Gần 2/3 bà mẹ không biết cách cho con ăn dặm

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Từ tháng thứ 6 trở đi, trẻ cần được cho ăn bổ sung, tuy nhiên tại Việt Nam chỉ có 53% trẻ được nuôi bổ sung đúng, đủ, nhiều trẻ được ăn quá sớm, quá muộn hoặc không đủ chất.

Đây là kết quả nghiên cứu thực hành về nuôi dưỡng trẻ nhỏ ở Việt Nam được đưa ra tại buổi hội thảo về nuôi dưỡng trẻ nhỏ tổ chức tại Hà Nội ngày 22/1.

Nghiên cứu này dựa trên số liệu khảo sát năm 2012, có sự tham gia của 1.200 bà mẹ, tuổi 18-40, có con 0-4 tuổi, tại 8 tỉnh, thành là Hà Nội, Thái Bình, Đà Nẵng, TP HCM, Nghệ An, Đồng Nai, Cần Thơ và Tiền Giang.

Sữa mẹ là thức ăn đầu tiên và tốt nhất cho trẻ nhỏ, nhưng sau 6 tháng trẻ phát triển nhanh, nhu cầu dinh dưỡng đòi hỏi cao hơn, vì vậy cần được cho ăn bổ sung. Tuy nhiên, vấn đề nay ở Việt Nam còn nhiều bất cập.

Cụ thể, theo nghiên cứu trên chỉ có gần 35% các bà mẹ cho trẻ ăn bổ sung theo đúng thời điểm được khuyến nghị, tức là kể từ 6 tháng tuổi. Thời điểm cho trẻ ăn dặm sớm (trước 5 tháng tuổi) của các bà mẹ ở thành thị cao hơn so với ở nông thôn. Thức ăn bổ sung sớm của trẻ thường là nhóm tinh bột như cơm, cháo, mì. Ngược lại, vẫn còn 4% đến tháng thứ 10 mới bắt đầu cho con ăn dặm.


Ngoài cho trẻ ăn đủ số lượng, cha mẹ cần chú ý đảm bảo sự cân đối trong
4 nhóm thực phẩm. Ảnh: P.N.

Trong khi đó, thông thường từ 6 tháng tuổi hệ tiêu hoá của trẻ mới phát triển hoàn thiện, tiêu hoá được thức ăn đặc. Vì thế, nếu ăn sớm quá trẻ dễ bị rối loạn tiêu hoá. Ngược lại cho ăn bổ sung muộn quá thì trẻ thường bị thiếu chất, chậm lớn, tăng nguy cơ mắc bệnh.

Cũng theo nghiên cứu thì khẩu phần ăn bổ sung cho trẻ cũng chưa đảm bảo sự đa dạng và tính cân đối. Chế độ ăn dặm của bé cần 4 nhóm chất là: bột đường (cơm, cháo, mì), đạm (thịt, cá, gà, tôm, cua, hải sản), chất xơ (đậu phụ, các loại hạt đậu hoặc sữa có đậu nành), vitamin và khoáng chất (trái cây, rau củ hoặc uống nước ép).

Tuy nhiên, chỉ có gần 1/3 số bà mẹ cho ăn đúng cách (đủ 4 nhóm thực phẩm này), trong đó ở thành thị lại kém hơn nông thôn. Phó giáo sư Nguyễn Hữu Minh, Giám đốc Viện Gia đình và Giới, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam lý giải có thể là ở thành phố các bà mẹ chú trọng nhiều vào sữa công thức hơn, thức ăn không sẵn có như ở nông thôn.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc và sản phẩm bổ sung vi chất ở nuớc ta không đáng kể. Loại được sử dụng cao nhất là canxi cũng chỉ đạt 17%, hay như sắt, một thành phần rất quan trọng với sự phát triển của trẻ tỷ lệ bổ sung chỉ là 9%. Điểm đáng chú ý là có đến một nửa trong số các bà mẹ từng sử dụng thuốc bổ cho con không hề hỏi ý kiến bác sĩ.

Một khảo sát khác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2012 cũng cho thấy tình trạng thiếu các vi chất như vitamin A, C và sắt của trẻ khá cao, chỉ đạt 30-50% nhu cầu. Trong khi khẩu phần canxi trung bình chỉ đáp ứng được 49% nhu cầu.

Theo các chuyên gia, việc cho trẻ ăn bổ sung đúng cách cũng chưa được chú trọng tại Việt Nam. Thông tin về các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung được dẫn dắt bởi các quan niệm và thói quen truyền thống, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Nguồn thông tin cung cấp từ y tế rất ít.

Giáo sư Nguyễn Công Khanh, Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam cho rằng, các chính sách cần phải chú trọng đến tầm quan trọng của việc cho trẻ ăn bổ sung đủ dinh dưỡng, an toàn, đặc biệt trong giai đoạn 7-36 tháng tuổi. Đây là giai đoạn có tỷ lệ suy dinh dưỡng, thiếu dinh dưỡng cao nhất.

 (Theo Afamily)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Gần 2/3 bà mẹ không biết cách cho con ăn dặm (https://www.meo.vn/gan-23-ba-me-khong-biet-cach-cho-con-an-dam.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *