Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.
Hen là bệnh thường gặp, là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm đường thở dễ bị co thắt, gây ra các triệu chứng tái đi tái lại của tắc đường thở. Tỷ lệ mắc bệnh hen ở nước ta vào khoảng 5%.
Chẩn đoán hen thường dựa vào các triệu chứng gợi ý như: ho, khó thở, nặng ngực, khò khè và kết quả đo chức năng hô hấp. Cần kiểm soát các triệu chứng ngày cũng như đêm để không ảnh hưởng đến vận động, sinh hoạt, tránh được các hậu quả xấu như cơn hen kịch phát dẫn đến tử vong. Duy trì chức năng phổi càng gần mức bình thường càng tốt.
Các biện pháp điều trị hen
- Theo dõi triệu chứng hen và chức năng hô hấp: tái khám định kỳ mỗi 1 hoặc 6 tháng tùy mức độ nặng của hen. Bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng cơ năng và thực thể, đo chức năng hô hấp với hô hấp ký.
Hen được kiểm soát hoàn toàn khi có tối thiểu triệu chứng ban ngày và do đó chỉ phải dùng ít thuốc cắt cơn (không nhiều hơn 2 lần/tuần) và hoàn toàn không có triệu chứng ban đêm, không bị hạn chế hoạt động, không có bất thường về chức năng hô hấp.
Nếu có một cơn hen cấp hoặc có nhiều hơn từ 3 đến trên 5 biểu hiện hen chưa ổn (triệu chứng ban ngày nhiều hơn 2 lần/tuần, dùng thuốc cắt cơn nhiều hơn 2 lần/tuần, có triệu chứng ban đêm, có bị hạn chế hoạt động, có bất thường về chức năng hô hấp, tức lưu lượng đỉnh thở ra (PEF) hoặc thể tích thở gắng sức trong một ngày (FEV1) dưới 80%), thì là hen chưa được kiểm soát. Ngoài hai trường hợp kể trên thì được gọi là hen mới được kiểm soát một phần.
- Phổ biến các kiến thức về hen và cách kiểm soát hen cho bệnh nhân nhằm giúp bệnh nhân biết cách tự theo dõi hen, theo dõi lưu lượng đỉnh và xử trí hen bước đầu tại nhà.
- Kiểm soát các yếu tố khởi phát hen và các bệnh phối hợp: Hỏi bệnh sử, khám, làm các xét nghiệm dị ứng học giúp nhận biết các yếu tố này. Không hút thuốc lá hoặc ngừng hút thuốc, tránh xa các nơi có khói thuốc là đặc biệt quan trọng.
Những bệnh nhân có hen khó kiểm soát thường có kèm các bệnh phối hợp như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn, nhiễm aspergillus phế quản phổi dị ứng, trào ngược dạ dày - thực quản, béo phì, ngưng thở khi ngủ, viêm mũi xoang, rối loạn chức năng dây thanh, trầm cảm hoặc stress tâm lý mạn tính.
Quá trình kiểm soát hen
Điều trị hen bằng thuốc: Corticoid hít liều thấp hoặc kháng leukotrien là điều trị khởi đầu cho hầu hết các bệnh nhân hen đến khám có triệu chứng hen dai dẳng mà chưa điều trị với corticosteroid. Người bệnh đến khám lần đầu nếu là hen không kiểm soát thì ngoài corticoid hít phải điều trị phối hợp ngay với hoặc đồng vận beta tác dụng dài, hoặc kháng leukotrien, hoặc theophyllin.
Tăng bước điều trị hen: Tình trạng hen chưa được kiểm soát trong vòng 1 tháng cần xem xét tăng bước điều trị bằng cách hoặc tăng liều corticoid hít, hoặc phối hợp thêm đồng vận beta tác dụng dài, kháng leukotrien, theophyllin hoặc corticoid uống.
Giảm bước điều trị hen: Khi hen đã được kiểm soát và duy trì ổn định trong 2 - 3 tháng thì có thể xem xét giảm bước điều trị. Sau mỗi lần giảm thuốc điều trị hen, bệnh nhân cần được đánh giá lại trong 3 tháng để xem nếu tiếp tục ổn thì có thể giảm thuốc tiếp; còn nếu không ổn thì cần tăng lại liều điều trị cũ.
Nguyên tắc là giảm lần lượt, ưu tiên giảm các thuốc có nhiều tác dụng phụ như corticoid uống, theophyllin liều cao, corticoid hít liều cao, đồng vận beta tác dụng dài. Giảm 50% liều nếu đang ở liều cao, và ngưng thuốc nếu đã ở liều thấp. Thuốc kiểm soát giảm cuối cùng thường là corticoid hít liều thấp.
Tuy điều trị bệnh hen nền tảng giúp loại hầu hết các cơn hen nhưng trong thực tế, kiểm soát hen trong cộng đồng chưa như mong muốn và bệnh nhân vẫn thỉnh thoảng lên cơn hen. Các cơn hen nhẹ có thể xử trí đơn giản bằng thuốc cắt cơn dạng hít.
Hầu hết các cơn hen trung bình có thể được phát hiện sớm và điều trị ngay tại nhà. Dùng thuốc cắt cơn theo nhu cầu (có thể mỗi 20 phút) và đánh giá lại sau 1 giờ. Nếu hết triệu chứng và lưu lượng đỉnh đo được trên 80%, chỉ định tăng bước điều trị ngay bằng tăng liều corticoid hít: tăng gấp 4 lần liều corticoid hít (7 - 14 ngày).
Nếu triệu chứng còn hoặc hết rồi tái lại trong vòng không quá 3 giờ, lưu lượng đỉnh 50 - 80%, bệnh nhân nên uống Prednison 0,5 - 1mg/kg/ngày vào mỗi buổi sáng (5 - 10 ngày hay đến khi lưu lượng đỉnh về bình thường được 2 ngày) và nên đặt hẹn sớm với bác sĩ.
Nếu cơn hen có các dấu hiệu nặng như khó thở nhiều, không thể làm việc hay vui chơi, đã dùng thuốc mà không bớt, lưu lượng đỉnh dưới 50% giá trị tốt nhất của bạn thì ngoài hít đồng vận beta 2 cắt cơn hoặc phun khí dung mỗi 20 phút, uống ngay Prednison 1mg/kg và phải gọi bác sĩ cấp cứu.
Nếu sau 20 phút tình hình vẫn không được cải thiện, không liên hệ được với bác sĩ hoặc không thể đi hay nói, tím tái môi, đầu ngón tay, thì ngoài hít đồng vận beta 2 cắt cơn/phun khí dung mỗi 20 phút, uống ngay Prednison 1mg/kg, nên gọi cấp cứu ngay và thở oxy duy trì SpO2>90% (nếu có).
PGS-TS-BS. LÊ THỊ TUYẾT LAN - ThS-BS. LÊ THƯỢNG VŨ
Meo.vn (Theo DNSG)
- Mang theo một lọ tinh dầu thiên nhiên để phòng các bệnh dịch.
- Hãy để ý gài chốt an toàn và mở hé với chặn cửa móng ngựa cho thoáng.
- Nên đeo trên người món trang sức đá phong thuỷ để gặp may mắn.
- Tăng năng suất công việc gấp 3 tại Trello Việt Nam.
- Tìm hiểu và mua thiết bị y tế để kiểm tra sức khoẻ, test nhanh, đo huyết áp
- Tìm hiểu và mua thiết bị điện tại Hecico để có giá tốt nhất thị trường
Bài viết: Hơi thở khò khè là lúc bị hen (https://www.meo.vn/hoi-tho-kho-khe-la-luc-bi-hen.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.