Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.
Không riêng gì người dân miền xuôi mà chính người kinh ở tây nguyên cũng quen gọi “hột lúa có đuôi” là lúa thượng để phân biệt với lúa trắng (giống lúa rẫy của người kinh). còn người j’rai, ba na ở quê tôi gọi là lúa gor.
1 - Giống lúa “có đuôi” vừa trồng được trên đất khô – quen gọi là rẫy, vừa trồng được dưới ruộng. Dù trên rẫy hay dưới ruộng, từ khi chọt lỗ, bỏ hạt giống cho đến khi lúa chín, tròm trèm sáu tháng. Hỏi nhiều già làng, chẳng ai biết giống lúa này xuất thân từ đâu. Trồng hết mùa này đến mùa khác. Khi suốt lúa, chọn những bông lúa dài và to hột để dành vài bao (loại 50kg) làm lúa giống mùa sau. Mà cũng lạ, chẳng có sách vở nào bày vẽ, cứ theo kinh nghiệm “đời cha truyền lại” vậy mà chỉ có giống lúa có đuôi đó mới chịu nổi thời tiết đỏng đảnh “mưa thúi đất, nắng vàng mắt” của xứ này. Mưa cỡ nào lúa vẫn xanh. Còn nắng độ nào (có khi bị hạn gần cả tháng), đến kỳ, lúa vẫn cứ làm đòng, rồi chín vàng cả mấy quả đồi khi trời chuyển sang se se lạnh… Người J’Rai, Ba Na quen suốt lúa bằng tay. Lúa để chín trên cây, chiếc gùi nhỏ đeo trước ngực, hai tay suốt từng gié lúa như hái lá trà. Đầy gùi nhỏ, đổ vào gùi lớn. Cứ ai đầy gùi lớn là gùi lúa về nhà nghỉ ngơi, mai suốt tiếp. Lúa suốt về chẳng cần phơi, cứ đổ vào chồ (chòi đựng lúa) ăn dần, chờ đến mùa lúa năm sau. Nhà nghèo có một cái chồ nhỏ. Nhà giàu, vài ba cái chồ, mỗi cái chồ to bằng nửa cái nhà lớn.
2 - Hạt gạo gor nấu chín dẻo và thơm. Người dưới xuôi lên núi chơi, mong được tặng chục ký gạo là mừng lắm, để dành gói bánh tét ba ngày tết. Mà cũng lạ, gạo gor để càng lâu càng dẻo. Cơm nấu chín có để vài ngày cũng chẳng thiu. Hồi còn dạy học ở làng Ngok (xã Ia Glai, Chư Sê, Gia Lai), được già làng tên là Hải (thực ra ông là người Kinh, quê Quảng Ngãi, hoạt động ở vùng này, lấy vợ là người J’Rai, sau hoà bình, ở lại làng làm cán bộ của xã. Khi về hưu, được dân làng cử làm già làng) chịu đổi gạo gần một học kỳ. Chín ký gạo mục mỗi tháng mua ở cửa hàng lương thực huyện được già “thâu nhận” để dành nuôi heo! Ông quy đổi bằng cách đổ gạo “lương thực” vào gùi, đánh dấu, sau đó trả lại gạo gor cũng ngang bằng với mức đó. “Thầy đừng lo. Lúa nhà tôi nhiều. Tui cũng được tiêu chuẩn nhưng khi nào lúa hết mới ăn thứ gạo đó. Gạo lương thực dở lắm”, già Hải nói tiếng Kinh với giọng Quảng Ngãi nhạt nhạt. Rồi ông bày tôi cách nấu cơm với hạt gạo gor. Người J’Rai vo gạo sạch lắm, khi nào nước trong mới thôi. Canh nước bằng lóng tay. Lửa đều, đậy kín vung, không đảo gạo như người Kinh. Khi cơm sôi, hạ lửa từ từ cho đến khi chín. Tôi nhờ già Hải nấu cơm không biết bao nhiêu lần nhưng chưa bao giờ thấy cơm bị nhão hay bị khô. Mười bữa như chục. Hạt cơm không bị đổ lông, nở đều. Ăn vào sít chân răng. Già Hải bảo đó là bí quyết của người J’Rai. Cơm nhão hay khô sẽ không ăn được với món “canh” truyền thống: bột bắp (không có bột bắp thì thay bằng cám gạo) nấu với cà đắng, rau rừng, đu đủ, bí đỏ, thêm một tí lá bột ngọt, ít muối. Sền sệt. Dù là người Kinh, nhưng lúc đó già Hải cũng ăn bốc. Cơm xới ra lá chuối, múc muỗng canh đổ vào, bốn ngón tay bốc cơm, rồi chụm lại, còn ngón tay cái dùng để đẩy cơm. Sợ tôi không ăn bốc được, già Hải dành cho tôi cái chén và cái muỗng. Gần 30 năm rồi mà vẫn không thể nào quên được cảm giác lần đầu tiên ăn cơm với món canh đó. Sợ nhưng vẫn nuốt. Nhưng không đến nỗi nào. Vậy là làm chén thứ hai… Sau này tôi cũng tập ăn bốc nhưng xem chừng không lịch sự lắm, cơm đổ tứ tung. Lóng nga lóng ngóng… Khi ăn bốc thành thạo, cũng là lúc tôi quay về trường chính. Vừa bước vào học kỳ hai nhưng lũ học trò không đến lớp mà đi rẫy vì “cái chữ không làm no cái bụng”.
Nhưng hạt gạo gor ngon nhất khi được dùng để nấu cơm trong ống lồ ô dành cho những ngày lễ của làng như lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, cưới hỏi... Gạo được ngâm gần một buổi, sau đó vớt ra, để ráo nước, bỏ vào ống lồ ô. Đốt ống cho đến khi nào cháy hết vỏ ngoài, tách vỏ để lộ ra lõi cơm trắng muốt. Nhìn bề ngoài, tưởng như hạt gạo bị sống nhưng cắn vào mới thấy mềm múp. Chấm món muối ớt, có thêm tí riềng rừng, nếu có thêm miếng thịt heo nướng… Ăn no mới thôi. Hôm sau lại ăn tiếp. Rồi hôm sau nữa. Khi nào làng hết lễ mới hết cơm ống lồ ô. Về trường, mang theo cả chục ống. Thoáng, hết sạch. “Mai chú mang về cho anh em vài chục ống. Ngon quá chừng”, thầy Tâm (nay đã bỏ nghề về quê, làm tổng thư ký hội Xây dựng Bình Định) năn nỉ. Cứ gật đầu đại nhưng lấy đâu ra vài chục ống.
3 - Hơn hai mươi năm tôi không còn được ăn chén cơm nào nấu từ lúa gor. Hoặc là ăn cơm từ hột lúa trắng (giống lúa mà người Kinh thường trồng trên rẫy), sau này chỉ ăn cơm từ hột lúa ngắn ngày trồng ở ruộng nước. Mùi cũng khác. Vị cơm cũng khác… Nhưng quả thật hạt cơm nấu từ lúa gor ngon hơn.
Bỗng dưng nhớ và thèm chén cơm “hột lúa đuôi dài” trong chút se lạnh cuối năm giữa đất Sài Gòn. Nhờ người bạn thường xuyên lui tới các làng J’Rai, Ba Na để kiếm cho chục ký gạo. Anh chạy từ Chư Sê qua Chư Pưh, vòng về Ia Phang. Phải mất gần nửa tháng mới đáp ứng yêu cầu “quái dị” của tôi bằng 10kg gạo mua từ chính một già làng quen biết ở huyện Ia Phang. Anh nói qua điện thoại: “Đất bây giờ trồng càphê, trồng tiêu hết rồi. Rảnh đâu mà trồng lúa. Tui không nghĩ rằng ông “tào lao” như vậy. Muốn ăn thì cứ trộn gạo thường với nếp thì ra gạo “có đuôi”. Thời buổi giờ, tìm ra được hạt gạo như ngày xưa là hiếm lắm đó nghe. Mà nói trước, lúa thì có nhưng hình như bị ẩm vì năm nay mưa muộn”. Anh còn nói thêm, ngày xưa đói, ăn gì cũng thấy ngon. Còn bây giờ, gạo dư thừa, xuất khẩu 6 – 7 triệu tấn, gạo nào cũng là gạo, chắc gì gợi được cảm xúc ngày xưa. Phải chăng con người thường sống với kỷ niệm hơn là giá trị thật?
Gần 10kg gạo gor theo chuyến xe đêm về Sài Gòn. Run rẩy xúc gạo nấu cơm. Hạt gạo không nguyên vẹn như ngày xưa mà cứ gãy nát. Có thể là lúa bị ẩm vì những cơn mưa muộn, “chín” không đủ độ, suốt vội bỏ vào chồ. Đem ra nhà máy, những trục sắt của cối xay cứ vô tình bẻ hạt gạo làm đôi, làm ba. Vỡ vụn… Cũng canh nước, không thò đũa xới, cứ đậy nắp chờ nút báo chín của nồi cơm điện bật lên. Chút hoang mang khi mở nắp nồi cơm. Bốc khoảng chục hạt cơm. Dẻo thì có dẻo nhưng hạt cơm cứ chát xít, chỉ có mùi ẩm mốc như hạt gạo “lương thực” ngày xưa. Cô con gái mười tuổi chỉ ăn nửa chén, buông chén đứng dậy. “Ngon không con?”, tôi hỏi. Cô bé thủng thẳng: “Như cơm tấm mốc”! Con gái nói chẳng sai. Tôi cũng nghĩ như vậy. Cúi gằm mặt, cố mà ăn hết “ký ức hột lúa có đuôi” lỡ nấu chiều nay…
Buồn. Thất vọng cho một ký ức đẹp đã mang theo hơn hai mươi năm…
- Mang theo một lọ tinh dầu thiên nhiên để phòng các bệnh dịch.
- Hãy để ý gài chốt an toàn và mở hé với chặn cửa móng ngựa cho thoáng.
- Nên đeo trên người món trang sức đá phong thuỷ để gặp may mắn.
- Tăng năng suất công việc gấp 3 tại Trello Việt Nam.
- Tìm hiểu và mua thiết bị y tế để kiểm tra sức khoẻ, test nhanh, đo huyết áp
- Tìm hiểu và mua thiết bị điện tại Hecico để có giá tốt nhất thị trường
Bài viết: Hột lúa có đuôi (https://www.meo.vn/hot-lua-co-duoi.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.