Mùa nóng dễ bị viêm nang lông

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Nhọt, đinh râu... là các biểu hiện của chứng viêm nang lông, một bệnh phát triển vào mùa hè do các vi khuẩn, vi nấm gây ra.

Viêm nang lông là một nhóm bệnh có mụn mủ nhỏ, khu trú ở nang lông, căn nguyên thường gặp nhất là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), ngoài ra còn có trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa), trực khuẩn gram âm, nấm... Các kích thích lý hóa như thời tiết oi bức cũng có thể gây viêm nang lông.

Bệnh có nhiều biểu hiện khác nhau:

Viêm miệng nang lông

Tình trạng viêm xảy ra tại cổ nang lông (hay gặp ở vùng da đầu hoặc các chi), do nhiễm tụ cầu vàng hoặc tiếp xúc với hóa chất như dầu mỡ, gây bít tắc cổ nang lông.

Bệnh nhân thường là trẻ nhỏ và những người bôi corticoid kéo dài. Trên vùng da bệnh có mụn mủ hình chóp, to bằng đầu đinh ghim, ở giữa có một chấm vàng, xung quanh là quầng đỏ. Các mụn mủ mọc thành từng đợt, sau 7-10 ngày thì khỏi, không để lại sẹo. Đôi khi bệnh diễn biến dai dẳng trở thành mạn tính. Bệnh nhân thường có cảm giác ngứa rát.

Viêm nang lông sâu

Hiện tượng viêm nhiễm lan sâu xuống nang lông nên thương tổn lớn hơn và nổi cao hơn viêm miệng nang lông. Bệnh nhân thấy đau nhức tại chỗ, mụn mủ không vỡ mà xẹp, đóng vảy. Vảy bong để lại sẹo lõm.

Nhọt

Là hiện tượng viêm nang lông sâu cấp tính, hoại tử do tụ cầu vàng. Thương tổn lan cả ra phần da bao bọc nang lông, gây hoại tử và tạo ngòi mủ màu vàng xanh. Khi ngòi bong để lại vết loét sâu, cuối cùng khỏi thành sẹo.

Bệnh hay gặp ở thanh niên, nam bị nhiều hơn nữ. Có thể có một nhọt hoặc nhiều nhọt đứng thành đám hay rải rác. Vị trí hay gặp là ở mặt, cổ, tay, mômg.

Hậu bối

Là hiện tượng viêm một đám lông liền kề do tụ cầu vàng, lan rộng xuống cả mô liên kết và mô mỡ phía dưới. Bệnh hay gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường, suy dinh dưỡng, suy tim, nghiện chích.

Ban đầu, đám da bị viêm đỏ, nổi cao, bề mặt nhẵn và rắn, ấn đau. Sau vài ngày, thương tổn lớn dần và đạt tới khoảng 10 cm đường kính. Sau khoảng 7-10 ngày, chúng mềm dần và hóa mủ, mủ thoát ra qua miệng các nang lông. Đôi khi cả đám thương tổn bị hoại tử tạo thành một vết loét sâu, đáy có rất nhiều mủ.

Bệnh nhân đau nhức, sốt cao, toàn thân mệt mỏi, chán ăn.

Đinh râu

Là hiện tượng nhọt xuất hiện ở vùng mặt. Các tĩnh mạch ở vùng mặt đổ vào xoang tĩnh mạch trong sọ não nên vi khuẩn có thể theo dòng máu gây nhiễm khuẩn các xoang tĩnh mạch. Bệnh nhân có thể hôn mê và tử vong.

Để tránh viêm nang lông, cần tăng cường vệ sinh thân thể, giữ cho da khô về mùa hè, giảm ăn chất bột, đường, tăng cường vitamin nhóm B. Khi có biểu hiện viêm nang lông, phải đến khám tại các cơ sở chuyên khoa da liễu.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Mùa nóng dễ bị viêm nang lông (https://www.meo.vn/mua-nong-de-bi-viem-nang-long.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *