì khi bé bị sổ mũi nửa tháng mà vẫn chưa khỏi? appeared first on Tin Sức Khỏe.

Tình trạng nhịp tim nhanh kịch phát ở trẻ

Tình trạng nhịp tim nhanh kịch phát ở trẻ có đặc tính xuất hiện và mất đi đột ngột, có thể kéo dài vài phút đến hàng giờ với mức độ khác nhau.
“Nhịp tim nhanh là một trong những rối loạn nhịp hay gặp ở trẻ em. Cơn nhịp tim nhanh kịch phát có thể gây suy tuần hoàn, hô hấp, thậm chí đột tử. Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong hoặc để lại di chứng lâu dài” – ThS.BS. Nguyễn Thanh Hải, Khoa Tim mạch (BV Nhi TƯ) cho hay.

Ngày càng nhiều trẻ mắc bệnh

Cách đây hai năm, cháu Ngô Văn Hải (Hải Phòng) thường xuyên bị ngất. Khi được đưa đến BV ở địa phương, cháu được chẩn đoán là động kinh và điều trị trong hai năm liền. Tuy vậy, tình trạng này vẫn không thuyên giảm. Chỉ tới khi được đưa đến BV Nhi T.Ư kiểm tra, cháu mới được phát hiện là có đường dẫn truyền bất thường trong tim gây nhịp tim nhanh và là nguyên nhân gây ngất.
Trường hợp khác là cháu Tùng Linh, 8 tuổi ở Hà Đông, TP Hà Nội. Cách đây 7 tháng, chị Tùng – mẹ cháu thấy con có biểu hiện tim đập nhanh, vã mồ hôi và buồn nôn. Tuy nhiên các biểu hiện chỉ thoáng quá, không rõ ràng, vài tháng mới bị một lần nên chị chưa cho con đi kiểm tra. Dịp Tết dương lịch vừa rồi, các cơn tim nhanh của Tùng Linh xuất hiện nhiều hơn. Đưa con đi khám, làm các xét nghiệm chuyên sâu, bác sỹ mới phát hiện tình trạng bất thường trong tim của Linh dẫn đến cơn nhanh kịch phát.
Với các trường hợp này, các bác sỹ sẽ phải can thiệp đốt điện để loại bỏ những bất thường trong tim. Theo BS Nguyễn Thanh Hải – khoa Tim mạch – số bệnh nhi bị rối loạn nhịp tim ngày càng tăng. Nguyên nhân rối loạn nhịp tim có thể xuất phát là bệnh bẩm sinh hoặc là biến chứng của phẫu thuật bệnh tim bẩm sinh. Người bệnh sau phẫu thuật tim 10 năm khoảng 30% bị rối loạn nhịp tim, tỉ lệ này tăng lên đến 40% sau 15 năm và sau 20 năm thì hầu như ai cũng bị.
BS Hải cho biết thêm, đa phần bệnh nhân vào viện đã muộn do việc chẩn đoán cơn nhịp tim nhanh thường khó khăn và bị bỏ sót, thậm chí chẩn đoán nhầm với các tình trạng bệnh khác. Bệnh có thể biểu hiện với một hoặc vài trong các triệu chứng như ngất, tim đập nhanh, tức ngực, khó thở hoặc hoa mắt chóng mặt. Trẻ nhỏ hay trẻ bú mẹ thường khó phát hiện, trẻ có thể biểu hiện triệu chứng như là bỏ bú, bú kém, quấy khóc, da tái và lạnh, vã mồ hôi, thở nhanh, tim đập nhanh…
tinh-trang-nhip-tim-nhanh-kịch-phat-o-tre
Tình trạng nhịp tim nhanh kịch phát ở trẻ có đặc tính xuất hiện và mất đi đột ngột, có thể kéo dài vài phút đến hàng giờ với mức độ khác nhau. Ảnh minh họa

Điều trị nhịp tim nhanh

BS Hải cho hay, tình trạng nhịp tim nhanh kịch phát ở trẻ có đặc tính xuất hiện và mất đi đột ngột, có thể kéo dài vài phút đến hàng giờ với mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, trẻ không được cha mẹ phát hiện sớm khiến cơn tim nhanh kịch phát xảy ra nhiều lần, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Khi cơn tim nhanh kéo dài thường gây suy tim nếu không được cấp cứu cắt cơn, có thể gây gây giãn, suy giảm thất trái nặng và thậm chí trẻ có thể tử vong. Một số trường hợp trẻ có thể biểu hiện tình trạng nguy kịch ngay khi mới xuất hiện cơn tim nhanh.
Trước đây việc điều trị nhịp tim nhanh chủ yếu thường dùng là các thuốc chống loạn nhịp để cắt cơn và dự phòng tái phát cơn cho các bệnh nhân có cơn tim nhanh kéo dài và cơn tim nhanh nguy kịch. Tuy nhiên việc dùng các thuốc chống loạn nhịp có nhiều hạn chế. Nó không điều trị bệnh được triệt để, bệnh nhân phải uống thuốc hàng ngày kéo dài và đôi khi sẽ có hiện tượng kháng thuốc.
Hiện nay, phương pháp can thiệp điều trị bằng sóng cao tần được lựa chọn hàng đầu đối với người lớn và trẻ lớn bị tim nhanh trên thất. Đây là biện pháp điều trị triệt để, chống tái phát cơn, tỉ lệ điều trị thành công trên 95%, ít tai biến do kĩ thuật. Đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian điều trị hơn so với phương pháp dùng thuốc chống loạn nhịp thông thường. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ phải thận trọng cân nhắc vì lí do an toàn. Trẻ em càng nhỏ, kích thước giải phẫu mạch máu và tim rất nhỏ nên nguy cơ tổn thương càng cao khi làm can thiệp.
Theo các bác sỹ chuyên khoa, việc chẩn đoán tim nhanh ở trẻ chủ yếu dựa vào kết quả điện tâm đồ trong cơn tim nhanh. Đây là bằng chứng cực kì quan trọng giúp chẩn đoán chính xác và quyết định phương pháp điều trị hợp lý. Bởi vậy, khi thấy con có biểu hiện nhịp tim nhanh, cha mẹ cần đưa đến các bệnh viện chuyên khoa để chuẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, hạn chế những biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Theo Gia Hân/Afamily.vn
The post Tình trạng nhịp tim nhanh kịch phát ở trẻ appeared first on Tin Sức Khỏe.

Cách phân biệt ho viêm phổi và ho cảm lạnh ở trẻ

Viêm phổi và ho cảm lạnh có nhiều triệu chứng tương tự, đôi khi cha mẹ chủ quan không đưa con đến bệnh viện khám gây nguy hiểm.
Mùa đông xuân, do khí hậu thay đổi đột ngột, không khí lạnh liên tục kéo dài, tỷ lệ trẻ mắc viêm phổi ngày càng tăng. Tuy nhiên, vì bệnh viêm phổi và cúm có nhiều triệu chứng tương tự nên đôi khi cha mẹ vì chủ quan mà trì hoãn đưa con đến bệnh viện khám.
Nếu có con đang bị ho, mẹ nên theo dõi những đặc điểm sau để phân biệt ho viêm phổi và ho virus cảm lạnh thông thường nhằm có biện pháp chăm sóc trẻ bị viêm phổi đúng đắn.

1. Nhiệt độ cơ thể

Hầu hết trẻ em bị viêm phổi đều kèm theo sốt, nhưng chủ yếu là trên 38 ℃, với thời gian dài hơn, dù có cho uống thuốc hạ sốt, bé cũng chỉ mát người được một thời gian, và sau đó lặp đi lặp lại. Trẻ em bị cảm lạnh, có sốt nhẹ nhưng thường chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn

2. Nhìn kiểu ho và hô hấp:

Hầu hết trẻ em bị viêm phổi có ho hoặc thở khò khè nặng, và nghiêm trọng hơn, có thể gây khó thở. Ngược lại, ho hoặc thở khò khè do cảm lạnh và viêm phế quản thường nhẹ, không gây khó thở.

3. Nhìn chế độ ăn uống:

Trẻ em bị viêm phổi thường chán ăn, không muốn ăn, không ăn và thường xuyên khóc quấy. Trẻ bị cảm lạnh vẫn ăn uống bình thường, hoặc ăn, bú có giảm nhẹ, nhưng tình hình nói chung không phải là rất nghiêm trọng.
cach-phan-biet-ho-viem-phoi-va-ho-cam-lanh-o-tre
Viêm phổi và ho cảm lạnh có nhiều triệu chứng tương tự, đôi khi cha mẹ chủ quan không đưa con đến bệnh viện khám, gây nguy hiểm. (ảnh minh hoạ)

4. Trạng thái tinh thần:

Trạng thái tinh thần chung của trẻ bị viêm phổi thường dễ cáu gắt, hay khóc, hay buồn ngủ… Với trẻ bị cảm thường, trạng thái tinh thần nói chung chung là tốt, vẫn có thể chơi đùa.

5. Nghe tiếng thở

Do thành ngực của trẻ mỏng,nên việc nghe phôi tương đối dễ dàng. Cha mẹ có thể chọn khoảng thời gian yên tĩnh hoặc khi em bé ngủ, áp tại lại gần hơn với thành ngực trên cả hai mặt trước và sau, lắng nghe một cách cẩn thận. Nếu nghe thấy âm thanh “gru, gru” trong lồng ngực thì là dấu hiệu chỉ ra rằng trẻ em có thể bị viêm phổi. Và trẻ em bị cảm lạnh thường không nghe thấy âm thanh này.

Làm thế nào để chăm sóc trẻ bị viêm phổi

1. Chế độ ăn uống nhẹ

Sau khi bé đã bị viêm phổi, nên tiếp tục cho con bú, cho ăn, ăn thức ăn dễ tiêu hóa nhẹ. Nếu trẻ bị biếng ăn, nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, trẻ sơ sinh bú mẹ nên tăng số lượng cho ăn mỗi ngày để duy trì đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.

2. Chăm sóc

Làm thông mũi trước khi cho ăn, cho bú. Có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi để làm sạch mũi bé. Cho uống đủ nước để tránh thiếu nước do thở nhanh và sốt. Ngoài ra, nước còn có tác dụng loãng đàm nhớt.

3. Duy trì nhà cửa thông thoáng

Trẻ bị viêm phổi nên được giữ ấm, hít thở không khí trong lành, cấm hút thuốc trong phòng bé.Trong mùa lạnh,mẹ cần duy trì nhiệt độ thích hợp, giữ sạch không khí trong nhà, chú ý đến thông gió, có thể sử dụng máy lọc và tạo độ ẩm không khí giúp con dễ thở.
Theo Linh Linh/Khampha.vn
The post Cách phân biệt ho viêm phổi và ho cảm lạnh ở trẻ appeared first on Tin Sức Khỏe.

Những vấn đề về sức khoẻ không nghiêm trọng nhưng mẹ cần để mắt tới của con

Có những rắc rối sức khỏe không hề nguy hiểm, nhưng rất cần sự quan tâm của cha mẹ nhằm giúp bé vượt qua để có một thể trạng tốt nhất.
Dưới đây là 7 vấn đề sức khỏe các mẹ nên xử lý kịp thời nếu con mắc phải.

1. Bệnh đau mắt đỏ

Chắc chắn đây là loại bệnh rất dễ lây lan và có thể bạn không muốn bé nhà mình mắc phải. Tuy đau mắt đỏ không tổn thương nhiều đến sức khỏe nhưng nó cũng khiến con khó chịu với đôi mắt đỏ au, thỉnh thoảng lại xuất hiện gỉ mắt. Nếu được chăm sóc đúng cách, bệnh đau mắt đỏ sẽ mau chóng bị đẩy lùi và bé yêu nhà bạn lại có thể trở về với sinh hoạt bình thường. Bạn hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa để được tư vấn thuốc kháng sinh nhỏ mắt, cùng với đó là áp dụng chế độ vệ sinh tay chân thật tốt nhằm ngăn chặn bệnh lây sang những thành viên khác trong gia đình.
Những vấn đề về sức khoẻ không nghiêm trọng nhưng mẹ cần để mắt tới của con

2. Mụn cơm

Mụn cơm tuy do virus gây ra nhưng vô hại và sẽ tự biến mất. Chúng thường xuất hiện trên tay và chân và do thích môi trường ấm áp, ẩm ướt vì vậy bạn có thể nhìn thấy chúng ở những nơi khác. Mụn cơm dễ bị lây từ khăn tắm, sàn phòng thay đồ và các đồ vật tương tự khác. Do vậy, nên cung cấp đồ cá nhân riêng cho con, tránh dùng chung khăn lau mặt và khăn tắm, đó là cách đơn giản để ngăn chặn mụn cơm. Nếu mụn cơm của con không tự động biến mất, hãy nói chuyện với bác sĩ để có lựa chọn điều trị tích cực hơn.

3. Chấy

Không có gì khiến bạn phải run rẩy hơn suy nghĩ có chấy đang bò trên tóc của con mình phải không? Chấy không thường xuyên xuất hiện, nhưng một khi đã “ló mặt” thì rất… “trắng trợn”. Chấy không quá nguy hại cho con bạn nhưng rắc rối ở đây là những con chấy con. Vì vậy, bạn hãy áp dụng phương pháp điều trị đã được phê duyệt để loại bỏ hẳn những vật ký sinh phá hoại nhỏ bé này cho các thành viên gia đình mình nhé.

4. Giun sán

Giun sán là những kẻ xâm nhập đường ruột khó chịu. Thậm chí, bạn còn có thể nhìn thấy giun cái đi ra khỏi hậu môn của bé để đẻ trứng. Vì những quả trứng được đẻ ra như vậy có thể lây lan, thế nên tốt hơn hết bạn phải giải quyết nhanh chóng tình trạng nhiễm giun này. Trước tiên bạn nên giặt tất cả đồ vải lanh và bộ đồ giường cho con, sau đó cho bé nhà bạn dùng thuốc tẩy giun để tiêu diệt những con vật ký sinh trong bụng.
Những vấn đề về sức khoẻ không nghiêm trọng nhưng mẹ cần để mắt tới của con2

5. Nấm da

Nấm da là một dạng nhiễm trùng nấm trên da. Nó lây lan phổ biến nhất trong phòng thay quần áo và thảm tập thể dục ở trường, vì vậy trẻ đi mẫu giáo và những trẻ hay đi hồ bơi công cộng có nguy cơ lây nhiễm cao bệnh này. May mắn thay, nấm da không để lại bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào vì nó tương đối dễ dàng điều trị. Bạn chỉ cần kem chống nấm, giặt ủi quần áo thường xuyên, cũng như giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho con sẽ là có thể giải quyết rắc rối này.

6. Bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ là bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng trên da do loài ký sinh trùng cái ghẻ gây ra. Chúng thường đào hang rãnh trên da làm ngứa ngáy khó chịu và nhiễm trùng. Bệnh ghẻ thường bùng phát thành dịch ở khu vực trường học. Do đó, nếu bé nhà bạn chẳng may lây nhiễm từ bạn, hãy nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa để được cung cấp một kem dưỡng da đặc biệt nhằm giúp bé nhà bạn thoát khỏi căn bệnh ghẻ không mong muốn này!

7. Bệnh chốc lở

Bệnh chốc lở là bệnh nhiễm trùng da thường xảy ra ở trẻ em nhất là vào mùa hè, thường do vi trùng xâm nhập vào vết xây xát, rộp da. Các vết rộp này khi khô đóng một lớp vảy khô màu vàng hoặc xám. Xung quanh chỗ nổi rộp thường ửng đỏ. Chỗ da nổi đỏ này sẽ lan ra nếu không điều trị. Trẻ bị nhiễm bệnh không nên dùng chung khăn tắm, quần áo, khăn mặt hoặc các vật dụng vệ sinh như lược và bàn chải với bất cứ người nào khác. Tuy vậy, trẻ bị bệnh chốc lở có thể điều trị dễ dàng bằng kem kháng sinh hoặc cùng với thuốc kháng sinh nhanh.
Theo Vietgiaitri.com
The post Những vấn đề về sức khoẻ không nghiêm trọng nhưng mẹ cần để mắt tới của con appeared first on Tin Sức Khỏe.

Bé bị quặm mi dưới, để lâu có ảnh hưởng đến mắt?

Con tôi mười tám tháng tuổi. Mắt phải của bé bị lông mi dưới quặm vô mắt gây chảy nước mắt sống thường xuyên. Tôi đưa bé đi khám thì bác sĩ nói do bé sổ sữa. Song bây giờ con tôi đã gầy mà vẫn bị như vậy, nếu để lâu quá có ảnh hưởng đến mắt của cháu không?

Ảnh minh họa: Internet

Trả lời:

Quặm mi dưới tương đối phổ biến ở trẻ em. Quặm mi là tình trạng lông mi mọc ngược vào trong, cọ vào giác mạc (tròng đen) gây kích thích mắt như đỏ mắt, chảy nước mắt, hay nặng hơn là trầy giác mạc, có thể gây viêm loét giác mạc.

Quặm mi dưới trẻ em có thể tự hết khi bé lớn nên bác sĩ thường hướng dẫn phụ huynh tự theo dõi, chăm sóc và cách bật mi dưới để quặm dần hết.

Thông thường, bác sĩ chỉ định phẫu thuật quặm cho trẻ khi quặm gây tổn thương kéo dài cho giác mạc. Chảy nước mắt sống kéo dài là dầu hiệu của giác mạc bị kích thích đe dọa tổn thương, vì vậy bạn cần sớm đưa con đến bác sĩ chuyên khoa mắt nhi để đánh giá lại xem có cần chỉ định phẫu thuật không.

Theo Ebe.vn

Uống kháng sinh có gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ?

Con gái tôi bốn tháng tuổi. Sau khi uống kháng sinh để trị viêm đường hô hấp trên, bé đi tiêu nhiều, từ bảy đến chín lần/ngày, phân màu hơi giống màu thuốc đã uống và sệt. Có phải bé bị rối loạn tiêu hoá do uống kháng sinh? – MỘT BẠN ĐỌC Ở TP.HCM

uong-khang-sinh-co-gay-roi-loan-tieu-hoa-o-tre

ThS.BS Diệu Vinh, khoa tiêu hoá, bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM:

Rối loạn tiêu hoá là căn bệnh dễ gặp phải ở những trẻ dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài. Kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn cả vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hoá của trẻ, gây mất cân bằng hệ thống vi khuẩn đường ruột (còn gọi “loạn khuẩn ruột”), dẫn đến rối loạn tiêu hoá. Với các biểu hiện mô tả, bé của bạn có thể bị rối loạn tiêu hoá do ảnh hưởng từ sử dụng thuốc kháng sinh. Các triệu chứng này thường sẽ hết khi ngưng kháng sinh. Bạn có thể cho cháu uống thêm men vi sinh như Probio, Bioflora…

Theo SGTT.vn

Những điều lưu ý khi trẻ bị đau đầu

Đau đầu ở trẻ hiện đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở lứa tuổi vị thành niên. Những cơn đau đầu có thể thoáng qua hoặc lặp đi lặp lại, có thể là đơn thuần nhưng có nhiều trường biểu hiện của một căn bệnh nguy hiểm?

Đó có thể là là dấu hiệu cảnh báo của nhiều căn bệnh nguy hiểm như u não, tăng áp lực sọ não, dị dạng mạch máu, thần kinh….

Nguyên nhân gây đau đầu ở trẻ

- Đau đầu khi bị sốt, do các bệnh viêm dây thần kinh, viêm màng não, viêm não, viêm xoang, viêm ở mắt, răng.
- Đau đầu do căn nguyên mạch máu (đau nửa đầu), do cao huyết áp, dị dạng động tĩnh mạch.
- Đau đầu do khối choán chỗ nội sọ, u não, chảy máu nội sọ, não úng thủy, tăng áp lực sọ não lành tính.
- Đau đầu do yếu tố tinh thần: lo âu, stress, học quá sức, căng thẳng thần kinh kéo dài. Hiện nay sức ép học tập, thi cử có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe tinh thần của trẻ, vì ngoài học văn hóa, các em còn phải học thêm ngoại ngữ, vi tính… Có trẻ đau đầu vì trong gia đình có người thân bị mất; Do trẻ thấy bố đối xử bất công với mẹ nên buồn rồi mắc bệnh đau đầu.

nhung-dieu-luu-y-khi-tre-bi-dau-dau

Ảnh minh họa

Những điều cha mẹ cần lưu ý

Cha mẹ cần đặc biệt chú ý những cơn đau đầu có biểu hiện bất thường như: Đau đầu dữ dội, dai dẳng, đau đầu kèm buồn nôn, sốt cao, đau đầu kèm đau khối cơ vùng gáy, đau đầu kèm giảm hoặc mất thị lực, thính lực.

Khi trẻ kêu đau đầu, các bậc phụ huynh cần hết sức quan tâm và xem xét các biểu hiện kèm theo. Cần cặp nhiệt độ cho trẻ xem trẻ có bị sốt không, hỏi trẻ xem có đau ở đâu không: đau họng, đau răng, đau tai… Bên cạnh đó xem trẻ có hiện tượng chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc màu da của trẻ có thay đổi không (xuất huyết, sung huyết, nổi mẩn…).

Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng cần hỏi xem trẻ có buồn nôn và có bị nôn lần nào không. Cha mẹ cũng hỏi trẻ khi ngồi học trên lớp có thấy mỏi mắt, nhức đầu khi nhìn vào các chữ, số trên bảng và nhìn có rõ nét không. Khi đã biết được các thông tin nghi có liên quan đến chứng đau đầu của trẻ, nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt.

Khi có biểu hiện đau đầu khác thường, nên đến bệnh viện để khám cụ thể, chứ không nên vội quy cho đau đầu do “thời tiết” hay do “hội chứng tiền đình”.

Các loại đau đầu ở trẻ: có 2 loại

- Đau đầu cấp tính: Đau đầu cấp tính thường xuất phát từ các bệnh mang tính chất cấp tính như viêm nhiễm do vi sinh vật gọi là bệnh nhiễm trùng, như viêm họng cấp, viêm amidan cấp, viêm tai cấp, viêm xoang cấp hoặc một số bệnh như sốt xuất huyết, viêm não, màng não.

Triệu chứng hay gặp nhất là sốt và đau đầu. Tùy theo tính chất và bản chất của từng bệnh nhiễm trùng mà còn nhiều triệu chứng kèm theo như bệnh u não, viêm màng não thì ngoài triệu chứng đau đầu có thể có buồn nôn, nôn vọt, sợ ánh sáng, sợ tiếng động hoặc bị mờ mắt hoặc liệt…

- Đau đầu tái diễn (tái phát): có thể gặp lặp đi lặp lại nhiều lần, điển hình nhất là hội chứng Migraine. Hội chứng Migraine ở trẻ là thường bị đau nửa đầu khá nhiều lần (cơn) trong 1-2 ngày (thường có từ 5 cơn trở lên). Ngoài ra người ta còn thấy đau đầu có khi chỉ âm ỉ và kéo dài suốt ngày đêm (đau đầu do bệnh tăng huyết áp, đau đầu do rối loạn tiền đình) hoặc đau từng cơn và cũng có loại đau đầu hay xảy ra vào lúc nửa đêm gần sáng.

Theo VnMedia.vn

Bé ra nhiều mồ hôi, ngủ hay giật mình là bệnh gì?

Bé nhà em 4 tháng, cháu hay bị ra mồ hôi đầu và gáy, đi ngủ hay giật mình. Tối đang ngủ cháu lại dậy khóc, tầm khoảng 2h đêm trở đi cháu mới ngủ ngoan.

Cháu bú sữa mẹ, ngày em cho cháu uống thêm 60ml sữa công thức. Lúc cháu đẻ đc 3,1kg. Tháng đầu tiên cháu tăng 1,8kg, tháng thứ 2 và 3 cháu tăng mỗi tháng 1kg nhưng sang tháng thứ 4 cháu tăng được có 1 lạng. Có phải bé nhà em bị thiếu canxi, vitamin D không ạ?
 
Mọi người bảo em cho cháu uống lọ Kidica. Em mới cho cháu uống 2 hôm nhưng thấy cháu đi ngoài nhiều, 4-5 lần/ngày mỗi lần đi 1 ít. Cháu có hiện tượng như vậy thì có nên cho cháu uống tiếp lọ Kidica không thưa bác sĩ. – (Hằng Nga)

be-ra-nhieu-mo-hoi-ngu-hay-giat-minh-la-benh-gi

Trẻ ra mồ hôi nhiều ở đầu, gáy, ngủ hay giật mình thường là triệu chứng thiếu canxi. Ảnh: smoothparenting

Xin chào chị,

Con chị có cân nặng lúc sinh là 3,1kg, cân nặng hiện tại lúc 4 tháng tuổi là 7kg. Về phát triển thể chất, theo biểu đồ tăng trưởng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh Mỹ, bé trai 4 tháng tuổi có cân nặng 7kg là sức khỏe tốt. Bé gái 7kg là thuộc nhóm trẻ thừa cân.

Về sự tăng trưởng của bé:

- Tháng 1: tăng 1,8kg tức là tăng cân trội hơn mức tăng chuẩn.

- Tháng 2, 3: bé tăng 1kg là tăng cân tốt.

- Tháng 4: tăng 100g: tăng cân ít hơn trung bình.

Vì tăng ít ở tháng thứ 4 này nên nếu là bé gái, bé cũng chỉ ở mức thừa cân chứ không bị béo phì, còn nếu là bé trai thì bé đang ở mức có sức khoẻ tốt.

Trẻ ra mồ hôi nhiều ở đầu, gáy, ngủ hay giật mình thường là triệu chứng thiếu canxi. Cũng có khi rất bình thường, nhưng do hệ thần kinh trẻ nhỏ chưa hoàn chỉnh, theo thời gian triệu chứng sẽ giảm dần. Có khi do thời tiết, sự xuất mồ hôi để điều hòa thân nhiệt.

Trường hợp con bạn, phát triển thể chất tốt, với lượng sữa mẹ và sữa công thức đã dùng cho bé có lẽ không thiếu canxi đâu. Nhưng để được chính xác và khoa học, cần thử máu để chẩn đoán.

Bạn nên lưu ý điều này, khi mồ hôi xuất nhiều, bé sẽ thiếu nước và muối, nếu không được bù đắp, sự thiếu hụt này cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng và thần kinh của bé, có lẽ do vậy mà tháng 4 bé tăng cân ít.

Bạn cũng cần theo dõi vấn đề giật mình giảm dần hay tăng dần theo thời gian, hoặc có xuất hiện thêm triệu chứng thần kinh khác hay không.

Do vậy, bạn nên cho bé được khám bệnh ở bác sĩ chuyên khoa Nhi để được xét nghiệm, chẩn đoán và từ đó tư vấn chính xác hơn.

Bạn không nên tự cho bé uống Kidica để bổ túc canxi, vitamin D khi chưa rõ kết quả xét nghiệm, vì hàm lượng canxi 160mg, D3 40UI /mỗi 4ml, nếu bé không thiếu canxi, vitamin D, dinh dưỡng đầy đủ, nhà đủ ánh sáng, thì sự bổ sung sinh tố hàng ngày này sẽ làm thừa canxi, vitamin Dảnh hưởng đến vấn đề thần kinh, rối loạn tiêu hóa và vài bệnh lý khác nữa.

Chúc bé khỏe, ngủ ngon giấc.

BS Mai Thu Cúc

(Theo VnExpress)