Chuyên mục lưu trữ: Bệnh Gan- Viêm gan

Dinh dưỡng cho người mắc bệnh gan

Khi mắc các bệnh về gan, nhất là viêm gan, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc chuyển hóa các loại thực phẩm và làm cho người bệnh mất cảm giác thèm ăn hay chán ăn. Mặt khác, nếu dùng chế độ dinh dưỡng không phù hợp khi mắc bệnh về gan sẽ làm cho bệnh lý về gan càng nặng thêm.

Dinh dưỡng phù hợp trong bệnh lý viêm gan là thực hiện chế độ ăn uống có sự cân đối giữa các thành phần như đường, chất béo, chất đạm, các vitamin và khoáng chất. Chế độ dinh dưỡng này tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh.

Dinh dưỡng hợp lý giúp gan hồi phục tốt khi mắc bệnh
Trong bệnh lý viêm gan cấp

Trong bệnh lý viêm gan cấp, các tế bào gan bị phá hủy cấp tính cho nên các chức năng hoạt động bình thường của gan bị xáo trộn và được biểu hiện bằng các dấu hiệu mệt mỏi và rối loạn tiêu hóa: chán ăn, ăn không tiêu, sình bụng, tiêu chảy, nhất là hay buồn nôn và nôn ói. Khi có một trong các dấu hiệu trên nhất thiết phải đến ngay các bác sĩ chuyên khoa để được khám và được hướng dẫn phương pháp điều trị kịp thời. Đồng thời, người bệnh phải áp dụng chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý với các loại thức ăn, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho cơ thể, không nên kiêng ăn quá mức. Các loại thức ăn dành cho người bệnh trong giai đoạn này là những loại dễ tiêu hóa, dễ hấp thu như: ngũ cốc, đường, mật ong và hoa quả ngọt. Đối với chất đạm, nên chọn loại có giá trị dinh dưỡng cao nhưng ít chất béo như lòng trắng trứng, cá nạc, sữa không béo, đậu hũ…với số lượng khoảng 50 - 70g mỗi ngày. Tuy nhiên, cần tránh quan niệm cho rằng “ăn chuối để chữa bệnh viêm gan”, vì chúng không có giá trị trong điều trị bệnh mà đó chỉ là những lời truyền miệng không có chứng cứ khoa học.

Trong trường hợp viêm gan quá nặng với các triệu chứng vật vã, lơ mơ thì phải giảm lượng đạm xuống dưới 40g mỗi ngày, vì chất được chuyển hóa từ đạm là amoniac (NH3) không còn được gan đào thải mà sẽ tích tụ trong máu dễ dẫn đến hôn mê gan. Mặt khác cũng cần thiết phải giảm cung cấp chất béo, chỉ sử dụng khoảng 15g mỗi ngày, tuyệt đối không ăn các loại thức ăn có nhiều cholesterol như óc, tim, gan, lòng heo, lòng đỏ trứng vì viêm gan có thể dẫn đến tắc mật cho nên không tiêu hóa hết các chất béo mà cần phải ăn nhiều rau quả tươi để cung cấp chất khoáng và các vitamin cần thiết giúp cho gan hoạt động tốt hơn

Khi mắc bệnh gan tuyệt đối phải ngưng hẳn rượu bia và các thức uống có cồn cho đến khi gan hồi phục hoàn toàn. Khi sử dụng các loại thuốc tân dược cũng cần phải hết sức thận trọng vì có một số thuốc cũng có thể gây độc cho gan như thuốc an thần, các thuốc giảm đau kháng viêm, trong đó có cả paracetamol mà trong cộng đồng hiện đang dùng rộng rãi. Những người có tiền căn viêm gan mà mắc các loại bệnh khác, khi đến khám bệnh, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết để có sự lựa chọn thuốc cho phù hợp tránh làm nặng thêm tình trạng bệnh lý của gan. Nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng nhọc cũng là biện pháp hỗ trợ giúp cho gan hồi phục nhanh hơn. Khi gan hồi phục hoàn toàn, có thể ăn uống trở lại như bình thường.

Trong bệnh lý viêm gan mạn

Khi gan bị viêm mạn tính, hầu hết người bệnh không có biểu hiện gì đặc biệt mà vẫn cảm thấy sinh hoạt và ăn uống bình thường mặc dù chức năng gan đã có sự biến đổi ngày càng nhiều theo chiều hướng xấu hơn. Tuy nhiên, vẫn có một số ít người bệnh có cảm giác mệt mỏi và ăn uống kém đi.

Trong trường hợp này thì chế độ ăn cũng phải cân đối giữa các như chất đường, đạm, béo và tuyệt đối phải cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể. Vì có ăn uống đầy đủ chất và cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể thì mới có đủ sức kháng cự lại tình trạng viêm nhiễm của gan cũng như chống lại các tác dụng phụ do thuốc dùng trong quá trình điều trị gây ra. Khi người bệnh chưa có cảm giác mệt mỏi, chán ăn thì không nên quá kiêng khem trong ăn uống. Vì như thế sẽ làm cho người bệnh cảm thấy chán ăn, ăn uống kém, từ đó người bệnh càng mệt mỏi hơn, thiếu sức đề kháng của cơ thể và làm cho bệnh gan bị nặng hơn.

Tuy nhiên, trong chế độ ăn hàng ngày, người bệnh cũng không nên ăn các thức ăn có quá nhiều gia vị và dầu mỡ vì sẽ làm cho đầy bụng vì khó tiêu, nên ăn các loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao mà dễ tiêu hóa như đậu nành, đậu hũ... Cũng cần cung cấp đầy đủ chất bột, đường thông qua các loại bánh, trái cây ngọt để tránh tình trạng hạ đường huyết. Mặt khác, trong bệnh lý viêm gan mạn tính, người bệnh tuyệt đối không được uống rượu bia và các loại thức uống có cồn vì như thế sẽ làm cho tình trạng viêm của gan càng nặng thêm. Để giúp gan hồi phục, trong quá trình điều trị cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất. Nếu viêm gan mạn do rượu, cần phải bổ sung thêm vitamin nhóm B và acid folic đồng thời phải nghỉ ngơi và sinh hoạt bình thường, nên tập thể dục, thể thao vừa sức, tránh lao động quá nặng nhọc.

Trong vàng da tắc mật

Trong trường hợp có vàng da do tắc mật, người bệnh thường bị tiêu chảy và phân sẽ có váng mỡ do mật không được bài tiết xuống ruột đầy đủ để tiêu hóa chất béo. Ở trường hợp này, trong chế độ ăn phải hạn chế các chất mỡ động vật mà nên dùng các loại dầu nhất là dầu đậu nành để giúp thức ăn dễ tiêu hóa hơn.

BS. HỒ VĂN CƯNG

(suckhoe-doisong)

Phòng bệnh gan bằng cây Diệp hạ châu đắng

Diệp hạ châu đắng (còn gọi là cây chó đẻ) thân xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa thuộc nhóm xanthones, có tác dụng ức chế mạnh quá trình peroxyd hóa lipid ở tế bào gan, do đó hạn chế hiện tượng viêm, hoại tử tế bào gan.

Diệp hạ Châu đắng - Sức khỏe và Đời sống

Loài cây này có tên khoa học là Phyllathus amarus Schum.et Thonn, họ thầu dầu phân bố khắp các vùng nhiệt đới cổ. Tại Việt Nam, diệp hạ châu đắng mọc hoang trên đất ẩm ở nhiều nơi. Đây là loại cây thảo, cao chừng 10-40 cm, ít phân cành, màu lục (khác với diệp hạ châu gọt thân đỏ). Diệp hạ châu đắng có thể dùng toàn cây, thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi sấy khô.

Nghiên cứu mới của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho thấy một phần 15 dân số Việt Nam thường xuyên sử dụng bia rượu, kéo theo những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, gây tổn hại nặng đến gan với các bệnh như gan nhiễm mỡ, viêm, xơ gan do rượu.

Theo một báo cáo tổng hợp của bác sĩ Lê Minh Khôi – Bệnh viện TW Huế nghiên cứu thực hiện năm 2010, 40% người thường xuyên sử dụng bia rượu (trong nhóm được tổng hợp) mắc chứng gan nhiễm mỡ; 10% số đó tiến triển thành ung thư gan. Khoảng một phần hai số bệnh nhân viêm gan do rượu nặng sẽ tiến triển thành xơ gan và khoảng một phần tư tổng số bệnh nhân viêm gan do rượu ở mức độ nhẹ có thể bị xơ gan những năm sau. Bệnh nhân xơ gan thường tử vong do các biến chứng như bệnh não, xuất huyết tiêu hóa, suy kiệt nặng, ung thư gan…

Việc sử dụng các biện pháp bảo vệ gan từ sớm rất cần thiết. Hiện nay, xu hướng sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc dược liệu đang được ưa chuộng vì tính an toàn và có thể sử dụng thường xuyên, lâu dài. Các dược liệu tốt cho gan như actiso, hoàng bá, vọng cách, nhân trần, cà gai leo…, trong đó, cây diệp hạ châu đắng được đánh giá cao.

Diệp hạ châu đắng đã được sử dụng hơn 2.000 năm nay. Theo y học cổ truyền, loài thuốc này vị đắng hơi ngọt, tính mát, quy kinh vào can, đởm nên có tác dụng kích thích tiêu hóa, tăng tiết mật. Công dụng chính là thanh can lương huyết (mát gan, mát máu), giải độc. Trong dân gian, diệp hạ châu đắng được sử dụng để điều trị viêm gan vàng da, rối loạn tiêu hóa.

Những tác dụng này cũng đã được y học hiện đại công nhận và sử dụng. Chất đắng (phyllathin, hypophyllanthin, triacontanal) trong diệp hạ châu đắng có nhiều tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là khả năng giải độc, khôi phục chức năng bình thường của gan, tốt trong các trường hợp suy giảm chức năng gan do sử dụng nhiều bia rượu. Các chất này làm gia tăng lượng glutathione – chất bảo vệ gan thường bị thiếu trầm trọng ở những người thường xuyên sử dụng bia rượu. Năm 1995, các nhà khoa học Brazil cũng phát hiện tác dụng giảm đau mạnh và bền vững của loài cây này. Tác dụng này được cho là do acid gallic, có ý nghĩa trong tình trạng viêm gan, tổn thương gan do bia rượu.

Bác sĩ Hoàng Hiệp
Viện Y học Cổ truyền Quân đội

suckhoevadoisong.net

Những lo lắng về bệnh viêm gan B

Xin cho em hỏi viêm gan B có ăn được trứng gà và trứng vịt lộn không?
> TƯ VẤN SỨC KHỎE TRỰC TUYẾN

Hỏi: Xin cho em hỏi viêm gan B có ăn được trứng gà và trứng vịt lộn không?

Nguyen Dac Hung
Trả lời: Có nhiều ý kiến khuyên kiêng trứng nhưng thực tế cho thấy lòng trắng trứng chứa nhiều methionin, eytein, eystin là các acid amin bảo vệ gan. Lòng đỏ trứng chứa nhiều chất béo nhưng chất béo này là phosphatidylcholin (lecithin) tốt cho gan. Trứng có chứa lượng sinh tố nhóm B. Như vậy trừ những người bị dị ứng với trứng, người bệnh về gan có thể ăn trứng gà và trứng vịt lộn bình thường.

---

Hỏi: Em đi xét nghiệm viêm gan B và kết quả là: HBsAg( ECL) 0.770 (<0.9 COI) Anti HBS(ECL) 2.00 (<10 mUI/ml) Anti HBC total (ECL 1.35 (>1.0 COI). Bác sĩ làm ơn giải thích cho em biết kết quả này là như thế nào?

Hỏi
Trả lời: Kết quả trên là kết quả định lượng virus viêm gan B và kháng thể chống virus viêm gan B. Với kết quả như trên thì bạn không bị viêm gan B và cũng chưa có kháng thể chống virus viêm gan B. Bạn nên đi tiêm phòng. Xét nghiệm Anti HBC total là xét nghiệm tìm kháng thể kháng viêm gan C. Kết quả này thể hiện trước đây bạn đã từng tiếp xúc qua virus viêm gan C.

---

Hỏi: Em bị viêm gan B cách đây 10 năm, bắt đầu uống thuốc điều trị được 4 năm nhưng xét nghiệm VGB vẫn còn dương tính (3 tháng làm XN 1 lần). Định lượng virus thì âm tính, men gan hơi cao hơn mức bình thường (khoảng 50), các xét nghiệm khác thì đều trong mức cho phép. Xin cho hỏi bác sỹ em có phải uống thuốc tiếp tục không? Và bệnh của em có thể hết không hay sẽ phải uống thuốc điếu trị suốt đời? Cám ơn bác sỹ.

Lê Thanh Duy

Trả lời: Bạn cần cho biết rõ số lượng virus định lượng là bao nhiêu vì nếu bạn đã viêm gan B dương tính thì chắc chắn định lượng sẽ có số lượng virus chứ không cho kết quả âm tính hay dương tính được. Bệnh viêm gan B hiện tại chưa có thuốc đặc trị chữa khỏi hoàn toàn mà người bệnh sẽ sống chung với bệnh suốt đời. Do đó bạn cần thăm khám và theo dõi uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ

---

Hỏi: Tôi bị viêm gan B mãn tính, đi khám ở ĐH Y Dược TPHCM và được các bác sỹ cho uống thuốc đặc trị Lamivudin và Adefovir được hơn 3 năm, cứ 6 tháng tôi lại làm xét nghiệm tổng quát và định lượng virus, 2 năm nay xét nghiệm định lượng thì âm tính nhưng men gan còn cao hơn mức giới hạn (58/45) và vẫn còn dương tính VGB. Xin hỏi bác sỹ: - Tình trạng của tôi hiện tại có nghiêm trọng không? - Có cần phải uống đặc trị tiếp không, nếu uống tiếp thì phải uống trong bao lâu nữa (các xét nghiệm 2 năm trở lại đây đều gần giống nhau) và nếu uống tiếp thì có về âm tính viêm gan B không? Xin cám ơn các bác sỹ!

Le Thanh Vu
Trả lời: Nếu đã bị viêm gan B thì định lượng chắc chắn sẽ có số lượng virus  chứ không cho kết quả âm tính hay dương tính được. Do đó bạn nên mang các kết quả xét nghiệm đến nơi bạn đã khám và làm xét nghiệm để bác sĩ tư vấn cụ thể cho bạn. Bệnh viêm gan B hiện tại chưa có thuốc đặc trị chữa khỏi hoàn toàn mà người bệnh sẽ sống chung với bệnh suốt đời. Do đó bạn cần thăm khám và theo dõi theo chỉ định của bác sĩ.

---

Hỏi: Tôi bị viêm gan B mãn tính từ năm 2006 và liên tục uống thuốc Baraclude ngày 1 viên. Và như vậy có phản ứng phụ gì không? Xin bác sĩ tư vấn giúp BHYT cấp những loại thuốc nào cho bệnh nhân BHYT như tôi - tôi tham gia BHYT từ ngày đi làm cho đến ngày về hưu. Năm nay tôi 63 tuổi. Xin cảm ơn bác sĩ.

Nguyen Van Hung

Trả lời: Bạn cần làm xét nghiệm HBeAg, NBV – DNA, men gan mới kiểm tra được thuốc này có tác dụng phụ với cơ thể bạn hay không. Về chế độ cấp thuốc cho bệnh nhân BHYT thì có rất nhiều loại và mỗi nơi, mỗi bệnh viện lại sử dụng loại thuốc khác nhau. Do đó bạn nên đến trực tiếp nơi bạn khám BHYT để hỏi thông tin chi tiết.
BS Phạm Văn Đài

Tư vấn bởi Phòng khám Medelab, 41 Nguyễn Thượng Hiền, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Ngay từ bây giờ bạn đọc có thể gửi câu hỏi vào phần Gửi ý kiến của bạn ở phía dưới, hoặc địa chỉ: toasoan@giadinh.net.vn. Các bác sỹ của Phòng khám Medelab sẽ tư vấn và trả lời tất cả các câu hỏi về mọi lĩnh vực liên quan đến sức khỏe của bạn trong thời gian sớm nhất.

(suckhoe-doisong)

Hỏng gan vì uống atiso, trà suốt ngày

Từ quan điểm “mát gan”, nhiều người đang dùng một số loại nước có pha dược thảo như nước uống suốt ngày.

Việc sử dụng như thế là không đúng cách nên chẳng những đã không mát gan mà có khi còn hại gan một cách oan uổng. Dưới đây là hai thí dụ cụ thể:

Gan chưa mát, bụng đã trướng

Không thiếu người uống nước atisô cả lít mỗi ngày vì nghe nói uống như thế vừa bổ gan vừa đẹp da vừa trị đau bao tử nhưng sau đó lại bị đầy hơi khó chịu, đến bữa ăn bụng đói cồn cào nhưng mới ăn vài miếng thì đã no, trong khi con mắt còn thèm.
Atisô đúng là vị thuốc rất tốt để nhuận gan, lợi mật và để phục hồi nhu mô gan nên được dùng để giải độc cho cơ thể, nhất là ở đối tượng hút thuốc, uống rượu, làm việc trong môi trường ô nhiễm, người bị tăng mỡ máu… Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng cũng nên dùng atisô hỗ trợ chức năng biến dưỡng chất béo nhằm giảm bớt gánh nặng cho lá gan, trái thận và khung ruột. Nên nhớ là vết loét trên niêm mạc dạ dày, tá tràng sẽ rất lâu lành ở người cao mỡ máu, béo phì.

Nhưng không nên vì thế mà tự đầu độc bằng lượng atisô quá cao. Bởi cũng vì tác dụng tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột mà atisô nếu lạm dụng vì dùng quá thường xuyên hoặc mỗi lần dùng quá nhiều thì có thể gây co thắt toàn bộ cơ trơn của đường tiêu hóa. Cứ co vào giãn ra thì vết loét khó lành đồng thời nạn nhân sớm muộn cũng đầy hơi trướng bụng.

Táo bón như chơi

Nhiều người có thói quen chỉ uống trà thay nước trắng. Cũng như atisô, trà, dù là trà xanh hay trà đen, cũng là thuốc tốt vì hoạt chất kháng ôxy hóa trong trà (cụ thể là chất ECPG) có công năng phòng chống xơ vữa mạch máu, ngăn ngừa ung thư cho đối tượng phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, với hóa chất công nghiệp, nông nghiệp… Bằng chứng là các nhà nghiên cứu gần đây đã khuyên nên uống trà xanh khoảng 30 phút trước khi ra nắng để hoạt chất trong trà rải đều khắp cơ thể nhằm phong bế tác hại của tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt.

Nhưng bên cạnh đó, có hai điểm bất lợi thấy rõ khi chúng ta uống hơn 1 lít nước trà trong ngày. Đó là: Chất chát trong trà khiến khung ruột co thắt rồi đến lúc thành co cứng. Ẩm khách vì quá yêu trà sau đó sẽ trở thành nạn nhân của chứng táo bón; lượng sắt trong trà bao giờ cũng chiếm ưu thế khi tương tranh với các khoáng tố khác. Người yêu trà vì thế tuy thừa sắt nhưng lại thiếu nhiều khoáng tố vi lượng khác như kẽm, crôm, mangan… Đây lại là những nhân tố cần thiết cho hệ miễn dịch, biến dưỡng, thần kinh giao cảm. Lạm dụng nước trà vì thế có thể dẫn đến mệt mỏi, biếng ăn, buồn chán…

Tăng gánh nặng cho gan

Không chỉ riêng với atisô hay trà mà với cây thuốc nào cũng thế, người bệnh và ngay cả người chưa bệnh nhưng muốn phòng bệnh cũng không nên tự ý dùng thuốc theo lời đồn. Đừng quên là hoạt chất nào muốn nên thuốc cũng thế, phải được lá gan chuyển hóa mới triển khai được tác dụng như mong muốn. Gan thậm chí phải làm việc đến hai lần vì hoạt chất nào cũng vậy, dù là hóa chất tổng hợp hay dẫn xuất từ nguồn gốc thiên nhiên, sau khi tác dụng đều phải được gan biến thể lần nữa thành dạng không độc cho cơ thể trước khi theo đường bài tiết.

Mang hoạt chất vào cơ thể với liều lượng thái quá trong trường hợp không cần thiết thì chỉ tăng thêm gánh nặng giải độc cho lá gan. Tệ hơn nữa, nếu lá gan trước đó đã mệt nhoài vì gia chủ vướng một bệnh mãn tính nào đó.

Ngay cả khi dùng thuốc bổ cũng phải cân nhắc lợi hại. Không có thứ thuốc nào như thiên hạ thường đồn thổi là nếu không bổ chiều dọc cũng bổ chiều ngang. Vì đã là thuốc thì chỉ có thuốc tốt hay thuốc độc.
Theo BS Lương Lễ Hoàng
Người lao động

Phòng và trị viêm gan siêu vi B

Viêm gan siêu vi B (VGSV B) là bệnh gan do siêu vi viêm gan B (SVVG B) gây ra. Bệnh này khá phổ biến ở nước ta (hiện nay tỷ lệ nhiễm SVVG B mạn tính khoảng 10-20% dân số).

VGSV B mạn làm gan thương tổn dẫn đến xơ gan, ung thư gan thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, có thể đề phòng nhiễm SVVG B một cách chắc chắn, tự bảo vệ cho mình và người thân khỏi căn bệnh này.

Những ai cần xét nghiệm viêm gan?

VGSV B lây nhiễm qua đường máu. Ở nước ta, đường lây truyền chủ yếu là từ người mẹ mang SVVG B truyền sang con trong lúc sinh nở (không phải trong thời kỳ mang thai).

Ngoài ra, SVVG B có thể lây qua quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm hoặc lây do truyền máu hay dùng chung dụng cụ có dính máu người nhiễm (như kim tiêm, châm cứu, xăm mình, bàn chải răng, dao cạo râu…).

Đa số người bị VGSV B không hề có triệu chứng rõ ràng. Chỉ khoảng 1/4 số bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, biếng ăn, buồn nôn, đau tức vùng dưới sườn phải, tiểu sậm màu, vàng mắt, vàng da… Cách duy nhất để phát hiện bệnh là làm xét nghiệm máu tìm HbsAg (kháng nguyên bề mặt của SVVG B) và HbsAb (kháng thể tương ứng).

[img]http://www.phunuonline.com.vn/suckhoe-dinhduong/2011/Picture/Hung/09Thang2/tiem-ngua-viem-gan-b.jpg[/img]
Chích ngừa viêm gan siêu vi B - Ảnh: Slump

Nói chung, ở vùng lưu hành bệnh cao như Việt Nam, nếu có điều kiện thì nên chủ động làm xét nghiệm tầm soát SVVG B. Nếu bạn được chẩn đoán nhiễm VGSV B mạn thì nên khuyến khích người thân làm xét nghiệm xem có bị nhiễm không.

1/ Những người có kết quả xét nghiệm âm tính (chưa nhiễm SVVGB) nên được tiêm ngừa VGSV B.

2/ Những người có kết quả dương tính (nhiễm SVVG B) nên đi khám để được tham vấn cách xử trí thích hợp.

Hiện có những lựa chọn chữa trị nào?

VGSV B trải qua hai giai đoạn: cấp tính và mạn tính. Giai đoạn cấp tính: bệnh mới mắc, dưới sáu tháng. Đa số không có triệu chứng. Giai đoạn mạn tính: khoảng 90% người trưởng thành và trẻ lớn khỏi bệnh hoàn toàn, và chỉ khoảng 10% sau sáu tháng vẫn chưa hết SVVG B, tức bệnh đã chuyển thành mạn tính. Tình hình ngược lại ở trẻ mới sinh và trẻ nhỏ: chỉ 10% khỏi bệnh và 90% chuyển thành mạn tính.

Các bệnh nhân VGSV B mạn tính nói chung: 80% biểu hiện lâm sàng gần như bình thường nhưng những người này vẫn có thể truyền siêu vi cho người khác; 20% còn lại bị những đợt viêm gan kéo dài, bệnh tiến triển âm thầm dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Các cách chữa trị hiện nay có thể làm giảm bớt số lượng siêu vi trong máu của bệnh nhân, từ đó hạn chế các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Hiện có nhiều loại thuốc điều trị bệnh (dạng tiêm và uống). Chỉ các bác sĩ điều trị mới có thể chọn lựa loại thuốc thích hợp nhất cho bạn. Hãy cùng bàn thảo với bác sĩ để có được hiệu quả điều trị tốt nhất.

Chữa trị VGSV B mạn là quá trình rất khó khăn, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ và lâu dài giữa bệnh nhân và bác sĩ. Luôn dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và tái khám đều đặn để theo dõi hiệu quả của việc chữa trị bệnh.

Hãy cố gắng giữ cho gan khỏe mạnh bằng cách:

- Tránh uống rượu và hút thuốc.

- Ăn uống điều độ, cân bằng giữa các thành phần như thịt cá, trái cây, chất béo và chất đường.

- Tập thể dục vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý.

BS Trương Bá Trung
(BV ĐH Y Dược TP.HCM)

Loại bỏ ‘tiền chất ma túy’ trong thuốc cảm: Một xu hướng tiến bộ vì cộng đồng .

Nhận thấy nguy cơ lớn từ việc thu gom thuốc có chứa 'tiền chất ma túy'- Pseudoephedrine (PSE), nhiều quốc gia đã có khuyến cáo hạn chế mua bán, đồng thời có những biện pháp kiểm soát trên góc độ quản lý. Còn tại nước ta, hoạt động này chưa được quan tâm đúng mực.

Hàng loạt quốc gia có khuyến cáo và lệnh cấm

Công ty dược phẩm tại Mỹ đã thí nghiệm và chuyển đổi từ PSE (Pseudoephedrine) sang dùng Phenylephrine (PE) trong các sản phẩm điều trị bệnh về Tai Mũi Họng, cảm cúm để hạn chế việc bán PSE cho công chúng. Ở Mỹ, chính quyền đã có những chiến dịch chống lạm dụng, buôn bán Methamphetamine. Năm 2006, Tổng thống Bush đã ký một đạo luật nhằm hạn chế và kiểm soát sử dụng PSE như: cấm mua bán PSE nếu không có toa bác sĩ, Người mua cần xuất trình chứng minh nhân dân khi mua, và chỉ được mua với một số lượng hạn chế nhất định, và phải được lưu giữ thông tin người mua trong vòng 2 năm… Theo BS Trần Viết Luân, Tổng Thư ký Hội Tai Mũi Họng TP.HCM, hiện, tại Mỹ những loại thuốc này là thuốc 'Behind The Counter' không phải ' Over The Counter'( thuốc không kê toa), một số bang đòi hỏi phải có kê toa. PSE trong tự nhiên có dưới dạng alkaloid có ở cây Ephedra, hay cây Ma hoàng (một loại dược thảo được sử dụng trong y học cổ truyền). Trong y học hiện đại, Ma hoàng có trong thành phần của thuốc giảm cân, tuy nhiên gần đây các nhà khoa học đã phát hiện nhiều tai biến khi sử dụng thuốc này như rối loạn nhịp tim, đột quỵ và tử vong nên cũng đã bị Cơ quan quản lý thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm lưu hành Ephedra trên thị trường nước này vào tháng 12/2003.

Chiến dịch hạn chế, kiểm soát PSE này cũng nhanh chóng lan ra các nước khác. Tại Úc, cũng bắt đầu từ năm 2006: tất cả những sản phẩm có chưa pseudoephedrine phải có dược sĩ chịu trách nhiệm hay phải có toa bác sĩ ('Pharmacist Only Medicines" hay "Prescription Only Medicines" )tùy thuộc vào hàm lượng pseudoephedrine có trong thuốc .4/2007 chính phủ Úc đang xem xét khả năng cấm tất cả các thuốc chứa PSE. Tại Mê – xi – cô, nơi vốn được xem là 'thiên đường' của ma túy và thuốc lắc cúng đang có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc cầm và hạn chế PSE. Các chương trình này còn 'lan' sang các chuyên gia y tế và cũng nhận được sự ủng hộ, đồng tình của giới này.

Pseudoephedrine - vấn đề nhìn từ quản lý dược

Tại nước ta, nguy cơ từ các 'đầu nậu', tình hình mua bán thuốc tại các chợ sỉ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán, lạm dụng PSE sai mục đích.

Bên cạnh đó là thói quen tiêu dùng của người dân. Bị đau bụng, đau mắt, cảm cúm, nhức đầu, thậm chí cả những căn bệnh mãn tính… nhiều người cứ tiện chỗ nào mua thuốc chỗ đó, không cần phải có toa, chỉ cần nói sơ bệnh cho người bán thuốc hoặc kêu những tên thuốc quen dùng là có thể có thuốc để chữa bệnh. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp đã gặp phải hậu quả khó lường do dùng thuốc tùy tiện. Tại các chợ vùng cao, biên giới nước ta, thuốc tân dược được bày bán tràn lan bên cạnh những mặt hàng rau quả, thực phẩm, quần áo. Những gói, lọ, vỉ thuốc được bày ngay dưới đất, chỉ lót dưới một tấm ni-lông hoặc trên cái mẹt nhỏ, từ thuốc uống đến thuốc tiêm. Hoạt động mua bán thuốc tân dược tại các chợ phiên vùng cao, biên giới diễn ra từ lâu, như mua bán mớ rau, con cá. Người mua chỉ cần đưa yêu cầu là được đáp ứng cả về chủng loại và số lượng, giá thuốc cũng rất bèo. Ngay cả các phiên chợ quê vùng đồng bằng châu thổ cũng có tình trạng tương tự. Tại chợ sỉ tân dược đường Tô Hiến Thành, quận 10, TPHCM, hoạt động mua bán tân dược vẫn đang cố lách luật các 'đầu nậu' vẫn lén lút thu gom cũng như phân phối các loại thuốc không rõ nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ… Đây chính là những nguy cơ lớn khi hoạt động thu gom thuốc chứa 'tiền chất ma túy' được tiến hành do tội phạm ở nước ngoài đang có xu hướng lợi dụng địa bàn Việt Nam để thu gom tiền chất chuyển sang sản xuất ma túy. Đây là tình trạng đáng báo động, đòi hỏi việc quản lý tiền chất ma túy ở nước ta phải được xiết chặt hơn nữa, các chuyên gia y tế cảnh báo.

Hàn Nguyễn

(24h.com.vn)