Mất quê

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Hầu hết mọi người ở thành phố (trừ những người đã ở từ hơn 3-4  đời), ai cũng có một vùng quê để nhớ. Tôi cũng có một miền quê, dù chẳng quá xa xôi – đó là một vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội.

Nhưng chỉ mười năm trở lại đây, mỗi lần về thăm, quê tôi lại một lần đổi thay đến chóng mặt và tôi đã thực sự lo ngại, đến một lúc nào đó, tôi sẽ là người mất quê bởi những hình ảnh, hương vị thân thuộc của quê hương sẽ chỉ còn lại trong trí nhớ.

Giống như nhiều vùng nông thôn ngọai thành khác của thủ đô, làng xóm cũ của tôi giờ đã biến đổi quá nhanh. Nếu như độ hơn mười năm trước, nó vẫn là một làng thuần nông, nơi người dân đa phần vẫn sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, hoa màu trên những cánh đồng tuy không quá rộng nhưng trải dài từ cầu Chui – cửa ngõ vào nội thành (cũ) của Hà Nội chạy dọc theo quốc lộ 5 vài cây số rồi hướng sâu về các xã phía đông. Với chiều dài tít tắp, không thấy giới hạn đó cũng đủ mỏi cánh cò bay.

Tuy chẳng xa trung tâm thủ đô mấy nỗi, người ta đã đo đến hồ Hoàn Kiếm chỉ 12km, nhưng cũng cách đây chừng đó năm, ở quê tôi, chẳng ai dám nhận mình là người Hà Nội mà thường chỉ nói đùa với nhau: mình là dân Hà Nội 9, Hà Nội 10 gì đó bởi cách ăn mặc, lối sống thậm chí cả màu da, giọng nói khác biệt hoàn toàn với dân phố cổ.

 

Cách thức sinh hoạt, lối sống của người dân quê tôi vốn cũng đậm chất nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ: trong làng, xã, các gia đình tập trung số đông theo một số dòng họ. Nhưng dù có khác họ, các hộ gia đình, người dân rất quan tâm, giúp đỡ nhau dù đôi khi, trong cuộc sống hàng ngày, cũng hay phát sinh những mâu thuẫn. Có chuyện vui, buồn gì của nhà nào như con thi đỗ đại học, đứa này đứa kia bị tai nạn, có khi cả làng đều biết.

Tôi còn nhớ như in những năm niên thiếu của tôi ở vùng quê của mình, hầu như nhà nào cũng nghèo như nhau. Cứ cuối tháng, hết gạo lại chạy sang nhà này nhà kia xem nhà nào còn thì vay. Nhưng có nhà còn ít cũng cho vay, khi cho vay còn nhiều thì lại cho thêm… Những lúc nhà nào gặp khó quá: người đau bệnh, cháy nhà, mất trộm… ai cũng đến hỏi han, chia sẻ. Càng nghèo hình như người ta càng thân thiết với nhau hơn.

Nhưng chỉ trong khoảng một thập niên, kể từ khi tôi rời đi, đến định cư trong một khu đô thị mới, xa nhà cũ, quê tôi đã biến đổi đến mức tôi hầu như không còn nhận ra hình ảnh nào quen thuộc mỗi khi tôi trở về thăm.

Tên cũ của làng, của xã cũng không còn. Giờ người ta gọi xã của tôi là phường Việt Hưng với một số tên phố mới lạ hoắc: phố Hoa Lâm, phố Ngô Gia Tự… và hầu hết ngôi nhà đều đã được đánh số. Những bụi tre trúc rậm rì ngày xưa đã bị đốn hết. Những hàng rào râm bụt, duối… giữa các nhà chẳng còn chút dấu tích, nay chỉ có những bức tường, thậm chí không có tường: các nhà xây sát vách nhau, chỉ có cửa thông ra phía trước.

Lối sống của người dân vùng quê được làm mới của tôi cũng đổi thay khác hẳn theo quá trình đô thị hóa. Không còn đồng ruộng để trồng, cấy, không còn nơi chăn, thả, dân quê tôi đa phần đi làm cho các công ty, doanh nghiệp, nhà máy quanh vùng hoặc vào trung tâm. Có khi ở ngay cạnh nhà cũng không biết nhà bên cạnh của ai nữa. Không còn những hội, hè, đình đám, lễ ma chay, cưới xin… mà người cả làng xóm đều kéo đến thật đông, càng đông càng vui như quan niệm ngày xưa. Giờ thì ai lo nhà nấy. Nhà nào thân với nhà nào thì chỉ qua lại, chơi với mấy nhà đấy. Hơn nữa, có quá nhiều người ở các nơi khác đến mua đất ở.

Tất nhiên, không phải mọi thứ biến đổi đều là dở. Có những điều mới cũng rất tốt cho quê tôi: đường xá, trường học, bệnh viện được xây dựng mới; nhà máy, doanh nghiệp xuất hiện nhiều hơn thì công việc, nghề nghiệp nhiều hơn và các gia đình cũng thay đổi cách sống, nâng cao thu nhập, chất lượng sống…

Trong cách sống của các hộ gia đình vẫn lưu giữ những thói quen ngày xưa: nhiều người vẫn hay thăm hỏi, sẻ chia, giúp đỡ nhau, những lễ lạt, đình đám như hội làng giờ vẫn rất đông vui, náo nhiệt thể hiện tấm lòng người ta vẫn hướng về nguồn côi…

Dẫu quê tôi vẫn tiếp tục biến đổi nhanh để trở thành khu vực thành  thị thực thụ, trong thâm tâm, tôi vẫn chỉ muốn quê cũ của mình mãi vẫn như ngày xưa, nơi tôi dễ dàng khi tan học về nhà, chạy ngay ra cánh đồng lộng gió để thả diều, bắt cá, đuổi chó săn chuột, để chạy khắp cùng làng, ngõ xóm chọc tổ ong, bắt ve sầu, leo cây, hái trộm quả… Giờ thì, ôi quê tôi, đã mất thật rồi.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Mất quê (https://www.meo.vn/mat-que.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *