Lác mắt có thể là dấu hiệu bệnh nguy hiểm

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Bố mẹ bé Hùng (5 tuổi, thành phố Thanh Hóa) lạnh người khi bác sĩ nói bé bị đục thủy tinh thể. Chứng lác của Hùng, vốn được bố mẹ coi là chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, lại chính là một biểu hiện của bệnh.

Bé Hùng bắt đầu có biểu hiện lác từ khi gần 3 tuổi. Tuy nhiên, gia đình cho rằng triệu chứng không gây hại gì đến sức khoẻ và khả năng nhìn, chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên định để cháu lớn lên mới điều trị. Gần đây, thấy con có dấu hiệu nhìn kém, bố mẹ Hùng mới đưa đi khám. Họ không ngờ chẩn đoán lại quá nặng nề: Đục thuỷ tinh thể bẩm sinh giai đoạn nặng. Bác sĩ cho biết, lác mắt chính là một hệ quả của bệnh này. Sau phẫu thuật thay thủy tinh thể, Hùng sẽ phải trải qua quá trình điều trị khá dài để phục hồi thị lực.

Theo bác sĩ Hoàng Cương, phòng khám Bệnh viện Mắt Trung ương, cha mẹ không nên chủ quan khi thấy con bị lác mắt vì đó có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm, mà đục thuỷ tinh thể bẩm sinh là một ví dụ. Bệnh này cần được chữa sớm bởi nếu để lâu, tế bào thị giác của trẻ sẽ thoái hoá và rất khó phục hồi.

Ngoài lác, đục thủy tinh thể bẩm sinh còn có một số biểu hiện dễ thấy là lỗ con ngươi của trẻ có màu trắng phấn, thường bị cả hai bên. Mắt có những cử động bất thường như rung lắc. Trẻ nhìn kém, hay dụi mắt, nheo mắt khi nhìn.

Khối u võng mạc (thường là ung thư) cũng có thể gây lác. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Nếu phát hiện muộn, trẻ sẽ phải múc bỏ mắt để bảo toàn tính mạng. Phần lớn số trẻ bị ung thư võng mạc đến Bệnh viện Mắt Trung ương điều trị đều lâm vào cảnh này.

Cháu Ngọc ở Vĩnh Phúc là một ví dụ. Mới 3 tuổi, bé gái này đã mất đi một bên mắt; và do phải chịu những đợt hóa trị để chống lại tế bào ung thư nên bị suy dinh dưỡng nặng. Ngọc được phát hiện triệu chứng lác nhẹ khi mới hơn 1 tuổi, nhưng bác sĩ ở địa phương khẳng định là không vấn đề gì nên cha mẹ bé hoàn toàn yên tâm. Gần đây thấy đồng tử một bên mắt bé to hơn và có màu sáng là lạ, nhất là trong bóng tối, họ mới đưa đi Hà Nội khám, nhưng đã không kịp cứu con mắt đó.

Lác do khối u thường có dấu hiệu đi kèm là ánh đồng tử bệnh nhân có thay đổi. Khi trẻ ở trong bóng tối, ánh mắt có màu xanh lơ hoặc trắng xám. Mắt bên tổn thương trông rất dại, vô hồn. Nếu để muộn, mắt có thể đỏ, lồi, gây đau nhức và buồn nôn.

Ngoài ra, các bệnh như viêm màng bồ đào, tổn thương ở não bộ... cũng có thể gây lác. Do đó, khi có biểu hiện này, trẻ cần được đưa đi khám ngay.

Lác thông thường cũng không chỉ là vấn đề thẩm mỹ

Các tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị hoặc viễn - loạn thị phối hợp cũng gây lác mắt ở trẻ em, nhất là khi khúc xạ hai mắt lệch nhau. Trường hợp này thường gây lác vào trong. Nếu trẻ bị cận thị số cao nhưng không đều hai bên thì mắt nặng hơn thường bị lác ra ngoài.

Theo bác sĩ Đỗ Quang Ngọc, khoa Mắt trẻ em Bệnh viện Mắt Trung ương, ngay cả với các trường hợp kể trên, lác mắt cũng không phải chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nếu không điều trị, mắt lác sẽ yếu dần và dẫn đến nhược thị.

Do đó, chứng lác cần được điều trị càng sớm càng tốt, và phải chữa dứt điểm trước tuổi đi học. 'Sẽ là quá muộn khi bệnh nhân đã 5-7 tuổi bởi não bộ và thị giác đã phát triển hoàn hảo, khó có thể đảo ngược được tình hình', bác sĩ Hoàng Cương nói. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ vì nghĩ rằng mắt lác chỉ là vấn đề xấu -đẹp nên không đưa con đi khám và điều trị sớm. Khi trẻ lớn lên, bắt đầu quan tâm đến hình thức mới tới gặp bác sĩ thì thị lực đã giảm nghiêm trọng.

Nhiều thanh niên đến khi đi khám sức khỏe để lấy bằng lái xe mới biết mình chỉ còn một mắt. Mắt bên kia bị lác và hỏng từ lâu, tuy trông bề ngoài vẫn khá lành lặn. Do không bao giờ che một mắt để kiểm tra thị lực mỗi bên, họ không biết. Lúc này, đã quá muộn để khôi phục thị lực.

Theo VNExpress

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Lác mắt có thể là dấu hiệu bệnh nguy hiểm (https://www.meo.vn/lac-mat-co-the-la-dau-hieu-benh-nguy-hiem.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *