Đừng “xông đất” bệnh viện đêm giao thừa

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Hàng năm, vào thời khắc đón Giao thừa, các y bác sĩ đều phải đón Tết chung với những bệnh nhân (BN) “xông đất” bệnh viện (BV).

 

Cái Tết sẽ vui vẻ yên bình hơn nếu mọi người biết giữ gìn sức khỏe.

Bệnh nào thường “xông đất” BV?

Bệnh nhiều nhất là các chấn thương, vết thương do tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt. Khi lưu thông trong đêm đón Giao thừa hay đi chùa, nên cẩn thận tránh phóng nhanh, đánh võng, vượt ẩu, không nên có mùi rượu bia, đội mũ bảo hiểm phải thắt dây an toàn. Chú ý những chỗ đông xe, nghẹt đường, dễ xảy ra va quẹt làm trầy xướt, rách da phải vào viện khâu vết thương.

Đi chùa tránh bỏng da do nhang. Nếu người nào bị hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay có bệnh tim mạch cũng nên hạn chế đi vào chỗ đông người, chỗ khói nhang mù mịt ở chùa.
Chấn thương thường “xông đất” bệnh viện nhiều nhất.

Việc xem bắn pháo hoa, cũng cần cẩn thận khi đứng trên ghế cao hay cầu thang. Đã có trường hợp bị gãy xương cẳng tay do mất thăng bằng, té từ trên ghế xuống khi xem bắn pháo hoa.

Việc khui chai rượu sâm banh để mừng thắng lợi đầu năm cũng cần để ý hướng cái nút chai bay lên, cần chọn hướng an toàn không trúng vào đèn chùm hay người xung quanh.

“Xui” nhất là những BN dọn dẹp, rửa nhà rất muộn, chỉ cách Giao thừa vài tiếng bị tai nạn trượt té làm bong gân, rách da, gãy xương tay, chân, đau lưng.

Những “vị khách” không mời tiếp theo?

Tiếp đến là những BN bị ngộ độc thức ăn, thường do ăn đồ cũ để tủ lạnh hay đồ ăn hâm lại nhiều lần. BN bị viêm dạ dày tái phát do uống rượu bia nhiều. BN bị phù phổi cấp, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim sau uống quá nhiều rượu bia và ăn mặn. BN bị đái tháo đường nhập viện vì đường huyết cao, do quên kiểm soát chế độ ăn vì vui quá. BN bị chấn thương sọ não do nhậu nhiều và tự té khi lưu thông trên đường.
BN bị bỏng da do sơ ý khi đốt vàng mã cúng bái hay nấu nướng. BN bị viêm ruột thừa cấp, tiêu chảy nhiễm trùng vì ăn ốc không luộc kỹ. Các cháu bé bị dị vật đường thở do thấy người lớn cắn hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ, hướng dương, đậu phộng… trẻ cũng tò mò bắt chước theo, làm hóc, sặc vào phổi, nhất là ở các bé dưới 3 tuổi. Bệnh viêm đường hô hấp do đi chơi Tết thâu đêm, thức khuya nhậu nhẹt không giữ ấm bị nhiễm lạnh.

Đừng làm người “xông đất” BV trong đêm giao thừa

Rất đơn giản, chỉ cần cẩn thận trong việc dọn dẹp nhà cửa, ăn uống điều độ, thức ăn, thức uống nấu chín. Không ăn thức ăn cũ. Uống rượu bia có chừng mực, lưu thông trên đường không có mùi rượu bia, tuân thủ tốt luật giao thông. Uống thuốc đủ liều - đủ ngày với những người đang mắc bệnh mạn tính. Trông nom trẻ nhỏ cẩn thận.

Ở những nơi có thời tiết lạnh, nên giữ ấm khi ra đường.

Khi có triệu chứng của bệnh phải đi khám ngay, tránh ở nhà mải mê đón Tết mà mắc bệnh hay biến chứng nặng hơn.
BS Trần Mạnh Hà
Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Đừng “xông đất” bệnh viện đêm giao thừa (https://www.meo.vn/dung-xong-dat-benh-vien-dem-giao-thua.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *