Dùng thuốc gì để da hết nẻ khi trời hanh khô?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Khi trời hanh khô là tôi lại bị nẻ mặt và tay. Da mặt tôi đỏ ửng, ngứa, rát, có khi còn nứt thành vệt, rớm máu, vùng bị nẻ da dày bì lên, rất đau và khó chịu. Tôi đã bôi nhiều loại kem chống nẻ, dưỡng ẩm nhưng chỉ đỡ rất ít. Xin hỏi có loại thuốc nào chữa hết nẻ? Mọi người mách tôi bôi mỡ tetracyclin tra mắt và flucinar sẽ hết nẻ, có đúng không?

Lưu Thu Huyền (Nam Định)

Bình thường, cơ thể luôn có sự mất nước từ bên trong qua da. Vào mùa thu, đông, khi thời tiết khô hanh hoặc khi ở lâu trong phòng điều hòa…, sự mất nước này lại càng tăng mạnh, vì vậy, da thường khô ráp, dễ bị nứt nẻ, nhất là đối với trẻ em.

Khi da bị khô nẻ, lớp thượng bì trên cùng trở nên thô, nhăn nheo, đôi khi bong hàng lớp tế bào da chết trông như da bị mốc, nhiều trường hợp da trông xù xì. Một số người có thể bị ngứa nhẹ. Sau khi rửa mặt, nhất là những người hay dùng nước nóng thì da mặt bị đỏ, hơi dầy lên, sờ vào có cảm giác thô ráp. Trời càng lạnh thì da càng khô hơn. Đây là do hiện tượng tăng mất nước qua thượng bì khi trời lạnh. Da của người trưởng thành có độ đàn hồi cao nhờ hệ thống sợi collagen, nhưng ở da của trẻ, những sợi collagen này nhỏ hơn rất nhiều lần và da của trẻ chưa có lớp bã nhờn nên chức năng chống chọi với mọi tác hại cũng thấp hơn nhiều lần so với người lớn.

Khi bị nẻ, cần chú ý giữ vệ sinh vùng nẻ. Rửa mặt nhẹ nhàng ngày 2 – 3 lần bằng nước ấm vừa phải, không dùng nước nóng sẽ làm cho da mất nước nhiều hơn. Không nên lạm dụng sữa rửa mặt và xà phòng vì hoạt chất tẩy rửa của chúng càng tẩy mất chất nhờn trên da nhanh hơn, da càng thêm khô. Sau khi rửa mặt xong, có thể bôi các chế phẩm làm ẩm, mềm da như physiogel, cetaphil, vaselin, vitamin E… Nếu nẻ nhiều, có thể bôi ngày 2 – 3 lần. Nên dùng dưa chuột, cà chua, củ đậu rửa sạch, thái lát đắp mặt nạ trước khi đi ngủ. Cần xem trọng việc bổ sung nguồn vitamin cần thiết cho da bằng cách uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây mỗi ngày và nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài trời để hạn chế việc da bị nẻ.

Tuyệt đối không bôi các thuốc có chứa steroid như trangala, cortebios, chlorocid H, flucinar, fobancort, gentrisone, diprosone… Dùng kéo dài các thuốc này sẽ gây nên nhiều hậu quả xấu như nổi mụn trứng cá, da mặt sần sùi, teo da.

Theo như mô tả của bạn thì có thể bạn có yếu tố cơ địa dị ứng nên mức độ nẻ nặng hơn những người bình thường. Bạn cần đi khám ở chuyên khoa da liễu để được xác định tình trạng bệnh cụ thể và hướng dẫn dùng thuốc. Bạn không tùy ý dùng thuốc theo sự mách bảo. Hơn nữa, mỡ tetracyclin tra mắt là kháng sinh dạng bôi rất hạn chế dùng trên da mặt và thuốc flucinar chứa flucinolone acetonide – dẫn chất của glycocorticosteroid, chỉ định điều trị bệnh vẩy nến, viêm da tiết bã nhờn, lichen phẳng, ngứa sần, eczema, không dùng thuốc ở da mặt, da cổ. Dùng lâu có thể gây tổn thương tại chỗ cho da, đôi khi kích ứng và nhiễm khuẩn thứ phát.

DS. Thanh Hoài

Theo Suckhoevadoisong.net

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Dùng thuốc gì để da hết nẻ khi trời hanh khô? (https://www.meo.vn/dung-thuoc-gi-de-da-het-ne-khi-troi-hanh-kho.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *