Hay tức ngực, khó thở có phải bị bệnh phổi?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

“Cháu 22 tuổi, thường tức ngực, khó thở. Lúc leo dốc hoặc nằm ngửa cháu cảm thấy nghẹt thở. Nhưng đi khám lại không phát hiện gì.

Khám điện tim hay siêu âm thì thấy không có bệnh, nhưng chụp X quang thì bác sĩ bảo bị viêm phế quản. Sao bị viêm phổi mà cháu không bị ho hay có hiện tượng gì ngoài tức ngực, khó thở. Người cháu bây giờ như một bộ xương, làm gì cũng thấy mệt. Liệu cháu có bị bệnh phổi không?”.

Viêm phế quản rất ít khi gây khó thở. Bệnh do vi khuẩn gây nên, điều trị kháng sinh không ít thì nhiều đều có kết quả. Nếu bạn đã điều trị bằng kháng sinh nhiều lần mà không có kết quả thì chắc chắn đó không phải bệnh viêm phế quản.

Trong bệnh lao, người bệnh thường sốt hoặc có cảm giác hâm hấp nóng hoặc gai gai lạnh, mệt mỏi, giảm sút khả năng làm việc cả về trí óc lẫn chân tay. Thường tức ngực không có nguyên nhân rõ ràng, khó thở ở nhiều mức độ khác nhau. Ho có thể nhiều hoặc ít, có khi chỉ có vài tiếng khúc khắc, có đờm ít hoặc nhiều. Hay đổ mồ hôi, thường là ban đêm. Đặc biệt là trạng thái gầy yếu, sút cân không có lý do rõ ràng, có thể giảm từ một vài cân đến 8-9 cân tùy từng trường hợp.

Để xác định có phải là bệnh lao phổi hay không, bạn cần phải đi khám bệnh để xét nghiệm đờm, chụp phổi và làm phản ứng Mantoux.

1. Xét nghiệm đờm: Nếu thấy trực khuẩn kháng cồn, kháng toan thì có thể bạn bị bệnh lao. Nếu không tìm thấy thì cũng chưa loại trừ được bệnh này vì có thể bệnh phẩm không có hoặc có rất ít đờm, nhiều nước bọt; chất khạc không phải từ vùng phổi bị tổn thương hoặc số vi khuẩn trong 1 ml đờm quá ít (dưới 5.000 con), kính hiển vi quang học soi trực tiếp không phát hiện được.

2. Chụp X quang phổi: Nếu thấy tổn thương nhu mô phổi vùng dưới xương đòn, có thể nghĩ tới lao phổi. Nếu không phát hiện thấy thì cũng chưa loại trừ được bệnh lao phổi vì có thể tổn thương quá nhỏ, ở sâu hoặc lấp sau xương đòn, xương sườn, không phát hiện được.

3. Phản ứng Mantoux: Nếu phản ứng dương tính kết hợp có một số dấu hiệu trên thì có thể nghĩ tới lao phổi.

Phát hiện, chẩn đoán lao phổi nhiều khi rất khó. Trong những trường hợp này, bạn nên đến thầy thuốc chuyên khoa lao để được chẩn đoán chính xác. Nếu là lao, việc điều trị không khó khăn. Nếu điều trị đúng cách, đủ liều lượng thuốc, đủ thời gian thì tỷ lệ khỏi rất cao, không nên bi quan.

PGS-TS Hoàng Minh

(Theo Sức khỏe & Đời sống)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Hay tức ngực, khó thở có phải bị bệnh phổi? (https://www.meo.vn/hay-tuc-nguc-kho-tho-co-phai-bi-benh-phoi.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *