Kho năng lượng từ bánh trung thu

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Ngày nay, bánh Trung thu được bán từ rằm tháng Bảy âm lịch. Vì vậy, thời gian thưởng thức bánh kéo dài cả tháng, từ đây cũng sinh ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

Bánh Trung thu bây giờ có nhiều loại nhân, từ nhân đậu xanh, khoai môn, đậu đỏ đến thập cẩm, gà quay, vi cá, yến… để làm mới hương vị và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, một số nhà sản xuất còn cho thêm các nguyên liệu như: trà xanh, lycopen, đường ăn kiêng…

Song, để ra lò một chiếc bánh Trung thu, “nhân tố chính” vẫn là bột, dầu, mỡ… Các vị thập cẩm tốt cho sức khỏe làm từ vi cá, yến, cua, gà… không nhiều, hay nói cách khác là chỉ “góp mặt chứ không góp sức”. Các loại hạt dưa, hạt điều, mè… cũng chỉ góp chút ít axit béo không no có lợi.

Kết quả “nội soi” bánh Trung thu của các chuyên gia dinh dưỡng như sau: bánh nướng thập cẩm hai trứng nặng 250g cung cấp 1.095 Kcalo. Bánh dẻo đậu xanh một trứng nặng 250g cung cấp 807 Kcalo. Nếu so sánh với phần cơm thịt, thì nửa cái bánh thập cẩm loại 250g có năng lượng bằng một đĩa cơm tấm. Những bé biếng ăn, thích thú trước món bánh hấp dẫn ăn một miếng là no ngang, đến giờ cơm là lắc đầu nguầy nguậy vì đã mất cảm giác đói. Nhưng ở tuổi đang phát triển, các chất đường, béo không giúp bé phát triển cơ bắp, chiều cao. Vì thế, không nên cho bé ăn trước bữa, mà chỉ cho ăn sau bữa ăn.

Trong trường hợp bé lỡ ăn bánh trước bữa cơm, cha mẹ nên cho bé uống sữa, ăn trái cây bổ sung. Nếu bé ăn bánh dẻo, nhân chỉ có lòng đỏ trứng và một loại ngũ cốc hoặc khoai thì nên cho bé ăn thêm chén xúp cua, sữa chua, nước ép thơm… Bánh kẹo ngọt luôn chứa “ma lực” khiến những đứa trẻ dễ tính trong ăn uống thích thú.  Với những bé này, chỉ cho bé ăn khoảng 1/8 bánh và cho bé ăn thêm rau, sữa không béo… Để tránh dư thừa năng lượng, khi đã ăn bánh, nên cho bé giảm lượng cơm.

Người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường ăn bánh Trung thu có nguy cơ cao bị tăng đường huyết, vì đường trong bánh chủ yếu là đường hấp thu nhanh. Vì vậy, nên ăn một miếng bánh nhỏ bằng khoảng 1/8 chiếc, không ăn các loại mứt trộn xắt hạt lựu trộn trong nhân bánh. Người bị cao huyết áp, bệnh tim mạch cũng dễ mắc bệnh nặng hơn khi ăn bánh Trung thu vì chúng chứa nhiều cholesterol: mỡ xắt nhỏ, mỡ trong lạp xưởng, thịt gà, mỡ khi trộn bột, lót khuôn, lòng đỏ trứng muối… Ở những trường hợp này, chỉ nên ăn một miếng nhỏ, không ăn lòng đỏ trứng muối và mỡ để cơ thể không phải mệt nhọc vì nhận quá nhiều “kẻ hủy diệt”. Hiện một số nhà sản xuất đã có bánh làm từ đường hóa học, ngọt không kém đường cát nhưng không chứa năng lượng.

Thưởng thức bánh Trung thu một cách có... kiểm soát cũng là giúp bảo vệ sức khỏe, vì hiện nay nhân bánh kém chất lượng từ  Trung Quốc được nhập về nhiều nên chất lượng “vàng thau” lẫn lộn.

Cẩn trọng với đường nhân tạo

Nhiều người muốn giảm cân, giữ gìn vóc dáng thon thả đã dùng đường nhân tạo để pha chế món ăn, nước uống… Đường nhân tạo không cung cấp năng lượng cho cơ thể, vì thế cách ăn uống này chỉ đúng khi cơ thể đã được cung cấp đủ và cân bằng bốn nhóm dưỡng chất trong ngày (đạm, béo, tinh bột, sinh tố, khoáng chất). Lưu ý, không nên dùng đường nhân tạo cyclamate. Với trường hợp ăn uống quá kiêng khem, cơ thể đã thiếu năng lượng mà chỉ được nạp đường nhân tạo thì sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng và nhiều hệ lụy khác.

TS Nguyễn Hữu Đức

Meo.vn (Theo PNO)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Kho năng lượng từ bánh trung thu (https://www.meo.vn/kho-nang-luong-tu-banh-trung-thu.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *