“Gạn đục khơi trong” các kiến thức về thai kỳ – Phần 1

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

(Webtretho) Bà mẹ nào cũng muốn biết và làm những điều tốt nhất cho con ngay từ khi còn thai nghén, nhưng giữa một rừng thông tin nghe được hoặc đọc được, quả thật là khó để chúng ta biết nên đặt niềm tin vào đâu. Thực tế, rất nhiều điều mẹ tâm đắc hóa ra lại là ngộ nhận. Giờ là lúc để mẹ gạn lọc lại những kiến thức của mình để có một thai kỳ hoàn hảo!

Về chế độ ăn uống trong thai kỳ

Bà bầu nên ăn uống ra sao để mẹ khỏe con khỏe? Ảnh: Gettyimages.

Phổ biến và gây nhiều hoang mang nhất trong số các thông tin nhiễu loạn về thai kỳ chính là thông tin về chế độ ăn uống của thai phụ. Trong giai đoạn này, việc duy trì chế độ ăn lành mạnh là hết sức quan trọng, điều đó bình thường vốn đã không dễ dàng nay lại càng khó khi các bà mẹ mang thai “lùng bùng” không biết phải nghe ai trước những thông tin “nên ăn gì” và “không được ăn gì”.

Tin vui cho các bà mẹ mang thai là hầu hết những thực phẩm tốt cho mẹ thì cũng tốt cho con. Hầu hết các loại trái cây và rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, một số chế phẩm từ sữa và đa số các nguồn đạm là tốt cho cả mẹ và bé. Chỉ có rất ít loại thực phẩm mà bạn cần phải tránh.

Cá là một trong số các thực phẩm gây quan ngại về hàm lượng thủy ngân – một kim loại nặng độc hại cho thai nhi, trẻ em và cả người lớn. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến cáo phụ nữ không ăn quá 350g cá / tuần. Thai phụ được phép ăn các loại cá như cá ngừ đóng hộp, cá hồi, cá da trơn và tôm. Riêng cá ngừ trắng nên hạn chế ở mức dưới 170g / tuần và nên tránh các loại cá chứa thủy ngân cao như cá kiếm, cá mập, cá kình, cá thu… Bên cạnh lo ngại về hàm lượng thủy ngân của cá biển, các loại cá nuôi, chẳng hạn cá hồi nuôi còn được cho là dễ nhiễm chất ô nhiễm đủ cao để có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi và các vấn đề phát triển của trẻ về sau.

Tuy nhiên, chưa có đủ bằng chứng cho thấy cá nuôi ô nhiễm hơn so với cá tự nhiên, trong khi lợi ích của việc ăn cá thường xuyên tỏ ra “nặng ký” hơn nhiều so với nguy cơ không rõ ràng mà nó đem lại.

Một nghiên cứu lớn được công bố trên một tạp chí Y Dược của Anh đã chứng minh cá là một thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn uống của thai phụ. Nghiên cứu được tiến hành trên gần 12.000 trẻ em cho thấy những trẻ có mẹ ăn các loại cá trong thời gian mang thai có chỉ số thông minh cao hơn so với trẻ có mẹ hoàn toàn không ăn cá. Con của các bà mẹ ăn cá cũng thể hiện kỹ năng vận động, giao tiếp và xã hội tốt hơn.

Cá là món ăn ngon và bổ dưỡng cho mọi người, đặc biệt là thai phụ. Ảnh: Gettyimages.

“Người hùng bí ẩn” trong cá chính là acid béo omega-3 rất quan trọng đối với sự phát triển thần kinh của thai nhi. Ngoài cá, các nguồn giàu omega-3 bao gồm hạt lanh, các loại hạt (đặc biệt là hạt óc chó), đậu nành, trứng, bánh mì, nước trái cây, các loại dầu cũng như viên bổ sung omega-3. Tuy vậy, nguồn omega-3 dồi dào nhất vẫn là từ dầu cá.

Các thực phẩm khác mà thai phụ nên tránh trong thai kỳ có liên quan đến khuẩn listeria, một loại vi khuẩn có khả năng làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, thai chết lưu và bệnh lý thai nhi, bao gồm (theo khuyến cao của FDA):

- Sữa chưa tiệt trùng và các loại phô-mai (trừ loại được ghi nhãn “được sản xuất từ sữa tiệt trùng”);

- Thịt đông lạnh và pa-tê;

- Hải sản xông khói đông lạnh (trừ khi được nấu chín kỹ);

- Xúc xích và các loại thịt nguội (trừ khi được nấu chín đến bốc khói).

Các chuyên gia cũng khẳng định lại về việc ăn trứng tái (trứng chần), trứng sống (gồm các món ăn từ trứng chưa làm chín như sinh tố trứng, sữa trứng, cà phê trứng, bánh tiramisu…) có thể gây nhiễm khuẩn salmonella. Phụ nữ mang thai nhiễm salmonella có thể bị nôn mửa và mất nước.

Tăng cân trong thai kỳ

Tùy theo mức cân nặng khi mới mang thai, mẹ sẽ xác định được mức tăng cân phù hợp với mình. Ảnh: Agefotostock.

Một kinh nghiệm truyền khẩu nổi tiếng không kém về thai kỳ là mẹ cần ăn thêm bao nhiêu để em bé trong bụng phát triển khỏe mạnh. Câu nói “ăn cho hai người” không hẳn sai, nhưng hãy nhớ rằng bạn đang ăn cho bạn và một người “nhỏ xíu” thôi chứ không phải đang ăn cho hai người trưởng thành.

Bạn cũng có thể đã nghe hoặc đọc được thông tin rằng thai phụ cần bổ sung thêm 300kcal / ngày, nhưng vế quan trọng nhất mà mọi người thường bỏ qua khi đọc thông tin này đó là con số này chỉ dành cho các thai phụ có cân nặng bình thường khi bắt đầu có thai.

Những thai phụ thừa cân khi mới mang thai được khuyên không nên tăng thêm calo trong chế độ ăn uống thai kỳ của mình, thậm chí có thể giảm cân một chút cũng không vấn đề gì, đặc biệt là nếu đó là kết quả của việc cắt giảm thức ăn vặt và chuyển sang chế độ ăn lành mạnh hơn. Theo một nghiên cứu chuyên ngành Sản – Phụ khoa năm 2007, những thai phụ quá cân trong thai kỳ của mình tăng dưới mức khuyến cáo 7kg thực sự có được những kết quả thai kỳ tốt hơn, giảm nguy cơ tiền sản giật, bắt buộc sinh mổ và kích thước trẻ sơ sinh bất thường (quá lớn hoặc quá nhỏ).

Còn nếu bạn quá gầy và thiếu cân khi mới mang thai, bạn có thể sẽ cần bổ sung nhiều calo hơn so với con số 300kcal / ngày nêu trên và cũng cần tăng cân nhiều hơn để có thể bắt kịp với nhu cầu phát triển của em bé trong bụng.

(Còn tiếp)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: “Gạn đục khơi trong” các kiến thức về thai kỳ – Phần 1 (https://www.meo.vn/gan-duc-khoi-trong-cac-kien-thuc-ve-thai-ky-phan-1.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *