Chuyên mục lưu trữ: Bệnh Ngoài Da

Bài thuốc tắm phòng bệnh ngoài da

Da dẻ nhẵn mịn không bệnh có thể có được thông qua cách bảo dưỡng da.

Da dẻ nhẵn mịn không bệnh có thể có được thông qua cách bảo dưỡng da. Có câu: “Ngọc đẹp nhờ công đẽo, người đẹp nhờ công phu”. Đông y có nhiều cách bảo dưỡng da cũng như phòng các bệnh ngoài da như thuốc uống, thuốc đắp, kể cả thuốc tắm. Sau đây, xin giới thiệu một số bài thuốc tắm phòng bệnh ngoài da:

Bài 1:

cốc tinh thảo 45g, quyết minh tử 45g, bạch cúc hoa 45g, tang diệp 60g, nhân trần 45g, tang chi 45g, mộc qua 60g, thanh bì 60g. Đem tất cả các dược liệu trên cho vào nồi sắc lấy nước thuốc để tắm gội.

Phương này chủ yếu do các thuốc sơ phong thanh nhiệt, lợi thấp hợp thành. Tác dụng phòng chống các bệnh ngoài da vì có thể ức chế được nhiều loại vi khuẩn ngoài da.

Đặc biệt, tang chi (cành non cây dâu tằm) giỏi về khử phong hoạt lạc, thông lợi xương khớp và chữa phong ngứa khô táo toàn thân. Tổng hợp các vị trên phương này có tác dụng thanh lợi đầu mục, khử phong trừ thấp, thư gân hoạt lạc, sơ can lý khí.

Dùng bài thuốc này tắm gội có thể phòng chống các bệnh ngoài da, bảo vệ sự mạnh khỏe của da, làm da dẻ khỏe đẹp, ngoài ra còn có thể làm cho con người có cảm giác dễ chịu thoải mái.

bai-thuoc-tam-phong-benh-ngoai-da

Nhân trần.

Bài 2:

mộc qua 40g, tang diệp 40g, ý dĩ 40g, nhân trần 24g, cam cúc hoa 40g, thiền y 40g, hoàng liên15g, thanh bì 40g, ngô thù du 15g. Cho tất cả các vị thuốc vào nồi sắc rồi vớt bã thuốc, lọc lấy nước thuốc để tắm gội.

Trong phương thiền y sơ phong án nhiệt, thấu chẩn giảm ngứa, chữa da dẻ phong nhiệt phòng bệnh đậu sởi, sưng nhọt độc và có hiệu quả rất tốt với chứng ngứa ngoài da do phong tê dẫn đến.

Hoàng liên thiên về thanh nhiệt tả hỏa giải độc, là thuốc chủ yếu dùng chữa mụn nhọt. Tổng hợp các thuốc trên phương này có tác dụng sơ phong thanh nhiệt, trừ thấp giảm ngứa.

Sử dụng phương này có thể phòng chữa các bệnh ngoài da như đinh nhọt, mụn ghẻ, nấm da, ban sẩn gây ngứa… giúp cho da tươi mịn, khỏe mạnh.

bai-thuoc-tam-phong-benh-ngoai-da

Cốc tinh thảo.

Bài 3:

bát bạch tán (dùng để rửa mặt) gồm: bạch đinh hương, bạch cương tàm, bạch khiên ngưu, bạch tật lê, bạch cập mỗi loại đều 110g, bạch chỉ 75g, bạch phụ tử, bạch phục linh mỗi loại 18g, tạo giác 50g, đậu xanh một ít.

Tạo giác bỏ vỏ tước xơ rồi đem tất cả các vị thuốc nghiền thành bột mịn rồi trộn đều là thành. Hằng ngày, dùng bột này pha nước để rửa mặt. Trong phương này có 8 vị thuốc có chữ bạch đi đầu nên gọi bát bạch tán. Toàn phương hợp dùng có thể trừ chất bụi, chất nhờn bám trên da mặt, trừ phong giảm ngứa…

Dùng phương này rửa mặt có thể phòng chống được các bệnh về da mặt như trứng cá, nám, tàn nhang, ngứa ngáy…

BS Nguyễn Phương Hoa

Theo Suckhoedoisong.vn

Trị mụn thịt quanh mắt

ĐIỀU TRỊ MỤN THỊT QUANH MẮT (U TUYẾN MỒ HÔI)

Mụn thịt quanh mắt (u tuyến mồ hôi) tên khoa học là siringoma (syringoma) (dân gian hay gọi là mụn gạo) nổi lên chủ yếu xung quanh nền da vùng mắt, có khi lan lên trán, cổ, ngực, lưng... Lúc đầu mụn nhỏ trắng, sau to dần dày cộm. Tuy không viêm, tấy, đau nhức, không ảnh hưởng đến mắt nhưng lại làm mất thẩm mỹ của da mặt. Người có mụn thịt quanh mắt sẽ làm mất vẻ đẹp của làn da, trông già hơn tuổi và luôn luôn đượm nét buồn phiền.

Nguyên nhân: Từ hệ thống collagen là mạng lưới chất keo dưới lớp biểu bì có chức năng tạo nên hình thái của da. Những chất keo này dư thừa gây nên những nốt cộm dưới da. Nó hoàn toàn không mang tính di truyền.


Chữa trị: Mụn thịt quanh mắt - u tuyến mồ hôi không thể bôi thuốc hoặc uống bất cứ thứ thuốc nào mà hết được. Đã từng có biện pháp dùng áp Nitơ hay laser CO2 để bắn phá những mụn này, nhưng việc dùng laser chỉ có tính chất tạm thời trên bề mặt không hoàn toàn lấy hết được nhân mụn. Đặc biệt, laser để lại vết thâm rất lâu và dễ gây sẹo lõm, gây mất sắc tố da.

Hiện nay, với công nghệ mới chuyên ngành, những mụn thịt này được triệt tiêu ngay dưới lớp biểu bì, hạn chế gây tổn thương bề mặt da, chỉ trong một thời gian ngắn, vùng da điều trị sẽ trở nên nhẵn mịn, lấy lại vẻ đẹp tươi sáng mịn màng cho làn da mặt. Bệnh nhân bị mụn thịt quanh mắt để lâu ngày dẫn đến lan tỏa sơ cứng. Công việc điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém.Nên nếu bắt đầu có dấu hiệu của mụn thịt quanh mắt (u tuyến mồ hôi) bạn nên kiểm tra sớm để đề phòng bệnh bị kịch phát.

* Cam kết:

- Triệt tiêu hoàn toàn mụn thịt quanh mắt

- Không để lại sẹo

- Cấp giấy bảo hành lâu dài sau điều trị

* Thời gian và chi phí điều trị phụ thuộc vào kết cấu nhân mụn từng người. Nên Quý khách vui lòng đến khám trực tiếp để có câu trả lời chính xác.

Da khô rát bất thường mắc bệnh gì?

Trong tầm gần 1 tuần nay, da ở một số nơi trên người em bị rát đỏ và rất khô, gây ra tình trạng nứt nẻ ở mép, kẽ tai, kẽ mũi, khuỷu tay, cổ chân. Sau vài ngày thì thấy ở những vị trí đó nổi lên bọng nước kích thước chỉ bé bằng hạt gạo nhưng ngứa vô cùng, càng ngày càng nhiều và lan rộng. Mong bác sĩ giải đáp liệu em mắc phải bệnh gì và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn!

(phamho…@gmail.com).

lan-da

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải bệnh chốc.

Đây là loại bệnh ở da thường gặp do nhiễm liên cầu khuẩn. Bệnh mang tính lây lan cao, có thể bùng phát thành dịch trong gia đình hoặc cộng đồng.

Vị trí thường bị chốc là mặt, hai bên má, xung quanh các lỗ tự nhiên, da đầu và tay chân. Tuy nhiên, nếu người bệnh gãi nhiều thì vi khuẩn sẽ lây từ chỗ này sang chỗ khác làm cho bệnh lan ra khắp cơ thể.

Diễn biến của bệnh thường trải qua những giai đoạn cụ thể như sau:

- Ban đầu, da bị rát đỏ, sau đó xuất hiện bọng nước to bằng hạt đỗ, hạt ngô hoặc lớn hơn, chứa chất dịch màu vàng trong rồi nhanh chóng trở thành đục và hóa mủ.

- Bọng nước vỡ ra và đóng vảy tiết màu vàng giới hạn rất rõ, hơi lõm ở giữa. Khi cạy vảy, ở dưới là một vết trợt nông, tròn đều đặn, màu đỏ hồng. Xung quanh vảy tiết màu vàng thường có một viền vảy mỏng.

- Vảy tiết bong đi và da trở lại bình thường.

Các biến chứng xảy ra do không điều trị kịp thời, đúng tiên liệu là viêm hạch bạch huyết biến thành áp – xe. Nếu chốc lan quá rộng thì còn có thể dẫn đến chứng viêm cầu thận và nhiễm khuẩn huyết vô cùng nguy hiểm.

Những trường hợp nhẹ có thể điều trị tại chỗ. Cụ thể: làm bong vảy bằng dung dịch nước muối sinh lý (Natri clorid 0,9%); nếu vảy dày quá thì dùng mỡ salicylic 2 – 3% bôi 1 lần/ngày, trong 1 – 2 ngày cho vảy mềm, sau đó làm bong vảy và rửa sạch.

Chỉ điều trị toàn thân khi tổn thương lan rộng hoặc bệnh dai dẳng tái phát nhiều lần. Tuy nhiên cần chú ý nếu xuất hiện thêm triệu chứng sốt cao, người mệt mỏi thì cần đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở y tế chuyên khoa.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị kịp thời và thích hợp đối với tình trạng của mình.

Ngoài ra, em cũng nên cố gắng ăn ở vệ sinh, năng tắm giặt, gội đầu để tránh bị bội nhiễm. Đồng thời tuyệt đối không dùng chung các vật dụng cá nhân như chăn gối, quần áo, khăn mặt với những người xung quanh để tránh làm lây lan bệnh.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

(Theo Kenh14)

Viêm da vì dùng miếng dán chống muỗi

 

Có thể sử dụng mọi lúc,mọi nơi kể cả khi đi dạo,khi ngồi hay làm vườn và cả khi ngủ… tiện dụng song miếng dán chống muỗi gây không ít tác hại với người sử dụng,đặc biệt là trẻ em.

Dán đâu mẩn ngứa đó

Mùa thu độ ẩm không khí cao,nhiệt độ giảm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại côn trùng phát triển,đặc biệt là muỗi. Vì thế,thời gian này các bà mẹ thường tìm mọi cách tránh muỗi cho con và miếng dán chống muỗi được nhiều người lựa chọn.

Chị Hồng Nhung ở Hải Dương đưa đứa con trai 2 tuổi đến bệnh viện da liễu khám trong tình trạng tay,chân,lưng có nhiều mảng mẩn đỏ kèm theo nhiều vết trầy xước do bé gãi quá nhiều.

Theo lời kể của chị Nhung thì tình cờ một lần chị nghe được mấy mẹ có con nhỏ kháo nhau về miếng dán chống muỗi,sử dụng đơn giản chỉ cần dán vào người trẻ lũ muỗi không đến quấy rầy bé nữa mà giá cả cũng phải chăng. Chị tìm hiểu trên mạng thì đúng là có sản phẩm đó thật. Vậy là chị liền đặt mua một túi 10 miếng dán với giá 40.000 đồng về dùng cho con.

Tin rằng sản phẩm làm từ tự nhiên sẽ không độc hại,ngay lần đầu tiên sử dụng chị dán trực tiếp lên da bé. Mặc dù thấy cậu con trai tỏ ra khó chịu,ngồi không yên,đòi bóc ra nhưng thầm nghĩ chưa quen nên bé thấy vướng víu chứ không vấn đề gì. Chị cũng phải thừa nhận rằng miếng dán có hiệu quả “đuổi muỗi” thật,vì thế,chị “ép” con tiếp tục dán.

Hậu quả là,sau khi dùng hết cả túi 10 miếng dán liên tục trong vòng 10 ngày đã khiến toàn bộ phần da dán miếng chống muỗi bị phồng rộp,mẩn đỏ và ngứa. Bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị kích ứng da do các hoạt chất có trong miếng dán chống muỗi gây ra.

Không sử dụng đúng,hại cũng vô cùng

Rất nhiều phụ huynh chọn miếng dán chống muỗi làm “cứu tinh” xua đi nỗi lo muỗi đốt mà không gây hại cho bé. Tuy nhiên,để miếng dán có hiệu quả triệt để mà không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dán,các mẹ cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng của sản phẩm.

Không ít mẹ tự ý dán theo cách mà bản thân cho là tốt nhất,ví dụ như: miếng dán hướng dẫn không cần dán trực tiếp lên da hoặc tránh dán cho những bé có da mẫn cảm… nhưng các mẹ vẫn bỏ qua,không những dán trực tiếp lên da của con mà còn dán liên tục trong nhiều ngày… Điều này vô tình khiến da trẻ bị kích ứng,dị ứng gây mẩn ngứa,nổi mụn nước… thậm chí còn ảnh hưởng khứu giác,làm cho trẻ mất đi khả năng nhận biết mùi hương.


Trẻ gãi xước
da khi dán miếng dán chống muỗi. Ảnh minh họa

Bác sĩ Lê Quang Lộc chuyên khoa da liễu cho biết,cũng đã từng có bệnh nhân đến khám trong tình trạng tương tự. Nguyên nhân cũng là do sử dụng miếng dán chống muỗi dán trực tiếp lên da bé trong thời gian dài gây kích ứng da.

Các miếng dán này thường chứa tinh dầu bạc hà,bạch đàn,sả,khuynh diệp,cỏ chanh,tuyết tùng… Hầu hết các mẹ đều coi đây là những hương liệu thiên nhiên không nguy hại cho da nhưng thực chất đó cũng là các chất hóa học nên có thể có phản ứng phụ gây kích ứng cho da,nhất là đối với làn da nhạy cảm của trẻ em.

Chưa kể,những mùi hương như sả,bạch đàn rất dễ khiến trẻ không thích,nếu ngửi thường xuyên chất này khó tránh làm ảnh hưởng đến sự phân biệt mùi của khứu giác trẻ.

Bác sĩ Lộc cũng lưu ý,cần hết sức thận trọng khi sử dụng các sản phẩm bôi,dán trực tiếp vào da trẻ để tránh muỗi. Trước khi sử dụng các sản phẩm này cần chú ý xuất xứ,sản phẩm có được cấp phép lưu hành của cơ quan chức năng không và được thử kích ứng trước khi dùng và phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như dùng thử để xem phản ứng với da thế nào trước đã.

Sau khi sử dụng miếng dán trẻ có những biểu hiệu bất thường trên da như ngứa ở vùng miếng dùng miếng dán tốt nhất nên ngừng ngay và đưa trẻ đến ngày phòng khám chuyên khoa da liễu tại các bệnh viện để được thăm khám kết luận chính xác và điều trị kịp thời.

Có nhiều cách phòng chống muỗi,tốt nhất vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng chống muỗi theo khuyến cáo của ngành y tế. Không cách nào an toàn hơn là luôn ngủ mùng,ngày cũng như đêm,nhất là đối với trẻ em nên mặc áo dài,quần dài có màu sáng để tránh thu hút muỗi. Dọn vệ sinh sạch sẽ quanh nhà,tuyệt đối không để nước tù đọng trong các bể chứa,lu,chai lọ,diệt loăng quăng,bọ gậy,không cho muỗi có điều kiện sinh sản.

(Theo TTVN)

 

Một số bệnh ngoài da ở người cao tuổi

Với tuổi già, da sẽ có một số thay đổi và dễ xuất hiện một số bệnh ngoài da.Có những bệnh có thể tự chăm sóc, nhưng cũng có nhiều bệnh cần phải đi bác sĩ khám ngay.

Da khô

Da khô, có thể giảm thiểu bằng các phương thức như sau: Chỉ nên tắm hai hoặc ba lần mỗi tuần lễ, với nước lạnh hoặc nước ấm chứ không với nước quá nóng. Khi da quá khô và nóng, có thể lấy khăn mặt tẩm nước lạnh chườm lên da cho dịu cơn ngứa. Dùng xà bông loại đặc biệt cho da khô, chẳng hạn loại chứa chất glycerin. Mặc quần áo mỏng như lụa để da dễ tiếp xúc với không khí…

Viêm da ứ nước hạ chi

Nhất là ở phụ nữ trên 50 tuổi: da trở nên đỏ, sưng phù, sờ thấy hơi đau, da tróc. Nguyên do là sự ứ đọng nước dưới chân vì cản trở lưu thông của máu nơi tĩnh mạch. Khi gãi da khô đưa tới bầm loét da. Điều trị gồm có ngồi nâng cao chân, mang vớ đặc biệt để ép tĩnh mạch tránh ứ nước và đi bác sĩ để khám nghiệm, điều trị nguyên nhân.

Viêm tróc da

Lớp da trên bị tróc ra rất nhiều đồng thời da căng, lông rụng và thường thấy ở nam giới ngoài tuổi 40. Thường là do phản ứng với dược phẩm đang dùng. Có thể điều trị bằng chườm nước ấm, thoa kem chống ngứa. Không nên gãi để tránh vi khuẩn xâm nhập khiến da bị nhiễm trùng.

Da nhăn

Đây là những dấu hiệu của sự lão hoá da mà nguyên nhân thông thường nhất là do tác dụng của nắng. Người hút thuốc lá thường bị nhăn da nhiều hơn là người không hút. Da nhăn có thể làm mờ bớt với kem thoa có chất tretinoin.

Vết đồi mồi trên da

Vết đồi mồi không nguy hiểm nhưng có thể kém thẩm mỹ, cho nên nhiều người muốn tẩy bỏ. Các bác sĩ thẩm mỹ có thể dùng tia laser để xoá các vết này.

Loét da do tư thế nằm

Khi nằm hoặc ngồi liên tục ở cùng một vị trí, da có thể bị tổn thương thành ra loét, đặc biệt là ở bệnh nhân tiểu đường hoặc bại liệt sau đột quỵ. Để phòng tránh loét da, cần thay đổi tư thế nằm ngồi thường xuyên, chăm sóc da tại chỗ để tránh nhiễm trùng. Bác sĩ gia đình hoặc điều dưỡng y tá có thể hướng dẫn cách chăm sóc loét da.

Khi nào đi khám bác sĩ?

Đi khám bác sĩ ngay khi thấy trên da có những bất thường như sau: Quan sát da, khi nào thấy các mụn da non lớn bằng đồng xu, có màu xanh nhạt, đen hoặc đỏ với góc cạnh không đều mà lại rỉ máu thì đây có thể là một loại ung thư trên da do tiếp cận với ánh nắng mặt trời thường xuyên.

Tự nhiên toàn da nổi ban ngứa hãi hùng vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh gan, thận, tuyến giáp hoặc dị ứng mạnh. Nổi mụn nước hoặc ban đỏ nơi trán hoặc thái dương kèm theo mắt sưng đỏ vì đây có thể do virút bệnh shingles.

Ngứa kinh khủng ở nách, bàn tay, bụng, háng vì có thể bị bệnh cái ghẻ.

Những vùng đo đỏ trên da, đặc biệt là ở mông, lưng, xương cụt, khuỷu tay, gót chân là phải nghĩ tới loét da vì nằm lâu ở một vị trí (pressure sore). Da nổi ngứa ngay sau khi dùng một dược phẩm mới hoặc khi tăng liều lượng, có thể báo hiệu phản ứng thuốc và cần được bác sĩ đổi thuốc hoặc gia giảm liều lượng.

Da loét lâu lành kéo dài cả mấy tuần lễ mà ngày càng lớn, cần bác sĩ khám nghiệm, làm sinh thiết truy tìm ung thư.

BS NGUYỄN Ý ĐỨC

(Theo SGTT)

Bệnh giời leo có tái phát

Thông thường, bệnh zona (herpes zoster, shingles, giời leo) rất hiếm khi tái phát. Tuy nhiên, một nghiên cứu sau tám năm theo dõi vừa được công bố trên tạp chí Journal Watch General Medicine ngày 17-2-2011 cho thấy có hơn 6% bệnh nhân có hệ miễn dịch hoàn chỉnh bị zona tái phát.


Zona là bệnh có biểu hiện ngoài da, gây ra bởi chủng virus thủy đậu Varicella-zoster virus (VZV). Sau khi gây bệnh thủy đậu, virus tồn tại dưới dạng ngủ đông ở các tế bào thần kinh tủy sống trong nhiều năm và bị ức chế bởi hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Theo thời gian, khi bệnh nhân lớn tuổi và/hoặc hệ miễn dịch cơ thể suy yếu, các virus ngủ đông này sẽ tái hoạt động. Chúng di chuyển dọc theo lộ trình của dây thần kinh tủy sống ra da, gây tình trạng viêm hoại tử xuất huyết, làm bệnh nhân có cảm giác đau đớn, nóng rát kèm theo sự xuất hiện của hồng ban - chùm mụn nước và các hạch ngoại biên vùng lân cận sưng to. Sang thương thường chỉ xuất hiện một bên cơ thể tạo nên hình ảnh đặc biệt của bệnh zona.

6,2% tái phát zona

Các nhà nghiên cứu của Mayo Clinic (Rochester, Minnesota, Hoa Kỳ) đã phân tích lại hồ sơ bệnh án của 1.669 bệnh nhân zona từ 22 tuổi ở Olmsted County, Minnesota từ năm 1996-2001. Kết quả ghi nhận có 95 bệnh nhân bị zona tái phát, trong đó 87 người tái phát một lần và tám người bị tái phát hơn một lần. Đa số trường hợp tái phát đều xảy ra ở những người có hệ miễn dịch hoàn chỉnh. Như vậy, tỉ lệ zona tái phát trong gần tám năm theo dõi là 6,2%.

Nghiên cứu này cho thấy ngay cả đối với những người có hệ miễn dịch hoàn chỉnh nhưng có tiền sử bệnh zona, nguy cơ tái phát bệnh này vẫn xảy ra với một tỉ lệ khá cao, tương đương tỉ lệ mắc bệnh zona lần đầu tiên. Do đó, các tác giả khuyến cáo nên chủng ngừa zona cho cả những người đã bị zona.

Bệnh chỉ xảy ra ở những người từng bị thủy đậu (trái rạ). Trên 10% bệnh nhân thủy đậu sẽ mắc phải zona sau này, đặc biệt đối với những nhóm có nguy cơ cao như: nguời trên 60 tuổi; người được ghép thận hay ghép tủy xương; người bị nhiễm HIV/AIDS hay bị ung thư các loại; người đang dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch hoặc các thuốc loại corticoids lâu ngày để điều trị suyễn, viêm khớp; người có tiền sử chấn thương, nhiễm trùng...

Zona là một bệnh không lây. Tuy nhiên người chưa từng bị thủy đậu hay chưa được chủng ngừa thủy đậu có thể bị thủy đậu khi tiếp xúc với bệnh nhân zona. Trẻ em được chủng ngừa thủy đậu đầy đủ lúc nhỏ sẽ không bị thủy đậu, do đó không lo bị zona về sau.

Năm 2006, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã chấp thuận cho lưu hành Zostavax, thuốc chủng ngừa zona dùng cho những người từ 60 tuổi trở lên.

Bệnh mề đay, không chữa có sao không?

Cho tôi hỏi nếu bị bệnh mề đay thì đi khám ở đâu; nếu không điều trị thì có sao không, có gây biến chứng gì không? Vì tôi thấy nếu uống thuốc thì sau đó bệnh cũng tái phát. Với lại vì sao có người lúc nhỏ bị, nhưng lớn lên lại hết? Mong nhận được tư vấn rõ, xin cám ơn. (nguyentuyen@...)


Muốn khám và điều trị mề đay, bạn có thể đến bệnh viện da liễu, hoặc các phòng khám có chuyên khoa về da. Ngoài việc gây ngứa ngáy bên ngoài da, làm khó chịu, ở một số trường hợp nặng, người bệnh có thể bị khó thở (do phù nề niêm mạc đường hô hấp). Có nhiều nguyên nhân gây nổi mề đay (như: thực phẩm, thuốc, nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng, bệnh hệ thống, tiếp xúc với dị ứng nguyên theo đường hô hấp, do xúc cảm...).

Việc dùng thuốc sẽ giúp giảm bớt sự khó chịu về mặt triệu chứng (ngứa, phù nề). Muốn tránh tái phát, chúng ta phải loại bỏ nguyên nhân gây bệnh. Điều này không dễ, bởi vì có rất nhiều yếu tố gây khởi phát mề đay như đã liệt kê ở trên. Chúng có thể giống hoặc khác nhau giữa người này với người kia, và ngay cả trên cùng một bệnh nhân có khi do nhiều nguyên nhân khác nhau hợp lại.

Với trường hợp lúc nhỏ bị mề đay nhưng lớn lên lại hết, có thể được giải thích do nguyên nhân gây bệnh đã không còn tồn tại khi lớn (ví dụ: em bé bị mề đay do nhiễm giun, lớn lên xổ hết giun, ăn uống vệ sinh hơn nên không bị nữa, chẳng hạn).

Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương

Chuyển mùa, khổ vì mề đay

Mề đay (có nơi gọi là bệnh mày đay) là một bệnh dị ứng gặp khá phổ biến ở cộng đồng dân cư nước ta. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới, vùng, miền. Bệnh mề đay không phải là bệnh truyền nhiễm, tuy vậy bệnh hay tái phát, nhất là lúc thời tiết chuyển mùa.

Biểu hiện của bệnh mề đay.

Cơ địa nhạy cảm là yếu tố thuận lợi cho bệnh xuất hiện

Nguyên nhân gây nên bệnh rất phức tạp nhưng chủ yếu là do yếu tố cơ địa, tức là cơ thể dễ nhạy cảm với các yếu tố kích thích (yếu tố kích thích cũng rất đa dạng như nóng, lạnh đột ngột, một số thức ăn, phấn hoa, vi khuẩn, vi nấm, giun sán hoặc do tăng tiết chất cholin và ngay cả các loại thuốc (thuốc đông y, thuốc nam, tây y). Bệnh mề đay cũng có thể do di truyền... Sự xuất hiện bệnh mề đay là do phản ứng quá mẫn giữa kháng thể có sẵn trong cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ (dị nguyên).

Bệnh mề đay thường có 2 loại: cấp tính và mạn tính. Mề đay cấp tính thường xảy ra đột ngột và xuất hiện ở bất kỳ vùng da, niêm mạc nào trên cơ thể. Đầu tiên xuất hiện các nốt sẩn có màu hồng hoặc đỏ, phù nề, ngứa. Ngứa là triệu chứng điển hình nhất của mề đay và chính ngứa làm cho người bệnh rất khó chịu, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa, có khi ngứa phải gãi đến mức chảy cả máu tươi vẫn không đỡ ngứa. Nốt sẩn, ngứa có khi chỉ ở một vùng da nào đó trên cơ thể, có khi cả đám rộng nhưng có khi chỉ rải rác. Nốt sẩn, ngứa kéo dài vài ba phút đến vài ba giờ rồi lặn nhưng cũng có trường hợp mề đay kéo dài cả tuần không tự khỏi. Một số trường hợp bệnh nặng thì ngoài sự biểu hiện ở da, chúng còn có thể xuất hiện ở niêm mạc đường tiêu hóa gây đau quặn bụng, nôn, ỉa chảy.

Mề đay mạn tính gặp ở nhiều dạng khác nhau như dạng thành vòng, dạng thành vạch, dạng xuất huyết, dạng mụn nước. Đặc biệt là dạng phù Quincke (sưng mặt, mí mắt, môi, bộ phận sinh dục). Phù Quincke xảy ra đột ngột và kéo dài vài giờ.

Cũng nên lưu ý rằng ở một người có cơ địa dị ứng, ví dụ như bị chàm, tổ đỉa, viêm da dị ứng, hen suyễn, viêm mũi, xoang dị ứng… với sự thay đổi của thời tiết, nhất là lạnh thì bệnh mề đay càng dễ tái phát. Việc chẩn đoán bệnh mề đay không khó, chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Tuy vậy, việc chẩn đoán nguyên nhân gây nên bệnh mề đay còn gặp không ít khó khăn bởi vì các loại dị nguyên gây nên bệnh rất đa dạng, kèm theo đó là yếu tố cơ địa hoặc di truyền.

Khi nghi ngờ bị bệnh mề đay, nên làm gì?

Mề đay có thể gây ra phù não

Bệnh mề đay cũng có thể xảy ra ở tổ chức não gây phù não hoặc xảy ra ở đường hô hấp như thanh - khí quản gây phù nề, khó thở cấp tính rất nguy hiểm đến tính mạng. Còn loại mề đay mạn tính thì thường xẩy ra kế tiếp nhau nhiều lần trong tuần, trong tháng hoặc trong năm, có khi là cách quãng nhưng có khi là liên tiếp trong nhiều ngày. Biểu hiện của mề đay mạn tính có khi chỉ một số nốt mẩn, ngứa trên da nhưng có khi là rất nhiều nốt mẩn ngứa tạo thành một mảng hoặc nhiều mảng trên các vùng da khác nhau có hình loang lổ như da hổ.

Mề đay cũng có thể gặp những loại gây nguy hiểm cho tính mạng (ở đường tiêu hóa, đường hô hấp hay tổ chức thần kinh), vì vậy, khi nghi ngờ bị bệnh mề đay, nên đến khám bác sĩ để được xác định, điều trị dứt điểm và đề phòng biến chứng xảy ra. Nếu xác định được nguyên nhân thì việc chỉ định thích hợp và phòng tái phát cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Từ ngày phát minh ra thuốc kháng histamin, nhất là các loại kháng histamin tổng hợp thì việc điều trị các bệnh dị ứng, đặc biệt là bệnh mề đay có hiệu nghiệm hơn rất nhiều.

 

Ăn, uống cũng đóng góp khá tích cực trong việc phòng bệnh mề đay tái phát. Người bị bệnh mề đay nên kiêng các loại thức ăn dễ gây bệnh mề đay như tôm, cua, ốc. Không nên uống rượu, bia bởi vì đây là yếu tố thuận lợi cho bệnh mề đay tái phát. Mùa lạnh cần mặc đủ ấm, nhất là khi có gió mùa Đông Bắc tràn về và khi ra khỏi nhà. Cần giữ vệ sinh môi trường sống, vệ sinh răng miệng, mũi họng để tránh mắc các bệnh do vi sinh vật gây ra bởi các độc tố của chúng và cũng là các loại dị nguyên lạ đối với cơ thể. Để phòng bệnh mề đay do giun sán, nên tẩy giun định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi bị bệnh mề đay, nên hạn chế gãi để tránh gây chảy máu làm da bị bội nhiễm gây viêm da, mưng mủ gây khó khăn cho việc điều trị và đôi khi còn gây nguy hiểm (ví dụ như nhiễm khuẩn huyết).

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

Bệnh về da ở người lớn tuổi

Mắc một số bệnh về da là điều phổ biến ở người có tuổi. Một số bệnh da liễu được xem là một phần bình thường của tuổi già, song một số bệnh khác có thể là do sức khỏe của bạn có vấn đề.

Theo Bách khoa toàn thư ADAM, da của bạn sẽ gặp rắc rối nếu bạn ở trong các trường hợp sau: 1. Bạn mắc chứng xơ cứng động mạch hoặc bệnh nào khác về mạch máu; 2. Mắc bệnh tiểu đường; 3. Bị bệnh tim hoặc gan; 4. Thiếu dinh dưỡng; 5. Béo phì; 6. Phản ứng lại với một loại thuốc nào đó; 7. Đang bị căng thẳng.

Trời lạnh, coi chừng bệnh xơ cứng bì nguy hiểm

Đầu ngón tay đột nhiên trắng bệch rồi hồng trở lại khiến nhiều người chủ quan. Các bác sĩ khuyến cáo đây là bệnh xơ cứng bì và khá nguy hiểm.

Căn bệnh này nếu kéo dài sẽ làm co mạch, gây thiếu máu các đầu chi, dẫn đến hoại tử, loét phần mềm các đầu chi.

Dễ khởi phát vào mùa đông

Theo thạc sĩ Bùi Hải Bình, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, biểu hiện hay gặp nhất của bệnh là ở da như da xơ cứng, không có độ co giãn, đàn hồi. Ban đầu, bệnh nhân thường gặp phải triệu chứng Raynaud (các ngón tay, chân đột nhiên trắng bệch, rồi chuyển sang tím, sau vài phút thì hồng hào trở lại). Triệu chứng này có thể xảy ra kín đáo một bên rồi sau lan sang cả hai bên. Nhiều nghiên cứu cho thấy dấu hiệu đau khớp và hội chứng Raynaud xảy ra ở 90% bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có triệu chứng sốt, mệt mỏi, ăn uống kém. Sau đó, bệnh tiến triển, dần dần da trở nên dầy, kém đàn hồi và mất các nếp nhăn bình thường.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng sẽ cảm thấy khó há miệng do xơ các cơ ở vùng miệng, nuốt thức ăn khó khăn hơn do xơ cứng thực quản. Đặc biệt vào mùa lạnh, nhiệt độ thấp làm mạch máu co lại, sự vận chuyển máu và các chất điện giải, dinh dưỡng kém đi, dẫn đến thiếu các chất này. Đây chính là yếu tố làm bệnh khởi phát hoặc làm nặng thêm.

Để phòng xơ cứng bì, nên đi găng tay khi tiếp xúc lâu với môi trường lạnh. Ảnh: L.Bình.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Theo bác sĩ Bình, xơ cứng bì là bệnh gây ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan của cơ thể. Trước hết hội chứng Raynaud xuất hiện làm co thắt mạch, sự nuôi dưỡng các chi kém đi, co mạch không hồi phục gây thiếu máu đến các đầu chi, dẫn đến hoại tử, loét phần mềm các đầu chi. Các khớp cứng, không vận động được. Khi phát triển mạnh dẫn đến xơ cứng bì sẽ làm ảnh hưởng đến thực quản, dạ dày, thận làm cho người bệnh dễ bị viêm dạ dày, suy thận… Nguy hiểm hơn, bệnh sẽ gây những biến chứng đến tim, phổi như xơ phổi, khó thở và các bệnh lý về phổi cho bệnh nhân như tăng áp động mạch phổi, gây xơ hóa cơ tim, rối loạn các dẫn truyền của tim mạch, dẫn đến suy tim gây tử vong.

Căn bệnh này điều trị khá phức tạp nên tốt nhất là nên chú ý các phương pháp dự phòng nhằm giảm bớt các triệu chứng hoặc tránh bệnh khởi phát. Nên giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với môi trường lạnh, trong điều kiện bất khả kháng thì nên đi găng tay để bảo vệ các đầu chi. Ngoài ra, chấn thương về mặt tình cảm cũng có thể là nguyên nhân gây ra các khởi phát bệnh, vì vậy cần tránh các stress về cảm xúc, tránh khói thuốc lá, thuốc lào. Còn người mắc bệnh nên ngâm nước ấm, massage da và thực hiện một số bài tập để rèn luyện, phục hồi chức năng như tập thở để phổi khỏi bị khô cứng, luyện tập các khớp để ngăn ngừa quá trình xơ hóa và dính các khớp.