Hà Nội: Một bệnh nhân tử vong sau gây mê

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Ngày 7/5, tại khoa ngoại bệnh viện E Hà Nội, sau khi được tiêm thuốc gây mê để tiến hành phẫu thuật đốt hạch giao cảm ngực chữa bệnh ra mồ hôi tay, bệnh nhân Nguyễn Đức Toàn, 22 tuổi đã ngừng tim và tử vong. Hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong.

Bệnh nhân Nguyễn Đức Toàn (sinh năm 1985) quê ở xóm Đoàn Viên- Xã Cao Viên- Thanh Oai- Hà Tây vốn bị căn bệnh ra nhiều mồ hôi tay. Do bất tiện trong sinh hoạt, Toàn quyết định đến viện khám và phẫu thuật để điều trị căn bệnh này. Bệnh nhân được chuẩn đoán ra mồ hôi tay và được chỉ định mổ đốt hạch giao cảm ngực. Ngày 3/5 bệnh nhân nhập viện. Sau khi khám và kiểm tra sức khoẻ của Toàn, khoa ngoại đã lên lịch mổ cho bệnh nhân Toàn vào ngày 7/5.

PGS.TS Đoàn Hữu Nghị, Giám đốc BV E cho biết, trong thời gian chuẩn bị cho ca mổ, các bác sĩ phát hiện thấy bệnh nhân có dấu hiệu bất thường về tim mạch nên đã quyết định hội chẩn tim mạch trước khi phẫu thuật. Kết quả, bệnh nhân có rối loạn dẫn truyền nhĩ thất nhánh bên phải, mạch đập 60 lần/phút (mạch hơi chậm). Tuy nhiên, sức khỏe của bệnh nhân Toàn vẫn cho phép tiến hành ca mổ.

Trong bản tường trình về vụ việc, BS Nguyễn Trung Dũng, trưởng khoa phẫu thuật gây mê hồi sức bệnh viện E Hà Nội nêu rõ, lúc đầu, trách nhiệm gây mê được giao cho BS CK II Đoàn Ngọc Quyên gây mê. Nhưng nhận thấy đây là một ca mổ mà công tác gây mê hồi sức không đơn giản, do bệnh nhân có bệnh tim, mạch chậm, rối loạn thần kinh thực vật từ nhỏ nên BS Dũng quyết định cùng tham gia vào cuộc mổ với vai trò phụ giúp cho bác sĩ Quyên. Như vậy, kíp mổ này được 2 bác sĩ cùng tiến hành gây mê.

Vào khoảng 9h sáng ngày 7/5, các bác sĩ bắt đầu gây mê. Quá trình đặt ống nội phế quản được tiến hành trong khoảng thời gian 10 phút và vẫn đảm bảo đủ ôxy để bệnh nhân thở. BS Quyên điều chỉnh ống cẩn thận và cho biết có thể bắt đầu cuộc mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định. Sau khi gây mê, BS Dũng ra ngoài có việc riêng, chỉ còn BS Quyên chỉ huy cuộc gây mê. Sau đó khoảng 7 – 8 phút, y tá gọi BS Dũngvào. Lúc này, BS Dũng kiểm tra phát hiện không bắt được mạch bệnh nhân. Thấy tình trạng bệnh nhân nguy kịch, hai bác sĩ Quyên và bác sĩ Dũng ngay lập tức hồi sức cấp cứu cho bằng xoa bóp tim ngoài lồng ngực, tăng cường thở ôxy… Bằng mọi biện pháp cấp cứu trong 3h nhưng tim bệnh nhân không hồi phục được, cuối cùng bệnh nhân đã tử vong khi chưa kịp phẫu thuật. BS Dũng cũng tự nhận mình cũng có phần trách nhiệm vì chưa lường hết được các diễn biến nên không cứu được bệnh nhân.

BS Nghị cho biết, sau khi xảy ra sự việc, bệnh viện đã giải thích với người mà bệnh nhân và đưa ra phương án giải quyết. Trong trường hợp nghi ngờ bệnh nhân chết liên quan đến gây mê thì cần phải mổ tử thi để kiểm tra, xem bệnh nhân này Toàn có bất thường về tim mạch, hô hấp hay ở cơ quan nội tạng khác hay không. Còn nếu gia đình không đồng ý mổ tử thi, bệnh viện sẽ có trách nhiệm lo tang lễ chu đáo cho bệnh nhân

Trả lời câu hỏi của phóng viên, những trường hợp có bất thường ở tim mà vẫn chỉ định phẫu thuật thì có nguy cơ như thế nào? PGS Nghị cho biết, bệnh nhân vẫn được phẫu thuật, nhưng nguy cơ sẽ cao hơn những người bình thường. Mà bất cứ một ca phẫu thuật, gây mê nào đều có những rủi ro.

Trước thắc mắc của người nhà bệnh nhân về việc bệnh viện không yêu cầu gia đình ký vào bản cam kết trước khi phẫu thuật, PGS Nghị giải thích, trước phẫu thuật, bệnh nhân đã tự nguyện kí vào biên bản cam kết chấp nhận những rủi ro, nguy cơ của gây mê hồi sức và của phẫu thuật. Trường hợp này bệnh nhân đã đến tuổi thành niên, hoàn toàn được quyền quyết định kí vào biên bản cam kết mà không cần phải người nhà đứng ra kí.

BS Nghị cho biết thêm, đến nay, gia đình bệnh nhân vẫn không đồng ý cho mổ tử thi. Do vậy, nguyên nhân gây tử vong cho bệnh nhân sau gây mê vẫn chưa được xác định. 'Để biết chính xác nguyên nhân gây tử vong, tốt nhất là mổ khám nghiệm tử thi. Còn trong trường hợp không mổ, giả thiết gây tử vong cũng được chúng tôi đặt ra, có thể là bệnh nhân có phản ứng quá mẫn cảm với thuốc, hoặc do tiền sử bệnh tim của bệnh nhân này. Trước mắt, bệnh viện và gia đình sẽ tiếp tục bàn bạc để đưa ra phương án giải quyết hợp lý nhất. Nếu gia đình kiên quyết không mổ tử thi, chúng tôi cũng sẽ nhận một phần trách nhiệm về mình, sẽ lo chu đáo ma chay cho bệnh nhân Toàn', BS Nghị nói.

Hồng Hải (Theo Dantri)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Hà Nội: Một bệnh nhân tử vong sau gây mê (https://www.meo.vn/ha-noi-mot-benh-nhan-tu-vong-sau-gay-me.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *