Khi người già tự tử

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Những người lớn tuổi đang ngày càng dễ bị tổn thương, cả ở yếu tố thể chất lẫn tinh thần. Sự bất ổn tinh thần, không có con cái chăm sóc, đang mắc bệnh mạn tính, bệnh ung thư, mất khả năng tự điều chỉnh, và dần dần dẫn đến bị cô lập trong trạng thái trầm cảm. Hiện nay, tự tử ở người cao tuổi (NCT) có chiều hướng tăng lên, đang là mối lo lắng của nhiều nước.

Vì sao NCT tự tử?

Với nhiều NCT, vào nhà dưỡng lão không khác gì nhà tù. Phần lớn NCT tìm đến giải pháp tự tử là do bị trầm cảm nặng nề và chịu áp lực về chi phí chăm sóc sức khỏe đắt đỏ. Nhiều người thậm chí còn rơi vào trạng thái hoảng sợ khi nghĩ đến viễn cảnh độc thân ở độ tuổi 60. Ngoài ra, khi người dân nông thôn đổ xô lên thành phố tìm việc làm thì NCT trở nên cô đơn và cảm thấy thiếu sự an toàn.

Ngoài ra, việc điều trị lạm dụng thuốc an thần cũng có liên quan đến sự tăng lên nguy cơ tự tử ở NCT.

Một số ca NCT tự tử điển hình

Đầu tháng 6/2008, tại BV. Thống Nhất, TP. HCM, bác N.T.C, 68 tuổi, ngụ tại Quận Bình Thạnh, TP. HCM, nhập viện điều trị căn bệnh ung thư vòm họng đã di căn. Theo lời kể của một chị nuôi bệnh thường xuyên cho bác, bác C. rất hay buồn vì nghĩ mình không còn sống được bao nhiêu. Hàng ngày, bác chỉ ở trong phòng bệnh, ít đi lại, ít nói. Con cái bác thì cứ cuối tuần lên thăm bố rồi về ngay. Bạn bè bác thì lâu lắm mới có người thăm. Chỉ có tôi trò chuyện với bác, nhưng do bệnh nên bác nói được rất ít, chỉ biểu lộ ra dấu bằng tay. Có khi bác nói tôi muốn chết sớm để không làm phiền mọi người. Tôi thì chỉ nghĩ bác nói đùa, nên luôn luôn an ủi động viên bác C. hàng ngày, chỉ mong bác sống vui vẻ để chống chọi với bệnh tật. Rồi đùng một cái, bác C. nhảy lầu tự tử, trong khi tôi đi mua cháo cho bác ăn. Và thật đau lòng, bác C. đã chết tại chỗ do đa chấn thương.

Khuya, ngày 11/9/2008, tại BV. Thống Nhất TP.HCM, khoa cấp cứu tiếp nhận bà H.T.H, 84 tuổi nhà ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Bà H. uống gần 70 viên thuốc đủ loại với ý định tự tử gồm: thuốc cao huyết áp, thuốc giãn vành, thuốc giãn phế quản, một số không rõ do mất vỉ thuốc. Sau uống được người con trai phát hiện đưa bà đi cấp cứu ngay. Do bà vào viện sớm và được các bác sĩ xử trí tích cực, khẩn trương rửa ruột, bà H. đã may mắn thoát chết. Sau khi tình trạng của bà tạm ổn, bà H. cho biết, bà đang mắc căn bệnh cao huyết áp và thiếu máu cơ tim đang dùng thuốc mỗi ngày. Kể từ khi cụ ông mất mấy năm nay, bà phải phụ bán hàng cho con dâu và hay có mâu thuẫn với con dâu. Bà thường bị con dâu coi thường mắng nhiếc mình. Mỗi lần như vậy đều làm bà cảm thấy rất xấu hổ với mọi người xung quanh. Bà cố chịu đựng, cũng muốn nói với con trai nhưng nghĩ lại sợ con mình gây gỗ với vợ thì không hay lắm. Đến khi không chịu đựng được thì bà nghĩ đến cái chết bằng cách mua nhiều loại thuốc mà mình đang uống.

Tại Trung Quốc, theo báo cáo của Hiệp hội sức khỏe tâm thần Trung Quốc (năm 2008) tỷ lệ tự tử ở NCT nông thôn cao gấp 6 lần so với cùng đối tượng nhưng sống ở khu vực thành thị. Tại Nhật Bản, theo thống kê của Cục Cảnh sát Quốc gia, chỉ tính riêng trong năm 2007, ở Nhật Bản, tỉ lệ người trên 60 tuổi tự tử đã tăng 9%, với tổng số 12.107 vụ, chiếm 40% số vụ trên toàn quốc. Tại Mỹ, một số nghiên cứu từ năm 1992 - 2003, cũng khẳng định tỉ lệ tự tử ở NCT đang tăng cao nhất từ trước đến nay.

Tại Việt Nam, tự tử là nguyên nhân thứ 10 gây tử vong. Năm 2003, Việt Nam có khoảng 18.000 người tự tử và 600 người chết vì tự tử. Chỉ riêng BV. Trưng Vương, TP. HCM trong 1 năm từ tháng 5/2007 - 5/2008, có đến 310 trường hợp nhập viện vì tự tử. Độ tuổi người tự tử chủ yếu dưới 35 tuổi, trong đó, từ 25 tuổi trở xuống chiếm đến 50%. Độ tuổi từ 56 trở lên, có 11 trường hợp tự tử, chiếm 3,5%.

Bà L.T.B. 82 tuổi, Long An, nhập viện ngày 8/1/2008 tại BV. Trưng Vương TP. HCM. Lý do khiến bà L.T.B. tự tử: không muốn con cháu lo lắng, bận tâm vì bà có bệnh cao huyết áp, đái tháo đường. Trước đó 1 năm, tháng 1/2007, bà đã tự tử một lần bằng cách uống dầu hôi. Lần này, bà tự tử bằng thuốc rầy tại nhà con gái của mình. BN đã tử vong trong tình trạng trụy tim mạch.

http://img.suckhoedoisong.vn/Images/Uploaded/Share/2010/09/15/629nguoi-cao-tuoi-tu-tu.jpg

Phòng ngừa tự tử ở NCT

NCT rất cần sự cảm thông chia sẻ, hỏi han, thăm nom, động viên thường xuyên của con cháu. Nhất là lúc bị bệnh, hay có chuyện buồn phiền, sự bù đắp về tinh thần hay vật chất là rất cần thiết. Như vậy, NCT mới cảm thấy không bị cô độc, sống khỏe hơn.

Lưu ý khi NCT chán nản, không ham muốn, ăn uống thất thường (có khi ăn ít, có lúc ăn nhiều). Bình thường ít nói, nhưng vào thời điểm đó họ có nhu cầu giao tiếp, muốn trao đổi với ai đó, than thở đau chỗ này, nhức chỗ kia, bày tỏ ý tưởng chán sống, cho rằng cuộc sống vô cùng vô vị, nói xa nói gần đến cái chết, hay đặt ra những giả thiết... là những dấu hiệu của bệnh lý trầm cảm. Đây cũng là nguyên nhân gây tự tử hàng đầu. Nhưng cũng không dễ phát hiện NCT có ý định tự tử. Chỉ có điều, người sống bên cạnh có tinh ý hay không.

BS. TRẦN MẠNH HÀ

(suckhoe&doisong)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Khi người già tự tử (https://www.meo.vn/khi-nguoi-gia-tu-tu.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *