Giải đáp những lo lắng của mẹ bầu trong tháng đầu thai kì

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Một sinh linh bé bỏng đang hình thành trong cơ thể là một niềm vui sướng vô cùng to lớn đối với bất kỳ người mẹ nào, nhưng ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ, hầu hết các bà mẹ đều mang trong mình những lo lắng phổ biến.

Hãy cùng nhau giải đáp cho những lo lắng của các bà mẹ :

1. Ốm nghén ảnh hưởng đến sức khỏe, cân nặng của con

Không ít mẹ bầu khi thấy có biểu hiện buồn nôn suốt cả ngày, ăn vào là nôn hết ra… thì sợ rằng như vậy sẽ “khổ” cho con vì mẹ không hấp thu đủ dinh dưỡng.

Đây là điều hết sức bình thường do sự thay đổi hormone trong cơ thể người mẹ. Ốm nghén này chỉ thực sự là vấn đề đáng lo lắng khi chúng khiến cho người mẹ bị giảm cân và suy nhược cơ thể, dẫn đến kiệt sức. Để làm giảm bớt tình trạng ốm nghén khó chịu, hãy thử bấm huyệt, ăn kẹo gừng hoặc các thực phẩm giảm cảm giác nhạt miệng, buồn nôn.

2. Bổ sung không đủ dưỡng chất

Trong tháng đầu tiên mang thai, nhiều mẹ bầu thường có cảm giác mệt mỏi, khó chịu, chán ăn… và có tâm lý: mẹ không ăn được thì không đủ dưỡng chất cho con.

Đây không phải là điều quá lo ngại vì chúng sẽ nhanh chóng biến mất sau khoảng 3-4 tháng. Vì vậy, nếu không ăn uống được nhiều trong thời gian này, mẹ bầu có thể tham khảo tư vấn của bác sĩ để bổ sung các loại chất dinh dưỡng như protein, sắt, vitamin B11, axit folic (một chất đặc biệt cần thiết cho sự phát triển não, các dây thần kinh và sự phát triển của bào thai)…

3. Sẩy thai tự nhiên

Sợ sẩy thai là mối lo lắng thường trực của tất thảy các mẹ bầu khi mới mang thai vì ở giai đoạn này, thai nhi mới hình thành, dễ bị tổn thương.

Thực tế, có nhiều nguyên nhân đe dọa nguy cơ sẩy thai ở tháng đầu thai kì, ví dụ như vị trí thai bám, cơ địa người mẹ, sinh hoạt, ăn uống, bệnh tật của người mẹ… Để giảm thiểu sự lo lắng này, khi có thai, mẹ bầu nên đi khám để được bác sĩ tư vấn. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần đảm bảo chế độ ăn uống hợp vệ sinh, nghỉ ngơi hợp lý, phòng tránh bệnh và đi khám khi có dấu hiệu bất thường.

4. Thai nhi ngoài tử cung

Thông thường, trong tháng đầu của thai kì, không phải bào thai nào cũng đã kịp di chuyển về tử cung và thấy được qua hình ảnh siêu âm ở lần đầu tiên. Điều này có thể khiến mẹ bầu không yên tâm và nghĩ tới một khả năng xấu là mang thai ngoài tử cung.

Mỗi bé có sự phát triển khác nhau nên có thể có những em bé xuất hiện tim thai chậm hơn một chút so với những em bé khác . Trong trường hợp này mẹ bầu không nên lo lắng thái quá mà cần giữ tâm trạng tốt để thai phát triển khỏe mạnh và đi kiểm tra lại theo lịch hẹn của bác sĩ.

5. Không thấy tim thai của con

Tương tự như nỗi lo lắng thai ngoài tử cung, nhiều mẹ Bầu khi đi siêu âm trong tháng đầu tiên mang thai, thấy tim thai của con có chậm hơn những em bé của những mẹ bầu khác thì vô cùng hoảng sợ.

Mỗi em bé có sự phát triển khác nhau nên có thể có những em bé xuất hiện tim thai chậm hơn một chút so với những em bé khác. Bởi vậy, mẹ không nên hoảng sợ mà hãy nghĩ tới những điều tốt đẹp nhất cho con. Hãy đi khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi sự phát triển của con đầy đủ nhất.

6. Chưa thấy các dấu hiệu của thai kì

Rất nhiều mẹ bầu tỏ ra vô cùng lo lắng khi không có dấu hiệu gì của bầu bí (ốm nghén, đau ngực, sợ mùi thức ăn, đi tiểu nhiều…) ngoại trừ dấu hiệu chậm kinh khi đi siêu âm ở giai đoạn thai 4-5 tuần.

Các mẹ hãy giải tỏa tâm lý và yên tâm nhé vì thực tế, trong tháng đầu tiên của thai kì, sự thụ thai mới hình thành chưa được bao lâu (khoảng 2-3 tuần) nên có thể chưa kịp tạo ra những thay đổi ở cơ thể người mẹ. Nhiều mẹ có thể thấy các triệu chứng này chậm hơn (khi thai được 6-8 tuần) hoặc thậm chí không gặp trong suốt thai kì.

7. Chuyện “yêu” của mẹ làm ảnh hưởng đến con

Để yên tâm và tốt cho con, nhiều mẹ nhất quyết “cấm vận” các ông bố trong tháng đầu mới mang thai với lý do: sợ con bám chưa chắc, dễ bị bong ra dẫn đến sẩy thai.

Thực tế, chuyện “yêu” trong thời gian mang thai phụ thuộc vào sức khỏe của mỗi người. Nếu các mẹ bầu có sức khỏe bình thường thì vẫn có thể “yêu” từ những ngày đầu mang thai đến khi gần lâm bồn miễn là chọn được những tư thế thoải mái và chỉ cần kiêng trong trường hợp được bác sĩ khuyến cáo.

8. Không uống sữa bầu ngay từ đầu thì con sẽ không đủ chất

Các mẹ bầu đừng nghĩ rằng cứ mang bầu là phải uống sữa bầu. Sữa bầu là sản phẩm cung cấp dinh dưỡng cho cả hai mẹ con nhưng nó không phải là thức uống bắt buộc. Đặc biệt, khi mới mang bầu, cơ thể thay đổi, kèm theo ốm nghén khiến nhiều mẹ bầu sợ… sữa bầu.

Nếu không uống được sữa bầu, các mẹ hoàn toàn có thể bổ sung bằng các loại sữa và thực phẩm khác miễn sao có lợi cho sức khỏe, cung cấp đủ dinh dưỡng cho 2 mẹ con và mẹ cảm thấy thoải mái khi ăn uống là được.

9. Thay đổi tâm trạng một cách nhanh chóng

Nhiều mẹ bầu giật mình nhận ra tính khí của mình trở nên thất thường, dễ cáu hơn bình thường ngay từ khi biết mình mang thai và sợ rằng con mình sau này cũng cộc cằn không kém.

Thực tế, phụ nữ khi mang thai sẽ có nhiều thay đổi về cảm xúc, ví dụ như: hay cáu gắt, sợ hãi, đôi khi lại buồn chán, tuyệt vọng, tính tình thay đổi theo từng giờ, từ vui sang buồn. Mẹ bầu không nên quá lo lắng về vấn đề này, hãy cố gắng nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, tăng cường trò chuyện với chồng, người thân hoặc bạn bè để giúp cân bằng tâm lý.

10. Vận động mạnh hoặc nặng dẫn đến sẩy thai

“Đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” là cụm từ mà nhiều mẹ bầu thuộc nằm lòng và coi là tôn chỉ cần thực hiện trong thời gian mới mang bầu vì sợ rằng nếu vận động mạnh sẽ dẫn đến sẩy thai.

Trong tháng đầu mang thai, có thể thai chưa vào tử cung hoặc đã vào nhưng chưa bám chắc, vì vậy, việc kiêng tránh vận động mạnh, làm các việc nặng hoặc tham gia hoạt động thể dục thể thao quá sức… là hết sức cần thiết.

Theo Afamily.vn

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Giải đáp những lo lắng của mẹ bầu trong tháng đầu thai kì (https://www.meo.vn/giai-dap-nhung-lo-lang-cua-me-bau-trong-thang-dau-thai-ki.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *