Gánh nặng… tình phí

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Giá tăng, trong cái khó ló cái khôn, bạn trẻ nghĩ ra nhiều cách cắt giảm tình phí.

 

“Tối chở người yêu đi chơi, ghé quán sương sa hạt lựu quen thuộc, xơi xong mới té ngửa: Lúc trước chỉ 8.000 đồng/ly, giờ leo lên 15.000-20.000 đồng”, “Chỉ có 50.000 đồng thì nằm ở nhà ngủ cho khỏe! Ít nhất cũng phải găm tiền trăm mới đủ dũng cảm đi cà phê với người yêu”… Đó là tâm sự của nhiều bạn trẻ tỉnh lẻ đang học tập, làm việc tại thành phố.

Chỉ dựa vào trợ cấp của bố mẹ hoặc lương, sinh viên, công nhân đã phải bóp bụng lắm mới đủ sống. Khi yêu, không chỉ đến gặp nhìn nhau rồi về mà cần có tình phí, đặc biệt là bạn nam.

Nguyễn Văn Bình, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, vừa xin làm chân pha chế tại quán cà phê ở phố Vọng. Ngày làm bốn tiếng, số tiền kiếm được không nhiều, nhưng với Bình như thế đã đỡ một phần tiền ăn ở, lại có tiền mua quà tặng người người yêu trong ngày Valentine và 8-3 sắp tới.

Trần Tiến Thành, 23 tuổi, công nhân Cty Canon (KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội), sau giờ làm còn hành nghề xe ôm. “Trước đây, hết giờ làm ở Cty, mình chỉ về nhà ngủ hoặc lang thang đâu đó, nhưng nay cố chạy xe kiếm thêm ít tiền để đổ xăng đi làm, đi chơi với người yêu và… tình phí”, Thành nói.
“Cam-pu… chia”

“Dẫn người yêu vào quán thì... kẹt, đi vòng vòng bằng xe đạp thì... mệt, còn cưỡi xe máy thì hãi tiền xăng”, Thành Nam, ĐH Kiến trúc Hà Nội, tâm sự. Vũ Tiến Nghĩa, 19 tuổi, Cty Canon (Đông Anh, Hà Nội), có người yêu gần 2 năm, nói: “Đưa bạn gái đi chơi, mình chi là phải. Nhưng nhiều khi “nửa kia” rủ cả bạn bè trong phòng, mà mình không có nhiều tiền. Đôi khi mới giữa tháng mình đã phải ăn mỳ tôm”.

Nhiều đôi trẻ bắt đầu nghĩ đến việc hợp tác chung chi, hay cam-pu...chia mỗi khi đi ăn uống. Cao Thị Huế, Đại học KHXH & NV Hà Nội, chia sẻ: “Biết anh ấy cũng khó khăn nên đôi lúc đi chơi mình cũng giành trả tiền. Mình thấy việc này bình thường”. Thay vì nơi sang trọng, nhiều bạn gái chủ động đề nghị người yêu đưa đến quán bình dân.

Chúng tôi ghé thăm các dãy trọ công nhân ở Kim Chung (Đông Anh) vào ngày cuối tuần. Nhiều đôi trẻ trong dãy trọ đã góp kẹo bánh thổi tình chung. Cao Thị Duyên, 20 tuổi, quê Thanh Hóa, cho biết: “Giá tăng, lương công nhân khó sống. Nhiều đôi quây quần trong một căn phòng ấm cúng, cùng ăn, cùng hát. Mình thấy tình yêu có thêm gia vị và gắn kết mọi người”.
Hẹn hò công cộng
Để giảm chi phí, nhiều đôi trẻ chọn nơi công cộng làm điểm hẹn hò thay cho quán hàng, rạp chiếu phim, trung tâm mua sắm. Những địa chỉ như Hồ Gươm, Hồ Tây, hồ Văn Quán hay cầu Long Biên (Hà Nội)… trở nên đông hơn khi giá cả leo thang.

Lò Văn Chung, sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên, nói: “Vừa rồi nàng rủ đi chùa Bái Đính nhưng mình từ chối khéo vì ngân quỹ cạn. Lúc nào rỗi hai đứa lại ra đây hoặc dạo phố rồi về”.

Thay vì đến các cửa hàng quà tặng sang trọng cho ngày đặc biệt, không ít bạn trẻ tìm đến các khu chợ, quán bình dân. Chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy), chợ đêm Phùng Khoang (Từ Liêm)… cũng nhộn nhịp hơn trong dịp này.

Quà tự chế

Quà tự chế cũng là một phương án được nhiều người áp dụng. “Sắp đến 8 - 3, mình đang gắng hoàn thiện 1.000 con hạc giấy để tặng cho người ấy. Tuy mất thời gian, nhưng vừa tiết kiệm vừa thêm phần ý nghĩa”, Nguyễn Thanh Duy, ĐH KHXH&NV, chia sẻ.

Trong khi đó, Lê Thị Quỳnh, công nhân Cty giày Thượng Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) lại tặng quà sinh nhật cho người yêu bằng biệt tài nấu nướng của mình. Quỳnh nói: “Trước đây, hai đứa thường ra ngoài ăn uống. Valentine vừa rồi, mình cũng nấu những món ăn mà hai đứa thích, vừa tiết kiệm, vừa ấm cúng”.

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Gánh nặng… tình phí (https://www.meo.vn/ganh-nang-tinh-phi.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *