Mắt bị đỏ và hay chảy nước mắt?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Mấy ngày nay, mắt em luôn bị đỏ, cộm, kèm theo chảy nước mắt và ngứa nên lúc nào em cũng phải cho tay lên dụi mắt. Chẳng hiểu có phải do dụi nhiều quá không mà giờ em bị phù mí mắt, cụp lông mi rất khó chịu. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có bị bệnh gì nguy hiểm không và phải chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn!

(viha…@yahoo.com)

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã bị đau mắt hột.

Đây là một trong những bệnh gây mù lòa nhiều nhất trên thế giới. Bệnh rất dễ phát triển, nhất là ở những nơi thiếu nước sạch, có thể lây lan thành dịch do tình hình vệ sinh phòng bệnh kém.

Đau mắt hột là biểu hiện của viêm kết – giác mạc mãn tính, do Clamydia trachomatis gây ra với đặc điểm là hình thành những hột, những tổn thương sẹo đặc trưng ở mắt.

Bệnh biểu hiện rất đa dạng với các triệu chứng như sau: ngứa mắt; cảm giác vướng như có hạt bụi trong mắt; đau nhẹ, cộm xốn trong mắt; xem báo, đọc sách hay sử dụng máy vi tính nhanh mỏi mắt, nhất là buổi chiều.

- Ở thể nhẹ hay gọi là mắt hột đơn thuần: tổn thương chỉ xuất hiện ở lớp biểu mô kết mạc. Bệnh nhân không có triệu chứng gì, hoặc chỉ ngứa mắt, xốn mắt, mỏi mắt, đôi khi hay chảy nước mắt. Nhiều khi bệnh nhân không biết, không điều trị, bệnh có thể tự khỏi do thói quen sinh hoạt giữ vệ sinh sạch và không bị tái nhiễm, không để lại di chứng và không gây mù.

- Ở thể nặng: tổn thương xâm nhập xuống cả những lớp sâu bên dưới của kết mạc mắt, có thể gây các biến chứng như lông quặm, lông siêu, sẹo giác mạc, nguy hiểm nhất là dẫn đến mù lòa. Bệnh trầm trọng, nặng nề và kéo dài, không thể tự khỏi nếu không được điều trị tốt. Bệnh nhân bị mắt hột có biến chứng sẽ có 3 triệu chứng: trụi lông mi, mắt ướt, bờ mi đỏ (dân gian gọi là mắt toét).

Phương pháp điều trị mắt hột phổ biến là dùng thuốc nhỏ mắt hoặc tra thuốc mỡ vào mắt. Có thể dùng các biện pháp sau để điều trị:

- Mỡ tetracyclin 1%, tra mắt buổi tối mỗi tháng 10 ngày liên tục trong khoảng  6 tháng – 1 năm.

- Uống một trong các thuốc tetracyclin, erythromycin hay doxycyclin trong 3 – 4 tuần.

- Phẫu thuật xử lý các trường hợp biến chứng như lông quặm, sẹo giác mạc.

Tuy nhiên, bác sĩ Mèo vẫn khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho tình trạng của mình.

Ngoài ra, em cũng nên thực hiện những điều sau để hỗ trợ cho việc điều trị đạt kết quả tốt:

- Luôn luôn rửa sạch tay mỗi khi tiếp xúc với môi trường đất, nước bẩn…

- Tuyệt đối không dụi tay lên mắt.

- Sử dụng kính khi đi đường tránh gió bụi vào mắt.

- Rửa mặt bằng khăn mặt riêng, tránh để nước bẩn bắn vào mắt.

- Thường xuyên làm vệ sinh môi trường, diệt ruồi nhặng, gián, chuột…

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

(Theo Kenh14)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Mắt bị đỏ và hay chảy nước mắt? (https://www.meo.vn/mat-bi-do-va-hay-chay-nuoc-mat.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *