Mối nguy heo siêu nạc nuôi bằng thuốc suyễn

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Có một vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đáng báo động hiện nay, là tình trạng lạm dụng chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi, nhằm thúc vật nuôi tăng trọng, nhiều thịt hoặc mắn đẻ nhưng lại rất hại cho sức khoẻ người dùng. Một trong những chất bị lạm dụng phổ biến nhất phải kể đến là clenbuterol.

Những phát hiện đáng lo ngại

Thông tin trên báo chí cho biết, trong tháng 3.2011, chính quyền Tế Nguyên (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) đã công bố: trong 689 con heo chuẩn bị đưa vào giết mổ và chế biến tại công ty Song Hội, phát hiện 19 con phản ứng dương tính với hormon tăng trưởng clenbuterol. Trong diễn biến khác, ba vị đứng đầu ngành chăn nuôi tỉnh Hà Nam bị đình chỉ công tác và 32 người liên quan bị bắt giữ, sau khi xét nghiệm nước tiểu 1.512 con heo của chín trại heo, phát hiện 158 con đã dương tính với clenbuterol.

Đó là chuyện ở nước ngoài, còn tại Việt Nam thì sao? Báo chí từng thông tin một số nơi thuộc miền Nam có tình trạng sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa các chất được gọi là “hormon tăng trọng” hoặc “kích thích tăng trưởng” để gia cầm sinh sản nhiều; heo nuôi mau lớn, tăng khối lượng cơ, tức thành “siêu nạc”. Cách đây vài năm, ở Cần Thơ đã báo động tình trạng sử dụng thức ăn gia cầm chứa clenbuterol nhằm giúp gia cầm đẻ trứng to và nhiều. Cục Chăn nuôi cũng từng công bố một kết quả kiểm tra trong năm 2006 phát hiện 47/428 mẫu thịt heo bán tại TP.HCM dương tính với clenbuterol; giám sát 114 công ty sản xuất thức ăn gia súc, phát hiện trong thức ăn chăn nuôi heo của sáu công ty có dư lượng chất clenbuterol. Cùng thời điểm này, chi cục Thú y TP.HCM phát hiện trong gần 500 mẫu thịt heo bày bán tại các chợ, lò giết mổ, có gần 30% mẫu dương tính với clenbuterol. Hiện số mẫu thịt kiểm nghiệm dương tính với clenbuterol đã giảm đi nhiều, tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định không phát hiện thịt heo có nhiễm chất này, bằng chứng là các cuộc thanh kiểm tra trong năm 2010, vẫn còn phát hiện một tỷ lệ rất nhỏ có chứa clenbuterol.

Thực chất clenbuterol là gì?

Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn của nước ta đã đưa clenbuterol vào danh mục chất cấm từ khá lâu và năm 2010, bộ này có hẳn quy định kiểm tra, giám sát các chất thuộc nhóm

Beta-Agonnist trong chăn nuôi gia súc, gia cầm (cụ thể là các chất ractopamine, clenbuterol và salbutamol). Clenbuterol không phải là hormon như dư luận vẫn quen gọi, mà đó là hoá chất tổng hợp làm dãn phế quản do có tác dụng kích thích thần kinh giao cảm. Bị gọi nhầm hormon có thể do gà mái khi ăn thức ăn trộn clenbuterol đã sinh sản nhiều, đẻ hai trứng trong ngày, có khi một trứng nhưng hai lòng đỏ, nên khiến nhiều người ngộ nhận gà mái nhờ dùng hormon sinh dục.

Với tính năng như vậy, clenbuterol được dùng làm thuốc điều trị hen suyễn, chữa bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) ở người, nhờ làm cho người bệnh đang khó thở trở nên thở dễ dàng hơn. Clenbuterol xếp vào nhóm chung với các thuốc trị hen suyễn phổ biến như salbutamol, terbutalin...; khi dùng cho người chúng có tên biệt dược broncodil, clenbutol, ventolax, protovent... Trong thú y, clenbuterol cũng được dùng làm thuốc dãn phế quản trị bệnh cho heo. Tuy nhiên, người ta bắt đầu ghi nhận tác dụng tăng cơ, tăng trọng của clenbuterol đối với thú vật nuôi khi phát hiện có những biểu hiện bất thường. Thậm chí, họ còn tiến hành những nghiên cứu về tác dụng này, như công trình “Nghiên cứu tác dụng làm tăng cân của clenbuterol đối với cừu”, thực hiện tại khoa thú y của đại học tiểu bang Oklahoma (Mỹ) năm 1991. Không những thế, đã có những vận động viên thể thao sử dụng clenbuterol với hy vọng tăng khối lượng cơ, nhằm đạt thành tích cao trong thi đấu và làm cho nhịp tim, nhịp thở tốt hơn.

Nguy cơ ngộ độc clenbuterol ở người

“Con người nếu ăn phải những con heo đó đương nhiên sẽ có nguy cơ tích luỹ clenbuterol trong cơ thể và dễ dẫn đến ngộ độc, gây hại cho tim mạch…”

Ngay từ khi phát hiện clenbuterol có tác dụng tăng cân và cho tới nay, chất này bị cấm dùng trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm. Bởi đây là thuốc chữa bệnh, phải dùng rất thận trọng, trộn vào thức ăn như thế không chỉ gây hại cho vật nuôi mà còn cho người, nếu ăn phải vật nuôi đó.

Trong những vụ dùng clenbuterol phi pháp trộn vào thức ăn gia cầm, đã có hiện tượng gà ăn bị chết bất thường. Riêng với heo, clenbuterol có thể giúp mau lớn, tăng khối lượng cơ (nhiều thịt nạc hơn so với bình thường) nhưng tác hại thì khó lường hết. Cho heo ăn clenbuterol không khác gì uống thuốc trị hen suyễn mà liều lượng lại không biết thế nào. Con người nếu ăn phải những con heo đó đương nhiên sẽ có nguy cơ tích luỹ clenbuterol trong cơ thể và dễ dẫn đến ngộ độc, gây hại cho tim mạch, với các hệ luỵ như: nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, gây nhịp tim nhanh, tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp...

Vì những điều trên, thiết nghĩ việc tăng cường kiểm soát tình trạng lạm dụng clenbuterol trong chăn nuôi rất cần được xem trọng và toàn diện hơn lúc nào hết.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức

Thêm thủ phạm gây ra đề kháng kháng sinh

Nhân đây cũng cần báo động về việc trộn vào thức ăn gia súc, gia cầm những chất khác như kháng sinh, hormon, hoàn toàn không vì lý do trị bệnh mà chỉ vì mục đích thúc cho mau lớn, tăng trọng. “Đề kháng kháng sinh” (tức kháng sinh dùng bừa bãi gây hiện tượng kháng sinh mất tác dụng diệt vi khuẩn), một vấn nạn của toàn thế giới hiện nay, cũng xuất phát đa phần từ sử dụng bừa bãi kháng sinh trong chăn nuôi.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Mối nguy heo siêu nạc nuôi bằng thuốc suyễn (https://www.meo.vn/moi-nguy-heo-sieu-nac-nuoi-bang-thuoc-suyen.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *