Giải đáp trực tuyến về biếng ăn và suy dinh dưỡng ở trẻ P5

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

- Con tôi được gần 6 tháng tuổi, nuôi bộ hoàn toàn, hay bị đi ngoài phân sống. Liệu có phải do cháu ăn nhiều quá nên không tiêu hóa hết không? Hiện cháu ăn một bữa bột mặn, một bữa bột ngọt, mỗi lần khoảng gần một bát ăn cơm, ăn khoảng 4 bữa sữa ngày, 150ml/lần. (Hải Vân, 26 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Yến: Cháu nhà chị được 6 tháng tuổi, nuôi bộ hoàn toàn có thể ăn được 2 bữa bột và 4 bữa sữa là bình thường. Trong trường hợp con chị hay bị đi ngoài phân sống có thể do cháu bị rối loạn hấp thu các thành phần trong thức ăn như đường, đạm sữa. Vì vậy, chị có thể giảm bớt bột thay bằng sữa xem tình hình phân của cháu có cải thiện không. Trong trường hợp không cải thiện, cần phải đi khám.

- Xin bác sĩ chỉ cách làm cho đứa trẻ gần 3 tuổi chịu nhai thức ăn cứng, đến giờ con tôi chỉ ăn các thứ không phải nhai. (Thủy Linh, 26 tuổi, TP HCM)

- Bác sĩ Lâm: Chị nên động viên khuyến khích cháu tập nhai các thức ăn cứng. Chị có thể bắt đầu cho cháu tập nhai bằng bột dinh dưỡng dạng bánh Growsure, thì cháu sẽ nhai được tốt hơn.

- Nhiều người nói nên pha sữa với nước cháo cho trẻ uống khi bắt đầu ăn dặm. Vậy bác sĩ cho biết quan niệm như vậy có đúng không? Nếu đúng thì tỷ lệ pha sữa-nước cháo sẽ như thế nào? (Trần Vũ Bình, 29 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Khi trẻ bắt đầu ăn dặm (4-6 tháng tuổi), cháu đã có lượng men tiêu hóa tinh bột nên việc pha sữa với nước cháo có thể sử dụng được, nhưng phải dùng nước cháo thật loãng, vì nếu cháo đặc, trẻ sẽ bị ăn nhiều bột quá dẫn đến tiêu chảy do không tiêu hết tinh bột. Mặt khác, trong bột còn có một số chất ức chế sự hấp thu các vi chất trong sữa, đặc biệt là canxi và kẽm, sắt.

Thường có thể nấu nước cháo loãng như nước cháo được sử dụng cho bù nước trong tiêu chảy.

- Con em được 15 tháng, nặng hơn 10 kg. Cháu đi ngoài rất táo dù em cho ăn nhiều hoa quả như chuối, đu đủ, cam xay cả tép cho cháu ăn. Phải làm thế nào cho cháu đỡ táo? (Lệ Quyên, 27 tuổi, Bắc Ninh)

- BS Lâm: Các loại hoa quả bạn cho con ăn như vậy là rất tốt. Ngoài ra, chú ý cho trẻ uống nước thường xuyên vì thiếu nước cũng là một nguyên nhân gây táo bón ở trẻ nhỏ. Xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải qua trái ngày 3-4 lần vào khoảng cách giữa hai bữa ăn để tăng nhu động ruột, chống táo bón.

- Do phải đi làm nên tôi thường nấu cháo vào tối hôm trước, xay ra và để trong tủ lạnh, hôm sau người giúp việc cho con ăn. Làm thế có được không? Trong điều kiện không thể nấu từng bữa thì tôi phải làm thế nào? (Thanh Thủy, 22 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Làm như vậy có thể làm mất một số vitamin như B1, B2. Tốt nhất là ăn ngày nào nấu ngày đó. Chị có thể mua các nồi hầm bằng điện thì người giúp việc có thể dễ dàng nấu cháo cho cháu. Bên cạnh cháo thì có thể cho cháu ăn xen kẽ bột dinh dưỡng chế biến sẵn, có bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng.

- Thưa bác sĩ, dùng dầu gấc liên tục nấu bột cho trẻ có được không? Có người khuyên tôi là không nên dùng liên tục. (Tuyết Mai, 25 tuổi, Hải Phòng)

- Bác sĩ Lâm: Dầu gấc là một loại dầu tốt có nhiều axit béo không no, nhiều betacaroten, vitamin E. Tuy nhiên chị cũng không nói rõ chị dùng dầu gấc nguyên chất hay đã pha chế với các dầu khác, và số lượng bao nhiêu một ngày. Nếu dầu gấc nguyên chất mà dùng thường xuyên và số lượng nhiều thì cũng không tốt, vì gây thừa betacaroten, làm cháu vàng da, vàng mắt, dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh về gan.

- Con tôi 18 tháng mà vẫn không tự ngồi được vì suy dinh dưỡng nặng, chỉ 8,7 kg. Tôi đã thử mọi cách nấu: cơm nát, nui, phở, súp, cháo, cơm xay, bột ăn liền... Nhưng cháu không chịu ăn; cũng không ăn trái cây, nước cam, yahourt. Các thuốc biobaby, nutroplex, biofidin, fitovit, pecaldex.... cũng không cải thiện được tình hình. Bác sĩ khám bảo rằng cháu chẳng có bệnh gì. Tôi thấy bế tắc quá. (Hương Giang, 22 tuổi, Hà Nội)

- Bác sĩ Yến: Với trường hợp con của chị, theo tôi thì chưa phải cháu bị suy dinh dưỡng nặng đến mức không ngồi được. Vì vậy, con chị vẫn chưa ngồi được ở tuổi này có nghĩa là đứa trẻ mắc một bệnh về rối loạn vận động, có thể do thần kinh hoặc do cơ nên chị cần phải đi khám kỹ lại. Các bệnh đó có thể làm cho cháu chán ăn.

Trong trường hợp cháu bị chán ăn không do bệnh thì chị nên cho cháu ăn theo đúng độ tuổi (con chị chỉ cần 3 bữa cháo + 2 bữa sữa) và tập cho trẻ ăn theo đúng giờ và mỗi bữa ăn không nên dài quá và ăn quá nhiều bữa trong ngày làm trẻ sợ ăn.

- Gần đây trên một số phương tiện thông tin đại chúng có nói rằng men tiêu hóa có thể gây hại cho trẻ, có nguồn tin khác lại phản bác lại. Xin bác sỹ cho biết thông tin chính xác về vấn đề này? (Minh Hiền, 28 tuổi, Ba Đình, Hà Nội)

- Bác sĩ Lâm: Hiện nay trên thị trường có 2 loại men về bản chất là khác nhau: một dạng men bổ sung vi khuẩn có ích cho đường ruột, giúp ức chế các vi khuẩn gây bệnh, ví dụ như cốm vi sinh biobaby; một dạng men khác là bổ sung men tiêu hóa như men pepsin giúp phân giải chất đạm trong thức ăn. Với men loại đầu nên bổ sung cho các cháu trong giai đoạn biếng ăn, rối loạn tiêu hóa, giai đoạn có điều trị kháng sinh, giúp cháu cân bằng lại vi khuẩn đường ruột. Còn loại men thứ hai tốt các cháu bị suy dinh dưỡng, biếng ăn kéo dài, cũng chỉ nên dùng 2 tuần, sau đó nghỉ, rồi mấy tháng sau dùng lại.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Giải đáp trực tuyến về biếng ăn và suy dinh dưỡng ở trẻ P5 (https://www.meo.vn/giai-dap-truc-tuyen-ve-bieng-an-va-suy-dinh-duong-o-tre-p5.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *